Sunday, November 20, 2022


 
ĐỨC GIÊSU KITÔ 
VUA VŨ TRỤ
"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".
Lời Chúa: Lc 23, 35-43
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người này là vua dân Do-thái".
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Đối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?"
Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".
Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không? Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu.
Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian. Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô.
Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49). Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời.
Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính. Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ. Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3). “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”. Rất tự do, Người đã đi vào cái chết. Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người.
Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.
Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.
Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.
Nếu đã tin nhận Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thì việc thần phục Ngài là Vua của bạn là một hệ luận tất yếu. Hãy thờ phượng Ngài bằng cả đời sống bạn.
Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.
Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giê-su là Vua cai trị mọi loài. Xin Trái Tim Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời.

Sunday, November 6, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 31-33
BÀI 31
Người đàn bà sát nhân
Trích sách 1 Các Vua, ch.21

Hồi nước Pha-lê-tin chia đôi sơn hà, có vua Vương quốc miền Bắc, tên A-kháp, thèm muốn vườn nho của Na-bốt. Vườn nho này nằm sát cạnh hoàng cung. Vua bèn nói với Na-bốt:
- Để lại vườn nho của ngươi cho Trẫm, để Trẫm làm vườn ngự uyển. Trẫm sẽ cho ngươi vườn nho khác tốt hơn, hay nếu ngươi muốn, Trẫm sẽ trả giá cao.
Na-bốt đáp:
- Vườn nho thường tôi không dám tiếc Vua, song đây là cơ nghiệp tổ tiên, nếu nhượng cho Vua, ấy là một sự gở, một phạm thượng.
Quả thế, trong dân Israen có lệnh Chúa truyền: “Đất Chúa đã phân chia cho chi tộc nào làm cơ nghiệp, không được phép luân chuyển qua chi tộc khác, phải bám lấy phần cơ nghiệp tổ tiên mình” (x. Ds 36.7; Lv 25.13). Vua A-kháp về cung, lòng hầm hầm tức giận. Ông nằm xuống giường, quay mặt đi mà chẳng chịu dùng bữa. Hoàng hậu I-sa-ben hỏi:
- Cái gì khiến ông bực tức mà không chịu dùng bữa?
Ông liền kể lại chuyện vườn nho Na-bốt. Vợ ông mới nói: Thật rởm cái trò làm vua của ông! Thôi dậy dùng bữa cho lòng khuây khỏa, rồi xem tôi đây, tôi sẽ lấy vườn nho ấy cho ông không tốn một đồng bạc.
Rồi bà lấy danh Vua, viết sắc dụ bí mật, lấy ấn vua đóng vào, sai người gửi đến hàng kỳ mục của thành Na-bốt đang ở. Kỳ mục, nhân sĩ chiếu theo sắc dụ ấy thi hành: họ mở tuần chay, đặt Na-bốt làm chủ sự. Đang khi ấy, có hai đứa vô loài, đứng lên làm chứng gian cáo tội Na-bốt rằng: Na-bốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và Đức Vua của mình.
Sau khi vờ xét xử, người ta đã điệu ông ra ngoài thành ném đá chết. Rồi sai người báo cho bà I-sa-ben tất cả công việc. Được tin ấy, I-sa-ben nói với vua:  Xin ngài hãy đi tịch thu vườn nho của Na-bốt, vì nay hắn đã hết sống!
Nhưng Thiên Chúa bênh vực kẻ yếu hèn. Người sai tiên tri Ê-ly-a đến tại vườn nho ấy, trách phạt Vua A-kháp: Há ngươi đã giết người, lại còn tịch thu gia sản nữa sao? Yavê phán: “Chính nơi chó đã liếm máu Na-bốt, chó cũng sẽ liếm máu của ngươi nữa”. Còn về I-sa-ben, Thiên Chúa cũng phán rằng: “Chó sẽ ăn thịt nó bên tường thành. Còn người nhà của A-kháp, kẻ chết trong thành thì bị chó ăn, kẻ chết ngoài đồng thì bị chim trời rúc rỉa”.
Quả thật, sau này đã xảy ra y như lời Thiên Chúa đã đe phạt.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Ngày xưa, thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa trực tiếp cai trị dân riêng của Người, Người vẫn thường bênh vực kẻ bị hà hiếp bằng những hình phạt tỏ tường. Điều ấy cốt để răn dạy chúng ta, những người đời sau. Ngày nay, thỉnh thoảng, Thiên Chúa còn ra tay đánh phạt như thế, nhưng họa hiếm. Bây giờ, loài người đã được coi như trưởng thành, hãy cứ theo luật Chúa truyền mà làm, lớn rồi, biết suy, biết nghĩ rồi. Tội phúc loài người làm, sau này sẽ có phán xét phân minh. Thưởng phạt sẽ có chắc chắn, không tránh khỏi, song tất cả dành lại sau này. Chính bài học về phần phạt Chúa dành cho kẻ ác, không biết thương người, sẽ giúp chúng ta tiếp tục học về thương xác bảy mối. Kỳ này, ta đề cập đến các điều phải tránh, tức là các điều nghịch với đức thương yêu, giúp đỡ người ta.
1/ Những cách thức không nên làm khi thi hành bác ái: Chẳng hạn thương người để được người nhớ ơn, đáp đền, hay để biến họ thành kẻ đời đời thụ ơn mình. Gặp bất cứ dịp nào, ta kể lể công ơn mình ra. Gặp trường hợp họ không cư xử vừa ý, thì ta trách: “Đồ vô ơn bạc nghĩa..., mình làm ơn cho nó bao nhiêu, mà nó đã không đền ơn thì chớ, lại còn hỗn láo với mình”. Như thế, việc bác ái mình làm trước đó không còn giá trị nữa, bề ngoài tưởng là bác ái, kỳ thực bản chất nó là việc mưu cầu ơn nghĩa, bây giờ nó mới lộ ra. Bởi đó, thánh Phaolô dạy một câu mà thoạt nghe, ta không hiểu: “Giả như tôi đem cả gia tư, vốn liếng mà phát chẩn, và giả như tôi nộp mình chịu thiêu, mà tôi lại không có lòng mến (tức bác ái), thì cũng hư không, vô ích cho tôi” (1Cr 13.3).
