Friday, May 13, 2022

BÀI LỜI CHÚA 1-6
Điều răn thứ nhất:
Thờ thiên chúa độc nhất chân thật
(Một người đọc to)
Chúng ta khởi sự điều răn thứ nhất: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và yêu mến Người trên hết mọi sự”. Điều răn này dạy muốn thờ phượng một Chúa trên hết mọi sự, thì phải từ bỏ những điều quấy quá, dị đoan, cúng quẩy các tà thần. Đó là điều Chúa dạy trong bài Kinh Thánh hôm nay.
Trích sách 1 Các vua, đoạn 18, c.19tt
Ba năm trời ròng rã, hạn hán và đói khát đã làm rũ liệt nước Is-ra-en, vì họ đã dám bỏ Thiên Chúa mà thờ tà thần Ba-an. Song Thiên Chúa thương xót dân Người. Người muốn chấm dứt các đại họa ấy, nên mới sai tiên tri Ê-li-a đến cùng vua A-kháp mà nói rằng:  Xin Bệ hạ hãy sai người đi tụ họp toàn thể Is-ra-en với tôi trên núi Các-men, làm một với 450 thày cúng của thần Ba-an.
Vua đành nghe theo cách miễn cưỡng, thế là toàn dân lũ lượt tụ tập trên núi, và đứng giữa họ có 450 thày cúng. Tiên tri Ê-li-a tiến lại trước toàn dân và nói:  Cho đến bao giờ, các người còn khập khiễng cả hai giò, nghĩa là bắt cá hai tay. Nếu Yavê thật là Thiên Chúa, thì hãy theo Người; còn nếu (các người cho) Ba-an là Thiên Chúa, thì hãy theo hắn. Phải chọn lựa dứt khoát. Chỉ có một mình tôi là tiên tri của Chúa Yavê, còn thày cúng của Ba-an có những 450 người. Không sao!  Hãy đem đến đây hai bò tơ, 450 thày cúng, hãy chọn một con mà xẻ thịt ra, đặt trên củi mà tế thần, nhưng nhớ đừng châm lửa. Còn tôi cũng làm như vậy và không châm lửa. Các ông thày cúng sẽ kêu khấn thần của họ, còn tôi, tôi kêu khấn Danh Chúa Yavê.
Thần linh bên nào đáp lời bằng cách cho lửa từ trời xuống thiêu của lễ, thần linh ấy là Thiên Chúa thật, và phải thờ phượng Người.
Toàn dân đáp lại: Thật là một lời đề nghị chí lý!
 Các thày cúng đành phải nhận cuộc thử thách này. Họ xẻ thịt, xếp củi, đặt thịt cúng lên, rồi bắt đầu khấn vái thần của họ cho lửa xuống, nhưng vô hiệu. Họ kêu gào, nhảy múa từ sáng tới trưa, mà chẳng thấy gì. Tiên tri Ê-li-a nhạo họ.  Phải gào to hơn, vì thần của các ông có lẽ đang bận suy tính hay mắc việc, có khi đi vắng, có khi đã đi ngủ.
Nghe thấy thế, các thày cúng càng kêu gào lớn tiếng hơn và lấy đoản kiếm, xà mâu rạch mình đến chảy máu ròng ròng, nhưng vẫn mất công toi, chẳng có thần nào nghe lời cầu của họ cả. Đến chiều, là giờ thường quen tế lễ của đạo Chúa, Ê-li-a mới gọi dân chúng lại bên ông, ông lấy đá xếp thành một bàn tế lễ, đặt củi lên, xẻ thịt bò tơ đặt trên củi. Rồi ông sai đào chung quanh tế đàn một đường mương, và bảo dân lấy nước rưới lên của lễ, lên củi cho ướt đẫm, đến cả đường mương cũng đầy nước. Sau đó, Ê-li-a quì xuống cầu khẩn Danh Chúa:
Lạy Yavê Thiên Chúa Hằng Sống của A-bra-ham, I-sa-ac và Ya-cob, xin nhậm lời tôi, khiến dân này nhận biết chính Người mới là Thiên Chúa thật.
Tiên tri vừa dứt lời cầu, lửa của Yavê từ trời giáng xuống thiêu hết của lễ, cả bàn thờ, cả củi và làm khô cạn cả nước trong mương. Toàn dân thấy vậy thì sấp mặt xuống kêu lên vang khắp vùng núi:
Yavê mới chính là Thiên Chúa thật và chỉ mình Người là Thiên Chúa.
Đáp lại sự thờ phượng của dân, Thiên Chúa nguôi giận, lại cho mưa tuôn xuống, chấm dứt nạn hạn hán và đói kém của họ.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ta hãy để một phút im lặng, cho Lời Chúa vừa nghe thấm vào lòng ta (im lặng một phút). (Các lần sau, cũng làm như vậy).
Ta hãy suy niệm: Tiên tri Ê-li-a trách dân Is-ra-en hai lòng, bắt cá hai tay: vừa thờ Chúa, vừa chạy theo cúng bái thần Ba-an. Biết đâu, có nhiều gia đình công giáo cũng đi khập khiễng hai giò như thế! Có lẽ, họ chưa dám đặt hai bàn thờ trong nhà: một bên thờ Chúa, một bên thờ thần nọ, thần kia; nhưng họ có những cử chỉ và lối sống giống như vậy. Miệng họ thì đọc kinh, tay thì làm dấu, chân đến nhà thờ...; nhưng hễ trong gia đình động xảy ra đau ốm, hoạn nạn là chạy đi coi bói, xem số, hầu bóng, ngồi đồng, là các chước mê tín, dị đoan ma quỉ bày ra cốt để ta tin vào nó và thờ nó, hầu bị khốn nạn đời đời với nó sau này. Còn ngay bây giờ, có thể nó cho ta một chút của cải, một chút may mắn khi ta vái lạy nó; nhưng các của cải và may mắn đời này thật chóng qua, tạm bợ biết bao!
Vậy gia đình ta hôm nay làm giờ đền tạ này, có ý xin Chúa tha thứ bao tội lỗi mà chúng ta đã phạm về điều ấy. Và gia đình ta thề hứa với Chúa không bao giờ thờ quấy hoặc tin theo các điều nhảm nhí, mê tín, dị đoan. Đúng như phong tục ta có câu:
“Tôi trung không thờ hai chúa,
     Gái chính chuyên không lấy hai chồng”
Vậy ta quyết chí tin một Thiên Chúa, chỉ thờ một Chúa, dầu sống dầu chết không tin, không thờ thần thánh nào hết.
Tích truyện
Một linh mục kia gặp một em nhỏ xin một tấm ảnh đạo. Linh mục nói:
Được lắm! Song con phải lập công để được quà thưởng ấy. Đây, con có thuộc giáo lý không?
Thưa cha, có!
Có à? Tốt lắm! Con nói cho cha biết: có mấy Thiên Chúa?
Em nhanh nhẹn trả lời:
Có một Thiên Chúa thôi!
Sao con quả quyết chắc chắn như thế? Chắc chắn chứ! Vì Thiên Chúa đầy tình thương và ở khắp nơi, đâu đâu cũng có Chúa. Vậy thì còn có chỗ nào cho một Thiên Chúa thứ hai nữa?
-------------------------------------------
BÀI LỜI CHÚA 2
Không bói toán, cầu cơ, mê tín dị đoan.
Trích sách 1 Sa-mu-en, 28.3-25; 31.1-13
Vua Sao-lê đã được Thiên Chúa sai tiên tri Sa-mu-en đến xức dầu cho làm vua trên Israen, dân Chúa. Tiếc thay, từ ngày ông phạm tội, không vâng lời Chúa trong một việc rất quan trọng, Chúa đã bỏ ông. Rồi càng ngày, ông càng đi vào con đường tội ác.
