Thursday, May 13, 2021

ĐỨC MẸ FATIMA

Trong khi Đức Mẹ Fatima hiện ra giữa tháng 5 và tháng 10 năm 1917, Đức Trinh nữ Maria trao cho ba trẻ chăn chiên ba bí mật.
Bí mật đầu tiên là một thị kiến về hỏa ngục vốn rất gây sốc cho ba trẻ nhỏ. Sau đó, các em thành tâm cầu nguyện để các tội nhân được hoán cải. Dù thị kiến này xảy ra khoảnh khắc chỉ một lần, nhưng cũng đủ để ta nhớ mãi. Lời tiên tri vĩ đại nhất này nhắc nhớ rằng:
“Có ma quỷ và có các linh hồn rơi vào biển lửa khủng khiếp với những tiếng khóc than đau đớn và tiếng kêu ngào tuyệt vọng. Nó gây nên nỗi kinh khiếp và khiến họ run rẩy sợ hãi.”
Thứ hai là bí mật tiên tri. Đức Maria nói với các trẻ chăn cừu rằng nếu con người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ xảy ra. Mẹ cũng thông báo về sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản, và hệ quả là Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng bị bắt hại.
Để tránh ba tai họa này, Đức Mẹ đề nghị hãy thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên toàn thế giới và chính đức Giáo Hoàng dâng nước Nga cho Mẹ vốn là điều ĐTC Gioan Phaolo II đã làm vào tháng 3 năm 1984.
Bí mật thứ ba của Fatima gồm thị kiến khác. Các mục tử thấy một đức giám mục trong trang phục màu trắng vốn ám chỉ Đức Giáo Hoàng bị giết cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong nhiều tầng lớp của xã hội.
Bí mật này đã sáng tỏ khi những bách hại mà Giáo hội phải chịu đau khổ trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt dưới bàn tay Cộng Sản. Chính ĐTC Gioan Phaolo II nhận ra thị kiến này ngang qua cuộc tấn công ám sát ngài.
Dù những bí mật này nói về những sự kiện trong quá khứ, nhưng có một sợi chỉ xuyên suốt trong ba bí mật này là: Lời mời gọi tội nhân ăn năn hoán cải, bởi hành vi xấu xa của họ là nguyên do chính của tội ác trên thế giới. Đây là sứ điệp trường tồn của thông điệp Fatima.
Ngày 13 Tháng Năm 2017, là ngày kỷ niệm đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha). Thế kỷ vừa qua, nhiều nhân vật trên khắp thế giới, đã đưa ra bao nhiêu là ý kiến, giả thuyết nhằm giải mã những sứ điệp ẩn tàng của ba “bí mật” Fatima. Dầu vậy, chính chị Lucia đã cho biết “việc giải thích này không phải là việc của thị nhân, nhưng là việc của Giáo hội, của Huấn quyền Hội thánh”. Giải thích vô số dấu chỉ, biểu tượng liên quan đến sự kiện Đức Mẹ Fatima, đấy là việc thuộc Huấn quyền Giáo hội, nhằm giúp cho các tín hữu có được một chỉ dẫn rõ ràng để nhận ra ý Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta.
Và Giáo hội đã thực hiện điều này vào năm 2000, khi hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã có một bản giải thích, chú giải khá dài về điều vẫn được gọi là “Bí Mật Thứ Ba” đình đám. Ngài đã minh giải các dấu chỉ, biểu tượng liên quan đến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, và chỉ ra, có những mặc khải rất lớn lao.
Dưới đây là 5 mặc khải khiến chúng ta ngỡ ngàng, nơi “Bí Mật Thứ Ba” liên quan đến Đức Mẹ Fatima, theo như lời minh giải của đức hồng y Ratzinger.
Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối!
1. “Từ khoá mấu chốt của phần thứ ba này là lời hiệu triệu, van xin: ‘Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối!’ Những lời gợi nhớ lại những lời mở đầu của Tin Mừng: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ (Mc 1,15). Nhận ra các dấu chỉ của thời đại, nghĩa là nhận ra tính cấp bách của việc cần phải sám hối – hoán cải – và tin. Đây là lời đáp trả cần kíp phải có vào thời điểm lịch sử hiện nay, một thời điểm đang phải đối diện với rất nhiều thảm hoạ tang thương có thể xảy ra, như được mô tả qua các hình ảnh”.
Sứ điệp trọng tâm của Đức Mẹ Fatima chính là “sám hối”. Đức Mẹ đã cố gắng nhắc nhớ thế giới về việc, cần phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ác quỷ, và chữa lành, khắc phục những hậu quả gây ra do tội lỗi chúng ta. Đây chính là “chìa khoá” giúp hiểu phần còn lại của “bí mật” này. Tất cả đều xoay quanh việc cần phải sám hối.
Thanh gươm lửa là do chúng ta tự đúc ra
2. “Vị thiên thần cầm thanh gươm lửa đứng bên trái Đức Mẹ, gợi nhắc lại hình ảnh tương tự trong sách Khải Huyền. Hình ảnh này cho thấy sự đoán phạt mà thế giới phải chịu. Ngày nay, khả năng thế giới có thể bị huỷ diệt thành tro bụi bằng một biển lửa, xem ra không chỉ còn là chuyện tưởng tượng đơn thuần nữa: chính con người, với các phát minh của minh, đã rèn ra thanh gươm lửa ấy. Tiếp đến, thị kiến cho thấy có một lực đối lại với lực huỷ diệt – tức là ánh sáng toả ra từ nơi Mẹ Thiên Chúa, một cách nào đó, ánh quang này phát xuất từ những lời hiệu triệu kêu gọi người ta sám hối”.