Trộm nghĩ: Lạ thật, đem của cải bố thí phát chẩn, ai cũng cho là hành động yêu thương, bác ái, mà Thánh Phaolô lại nói là nếu không có lòng bác ái thì sẽ thành vô ích! Bây giờ ta đã hiểu: có thể bố thí vì những ý nghĩ xiên xẹo, chứ trong lòng không có tí tình thương người. Tỉ dụ bố thí để lấy tiếng khen, cúng của xây nhà thờ để ghi sổ vàng, ra điều ta hào phóng, ta giàu tiền lắm của, ta có công với Chúa, vv... Cứ thế, bao nhiêu việc bác ái ta làm, rất nhiều cái không phải vì Chúa, mà vì chính mình ta và để tôn mình lên. Tất cả đều vô ích, hư không trước mặt Chúa. Ngay cả khi có người làm phúc, bố thí để cầu mong Chúa ban ơn này, ơn nọ, cũng không thật là việc làm vì lòng mến: tỉ dụ có người bố thí rất rộng rãi, hỏi ra mới biết làm vậy để mong Chúa động lòng cho mình vượt biên an toàn, mạnh khỏe.
Biết như vậy, nên Đức Giêsu dạy: “Nếu các ngươi cho vay mượn - xem ra là việc thương người - nhưng để hòng trông được điều này điều nọ đáp đền, thì ngươi có làm gì gọi là việc ơn nghĩa đâu?” (Lc 6.34). Làm bác ái phải vô vị lợi, không trông báo đền, không mong đáp lễ, như Chúa dạy: “Các con hãy thi ân, hãy cho vay mượn, cho dù không trông báo đền. Và phần thưởng các con sẽ lớn lao..., các con sẽ là những người con của Đấng Tối Cao, vì Người nhân lành cả với những kẻ vô ơn, độc ác...” (Lc 6.35). Chúa còn dùng một hình ảnh rất đáng ghi nhớ để căn dặn về điều ấy: “Khi các con làm việc lành, bố thí, thì tay trái đừng biết việc tay mặt làm, ngõ hầu việc bố thí ấy chỉ có mình Chúa Cha trên trời biết, và Cha các con, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho các con...”. Chúa có ý dạy: khi làm việc lành phúc đức, thì chính mình cũng làm như là không hề biết đến nó, đừng ngắm nghía nó, sẽ dễ đâm ra tự hào, tự đắc, sẽ dễ vênh vang... Hãy quên đi, coi như ai khác đã làm chứ không phải mình. Hãy để Chúa Cha thấy và nhớ nó mà thôi. Nếu có nhớ, hoặc ai nhắc nhớ, mình thành tâm nói tự đáy lòng: Tôi là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm điều bổn phận tôi phải làm, nào có công đức gì đâu!
Thêm một điều nên lưu ý: khi làm ơn, giúp đỡ ai, đừng dùng cử chỉ, lời nói nào cứng cỏi, bất nhã, hoặc làm họ nhục nhã, đau đớn, tủi hổ trong lòng. Tỉ dụ: “Đó là vì Chúa mà tôi giúp anh, chứ không thì đừng hòng”. Té ra vì Chúa mà ta thương, chứ không thương chính mình họ. Ngược lại, Chúa dạy: hãy thương họ như chính mình Chúa: “Hễ các con làm sự gì cho một trong những kẻ hèn mọn nhất, là làm cho chính mình Thày”.
2/ Thái độ cội nguồn của sự thiếu bác ái là Lãnh đạm và ích kỷ: 
Phải chiếu theo ánh sáng Phúc Âm mới thấy rằng nguồn gốc của biết bao tội lớn nhỏ mà ta phạm đến đức thương yêu là sự ích kỷ và lãnh đạm. Đó là các tội tiêu cực, nghĩa là mắc tội vì đã không làm điều đáng lẽ phải làm. Trong Kinh thú tội trước khi dâng lễ, ta đọc rằng: “...và những điều thiếu sót, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Câu kinh ấy dịch như thế quá nhẹ, nhiều người lầm là những sơ hở, thiếu sót đôi chút, qua quít, không ăn nhằm gì. Kỳ thực, xét cho thấu đáo, thì đâm giật mình vì có khi ta đã thiếu sót, bỏ chẳng làm những điều to tầy đình.
Ích kỷ và lãnh đạm làm ta đi qua trước đau khổ, cùng cực của đồng loại mà không thấy, không ý thức. Ta cư xử không khác gì Ca-in, kẻ giết em: “Tôi có phải là kẻ canh giữ em tôi đâu?”, nghĩa là: Tôi đâu có trách nhiệm, đâu có phải phận sự tôi săn sóc, để ý đến anh em đồng loại? Lời nói bi thảm ấy đã xuyên suốt qua dòng lịch sử và vẫn vẳng lên cật vấn lương tâm mỗi người chúng ta: chúng ta có ích kỷ, có lãnh đạm không? Thì cứ thử xét mình có nói những câu như sau không: “Người nào có thân, người ấy lo!” - “Người khác, mặc xác họ, không can gì đến tôi” - “Bác ái đúng chỗ là yêu thương mình trước hết!” - “Mỗi người tự xoay sở lấy!” - “Chúa lo chung, mỗi người lo riêng mình” - Người ta kể rằng một sinh viên Ấn độ, du học bên Đức, anh không chịu sắm cho mình bất cứ tiện nghi, sung sướng nào, không cho phép mình tham dự bất cứ sự vui chơi, tiêu khiển nào không do bổn phận bắt buộc. Hỏi anh tại sao, anh đáp: “Khi nghĩ đến cuộc sống khốn khổ của đồng bào tôi bên quê nhà, tôi cảm thấy không thể! Đơn giản có thế thôi!”.
3/ Những hành động và thái độ thương hại đến sự sống, thân thể và sức khỏe người khác:
Như I-sa-ben giết Na-bốt, như Ca-in đến tấn công và sát hại em mình, thì người ta cũng gây hấn, sát hại, đả thương trực tiếp hay gián tiếp, tự tay mình hay nhờ tay người khác (như chuyện Kinh Thánh kể trên ), hoặc chụp mũ, vu cáo, vv... Nói tóm, tất cả những cách thức gây ra sự chết hoặc thương tích cách bất công, vô cớ cho người khác... Điều này, ta đã nói ở bài Lời Chúa 24. Ở đây, chỉ gợi thêm vài điều bổ túc:
a/ Ta có thể làm hại mạng sống hay thân thể người khác bởi bất cẩn hay lười biếng. Chẳng hạn bác sĩ hay y tá bắt mạch ẩu, sai bệnh, hay cho thuốc không đúng, mổ không sành nghề, vv...; xây nhà bớt xén vật liệu, nên dễ đổ sụp; bắt điện cẩu thả, vv... Những thương tích ta gây ra có thể kéo theo nhiều hậu quả khó lường: như khi nạn nhân phải vào bệnh viện điều trị, biết bao đau đớn, biết bao phí tổn thuốc men, có khi còn phải bỏ học lỡ cả một năm, hoặc phải tàn tật suốt đời.