Một ngày kia, quân Phi-li-tinh dàn đại binh tại Su-nem để đánh dân Israen. Vua Sao-lê dàn quân trên núi Ghi-boa để đánh lại. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy quân Phi-li-tinh trùng trùng điệp điệp, gươm giáo sáng lòa, xe trận hùng hậu, Sao-lê đâm sợ hãi, kinh hoàng. Vua thỉnh vấn Chúa để xin cho biết thắng bại làm sao. Chúa giận ông nên không trả lời. Muốn hỏi ý người phàm, thì có tiên tri; song lúc ấy, tiên tri Sa-mu-en chết rồi. Túng thế, Vua đánh liều đi hỏi bà đồng cốt. Như thế, nhà vua phạm thêm một trọng tội nữa nghịch mắt Chúa (sách 1 Ký sự 10.13).
Sau khi đã cho bộ hạ tìm được một mụ đồng cốt trốn trong núi, đêm ấy, vua Sao-lê cải trang và mang theo hai người tùy tùng ra đi. Đến nơi, Sao-lê nói:
Bà gọi bóng bói cho một quẻ, và gọi hồn người mà tôi sẽ chỉ cho bà.
Bà ấy nói với vua:
Tại sao ông xúi tôi làm điều cấm để hại tôi?
Sao-lê mới lấy Thiên Chúa mà thề sẽ không phạt vạ bà. Bà mới nói:
Tôi gọi hồn ai cho ông đây?
Kêu Sa-mu-en lên cho tôi!
Bà đồng bắt đầu phù phép chiêu hồn. Khi thấy Sa-mu-en hiện lên, bà đồng đâm thất kinh la lớn. Sao-lê hỏi:
Đừng sợ! Bà thấy gì?
Tôi thấy có thần linh từ đất đi lên!
 Sao-lê hỏi:
Bà thấy dáng vẻ ngài thế nào?
Một cụ già đi lên, ngài có phủ một chiếc áo choàng.
Sao-lê nhận biết đó là Sa-mu-en và ông sấp mặt xuống đất bái chào. Lúc ấy, tiếng Sa-mu-en huyền bí vang lên:
Tôi lâm phải thế rất ngặt nghèo: quân Phi-li-tinh giao chiến với tôi, mà Thiên Chúa thì đã rời bỏ tôi; nên tôi phải kêu ngài lên. Xin ngài cho tôi biết phải làm gì?
Sa-mu-en nói:
Thỉnh ý ta làm chi? Quá muộn rồi! Thiên Chúa đã từ bỏ ngươi. Điều Thiên Chúa đã sai ta báo cho ngươi trước kia, nay sẽ xảy đến. Thiên Chúa đã giựt vương quyền ra khỏi tay ngươi, mà ban cho Đa-vít ; vì ngươi đã bất tuân, chẳng vâng theo lệnh Người. Đây là giờ đền tội: Thiên Chúa sẽ phó nộp dân Israen làm mồi cho địch quân chém giết tan tành. Còn ngươi, ngày mai, ngươi và ba đứa con của ngươi sẽ theo ta về âm phủ!
Vừa nghe xong, Sao-lê kinh khiếp, ngã sóng sượt trên đất, bất tỉnh...Mãi lâu sau, ông gượng chỗi dậy về doanh trại.
Ngày hôm sau, quả thật Israen đại bại. Quân Phi-li-tinh đuổi theo Sao-lê, ông run lên vì sợ. Sao-lê nói với người hiệp sĩ theo hầu:
Ngươi tuốt gươm đâm chết ta đi! Đừng để quân ngoại đụng đến ta mà ngạo nghễ!
Nhưng hiệp sĩ sợ không dám tra tay. Sao-lê đành tự rút gươm mình, quay ngược mũi và gieo mình lên trên. Mũi gươm xuyên từ ngực ra sau lưng.
Đó là Lời Chúa! -  Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Luật Chúa cấm ngặt tất cả mọi hình thức lên đồng, nhập xác, gọi hồn, bói quẻ, vv...Đây xin trích vài đoạn trong Kinh Thánh:
Trong dân ngươi, không được có ai lên đồng, bói quẻ, chiêu hồn. Vì phàm ai làm các điều ấy sẽ là điều quái gở (là trọng tội) đối với Thiên Chúa. (Sách Thứ luật, đ.18, c.10-11).
“Các ngươi chớ chạy theo đồng bóng, đừng tới thày bói mà ra nhơ uế vì chúng. Ta là Yavê, Thiên Chúa của các ngươi! ” (Sách Lê vi, đ.19, c.31).
“Người nào, dù là nam hay nữ, làm đồng bóng, người ấy tất phải chết. Người ta sẽ ném đá chúng đi! Tội chúng làm, chúng phải chịu phạt” (Sách Lê vi, đ.20, c.27).
Tại sao Chúa cấm ngặt vậy?
Thưa: Vì Chúa nói: Chỉ Ngài là Yavê, Thiên Chúa độc nhất của ta, ta phải thờ lạy và tin vào một mình Người, và yêu mến Người trên hết mọi sự. Thiên Chúa không muốn ta liên lạc với ma quỉ, thông công với chúng là nghịch thù của Người. Chúng ta không thể thờ hai chủ.
Đàng khác, các việc quấy quá kia đều là giả trá. Ngoại trừ trường hợp rất họa hiếm kể trong bài Kinh Thánh hôm na: Thiên Chúa cho phép hồn tiên tri Sa-mu-en hiện về, cốt ý để báo phần phạt cho vua Sao-lê, chứ còn thường các nhà thần học đều dạy rằng: gọi hồn thì hồn không lên, mà chỉ có ma quỉ trá hình, đội lốt, đội tên, lấy giọng âm hồn mà nói, để mong lôi kéo ta vào vòng tin ma, lạy quỉ mà chết đời đời, khốn nạn với nó trong hỏa ngục. Cho nên, có luật Hội Thánh cấm rất rõ ràng các việc ấy,(2) ai làm các điều ấy là phạm tội trọng. (3)
Ngoài ra, trong đa số trường hợp, bọn chiêu hồn, đồng bóng bày ra để phỉnh gạt ta mà kiếm ăn. Mất tiền, bị gạt, mà còn mắc tội với Chúa, nguy hiểm phần linh hồn, dại gì mà ta làm các điều quấy quá ấy!
Là con cái Chúa, chúng ta có một Cha trên trời nhân từ, thương yêu, hằng săn sóc ta; ta hãy phó thác cho Người mọi sự, lúc vui, lúc buồn, lúc người thân yêu trong gia đình chết, hoặc lúc lo lắng về công việc làm ăn, buôn bán, về tương lai, hậu vận... Kinh Thánh có lời rất an ủi rằng: “Cha trên trời biết rõ anh em cần gì trước khi anh em xin Người” (Mt 6.8). Và lời khác rằng: “Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em” (1Pr 5.7).
Vậy hôm nay, gia đình chúng ta xin đền tạ Chúa, vì các tội nói trên đây mà chúng ta, những người con cái Chúa, hay phạm; và xin Chúa giúp sức để không bao giờ còn tái phạm.
Tích truyện
Ông Phan Kế Bính, một nhà học giả VN, có kể lại vài nhận xét của ông trong cuốn Việt Nam phong tục, khi thấy những chuyện đồng cốt, chiêu hồn. Ông viết:
 “Đồng mặc áo xanh, áo đỏ, đội khăn các màu, múa mang nhảy nhót ở trước cửa tĩnh, luồn ra luồn vào, ưỡn à ưỡn ẹo...Có người nói đồng cốt có cách múa mang õng eọ cũng như cách nhảy đầm của đàn bà bên Tây. Nhảy đầm là một dịp cho đàn bà phô phang cái dáng yêu kiều, cái điệu ẻo lả. Tục ta không có cách ấy, nên phải mượn đến cách đồng bóng mà làm... Còn cái lòng mê tín của người có tật bệnh thì thật là lạ quá!...Họ không có chút nào dám ngờ vực phép thánh... Cúng mãi không khỏi, thì cho là người nhà không thành tâm, chứ không khi nào chịu là phép thánh không thiêng. Mà có lỡ chết, thì các mụ đồng lại nói: Thánh chữa được bệnh, chứ không chữa được mệnh. Thế ra khỏi bệnh thì là thánh thiêng, không khỏi là tại người nhà không thành, mà chết là tại mệnh. Đàng nào thánh nói cũng hay, đồng nói cũng phải...Than ôi! Đạo phù thủy cũng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào, thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy” (tr.340-342).