Phần đoạn đặc biệt này trong thị kiến có lẽ là đoạn buồn nhất. Ra như Thiên Chúa có thể dùng “thanh gươm lửa” mà đánh phạt chúng ta. Tuy nhiên, hồng y Ratzinger lưu ý chúng ta rằng, “thanh gươm lửa” có thể là một thứ gì đó do chính chúng ta tạo ra (chẳng hạn bom hạt nhân) khác hẳn với lửa từ trời xuống. Điểm đáng mừng là thị kiến cho thấy thanh gươm lửa “bị dập tắt khi chạm vào ánh quang của Đức Mẹ” có liên quan đến lời kêu gọi “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy sám hối”. Đức Mẹ nắm giữ tiếng nói quyết định, ánh quang của Mẹ có thể chặn đứng bất kỳ đại hoạ nào.
Tương lai không tất định
3. “Tầm quan trọng của tự do con người được nhấn mạnh: tương lai không phải là một điều gì đó tất định, và hình ảnh mà các trẻ nhìn thấy không phải là một cuốn phim quay cảnh tương lai, trong đó, mọi chuyện không thể thay đổi được. Quả vậy, trọng tâm hướng tới của thị kiến là nhấn mạnh tới vai trò của tự do, và khuyến khích người ta biết dùng tự do của mình mà làm những chuyện tích cực, tốt lành…Thị kiến này nhắm kích thích các năng động lực để tạo nên các đổi thay theo hướng tích cực, đúng đắn”.
Trái với niềm tin bình dân, các thị kiến mà Đức Mẹ Fatima cho chúng ta nhìn thấy, không phải là một cuốn phim cho thấy những điều chúng ta sẽ phải trải qua. Chúng là một viễn cảnh báo trước trước những điều có thể xảy ra, nếu ta không biết đáp lại lời kêu gọi thống hối và hoán cải của Đức Mẹ. Tự do của chúng ta vẫn còn đó, và chúng ta được thúc giục hãy dùng nó để mưu cầu thiện ích cho toàn thể nhân loại.
Máu các tử đạo là hạt giống làm triển nở Giáo hội
4. “Phần kết luận của ‘bí mật’… là một thị kiến đầy an ủi, thị kiến này giúp soi giọi, và cho thấy sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa vẫn tác động trong cả một lịch sử đầy máu và nước mắt. Dưới cánh thập giá, các thiên thần thu lượm máu các vị tử đạo, và với máu này, các ngài giúp mang lại sự sống cho các linh hồn đang hướng tìm Thiên Chúa… Như Giáo Hội đã được sinh hạ từ sự chết của Chúa Kitô, từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người thế nào, thì sự chết của các tử đạo cũng sinh hoa trái cho sự sống tương lai của Giáo Hội như vậy. Do đó, thị kiến của phần thứ ba trong ‘bí mật’, dù thoạt đầu gây phiền não là thế, nhưng đã kết thúc bằng một hình ảnh đầy hy vọng: không có đau khổ nào vô ích cả, và chính một Giáo Hội đau khổ, một Giáo Hội của các vị tử đạo mới trở thành cột mốc chỉ đường cho con người trong cuộc truy tầm Thiên Chúa của họ”.
Thị kiến này đúng là chứa chan đau khổ và nguy biến, nhưng đó không phải là những khổ đau vô ích. Giáo Hội có thể phải đau khổ nhiều trong những năm sắp tới, và chúng ta chẳng ngỡ ngàng chi về điều này. Giáo Hội vốn đã chịu bách hại ngay từ khi Chúa chúng ta chịu đóng đinh rồi, và những đau khổ hiện nay của chúng ta chắc chắn sẽ mang lại các hoa quả tốt lành tương lai.
Đừng sợ. Thầy đã thắng thế gian
5. “‘Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng’. Điều này có nghĩa là gì? Trái Tim Mẹ rộng mở cho Chúa, được thanh tẩy nhờ việc gẫm suy, quan chiêm Người, Trái Tim ấy thì mạnh hơn bất kỳ súng đạn nào… Thần Ác đang có uy lực trong thế giới này… Nó có uy lực vì tự do của ta, hết lần này đến lần khác bị dẫn dụ rời xa Thiên Chúa. Nhưng… tự do chọn điều ác không còn tiếng nói sau cùng của nó nữa… tiếng nói quyết định là những lời thế này: ‘Các con sẽ phải chịu nhiều thống khổ trong thế gian, nhưng can đảm lên; Thầy đã thắng thế gian’ (Ga 16:33). Sứ điệp Fatima mời gọi ta tin tưởng vào lời hứa này”.
Tóm lại, “bí mật” Fatima cho chúng ta niềm hy vọng giữa lòng một thế giới bị tan hoang bởi tham, sân, si và chiến tranh. Xatan sẽ không thắng được, và các âm mưu của nó sẽ bị phá tan bởi Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Rất có thể sẽ có những đau khổ lớn lao trong tương lai gần, nhưng nếu ta biết bám chặt lấy Chúa Giêsu và Mẹ của Người, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng. 
Philip Kosloski
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
Tr

Sunday, May 9, 2021

HÒN ÐÁ NÉM ÐI
 
Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sacmối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".
Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.
Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Của lễ hy sinh trên thập giá củaChúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm".
Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng...
Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.

Trích sách Lẽ Sống