b/ Có thể gây tai hại cho sức khỏe hoặc thân xác người khác còn bởi nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ hoặc hùa theo lối sống hay cách làm sai trái của người đời, riết rồi để mặc buông trôi. Tỉ dụ buôn bán thuốc giả, xi măng trộn tro, buôn bán đồ gây hại sức khỏe như cần sa, ma túy, bán đồ hộp hư thối, trái cây đã hư hỏng, gây ô nhiễm trầm trọng, xả rác, bỏ xác chuột chết ngoài lộ, xả khói lò hơi độc tràn lan trong khu vực..., không bảo đảm an toàn lao động cho công nhân..., vặn nhạc, loa phóng thanh ồn ào, mất yên tĩnh, gây căng thẳng tinh thần, mất nghỉ ngơi cho người khác, vv... Gần đây, báo chí báo động có hiện tượng xảy ra nơi các nhà hàng, quán ăn, sản xuất chế biến thực phẩm, vì muốn làm cho đồ ăn đẹp mắt, hấp dẫn, người ta bôi tẩm các dầu, mỡ kỹ nghệ thay cho dầu ăn, mỡ động vật, vv... Năm 1959, gần 10.000 người Marốc bị liệt bại chỉ vì ăn phải dầu kỹ nghệ mà một nhà buôn kia làm giả dầu ăn.
c/ Xem ra có vẻ vô hại cho sức khỏe, những lời nói cay độc, bất công, cứng cỏi, chửi rủa, lăng nhục. Kỳ thực, làm cho đau đớn, buồn tủi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe không phải ít. Ca dao ta có câu:
“Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời xiết cạnh muôn đời không quên”.
Có những người bị chế diễu vì tàn tật đã buồn đến nỗi muốn quyên sinh. Có những bà mẹ chết vì có đứa con hình dáng hoặc tâm trí bất bình thường. Có những đối xử bất công, những thái độ cố tình lãnh đạm, lạnh nhạt, thiếu tình người, thái độ vô tâm, vô tình cũng gây ra những vết thương lòng, phương hại đến sức khỏe và mạng sống kẻ khác.
4/ Việc bồi thường:
Giáo lý đạo Chúa rất công bằng, gây thiệt hại phải bồi thường. Đa số người tín hữu quên mất điều này, chỉ nghĩ đi xưng tội, Chúa tha là xong hết. Cũng có người biết, song viện mọi lý do để trốn tránh, vì việc bồi thường rất tốn kém, mất thì giờ, đôi khi còn nhục nhã. Nhưng chính việc phải bồi thường mới làm ta ý thức rõ hơn về tính cách quí báu của mạng sống, sức khỏe và thân thể con người. Bồi thường, trước hết các phí tổn trực tiếp, ví dụ gây thương tích, thì phải chở người ta đến bệnh viện, trả tiền thuốc men..., mà còn phải bồi thường gián tiếp các thiệt hại từ tai nạn lôi kéo theo: thiệt hại do phải nghỉ việc, không có lương... Thường thì nhờ thỏa thuận và thông cảm của nạn nhân và gia đình, nên nạn nhân cũng không nỡ đòi phải bồi thường, có khi suốt đời như đáng phải chịu. Dầu sao, bổn phận và lương tâm của người gây tai nạn phải biết nghĩ đừng để nạn nhân và gia đình quá thiệt thòi. Dĩ nhiên, có những trường hợp mất mát không thể lấy lại, như làm sao tiền của đền bù được nỗi mất cha, mất mẹ, mất con... Vậy, tùy khả năng phải săn sóc các con cái mồ côi cho đến tuổi trưởng thành...
Chúng ta dâng một lời cầu nguyện sau:
“Lạy Chúa! Suy niệm giáo lý của Chúa, gia đình chúng con nhận thấy sai lỗi nhiều điều. Xin Chúa thứ tha và giúp chúng con xứng đáng ơn tha thứ bằng cách tuân hành luật thương xác bảy mối mà Chúa và Hội Thánh dạy. Amen!”.

Tích truyện
Năm 1964, dịp Đại hội Thánh Thể ở Bom-bay (Ấn độ), Đức Giáo Chủ Phaolô V đã qua làm chủ lễ và chính thức thăm nhân dân Ấn. Ngài đã chiếm được quả tim của mọi người, đa số theo Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, vì đã có một tâm hồn vô cùng quảng đại và tế nhị. Nhân dân Ấn nhắc đến Ngài không ngớt và gọi Ngài là Gan-dhi của Tây phương. Họ còn nhớ mãi những cử chỉ Ngài đã làm trong chuyến viếng thăm: như tặng 5.000 đô la cho gia đình một phóng viên Ấn bị chết vì tai nạn trên đường phận sự; như ngồi ăn chung một ghế với các cô nhi và với khẩu phần ăn y như của chúng; như tặng nguyên chiếc xe hơi chính thức của Ngài cho một nữ tu Bác Ái để lo việc từ thiện, để rồi chỉ dùng một xe díp (jeep) đi đây đó thăm viếng; như ký chi phiếu 500 triệu franc (tiền Pháp) để giúp các kẻ nghèo; như nhờ các phóng viên đăng tải lời kêu gọi các nước giàu có hãy để ra một phần ngân sách giúp đỡ các nước kém phát triển, vv... Đức Giáo Chủ chỉ qua Ấn hơn một tuần, nhưng để lại trong lòng nhân dân Ấn nhiều kỷ niệm ngàn năm khó phai mờ.

**********************
BÀI 32
Thương linh hồn bảy mối
Trích lược sách tiên tri Yô-na, ch.1

Yavê truyền cho tiên tri Yô-na rằng:
- Hãy chỗi dậy, đi sang Ni-ni-vê, kinh thành vĩ đại, mà loan báo cho chúng hình phạt sắp đổ xuống trên đầu do các tội lỗi, ác nhân ác đức của chúng đã lên thấu tai Ta.
Nhưng Yô-na run sợ, ông nghĩ:
- Dân Ni-ni-vê là dân đại gian, đại ác, lại là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc mình. Nay mình sang rao giảng, nhỡ ra họ ăn năn trở lại và Thiên Chúa thì nhân từ sẽ tha, không giáng phạt cho họ, thì lời loan báo hình phạt của mình là dởm, thiên hạ sẽ cười mình chết. Hơn nữa, chúng là kẻ đại gian, đại ác, cứ để chúng bị phạt chết tiệt nòi, tiệt chủng đi là đáng kiếp.