--------------------------------------------
                BÀI LỜI CHÚA 3
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG HẰNG SỐNG
Trích sách Tiên tri Đa-ni-ên, ch.14
Dân Ba-bi-lon có một thần tượng tên là Bel. Mỗi ngày, người ta phải tốn 12 giạ bột mì, 40 con cừu và 6 chum rượu làm đồ cúng. Vua cũng thờ lạy nó, chỉ có Đa-ni-ên thờ lạy Thiên Chúa chân thật. Vua hỏi:
      Tại sao nhà ngươi  không bái lạy thần Bel?
Đa-ni-ên thưa:
-     Hạ thần không sùng bái tượng thần do tay phàm làm ra, nhưng chỉ thờ Thần Sống, Đấng dựng nên trời đất và có chủ quyền trên mọi xác phàm.
-     Sao? Ngươi cho Bel không phải là thần sống ư ? Ngươi lại không thấy ngài ăn, ngài uống những gì mỗi ngày sao?
Đa-ni-ên cười và nói:
-     Tâu Bệ hạ, đừng lầm! Vì thần tượng ấy bên trong là đất thó, bên ngoài lát đồng, đã chẳng sống thì làm sao ăn uống?
Nổi giận, vua triệu các thày cúng lại mà nói:
-     Các ngươi mà không nói thật với ta ai ăn đồ cúng, thì các ngươi sẽ phải chết. Còn nếu các ngươi chứng tỏ được là chính Bel ăn, thì Đa-ni-ên sẽ phải chết, vì y đã dám lộng ngôn đến Bel.
Tất cả mọi người đều đến đền của Bel, rồi họ đặt đồ cúng và rượu lên bàn thờ. Vua sai đóng cửa và niêm phong lại. Các thày cúng ra vẻ tự đắc, vì họ đã đào bên dưới bàn thờ một ngõ bí mật, qua ngõ đó, họ lẻn vào ban đêm ăn sạch đồ cúng. Không ngờ Đa-ni-ên biết được, nên khi các thày cúng đã ra, Đa-ni-ên sai các tiểu đồng rắc tro khắp cả nội điện trước mặt một mình Vua mà thôi. Đêm ấy, theo thói thường, các thày cúng lẻn vào theo ngõ bí mật mà ăn uống hết sạch mọi sự. Sáng hôm sau, Vua và Đa-ni-ên đến rất sớm, bẻ ấn niêm phong, mở cửa vào nội điện. Khi vua nhìn lên bàn thờ, ông kêu lên:
-     Lạy thần Bel, ngài thật lớn lao, và nơi ngài không có gì là gian dối!
Đa-ni-ên cười, ông cầm tay vua lại, xin vua đừng đi vào bên trong, rồi ông nói:
-     Xin Bệ hạ nhìn xuống nền nhà mà coi những vết chân kia là của ai?
-     Ta thấy vết chân đàn ông, đàn bà và trẻ con.
Đó là vết chân của bọn thày cúng và vợ con họ. Vua nổi giận, truyền trói các kẻ ấy và bắt họ chỉ cho vua ngõ bí mật họ đã dùng để đi vào ăn uống của cúng. Nhà vua thấy mình cũng bị bọn họ lừa, nên ra lệnh chém hết. Rồi vua trao tượng thần Bel cho tiên tri Đa-ni-ên phá hủy và triệt hạ luôn cả Đền Thờ của nó...Xảy ra là khi dân Ba-bi-lon nghe tin, họ rất căm tức, tập họp nhau lại trước đền vua và la hét:
-     Xin nộp Đa-ni-ên cho chúng tôi! Chẳng vậy, chúng tôi sẽ giết ngài và cả gia đình ngài nữa.
Bất đắc dĩ, vua phải nộp Đa-ni-ên cho họ. Họ tống Đa-ni-ên vào hầm sư tử bị đói lâu ngày để ăn thịt Đa-ni-ên...Vua rất thương tiếc Đa-ni-ên, ông tin chắc Đa-ni-ên đã bị sư tử xé xác. Ngày thứ bảy, vua đến trên hầm ngó vào, thì lạ lùng thay! nhà tiên tri còn sống và bình an ngồi giữa bầy sư tử. Vua sửng sốt và vui mừng kêu lớn tiếng:
-     Người thật lớn lao, lạy Thiên Chúa của Đa-ni-ên thờ! Ngoài Người, không có thần nào khác nữa!
Vua đã sai kéo Đa-ni-ên ra, còn những kẻ mưu hãm hại vị tiên tri, vua cho tống vào hầm. Lập tức, chúng bị sư tử nghiến ngấu tan xác trước sự chứng kiến của nhà vua.
Đó là Lời Chúa!  -  Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ta hãy nhớ lời Đa-ni-ên tâu vua: “Hạ thần không sùng bái các thần tượng do tay người phàm làm ra, bên trong là đất thó, bên ngoài tô sơn, trét màu, đã không sống thì làm sao ăn uống? ”. Vậy ra các thần nọ, thần kia chỉ là chuyện bày vẽ, tin nhảm, người đời đúc tượng ra, đem lên bàn thờ phong thần, phong thánh, rồi quì xuống xì xụp vái lậy...
Đã chỉ là những tượng đất, gỗ đá không hơn không kém, không có sự sống, làm sao có thể nghe ta van vái mà phù hộ ta được? Hãy nghe tiên tri Ysaia chế diễu: “Kẻ kia đi kiếm gỗ trên rừng về, nó lấy một phần để sưởi, một phần đun bếp, nấu bánh, rồi sau khi ăn no nhậu say, sưởi ấm rồi, nó lấy gỗ thừa tạc một pho tượng làm thần, rồi sụp lạy bái thờ, lâm râm khấn nguyện, hắn nói: ‘Xin cứu lấy tôi, vì Người là thần của tôi’. Và tiên tri kết luận: Kẻ ấy thật là đứa không chút hiểu biết, vì đi sụp lạy một súc gỗ! ” (Ys 44.14-19).
Nếu họ nói rằng: chúng tôi đâu có sụp lạy một khúc gỗ, chúng tôi thờ thần sống, mà pho tượng chỉ là biểu hiệu tượng trưng; thì ta có thể hỏi vặn lại rằng: vậy thì thần sống ấy đâu rồi, ở đâu bây giờ? Kìa xem các vị thần thời xưa mà người ta coi như thần sống: nào thần Bel, thần Đa-gôn, dân Ai cập thờ thần rắn, bên Ca-na-an thờ thần Ba-an, nữ thần A-tac-tê, bên Hi lạp thờ thần Giu-pi-te, Mer-cu-rô, vv...Nếu các thần ấy đều là thần sống, thì chúng đâu rồi? Tại sao ngày nay chính các dân ấy cũng chẳng còn ai thờ các thần ấy nữa. Lạ chưa? Nếu các thần ấy tài giỏi và quyền phép, sao không cứu các dân đó, mà để họ tiêu diệt mất tích trên địa cầu? Và nếu dân nào còn sống sót đến ngày nay, chẳng hạn như nước Ba Tư, Iran, Irắc, là con cháu của các dân As-sy-ri và Ba-bi-lon ngày xưa, sao ngày nay không thấy các dân ấy thờ các thần mà tổ tiên họ đã thờ ngày xưa? Vậy ra, các thần ấy chết hết cả rồi, và cũng chẳng thấy hoạt động nữa?