Nghĩ thế rồi, ông không tuân lệnh Chúa, trốn chạy nhiệm vụ. Thay vì xuống tàu sang phía đông đến Ni-ni-vê, ông xuống tàu đi ngược phía tây, tưởng lánh xa được mặt Chúa. Ai dè, đang lênh đênh trên mặt biển thì Thiên Chúa làm nổi dậy phong ba. Tàu muốn vỡ tan vì sóng nhồi, gió táp. Thủy thủ và mọi người trên tàu khiếp vía, ai nấy cầu khẩn thần linh của mình. Họ quăng đồ đoàn xuống biển cho tàu nhẹ bớt, nhưng nguy hiểm càng lúc càng lớn. Còn Yô-na chui xuống hầm tàu ngủ li bì. Thuyền trưởng lại gần đánh thức ông:
- Này! Dậy đi mà kêu khấn thần linh của ngươi!
Nhưng cầu khấn mãi mà nguy hiểm không giảm. Họ bảo nhau:
- Giữa chúng ta, chắc có một kẻ tội phạm nào đó chọc giận thần linh, làm cớ cho các vị thần đổ tai họa xuống cho ta. Ta hãy bắt thăm để biết.
Họ đã gieo thăm. Thăm lại nhằm đúng Yô-na. Yô-na đành phải xưng:
- Tôi là dân Hipri (tức Do thái), thần linh tôi thờ là Yavê Chúa trên trời. Ngài dựng nên biển khơi cũng như đất liền.
Nghe vậy, họ rất đỗi khiếp sợ. Họ hỏi:
- Vậy ngươi đã làm gì xúc phạm đến Ngài?
Yô-na thú tội là ông trốn nhiệm vụ Yavê trao. Họ hỏi bây giờ phải làm thế nào để biển yên sóng lặng. Yô-na nói:
- Hãy quăng tôi xuống biển, thì các ông qua khỏi hiểm nghèo. Bởi tôi biết chính vì tôi đã xúc phạm đến Yavê, mà cơn bão này xảy đến cho các ông.
Thoạt đầu, họ không dám làm, họ ra sức chèo chống để vào đất liền, nhưng vô phương, bão càng thêm hung dữ. Cuối cùng, họ đành khấn vái Yavê, xin đừng bắt tội họ vì mang Yô-na, rồi họ quăng tùm ông xuống biển. Tức thì, biển trở lại yên như tờ. Mọi người kính sợ Yavê và dâng tế lễ kính Ngài.
(Chuyện Yô-na còn tiếp, sẽ kể vào dịp khác)
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Vì sao Yô-na trốn chạy việc rao giảng cho dân Ni-ni-vê? Anh chị em nào đáp thử xem có đúng không? (để họ nói...). Bây giờ, ta thử đọc lại Lời Chúa, ở mấy dòng đầu có lời giải đáp (xin đọc lại mấy dòng đầu).
Tóm lại, thứ nhất, ông sợ người ta chê cười. Đi loan báo hình phạt sắp xảy đến, mà nhỡ ra họ ăn năn trở lại, thì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng ái tuất, kẻ đại gian, đại ác đến mấy mà thống hối, ăn năn, Ngài cũng tha thứ và thôi phạt; như vậy, hóa ra lời loan báo của ông là láo, loan báo điều không xảy ra. Thứ hai, ông không có lòng thương linh hồn kẻ tội lỗi, mặc kệ cho Chúa phạt chúng chết đi. Đáng tội!
Biết đâu nhiều người trong chúng ta cũng là Yôna trốn chạy việc cứu giúp linh hồn người ta, vì sợ cái này, cái nọ! Là thành phần của Hội Thánh truyền giáo, ta mặc kệ người ta chết mất linh hồn mà chẳng thò một ngón tay ra cứu vớt sao?
Trong đời bạn, đã có lần nào giúp một người khác bỏ đàng tội lỗi trở về đàng chánh chưa? Đã một lần nào, bạn đưa một tâm hồn đến tin vào Chúa, hoặc đưa một người lương đến chịu phép Rửa tội chưa? Nếu đã được ít ra một lần, thì cũng tốt lắm rồi, thế là bạn đã cầm chắc phần rỗi của chính bạn, vì có lời Kinh Thánh dạy: 
 “Hãy biết rằng: kẻ làm cho một người tội lỗi trở lại, bỏ đường lầm lạc, là sẽ cứu linh hồn mình khỏi chết và phủ lấp muôn vàn tội lỗi mình” (Gc 5.20).
Dầu vậy, cứu một linh hồn là quá ít. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê bôn ba bốn bể năm châu, sang Ấn độ, đến Trung quốc, vào Nhật bản, lặn lội nơi rừng thiêng nước độc, đến cùng những bộ lạc hung tợn ăn thịt người... để rao giảng, dạy đạo, khuyên bảo mọi người hãy tin vào Chúa, hầu được cứu rỗi; nên thánh nhân đã cứu được cả triệu linh hồn đưa về với Chúa.
Vậy, cái gì là động cơ thúc đẩy lo phần rỗi cho người khác? Thưa:
Thứ nhất: lòng yêu thương: “Mến Chúa thì cũng thương anh em mình. Phàm ai yêu mến Đấng Sinh thành, tất yêu mến cả những kẻ bởi Ngài mà sinh ra”, Thánh Kinh dạy vậy (1Ga 4.21 và 5.1). Không chỉ thương xác như đã xem ở các kỳ trước, mà còn thương phần linh hồn. Cứ xem gương Đức Giêsu đủ rõ: Ngài đã làm những gì để cứu linh hồn chúng nhân? Ở đây, chúng ta không bàn rộng, đợi dịp khác, chỉ cần nhớ một điều: cho dù chỉ có một linh hồn tội lỗi trên thế gian, Chúa Giêsu cũng từ bỏ trời xuống thế, rao giảng, hi sinh chịu chết làm của lễ đền tội cho người đó. Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con trên rừng, để đi tìm một con chiên lạc bầy, đã cho phép ta nghĩ như thế.
Ngày xưa, Thày Mạnh Tử nói: “Người ta ai cũng có tính thiện trong người: đó là cái lòng trắc ẩn. Chứng cớ là đây: giá thình lình thấy đứa bé sắp ngã xuống giếng, thì ai trông thấy cũng có lòng bồn chồn, xót thương mà chạy lại cứu giúp. Xem như vậy, ai không có lòng trắc ẩn, thương xót, thì không phải là người” (chương Công Tôn Sửu). Cũng vậy, linh hồn tội lỗi là một kẻ sa xuống giếng, đã là con người ai cũng xót thương mà đến cứu giúp. Há người Kitô hữu lại không biết xót thương? Hay là họ không còn là người nữa? Hay họ không có trái tim? Kitô hữu nào không xót thương linh hồn người ta, không phải là Kitô hữu thật.
Thứ hai: một lý do nữa thúc đẩy lo cứu các linh hồn là nhận định xác đáng về hạnh phúc đời đời. Ta có một báu vật gì, nếu mất đi, ta tiếc xót, đau khổ, buồn rầu, mất ăn, mất ngủ, có khi đến loạn óc, và nếu còn hi vọng, ta sẽ ra công tìm kiếm không quản khó nhọc. Do đó, nếu nhận định xác đáng hạnh phúc đời đời, cuộc sống với Chúa, với Đức Mẹ cùng các thần thánh nơi cõi trời mới, đất mới là cao quí, tốt đẹp và vui sướng vô ngần; ta sẽ cẩn thận không để mất nó, và thấy ai sắp mất, ta sẽ giúp họ gìn giữ. Hỏi giá trị một linh hồn là bao nhiêu? Thưa: cả vũ trụ này cũng không bằng. Đức Giêsu đã nói: “Nào ích gì cho người ta khi chiếm lấy cả thế gian làm sở hữu mà lại đánh mất sự sống linh hồn mình! Người ta sẽ lấy gì để chuộc lại sự sống linh hồn mình?” (Mc 8.36-37).
Đức Mẹ đã hiểu hạnh phúc đời đời là thế nào: Tuy Đức Mẹ cũng là con cháu Adong, Evà như ta mọi đàng, song nay thì Người đang nếm hưởng phúc vô cùng trên trời với cả hồn lẫn xác. Khi Mẹ thấy loài người cứ ham mê các vật thế gian tạm bợ, mau qua, chóng tàn, mà phạm tội mất lòng Chúa, bỏ mất phần phúc vô cùng lớn lao, cao quí kia, và xô nhau xuống hỏa ngục đau đớn, quằn quại, nghiến răng, khóc lóc đời đời ; thì Mẹ như cuống cuồng, rối rít lên... Cho nên, Mẹ hiện ra lia lịa, nơi nọ nơi kia: nào Lộ Đức, nào Fatima, bây giờ đang hiện ra bên Mễ Du... để cảnh tỉnh, để thúc giục người ta ăn năn trở lại, đừng dại dột chuốc lấy hỏa ngục vô cùng đau đớn... Và để làm bằng chứng cho người ta thấy hỏa ngục là có thật, thì ở Fatima, Mẹ cho ba em nhỏ - trong đó có Lu-xi-a, nay còn sống - được thấy hỏa ngục và các quỉ dữ cùng các linh hồn trầm luân, đau đớn gào thét trong đó... Mới đây, ở Mễ Du, Đức Mẹ lại cho các thanh thiếu niên Mẹ tuyển chọn, được chứng kiến cảnh thiên đàng, rồi hỏa ngục...
Theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh, ta không thể sống dửng dưng, mặc anh em ta sa xuống đó, và tự nhủ mình: “Tôi có phải là người canh giữ anh em tôi đâu! Họ sao kệ họ, tôi không biết!” Lời Thánh Kinh dạy ta: Thiên Chúa trao cho mỗi người phận sự lo lắng phần rỗi và ích lợi thiêng liêng cho anh em đồng loại, chứ không chỉ lo cho mình thôi. “Mắt không thể bảo tay: Tôi không cần anh! Hay đầu không thể bảo chân: Tôi không cần các anh! Song Thiên Chúa đã xếp đặt các bộ phận của thân thể... để các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc nhau. Cho nên, một bộ phận đau thì hết các bộ phận đều đau chung. Một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận đều vinh chung...” (1Cr 12.21-26).
Sau khi nói như trên dành cho người lớn, chúng ta còn muốn nhắm đến các thanh thiếu niên nam nữ, con em chúng ta. Các em còn trẻ, dễ uốn nắn, dễ tập biết lo ích lợi thiêng liêng cho tha nhân.
Cha mẹ, phụ huynh tập cho con em mình thế nào? Trước tiên là bằng gương sáng, bằng lời nói và đời sống mình. Nếu ngay từ nhỏ, các em được phụ huynh nói với các em về Chúa, khuyến khích yêu mến, làm đẹp lòng Chúa, và cùng cầu nguyện với các em, đưa các em đi nhà thờ, dạy các em biết cách lo lắng cho linh hồn tha nhân, thúc giục các em giúp đỡ các kẻ có tội, và cầu nguyện, hi sinh cho họ, tập cho các em biết làm việc tông đồ, truyền giáo bằng lời nói, việc làm, bằng chính gương hăng hái tông đồ của phụ huynh... các em sẽ tiêm nhiễm thói quen tốt lành đó, lúc lớn lên các em có thể tự động làm lấy một mình.
Nhưng, buồn thay! Nhìn vào gia đình công giáo, rất ít gia đình làm như vậy. Thành ra, các tính tốt tiềm tàng nơi các em bị mai một, chôn vùi đi. Phần nhiều, phụ huynh chỉ lo nghĩ đến các chuyện làm ăn, sinh sống vật chất : lo sức khỏe, lo cho đi học, thi đỗ, thành công, có công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, có tiền xài..., toàn lo cho có những cái hay, cái đẹp trước mắt người đời! Nếu có phụ huynh nào lo lắng về việc đạo của con em, thì quanh đi quẩn lại chỉ nghe thúc giục đi nhà thờ, dự lễ, đi xưng tội, hoặc dạy cầu xin những điều vật chất... Thảm hơn nữa, nhiều con em chỉ nhìn thấy phụ huynh đưa ra những lời nói, những cử chỉ vô đạo, hoặc lãnh đạm với Chúa, với phần rỗi... Chưa kể các em luôn thấy trước mắt những gương xấu tham tiền tham bạc, tham công ăn việc làm, chẳng có chút chi đạo hạnh. Nói tóm, con em chỉ thấy trong gia đình một lối sống ngoại đạo... được che phủ bằng vài phút đọc kinh nghêu ngao, chán chường lúc sáng tối... Còn cả ngày, Thiên Chúa hình như vắng bóng, không một ai nhắc nhở đến Ngài. Thế là đến lúc lớn lên, các em cứ theo đường lối ấy mà sống..., đến đời con, đời cháu chúng nó là mất đạo, chứ đừng nói gì đến việc cứu linh hồn người khác.