 Còn Thiên Chúa của chúng ta mới thật là “Thần sống, Đấng dựng nên đất trời và có chủ quyền trên mọi xác phàm” như Đa-ni-ên nói trên kia, tức là Người vẫn sống, đang sống và cứ sẽ sống mãi. Người phán: “Ta là Đấng Hằng Sống”. Người vẫn luôn hoạt động:
1/  Người tạo dựng đất trời và vẫn ra tay bảo tồn trời đất này cùng các sinh vật, trong đó có loài người chúng ta.
2/  Người sai Con Một của Người xuống thế, và vì yêu thương ta, bắt Con Một ấy phải hi sinh chịu chết để đền thay tội ta.
3/  Người đang hoạt động ban ơn cho ta được cứu rỗi.
4/  Người lại sai Đức Maria từ trời xuống, năm 1858 ở Lộ Đức, năm 1917 ở Fatima, để nhắn nhủ chúng ta ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, từ bỏ tội lỗi để khỏi chết mất linh hồn, sa hỏa ngục, và để thế giới được hòa bình hạnh phúc, tránh khỏi tai họa chiến tranh.
5/  Người đang chờ đợi ta nơi trường sinh vĩnh phúc!
Vị thần này, chúng ta ngày nay và con cháu chúng ta mãi đến tận thế sẽ luôn thờ phượng, kính tin Người.
Vậy, chúng ta hãy vui mừng và hi vọng. Đừng bị đui mù, thiếu hiểu biết mà chạy đi van vái các thần khác những lúc ta gặp bệnh tật, gian nan, nghèo đói. Đó chẳng qua là do ma quỉ bày đặt ra, làm ta mắc mưu mà bỏ Thiên Chúa! Những lúc nguy khó ấy, ta phải lặp lại lời tiên tri Ysaia xưa: “Chỉ có Chúa là Thiên Chúa thật, Đấng tạo tác ra đất trời. Ngoài Chúa ra, chẳng có thần nào khác” (Ys 43.10-11; 45.21-22).
Tích truyện
Ta hãy nghe tích truyện “Hà Bá lấy vợ”, trích trong cuốn Đông Chu liệt quốc, hồi 85, để thấy các tên đồng cốt bày ra chuyện thần nọ thần kia để “hốt bạc”
Vua nước Ngụy sai tướng Tây Môn Báo ra trấn ở Nghiệp Đô. Đến nơi, ông thấy dân cư thưa thớt, phong cảnh tiêu điều. Hỏi thăm các bậc phụ lão, ông được biết: Dân chúng khổ sở bỏ đi nơi khác, vì một nỗi Hà Bá lấy vợ. Ở đấy có con sông, thần Hà Bá thích vợ đẹp, mỗi năm bắt nạp một người con gái, nếu không thần dâng nước, cửa nhà, ruộng vườn ngập hết. Tây Môn Báo hỏi:
-     Tại sao biết được Hà Bá lấy vợ?
Các phụ lão nói:
-     Bọn đồng cốt ứng lên nói như vậy. Dân làng mỗi năm phải chịu mấy trăm vạn quan tiền dùng làm phí tổn trong việc ấy. Khổ nữa là nhà nào có con gái đẹp thì một là có nhiều tiền đút lót, bọn đồng cốt tha cho, đi tìm người con gái nhà khác; ai nghèo thì sợ mất con phải bỏ xứ mà đi...Chúng lập một nhà trai cung ở mé sông, mua lễ vật cúng tế, chọn ngày tốt cho người con gái tắm gội sạch sẽ, đặt ngồi trên bè cỏ, thả trôi giữa sông, trôi vài dặm thì bị chìm xuống nước...
Biết đầu đuôi câu chuyện, Tây Môn Báo nhất định đi dự một kỳ. Hôm ấy, ông đội mũ mão chỉnh tề, có lính đi hầu, thân hành ra tận bờ sông. Dân chúng đến xem đông nghịt. Bọn hào lão dẫn ra một mụ đồng cốt đã già, theo sau chừng vài mươi tên đệ tử, khăn áo sặc sỡ. Tây Môn Báo gọi bà đồng ấy lại và nói:
-   Ta muốn xem mặt vợ Hà Bá kỳ này như thế nào.
Người con gái được dân đến, nàng không đẹp lắm, đang khóc lóc nước mắt giàn giụa và sợ sệt. Môn Báo nói với bà cốt:
-  Cô gái này không đẹp lắm, chắc Hà Bá không chịu lấy làm vợ. Ta phiền bà xuống nói với Hà Bá rằng quan Thái Thú muốn kén cho Hà Bá người vợ tuyệt đẹp. Vì vậy, xin hẹn vài hôm nữa.
Dứt lời, ông sai kẻ tả hữu bắt bà cốt ném xuống sông. Ai nấy trông thấy đều sợ hãi. Ông ngồi yên chờ một lúc rồi nói:
-  Bà đồng này đã già, làm không được việc ta sai. Vậy phải có một người đệ tử xuống đó thúc hối.
Tiếp đó, một người đệ tử bị ném xuống sông. Cứ thế liên tiếp 3 người. Cuối cùng, ông quay lại nhóm hào lão thường chia chác tiền nong trong vụ này, ông nói:
-  Bọn ấy đều là đàn bà, đi đứng chậm chạp, nói năng không nên lời. Ta phiền các ngươi xuống đó thuật lại ý kiến ta với Hà Bá xem thế nào.
Nói xong, truyền quân bắt một hào lão trong bọn. Cả bọn đều sợ hãi, quì lạy và nói:
-   Ấy là bà đồng tìm cách phỉnh lừa dân chúng. Xin tha cho chúng tôi! Đừng bắt xuống đó mà oan mạng.
Môn Báo trợn mắt hét:
-  Thế thì từ lâu nay, các ngươi đã phỉnh phờ dân chúng, sống trên xương máu của mọi người, tội ấy đáng chết.
Cả bọn đều sụp lạy xin tha. Môn Báo nói:
-  Bà đồng cốt đã chết rồi. Từ nay về sau, ai còn nói đến Hà Bá lấy vợ, ta sẽ bắt người ấy ném xuống sông.
Từ bấy giờ, dân chúng được sống yên ổn, khỏi ai phỉnh phờ, bóc lột. Những dân đi trốn, hay tin, lại trở về. Môn Báo lại khiến dân đào kênh lạch, khai thông nước trong vùng không còn đọng lại nữa, nên chẳng bao giờ bị ngập lụt, chứ có phải do Hà Bá nào dâng lên đâu. Ruộng nương nhờ những kênh lạch ấy mà có nước cầy bừa, lúa má được mùa, cỏ cây tốt tươi, hương hoa thơm nức.
---------------------------------------------
                BÀI LỜI CHÚA 4
TIN VÀO THIÊN CHÚA QUYỀN PHÉP
Ta đang học về giới răn thứ nhất: “Thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự”. Ba bài trước đã nói sơ qua về sự tránh tin ma, thờ quấy. Bài 4 này, nói đến lòng tin vào Chúa. Tin Chúa, tin vào quyền phép của Người: đó là một việc thờ phượng làm đẹp lòng Chúa nhất. Thánh Phaolô viết: “Không có đức tin, thì vô phương làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hr 11.6).
Trích sách Yô-sua, ch.6
Khi dân Israen đã vượt qua sông Yor-đan trên đường tiến chiếm đất hứa, thành đầu tiên họ phải chiếm lấy để vào đất hứa là thành Yê-ri-kô. Thành này rất kiên cố: tường lũy cao, dầy, đã bao năm ngăn các cuộc xâm lăng của đủ loại địch thù. Lại có đủ lương thực và khí giới để cầm cự những cuộc vây hãm lâu dài. Ông Yô-sua (4) là đại tướng của dân Israen, ông sửa soạn đánh thành bằng lời cầu nguyện. Và này, Thiên Chúa nhậm lời cầu và phán:
- Coi! Ta nộp vào tay ngươi thành Yê-ri-kô và vua của nó, cùng các chiến binh dũng cảm của nó. Nhưng các ngươi phải thi hành những mệnh lệnh như sau...
Rồi Thiên Chúa dạy Yô-sua phải cho dân xếp thành đoàn kiệu: đi trước là hàng tiền quân, cầm khí giới, rồi đến 7 tư tế cầm bẩy tù và cùng loa trận đi trước, chính giữa là khám Giao Ước (5) được khiêng trên vai các tư tế, đi sau cùng là đoàn hậu quân.
- Hãy đi diễu quanh thành và không được nói một tiếng nào, chỉ thổi tù và cùng loa trận!
Thế là cuộc kiệu vĩ đại được diễu quanh thành Yê-ri-kô trong im lặng, dưới con mắt ngạc nhiên của quân lính đang giữ thành.
Dân Israen đi kiệu như vậy trong sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, Yô-sua ra lệnh:
- Hôm nay, toàn dân sẽ đi kiệu quanh Yê-ri-kô như trước, chỉ khác là phải đi vòng quanh 7 lần, và các tư tế sẽ thổi tù và cùng loa trận. Khi nào các ngươi nghe tù và, loa trận thổi inh ỏi và dài, các ngươi tất cả sẽ reo lên tiếng hò la xung trận.
Toàn dân vâng theo mệnh lệnh. Đến lần kiệu thứ 7, khi nghe tiếng tù và, loa trận réo lên những tiếng rền vang, tức thì, toàn dân đồng reo lên tiếng hò la vang trời dậy đất. Tiếng hò la vang thấu trời. Đây là giờ Thiên Chúa hành động: các tường thành cao, dầy của Yê-ri-kô sụp đổ ầm ầm! Dân quân Israen cứ thẳng trước mặt mình mà tràn vào thành, giết không biết bao nhiêu mà kể, chỉ trừ gia đình cô Ra-kháp được tha, vì trước đó, đã cho các thám tử Israen ẩn núp.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Chưa từng thấy trong lịch sử một cuộc hạ thành kỳ lạ như thế: đi kiệu, thổi tù và, loa trận, rồi reo hò mà tường lũy sụp đổ, không tốn một mũi tên, không chết một người lính. Nhưng lạ hơn nữa là trước khi việc xảy ra, dân Israen được chỉ thị làm như thế mà họ tin được! Đó mới đáng cảm phục. Chắc cũng có người trong dân Israen thắc mắc tự hỏi: “Sao Chúa dạy điều gì khó tin vậy: đi kiệu, thổi loa, rồi thành sẽ đổ? ”. Nhưng may thay, lòng tin của họ đã thắng lý trí: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng, không có gì là quá khó đối với Người. Người không dùng khí giới, song dùng một cuộc kiệu, một lời reo hò làm dụng cụ phá đổ thành thì vẫn được chứ! Quyền phép của Người thì chỉ một hơi thở cũng mạnh như gió bão. Người đã dạy, phần họ chỉ việc tin theo. Bởi tin như thế, dân đã tôn vinh Thiên Chúa, làm Người rất đẹp lòng, và đáp lại, Người đã thực hiện một phép lạ không thể tưởng tượng nổi.
Quả thật, bây giờ ta biết được rằng: tin là tôn vinh Thiên Chúa, là một việc tôn thờ Người, và đẹp lòng Người hơn hết mọi việc khác. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Không có đức tin thì vô phương làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hr 11.6), cho dù ta có làm các việc lành khác như xây nhà thờ, bố thí, xin lễ, dự lễ, truyền giáo, đọc kinh...
Đức tin không chỉ gồm có việc “tin Thiên Chúa có” mà thôi, mà còn tin vào Người là Đấng có quyền lực dư sức để cứu thoát ta phần hồn và ngay cả phần xác nữa. Thành lũy Yê-ri-kô kiên cố, Người phá đổ như chơi; thì tội lỗi chúng ta dù có thâm căn cố đế đến đâu, có lâu ngày lâu tháng, hoặc tính mê nết xấu của ta có dầm dề, có nặng nề, hay lớn lao, Thiên Chúa vẫn có thể dư sức cứu gỡ ta, miễn là ta tin vào quyền phép và cầu xin Người.
Vậy gia đình ta hôm nay, làm giờ đền tạ này để tạ lỗi Chúa, vì bao lần ta đã không tin vào Chúa như Chúa đáng, bao lần ta tin vơ thờ quấy vào thần nọ thần kia, như thể Chúa không thể cứu chữa ta hay không thương mà cứu chữa...Cũng xin đền tạ Chúa cho bao kẻ đã mất lòng tin, ngã lòng trông cậy: hoặc vì thấy tội mình quá lớn, hoặc vì gặp nhiều đau khổ, thử thách, mà cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ mặc không cứu giúp...
Tích truyện
Trong cuộc thế chiến thứ hai, khi không lực Đức quốc xã tấn công thủ đô Luân Đôn, có một tòa nhà bị bom bốc cháy. Ngọn lửa bùng lên dữ dội và lan rộng khắp nơi. Nhân viên cứu hỏa kéo đến cứu chữa. Trong khi đó, người ta nhìn thấy một người đàn bà đứng kêu cứu nơi cửa sổ một lầu cao. Nhân viên cứu hỏa liền khẩn cấp dựng một cái thang, rồi anh dũng xông vào giữa đám cháy lửa bốc mù mịt, leo lên tới chỗ bà ấy đứng, rồi giơ tay định đỡ bà lên vai mình cõng xuống, để cứu bà thoát hiểm. Nhưng bà ấy không chịu và chạy vào phía trong. Sau mấy lầy giơ tay không được đáp ứng, đội viên cứu hỏa bất đắc dĩ phải xuống thang, để cứu người khác đang chờ mong được thoát hiểm. Khi đã xuống mặt đất, nhân viên phát khóc với đội trưởng của mình:
- Tôi muốn cứu, nhưng nàng không chịu!
Bà ấy chết cháy là vì không tin rằng nhân viên cứu hỏa có thể cứu bà thoát nguy. Vậy, hỡi người nào nghe chuyện này! Nếu bạn sau này phải hư mất đời đời trong biển lửa hỏa ngục, thì chẳng phải Chúa không muốn cứu bạn đâu, nhưng là tại bạn đã từ chối chẳng chịu tin lòng Chúa muốn cứu bạn, chẳng chịu tin quyền phép Chúa có thể cứu bạn khỏi cơn nguy khủng khiếp của cái chết đời đời. Bạn đã cố tình bỏ rơi hi vọng duy nhất để được cứu.
Vậy bạn phải làm gì bây giờ? Bạn chỉ việc tin vào lòng Chúa thương. Bạn chỉ việc tin vào quyền phép Chúa có dư sức mà cứu bạn, vì không có gì quá khó đối với Chúa, không có tội nào quá lớn mà Người không thể tha, không có ngăn trở nào quá cao để Người không vượt nổi mà cứu bạn. Bạn hãy cứ thành tâm tin Người, rồi để Người làm việc, bạn sẽ thấy kết quả!
------------------------------------------
BÀI LỜI CHÚA 5
ĐIỀU RĂN THỨ HAI
Chớ kêu tên Chúa vô cớ.
Hôm nay, ta nghe Chúa dạy về điều răn thứ hai: “Chớ kêu tên Chúa vô cớ”. Đúng ra, phải dịch thế này: chớ nêu danh Chúa cách hư từ (Xh 20.7), nghĩa là nêu danh, hoặc lấy tên Chúa mà dùng trong những chuyện hư từ, thề thốt bừa bãi, chứ không phải chỉ kêu tên Chúa vô ý vô tứ mà thôi đâu, như khi động một tí là ta kêu: Giêsu! Maria! Điều răn này gồm cả những điều cấm khác như: chớ thề gian, làm chứng gian, hứa bừa bãi, nói lộng ngôn, sử dụng danh Chúa làm phù phép, vv...
Trong Thánh vịnh 15 có câu như sau:
“Lỡ thề, nếu có thiệt thòi,
Thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay”.
Đó là đầu đề của bài sách thánh hôm nay.