Ngoài ra, phụ huynh cũng như con em còn phải chịu biết bao ảnh hưởng ngoại đạo chung quanh thấm nhập vào... Ảnh hưởng của quần chúng len lỏi khắp nơi, mọi ngõ ngách, cách nhẹ nhàng mỗi ngày một tí, rất tinh vi; nó âm thầm hay công khai phi bác đạo, các mầu nhiệm thiêng liêng... Rồi lại thêm sách báo, phim ảnh, câu lạc bộ... nhạc, băng, cát-xét, vi-đê-ô... lôi cuốn cách riêng giới trẻ rời xa không khí thiêng liêng, đạo đức, chạy theo các thị hiếu vật chất và chán điều thiêng liêng...
Trong tình trạng nguy ngập này, mọi người phải nỗ lực cấp tốc sửa chữa lại... Phải đánh thức lương tâm dậy với bổn phận tông đồ, lo mưu ích thiêng liêng cho người khác... bắt đầu với các người đồng trang lứa, đang xa Chúa, đang sống bê bối... như đã nói trên kia. Phương thế tốt nhất để đánh thức, hun đúc sự lo lắng cho phần rỗi linh hồn tha nhân nơi các em, đó là thúc đẩy các em đi học Thánh Kinh, đi chia sẻ Lời Chúa. Cái gì phụ huynh đã cố gắng mà còn thiếu sót hay không đủ khả năng, Lời Thiên Chúa sẽ bù đắp mà dạy dỗ, huấn luyện, lôi cuốn các em, đúng như lời Thánh Phaolô dạy: “Kinh Thánh tất cả được Chúa Thánh Thần soi sáng, linh ứng, và có ích để dạy dỗ..., để tu chỉnh, để giáo huấn trong đàng công chính; ngõ hầu người của Thiên Chúa (tức là con cái Thiên Chúa) được trang bị sẵn sàng cho mọi công việc lành thánh” (1Tm 3.16).
Phụ huynh sẽ thấy: các thanh thiếu niên, con em chúng ta không thiếu thiện chí; trái lại, có sẵn một tấm lòng giàu đại độ mà ta không ngờ, chỉ tội từ lâu ta đã để chôn vùi, mai một, không khai thác cho Chúa và cho tha nhân được nhờ.
Tích truyện
Ba em Xê-xi-li-a (Cécilia) là một công nhân, phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Má lo nội trợ song bà rất bác ái, hiền hậu, nên cả xóm đều quí mến. Em Cécilia mới ít tuổi mà học giáo lý rất giỏi. Em rất hãnh diện về gia đình mà em cho là rất hạnh phúc. Em chỉ còn nghĩ đến Chúa bị bỏ rơi trong các người bị áp bức, đau khổ. Nhưng ai dè, một hôm, thật bất ngờ như gáo nước lạnh dội vào mặt, một đứa bạn nói:
- Này, Xê-xi-li-a, mẹ mày thực tốt, nhưng khốn khổ vô cùng!
Xê-xi-li-a kêu lên:
- Sao thế?
- Mày đừng tưởng gia đình mày hạnh phúc, vì ba mày đêm nào cũng về đến nhà đã say sưa be bét, rồi đánh đập, chửi mắng mẹ mày, hàng xóm nhà nào cũng nghe, mày không tin cứ rình xem!
Tối hôm ấy, Xê-xi-li-a học bài xong, không đi ngủ như thường lệ, em chờ ba về, nấp kỹ sau bức màn và hồi hộp rình xem... Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt : ba em đầu bù tóc rối, hơi thở nồng nặc rượu, miệng tuôn ra hàng loạt câu chửi tục tĩu, nhiếc mắng mẹ em. Bà mẹ cúi mặt làm thinh, vừa ăn, vừa khóc. Lát sau, ba Xê-xi-li-a lùa nguyên cả mâm cơm xuống nền nhà, chén bát vỡ tan tành... Chưa vừa ý, ông còn tặng vợ những cú đấm đá tàn nhẫn. Sau bức màn, Xê-xi-li-a chết lịm...
Em suy nghĩ và cầu nguyện. Một hôm, em được Chúa soi sáng làm một diệu kế. Từ nay, tối nào em cũng thức đợi ba, lúc ba về, em chạy ra đón, ôm hôn ba, cất mũ áo cho ba, rồi quay sang giúp mẹ dọn bàn cơm. Suốt bữa, em ngồi bên ba má, ríu rít kể những chuyện vui ở trường, hỏi thăm ba công việc ở sở. Thoạt đầu, ba em lấy làm lạ, càu nhàu, khó chịu ; nhưng dần dần đành chịu thua con, lại thấy trong lòng vui vui... Nhiều lúc, Xê-xi-li-a còn đứng lên vỗ tay ca hát giữa nhà. Dần dà, bầu khí gia đình trở nên nhẹ nhàng. Tuy vẫn còn ngà ngà say, nhưng ông cũng lấy làm cảm động, có lần choàng tay ôm hôn con âu yếm.
Rồi một hôm, Xê-xi-li-a xin phép ba kể lại điều em đã thấy, đã nghe về sự bất hòa giữa ba má mỗi tối, khi ba say. Xê-xi-li-a thú thực là em rất thương ba má, nhưng cũng rất đau khổ vì thấy Chúa bị bỏ rơi, bị khinh miệt trong cảnh gia đình xào xáo như vậy, nên em muốn đem Chúa về lại trong gia đình. Nghe kể vậy, ba má em cảm động. Họ mừng mừng tủi tủi, không ngờ con mình thương cha mẹ như thế. Ba em hứa từ nay sẽ chừa bỏ uống rượu để gia đình hòa thuận, hạnh phúc như xưa, và Xê-xi-li-a khỏi phải thức khuya đợi ba về nữa.
**************************
BÀI 33
Thương linh hồn bảy mối (tiếp)
Tiếp chuyện tiên tri Yô-na, ch.2-4

Sau khi Yô-na bị ném xuống biển, Yavê đã liệu cho có một con cá lớn nuốt Yô-na vào bụng. Trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, ông đã hối tội và cầu Chúa cứu giúp. Con cá lớn đã mửa ông lên đất liền. Ngay đó, lần thứ hai, lời Thiên Chúa lại vang lên, sai ông đi rao giảng. Ông tuân lệnh, đến Ni-ni-vê, cất tiếng hô lớn rằng:
- Còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá hủy, nếu không lo ăn năn trở lại.