Trích sách Yô-sua, 9.3tt
Thành Yê-ri-kô đã bị hạ, dân cư bị quân Israen giết sạch. Một thị trấn bên cạnh là Ga-ba-ô sợ quá, biết không thể địch nổi dân riêng của Chúa, họ bèn dùng mưu. Họ gửi một phái đoàn, dùng lừa chở lương thực trong những bị cũ rích, những bì rượu lủng vá chằng chịt, chân mang dép cũ mòn, mình mặc áo xống rách tả tơi, bánh ăn đi đường đã cứng khô rời thành vụn. Phái đoàn đến gặp ông Yô-sua, đại tướng, và các tướng lãnh của ông tại Gin-gan mà nói:
- Chúng tôi từ phương rất xa đến để xin cầu hòa với các ông, vì chúng tôi đã được nghe đồn về các việc oai hùng Thiên Chúa các ông đã làm ở Ai Cập, và tiêu diệt bao vua chúa ở các nước quanh đây. Hàng kỳ mục chúng tôi đã sai chúng tôi đến xin các ông kết ước giao hảo với chúng tôi. Xin các ông miễn chấp cách ăn mặc không đàng hoàng của chúng tôi, khi ra mắt các ông. Số là khi bỏ nhà ra đi, bánh chúng tôi rỡ còn nóng hổi, bây giờ đã khô queo, vỡ thành vụn. Này bì rượu khi chúng tôi đổ đầy rượu vào thì còn mới, mà nay chúng đã lủng cả. Này áo xống và giày dép chúng tôi đã ra cũ rách, vì đường xa dặm thẳm. Đủ biết chúng tôi từ rất xa mà đến.
Kỳ thực, họ từ Ga-ba-ô đến, một thị trấn ngay bên cạnh. Thiên Chúa có ra lệnh cho dân Israen phải đánh lấy các thành gần chung quanh mình, và triệt hạ hết, để lấy làm đất định cư cho họ, đất không còn có dân ngoại nào sống chung trà trộn, sợ họ sẽ lôi kéo, cám dỗ dân riêng Chúa, mà thờ các tà thần của họ. Yô-sua và các tướng lãnh liền tin lời phái đoàn nọ, lại quên không thỉnh vấn Thiên Chúa, đã vội làm hòa và kết ước với họ bằng một lời thề long trọng, là sẽ bảo đảm sinh mạng của họ.
Sung sướng vì thấy mưu cơ thành công, phái đoàn nọ đã trở về xứ, mang theo lời thề của Yô-sua. Ba ngày sau, khi quân Israen tràn đến Ga-ba-ô, họ hết sức kinh ngạc gặp lại những ngươi trong phái đoàn hôm trước ở đó. Té ra, họ bị gạt mà tưởng rằng chúng là dân ở một thành rất xa. Tức giận, quân Israen muốn tuốt gươm tàn sát hết cả dân Ga-ba-ô ấy, nhưng Yô-sua và các tướng lãnh ngăn cản:
- Chúng tôi đã lấy danh Yavê Thiên Chúa của Israen mà thề với chúng, và bây giờ, chúng tôi không thể đụng đến mạng sống chúng được. Chúng tôi sẽ xử với chúng thế này: tha cho chúng sống, ngõ hầu thịnh nộ Thiên Chúa không giáng xuống trên ta vì đã bội thề; nhưng từ nay, bắt chúng làm phu chẻ củi, gánh nước cho công hội và cho việc tế tự ở Đền Thờ Thiên Chúa.
Nghe vậy, dân Israen vẫn còn hậm hực, và họ trách các ông nhiều lắm, nhưng đã lỡ thề, biết làm sao...
Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Thật họ đã làm đúng câu Thánh vịnh trên kia đã nói: “Lỡ thề, nếu có thiệt thòi; thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay”. Họ nghĩ: đã lấy Danh Chúa mà thề, thì lỗi thề là xúc phạm đến Chúa; vì lấy Danh Chúa làm chứng cho một sự dối gian, như vậy sẽ kéo cơn thịnh nộ Chúa giáng trên họ. Thế là tốt, song tại sao lại vội thề làm chi ? Kinh Thánh cho biết lý do: sở dĩ các ông thề vội, thề khi không biết sự thật, là vì các ông không thỉnh vấn ý Thiên Chúa trước. Nói cách khác, các ông không cầu nguyện để biết Thánh ý Chúa.
Vậy, ta rút bài học này: trước khi thề hứa hay khấn điều gì, cách riêng điều quan trọng, hãy cầu nguyện cho biết ý Chúa trước, hãy tìm đến các người đại diện Chúa, ít ra các bậc khôn ngoan, hiểu biết đường lối Chúa chỉ vẽ cho...
Rồi, khi đã thề, đã hứa với ai, nhất là với Chúa, thì chớ bội thề (x. Dân số 30.3; Thứ Luật 23-22-24; vv...). Có người khấn hứa với Chúa, với Đức Mẹ: nếu Chúa và Mẹ thương ban cho họ được điều này, điều nọ, thì họ sẽ làm việc này, việc kia để tỏ lòng biết ơn. Thế rồi, làm được vài lần, họ bỏ lơ..., quên dần...Thế là có lỗi nặng với Chúa. Đành rằng, có lúc ta thấy không làm nổi lời đã hứa với Chúa. Lúc ấy, hãy đến trình bày với linh mục đại diện Chúa tại tòa hòa giải, xin ngài cứu xét và thay đổi việc khác vừa sức cho ta hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao lần ta hứa với người khác rồi lỗi lời. Lấy ví dụ một việc hay thấy xảy ra: Ta hứa bán hoặc nhường lại món hàng cho người kia với giá bao nhiêu đó. Về nhà, nghĩ lui nghĩ tới, hoặc nghe ai nói, ta cho là đã hớ; tiếc của, ta tìm cách tháo lui không bán nữa, lấy cớ thế này, thế nọ... Thế là lỗi lời! Ta có lỗi trước mặt Chúa và trước mặt người đồng loại.
Ngay cả khi trót hứa với con cái, hoặc người trong nhà, cho nó cái nọ, cái kia, ta hãy thực hiện lời đã hứa. Vì lời ta nói là trọng. Nếu ta không tự trọng mình bằng cách giữ lời đã hứa, làm sao bắt người khác tôn trọng ta được ? Đừng nghĩ nó là con nít, hứa đại rồi bỏ lơ cũng không hề gì...
Một lời thề hứa trọng đại mà phần đông chúng ta ai cũng thề và sẽ thề, đó là thề hứa trong lễ cưới giữa vợ chồng, trước mặt Chúa, ta sẽ yêu thương nhau suốt đời, khi vui lúc buồn, khi thịnh lúc suy, khi khỏe mạnh cũng như lúc già yếu, xấu xí...Chúng ta có giữ lời thề hứa long trọng mà ta đã cam kết trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh, trước mặt các chứng nhân và họ hàng hai bên đó không?
Đến đây, chúng ta thấy Đức Chúa Giêsu có một lời dạy đi xa hơn lời thề hứa. Ngài nói: “Các ngươi đã nghe bảo người xưa: chớ bội thề, hãy trọn lời thề với Chúa. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Đừng thế thốt chi cả! Nhưng lời của các ngươi phải là: có (thì nói) có, không (thì nói) không, kỳ dư là tự Ác tà (ma quỉ) mà ra cả” (Mt 5.33-37).