Nghe tin sét đánh, dân Ni-ni-vê tin vào lời Thiên Chúa. Từ lớn chí bé sám hối, ăn chay, hãm mình, cởi áo lụa là, mặc bao bị nhặm. Ngay cả nhà Vua, hay tin ấy cũng rời ngai vàng, cởi cẩm bào, trùm lấy bao bố, ngồi trên đống tro, ăn năn đền tội. Vua còn ra lệnh cho dân, ngay đến trâu bò, súc vật cũng phải chay kiêng:
- Mọi người phải ra sức cầu xin Thiên Chúa tha tội, cùng ăn năn trở lại, bỏ đàng tội và các việc hung ác vẫn làm, trông cậy nhờ đó, Thiên Chúa sẽ dủ tình thương xót mà rút lại án phạt.
Quả đúng, thấy họ thanh tẩy lòng sám hối, bỏ đàng dữ, Thiên Chúa đã rút lại, không trút phần phạt Người đã ngăm đe.
Phần ông Yô-na, thấy thế thì buồn bực lắm! Ông nổi giận và trách Chúa :
- A! Lạy Yavê! Lại không đúng như lời tôi nói sao, khi tôi còn ở quê tôi? Chính vì thế mà tôi đã trốn nhiệm vụ, vì quả tôi biết rằng: Người dịu hiền, từ tâm, khoan dung và nhân nghĩa bao la. Ai ăn năn thống hối là Người tha thứ và rút lại vạ dữ, không phạt nữa. Dân Ni-ni-vê đại gian, đại ác như thế mà Người cũng tha. Thôi, tôi còn mặt mũi nào mà sống nữa, xin Người cất mạng sống tôi quách đi cho rồi! Chết còn hơn sống nhục!
Yavê mới nói :
- Ngươi nổi giận như thế phải không? Hãy xem đây!
Để cho Yô-na một bài học về lòng từ tâm, thương xót của Người, Yavê cho mọc lên một cây thầu dầu, một đêm mọc cao đến nỗi che mát cho Yô-na, đang khi ông chờ xem sự gì xảy ra cho Ni-ni-vê. Thoạt được bóng mát, Yô-na nguôi ngoai đôi chút. Đến sáng hôm sau, Thiên Chúa lại cho một con sâu chích cây thầu dầu chết khô. Gió nồm nóng bức thổi, mặt trời rọi những tia lửa trên đỉnh đầu, làm Yô-na ngất xỉu. Và ông lại muốn chết. Bấy giờ, Yavê mới phán:
- Yô-na, ngươi xem đó! Ngươi thương tiếc một cây thầu dầu mà ngươi không phải khó nhọc chút nào để vun trồng. Còn Ta, sao lại không thương tiếc thành Ni-ni-vê vĩ đại, gồm trên 12 vạn con người, những người mê muội, lầm lạc, cùng với bao nhiêu súc vật hay sao?
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ông Yô-na buồn bực vì Chúa quá từ tâm, đã không tru diệt cái dân đại gian ác, Chúa còn sai ông đi rao giảng cho chúng ăn năn hối cải làm chi? Có tội là a lê hấp! giết chết rồi phạt xuống hỏa ngục đời đời cho đáng kiếp! Ngược lại, Chúa cho ông bài học : Chúa từ tâm, thương xót kẻ tội lỗi. Người không muốn diệt, Người sai ông đi răn bảo kẻ tội lỗi, lấy lời lành khuyên họ hối cải, để Người tha phạt. Kinh Thánh còn nói: Chúa thương xót ngay cả súc vật trong thành Ni-ni-vê nữa. Lòng từ ái Chúa thật bao la!
Chúng ta đây thử xét xem: mình thuộc hàng con cái Chúa hay thuộc dòng giống con cháu ông Yô-na? Lấy dấu này mà biết: không biết xót thương số phận linh hồn tội lỗi, mặc kệ họ sống hay bị chết đời đời, ấy là kẻ thuộc dòng giống Yô-na. Còn ai biết xót thương phần rỗi kẻ có tội, ấy là người có tinh thần của Chúa, thuộc hàng con cái Chúa.
Bài đền tạ hôm nay vẽ ra những việc giúp ta thực hành lòng thương xót ấy: thương linh hồn bảy mối. Bảy mối ấy là những việc nào, xin mời ông bà cô bác đọc lên giùm [mời họ đọc..., đọc xong nói: Tốt lắm!]. Chúng ta thuộc lòng cả. Đó là một chuyện: chuyện đầu và chuyện dễ nhất. Còn thực hành các điều đó mới khó và nhiều người không muốn làm. Vì thế, chỉ Chúa mới thúc giục lòng ta muốn và thích làm, đồng thời giúp sức ta can đảm mà làm, như lời Thánh Kinh dạy: “Chính Thiên Chúa tạo trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm, thể theo Ý Người” (Ph 2.13). Vậy ta phải quay đến Chúa mà xin Người dạy cho điều gì phải làm, phải nói để sinh ích cho linh hồn người ta. Cầu cho ta đã đành, mối thứ 7 dạy phải cầu nguyện cho người khác nữa:
+ Cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết: 
Việc cầu cho kẻ chết, giáo hữu ta lo khá chu đáo rồi, ở đây, chỉ bàn đến cầu cho kẻ sống, nhất là tội nhân. Trong khi giúp kẻ có tội, có những trường hợp ta không thể nói, hay không thể làm gì cho họ cả. Lúc ấy, ta phải biết giữ thinh lặng. Nhưng không phải thinh lặng thụ động, mà thinh lặng tích cực, nghĩa là liên lỉ chú tâm lo lắng cho họ, nhất là liên lỉ cầu nguyện cho họ. Kèm với lời cầu, lại còn dâng thêm các hi sinh, hãm mình, việc lành phúc đức chỉ cho họ. Tỉ dụ: trong gia đình, có người con đã lớn mà nghiện ngập, nhậu nhẹt, hư hỏng... Nói mãi, khuyên mãi cũng không ăn thua gì. Từ nay, cha mẹ, phụ huynh chỉ nên giữ thinh lặng, bớt khuyên, bớt thúc giục, bớt la mắng; nhưng cầu nguyện nhiều cho nó, hi sinh, hãm mình nhiều chỉ cho nó, cốt ý để Chúa nói với nó. Chúa biết cách nói hơn ta. Ta nhiều khi vì nóng nảy, sốt ruột, vì tư lợi mà la mắng, nói nặng nói nhẹ... hỏng việc hết.