Chúa dạy: không chỉ giữ lời thề, mà còn “đừng thế thốt chi cả”, tức là bỏ đừng dùng lời thề nào nữa. Tại sao? Vì thề cốt để người ta khỏi nghi ngờ lòng thành thực của mình, lời quả quyết của mình. Mà chúng ta, từ khi chịu phép Rửa tội, được vào sống trong Nước Thiên Chúa, giữa anh chị em trong Hội Thánh, cùng là con cái Thiên Chúa với nhau, tất nhiên tất cả chúng ta đều đã chấp nhật Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chân thật và thủy chung, làm Cha của mình, và chấp nhận sống kính cẩn, tôn trọng và yêu thương anh chị em mình, thì - con giống cha là nhà có phúc - ta phải làm sao để mọi sự đều là thành thực với nhau, đến nỗi chẳng cần lời thề nào nữa để bảo đảm. Có thì nói có, không thì nói không, không thêm bớt, không trí trá, không lươn lẹo. Vì Chúa bảo: mọi cái thêm bớt, lươn lẹo, cong queo, gian trá đều do tà ma xui khiến, nghĩa là do ảnh hưởng của ma quỉ, nó là cha của sự gian dối, láo khoét, như Chúa nói trong Tin Mừng Gioan (8.44), hoặc do ảnh hưởng của sự dữ đang cai trị cả thế gian này. Nó xui khiến người này dối trá, lừa bịp người kia, làm liểng xiểng sự tín nhiệm giữa con người. Chính vì cái nạn đó mà người ta phải bày ra đủ thứ luật pháp, phải cần đến lời thề, mà nếu thề đã là quá rồi, lại còn nuốt lời thề nữa, thì hết nước nói.
Đã đành, nói như trên, không phải Chúa cấm các tín hữu tuyệt đối không được sử dụng lời thề. Trong vài trường hợp đặc biệt có thể dùng (tỉ dụ T. Phaolô cũng dùng vài lần: Rm 1.9; 2Cr 1.13; Ph 1.8; vv...), nhưng đó là vì xã hội mà tín hữu đang sống đòi buộc - nhất là xã hội ngoại giáo - là nơi loài người không tin nhau, không chấp nhận Thiên Chúa chân thật là Cha mình, họ đầy gian dối, lừa gạt, do ảnh hưởng sự dữ, và ma quỉ đang ngự trị cả thế gian tội lỗi; do đó, họ không tin ta có thể thành thật, nếu không có lời thề bảo đảm.
Vậy hôm nay, gia đình ta xin đền tạ Chúa, xin Chúa tha thứ bao lần ta đã thế thốt hư từ, đã khấn hứa mà chẳng giữ lời. Rồi từ nay dốc lòng quyết chí không làm như thế nữa. Cách riêng, xin lưu ý tránh những lời thề bừa bãi như: “Tôi nói điêu tôi chết”, “Nếu tôi nói sai xe cán chết”, hoặc “chết bỏ chồng bỏ con”... ; nhất là các cô các cậu thanh niên và các em nhỏ, tránh bắt chước người lương chửi thề những câu như “đù má”... Tất cả các lời ấy nay là thói quen khó chữa thật, song cũng là lời bất xứng, có lỗi trước mặt Chúa, như lời Kinh Thánh dạy: “Đừng có lời hư từ nào lọt khỏi miệng anh em, nhưng lời lẽ phải lương thiện, có tính cách xây dựng, hầu sinh ích cho người nghe” (Ep 4.29). “Và những điều thô tục, chuyện nhảm nhí hay trò cợt nhả, đều là những điều chẳng xứng” (5.4).
Tích truyện
Thày Tử Lộ, là học trò Đức Khổng Tử, một hôm, ông từ ngoài ngõ về nhà, thấy vợ ẵm con khóc, dỗ mãi không nín. Bà vợ mới trỏ con heo đang ăn ngoài sân mà nói:
- Thôi con nín đi ! Chốc nữa bố về, mẹ bảo bố giết heo cho con ăn nhé !
Đứa bé nghe bùi tai, thôi khóc. Thấy lừa được con hết khóc, bà coi như xong chuyện, không còn nghĩ gì đến lời hứa. Đến trưa, thày Tử Lộ thấy vậy, gọi vợ đến trách rằng:
- Con nó còn nhỏ, nó tin vào lời cha mẹ là nói thật, tại sao bà hứa giết heo cho con ăn, mà không giữ lời. Như thế, lớn lên nó sẽ không tin vào cha mẹ nữa. Đàng khác, bà đã làm nó bắt chước nói dối, hứa mà không giữ lời.
Trách vợ xong, ông ra ngoài sân, bắt heo, làm thịt cho con ăn.
------------------------------------------
BÀI LỜI CHÚA 6
ĐIỀU RĂN THỨ BA
Phụng tự Thiên Chúa. Ngày Chúa nhật
Thiên Chúa đã yêu thương loài người, đã dựng nên họ để chia sẻ cho họ vinh quang và hạnh phúc tràn trề của Người. Đáp lại tình thương và ơn tạo dựng ấy, loài người phải làm gì? Thưa:
- phải tạ ơn Người,
- phải thờ phượng Người,
- phải vâng theo lề luật của Người.
Vì có hồn và có xác, nên loài người phải dâng lên Thiên Chúa các việc nói trên bằng cả hồn và cả xác, tức là bề trong lẫn bề ngoài. Ở bề trong tâm hồn, ta dâng lên Người các tâm tình thờ lạy, tạ ơn, tuân phục rất chân thực, rất thiết tha. Ở bề ngoài, phải dùng các cử chỉ, lễ nghi, lời nói mà biểu lộ các tâm tình bên trong. Cho nên, việc tế tự phải gồm cả bên trong lẫn bên ngoài.
Hơn nữa, vì loài người không sống cô độc, riêng rẽ, song hợp thành gia đình, xã hội; nên việc tế tự cũng phải mang tính cách xã hội, cộng đồng, công khai.
Để giúp loài người thờ phụng đúng ý Thiên Chúa, nên ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã thiết lập việc tế tự ấy, cách đây khoảng 3.250 năm. Ta hãy nghe vài đoạn Kinh Thánh về điều đó.
Trích sách Xuất hành (13.10-11,16-20; 20.1-24; 24.3-8)
Thiên Chúa phán với Môsê:
- Hãy đi đến với dân và thánh hóa chúng hôm nay và ngày mai: chúng hãy giặt giũ áo xống và lo dọn mình, sẵn sàng vào ngày kia, Thiên Chúa sẽ xuống trước mắt toàn dân, trên núi Si-nai.
...Đến ngày thứ ba, ngay buổi sáng, xảy có sấm chớp và mây dầy đặc trên núi, và tiếng loa rất mạnh: toàn dân trong trại đều run khiếp. Môsê đem dân ra khỏi trại nghinh đón Thiên Chúa: họ đứng dưới chân núi. Tất cả núi Si-nai nghi ngút khói, vì Thiên Chúa xuống núi trong lửa. Khói bốc lên như khói lò thiêu. Tất cả núi đều rung chuyển mạnh. Tiếng loa mỗi lúc một tăng rất lớn. Môsê thưa chuyện với Thiên Chúa, và Thiên Chúa đáp lại ông trong tiếng sấm. Yavê Thiên Chúa xuống trên núi Si-nai, trên đỉnh núi, và Thiên Chúa gọi Môsê lên. Khi ông đã lên, Thiên Chúa phán các lời này rằng:
-Ta là Yavê, Thiên Chúa của ngươi...Ngươi sẽ không tôn thờ thần nào khác trước mặt Ta...Ta là Thiên Chúa ghen tuông
, phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời đối với ai thù nghịch Ta, nhưng sẽ giữ nghĩa và ban ơn dư ngàn cho những ai yêu mến Ta và giữ các lịnh truyền của Ta...Ngươi hãy nhớ giữ ngày Chúa nhật, để thánh hóa ngày ấy... Ngươi sẽ không làm việc trong ngày ấy... Bởi thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày ấy và tác thánh nó.
Tiếp theo, Thiên Chúa ban các điều luật khác của 10 điều răn: nào thảo kính cha mẹ, chớ giết người, vv...
Toàn dân thấy sấm sét và lửa cùng tiếng loa và núi bốc khói, thì rụng rời và đứng mãi đàng xa... Nhưng Môsê đã nói với dân:
- Đừng sợ! Thiên Chúa đã hiện đến cách uy linh như vậy, cốt để các ngươi có lòng kính sợ Người, ngõ hầu các ngươi đừng còn dám phạm tội nữa.
Sau khi ban lề luật, Thiên Chúa ban bố cách phụng tự Người:
- Ngươi sẽ dựng tế đàn, và trên đó, ngươi sẽ dâng tế lễ toàn thiêu, tế lễ kỳ an, chiên, dê và bò, lừa của ngươi...
Môsê xuống thuật lại cho dân mọi lời của Thiên Chúa và các lệnh truyền. Toàn dân đồng thanh đáp lại:
- Mọi lời Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.
Và để ký kết Giao Ước, Môsê đã xây một tế đàn, rồi ông dâng một tế lễ lên Thiên Chúa. Ông lấy một nửa máu các vật tế lễ rẩy lên tế đàn (là nơi Thiên Chúa ngự) và nửa phần máu kia rẩy lên dân và nói:
- Này là máu của Giao Ước đã kết với các ngươi, theo các lời Thiên Chúa đã dạy và các ngươi đã quyết ý tuân theo.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ta vừa nghe Lời Chúa, kể tóm tắt việc Thiên Chúa hiện ra cách uy linh trên núi Si-nai, để truyền 2 điều đáng ghi nhớ:
- Thiên Chúa dạy phải thờ phụng một mình Người, và giữ 10 điều răn.
- Sau đó, Người bảo phải lập tế đàn mà tế lễ lên cho Người.
Chúng ta không trích nhiều đoạn khác đi vào chi tiết: nào là các loại tế lễ khác nhau: tế lễ toàn thiêu, tế lễ cầu an, tế lễ đền tội, tạ ơn... Rồi các ngày lễ hội: lễ Vượt qua, lễ Lều Tạm, lễ Cầu mùa...Các nghi lễ như cắt bì, phong chức, các tổ chức phụng tự, các việc thanh tẩy, các điều luật luân lý...
Ngày xưa, Thiên Chúa thiết lập việc tế tự cho dân Israen; ngày nay, Thiên Chúa dạy Hội Thánh thiết lập các nghi lễ, Thánh Lễ và các Bí tích, có phải là để làm khổ dân không ? Thưa không! Thiên Chúa đầy yêu thương, lẽ đâu lại bày chuyện để làm khổ con cái. Vậy Người muốn gì? Người muốn dùng các nghi lễ ấy mà thánh hóa ta, ngõ hầu ban ơn phúc cho ta. Lý do thêm nữa: từ khi loài người mắc tội tổ tông truyền, đã ra u mê, lầm lạc, quên bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thậm chí nhiều người không còn biết Thiên Chúa thật là ai mà thờ, lại bày ra nhiều thần vu vơ, quấy quá (có dân thờ rắn, thờ bò cái, thờ hà bá...), thế là mất công mất của, mà lại hư đi đời đời, uổng kiếp người. Nên Thiên Chúa đành hiện ra, dạy cho chúng ta việc tôn thờ, tế tự hợp ý Người, đúng ý Người.
Trong vô số các việc khác, việc thờ phượng tốt đẹp nhất là dâng Thánh Lễ, cách riêng cùng với cộng đoàn trong ngày Chúa nhật. Nhưng xét thấy nhiều người không chu toàn bổn phận ấy cho xứng đáng: nào đi dự lễ cách ơ hờ, nguội lạnh, miễn cưỡng, vì sợ không đi thì phạm tội mất linh hồn, sa hỏa ngục, chứ không vì yêu mến, quí trọng Chúa. Lúc dự Thánh Lễ thì lòng trí lo ra, chẳng cầm trí tưởng nhớ đến Chúa, đến các việc tế lễ đang diễn hành, mà chỉ nhớ các điều thế gian, phàm tục, hoặc tệ hơn nữa, nhớ đến vui chơi, tội lỗi... Còn có một số người khác lấy cớ nọ, cớ kia bỏ lễ Chúa nhật: nào sợ ho, sợ cảm, sợ lạnh, sợ mất buôn bán, mất lời...Mà lạ thay! Khi đi chơi ngày Chúa nhật, thì họ chẳng hề sợ những điều ấy... Có người than rằng: Thánh Lễ ngày Chúa nhật dài quá ! Có Đức Giám Mục kia đáp lại rằng: “Không phải Thánh Lễ Chúa nhật dài, song là lòng đạo đức của các người quá ngắn!”. Lại có một số người khác chủ trương: đạo tại tâm, chẳng cần đi lễ, ở nhà thờ phượng Chúa trong lòng cũng đủ. Đáp lại, ta hãy suy rằng: nếu đạo tại tâm cũng đủ, thì sao Thiên Chúa lại hiển hiện, để thiết lập các nghi lễ, các tế lễ làm gì cho mất công?
Gia đình chúng ta hôm nay làm giờ đền tạ Chúa, vì các tội lỗi đã ơ hờ, bỏ quên hay lơ là với việc thờ phượng Chúa bên trong cũng như bên ngoài. Xin Chúa mở mắt chúng ta ra, để kịp thời nhận biết, thờ phượng và yêu mến Chúa, và cho chúng ta biết rằng: như thế là phúc cho ta! Đừng để một ngày nào đó, vào giờ chết, ta ước ao chớ gì sống thêm nửa giờ để tham dự một Thánh Lễ cuối cùng thờ lạy Chúa mà không được.
Tích truyện
Trong họ đạo kia, có một người làm công, làm việc cả tuần, đến ngày Chúa nhật, ông ta cũng bỏ không đi dâng Thánh Lễ, để ở nhà làm việc. Một hôm, cha sở đến thân mật khuyên ông hãy thánh hóa ngày Chúa. Ông trả lời:
- Cha xem! Gia đình con đông miệng ăn: một vợ và 7 đứa con. Nếu con nghỉ tay ngày Chúa nhật, thì lấy gì ăn? Con muốn lắm mà không có giờ.
Một lần khác, cha sở đến lại, vẫn thấy thế, ngài nói:
- Tôi với anh giao kèo: anh hứa với tôi trong suốt năm nay không làm việc ngày Chúa nhật, để có giờ đi dâng lễ và nghỉ ngơi, thánh hóa ngày của Chúa. Phần tôi, tôi hứa với anh là anh sẽ không thiệt gì đâu! Hãy trông cậy vào Chúa quan phòng! Ngươi lo cho chim trời có của ăn, lo cho hoa đồng có màu áo đẹp; thì cũng sẽ lo cho con cái Người không phải thiếu thốn, như chính Người đã hứa trong Phúc Âm: “Hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người trước đã, còn của ăn, áo mặc, Người sẽ ban thêm cho sau”. Và này anh, giả như anh có bị thiếu thốn, tôi đây cam đoan sẽ đền bù chỗ thua thiệt ấy cho anh tất cả!
Giao kèo ký kết xong. Cuối năm, cha sở đến thăm. Ngài nói:
- Theo như giao kèo đầu năm, bây giờ tôi phải đền bù cho anh bao nhiêu?
Ông ta mở to mắt nhìn cha trả lời:
- Không một xu nào cả! Mặc dầu con phải giữ ngày Chúa nhật, thế mà con vẫn kiếm lời hơn năm ngoái. Hơn thế, trong gia đình con, cuộc sống đã đổi thay: vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, đầm ấm hơn. Thật chưa bao giờ xảy ra như vậy!
Cha sở nói:
- Anh vừa nói mặc dầu phải giữ ngày Chúa nhật... Anh nên nói: nhờ giữ ngày Chúa nhật mà gia đình anh được mọi điều hạnh phúc hơn mới đúng! Thôi! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, là Cha hằng săn sóc cho các con cái vẫn tin cậy vào Người. Phần tôi cũng chia vui với gia đình anh!

----------------------------------------

Sunday, May 1, 2022

GIUSE TRONG XÓM NHỎ 
ÐIÊU TÀN
"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn thuở xưa ..."
    Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse. Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
    Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
    Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
   Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực.   
   Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao.
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

    Trích sách Lẽ Sống