Như vậy, cầu nguyện là hành vi căn bản trong việc lo phần rỗi linh hồn mình cũng như linh hồn kẻ khác. Cầu nguyện cộng đoàn càng tốt hơn: dù hai hay ba người, hoặc gia đình, hoặc xứ đạo. Cũng chính trong dịp dạy về việc sửa lỗi, khuyên răn kẻ có tội mà Chúa hứa: “Quả thật, nếu trong các con, hai ba người dưới đất đồng thanh xin về bất cứ việc gì, thì Cha Thày, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thày, thì có Thày ở đó, giữa họ” (Mt 18-19-20). Trong Tân Ước, rất nhiều đoạn Chúa dạy cầu nguyện cho kẻ sống kẻ chết, thân thuộc, bạn hữu, kẻ làm ơn, ngay cả kẻ thù, kẻ ghét ta, không ưa ta..., cho các nhà lãnh đạo dân tộc, cho người ngoại, kẻ tội lỗi, vv... Đây chỉ xin trích một câu Thánh Phaolô dạy: “Tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua chúa, và hết mọi người quyền cao chức trọng... Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật...” (1Tm 2.1-4).
Tiếp đây, mối thương thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người:
Bình thường, đừng nên hạn chế vào việc cầu nguyện. Thương linh hồn có 7 mối, cầu nguyện là mối thứ 7, còn những 6 mối khác kia mà. Vậy tùy theo mức độ lòng tin, sự hiểu biết và kinh nghiệm thiêng liêng Thiên Chúa ban cho ta, hãy nói cho người khác, đúng lúc, hợp tình hợp cảnh, một câu nói khôn ngoan, đầy ơn Chúa, để đưa đến cho, khi thì một lời giải đáp thắc mắc, khi thì một lời nhắc nhớ đến bổn phận, khi thì một lời khuyến khích tiến thêm trên đàng nhân đức, vv... Đừng để tính vị nể, ngại ngùng, mắc cở cản bước ta. Giáo dân ta rất chịu khó nghe giảng, đó là điều tốt. Chỉ uổng là sau đó, không để chút ít giờ mà suy đi gẫm lại như Đức Mẹ, hoặc đem chia sẻ với nhau trong nhóm cầu nguyện, hoặc nhóm chia sẻ Lời Chúa, cho nên nghe tai này lọt tai khác, mau quên đi, lúc cần phải nói cho ai thì lúng túng. Vậy xin mời anh chị em, nhất là các bạn trẻ, phải dự bị sao để có thể sẵn sàng tham gia một cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh về vấn đề giáo lý, thiêng liêng, hay bảo vệ một lập trường chân lý, đó là điều Thánh Phêrô dạy: “Hãy luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người hỏi lẽ anh em về mối hi vọng (được sống đời đời) có trong anh em” (1Pr 3.15). Trong sách Công vụ Tông đồ, các tín hữu cầu xin giữa cơn bách hại rằng: “Xin cho các tôi tớ Người được tất cả dạn dĩ mà nói Lời của Người...”. Và Chúa đáp lời họ cầu như sau: “Họ cầu nguyện rồi, thì chỗ họ nhóm hội rung chuyển, hết thảy họ được đầy Thánh Thần, và họ cứ ngang nhiên nói Lời Thiên Chúa” (Cv 4.29,31).
Vậy gia đình ta, mỗi người, hạ quyết tâm: ngày mai, từ sáng đến tối, tôi sẽ tìm dịp thuận tiện để nói Lời Chúa cho ít nhất một người. Và cứ như vậy, các ngày sau...
Nhưng có điều là đừng chỉ nói bằng miệng, còn phải nói bằng đời sống. Chúa Giêsu, theo lời Kinh Thánh kể, vừa nói vừa làm. Ngài đã sống các điều Ngài dạy (x. Cv 1.1). Ngài còn tự hiến mạng sống để giữ trọn các điều Ngài dạy. Khi Chúa bảo ta: “Các con là muối cho đời, nếu muối ra lạt thì làm sao ướp được kẻ khác?”, tức là đời sống ta lạt lẽo, ơ hờ, nguội lạnh, làm sao ta giúp người khác mặn mà, khỏi ươn thối. Chúa nói tiếp: “Vậy chẳng còn ích gì, chỉ còn đem đổ ra ngoài đàng xá cho người ta đạp lên mà đi”. - “Chúng con là ánh sáng thế gian... Vậy ánh sáng chúng con phải chói lọi trước mặt người đời”, nghĩa là đời chúng ta phải sáng chói bằng các việc tốt, việc thiện, việc hiền từ, việc bác ái..., thì lúc ấy, “người đời thấy những việc tốt lành của các con mà tôn kính, nhìn nhận Thiên Chúa, Cha trên trời” (Mt 5.13-16). Quả là đúng câu châm ngôn các cụ ngày xưa nói:
“Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”,
hoặc:
“Lời nói chỉ lay, gương bày mới chuyển”.
Bây giờ, ta đến mối thứ hai: Răn bảo kẻ có tội:
Người có tội đang ở trong một cơn hiểm nghèo rất lớn về phần rỗi. Nên Chúa dạy ta phải bỏ hết mọi sự để lôi kéo họ về: “Các ngươi nghĩ sao? Nếu một người có 100 con chiên mà một con bị lạc, há người ấy lại không bỏ 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc kia sao?”. Chắc chắn thế rồi, ông ta sẽ bỏ 99 con ngoan, mà đi tìm con lạc. Liền đó, Chúa dạy tiếp: “Vậy thì nếu có ai trong anh em ngươi trót phạm tội, đi lạc đường nẻo phần rỗi, thì hãy đi sửa lỗi nó... Nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được người anh em đó”, tức là ngươi đã cứu được, đã lời được người anh em đó (Mt 18.15). Thánh Giacôbê giải thích rõ hơn: “Nếu có ai trong anh em lạc xa sự thật, và có người làm cho trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: Kẻ nào làm cho người tội lỗi trở lại, bỏ đường lầm lạc, sẽ cứu linh hồn nó khỏi chết, và phủ lấp muôn vàn tội lỗi mình” (Gc 5.19-20).
Nhưng nên nhớ: đi nói lời răn kẻ có tội, mình đừng lên mặt đoán xét, kết án họ hay khinh chê họ ngấm ngầm: “đồ tội lỗi”, “đồ ma cô”, “đồ đĩ điếm”..., nhưng lòng ta phải khiêm tốn, biết rằng mình cũng phạm tội tứ bề, nên phải làm sao cho họ cảm thấy là ta chỉ muốn ích cho phần rỗi họ. Lớn nói với lớn, thanh niên nói với thanh niên, trẻ nói với trẻ... Chẳng hạn, các em thiếu nhi sẽ nói gì với đứa bạn, khi em biết nó sắp đi xem một phim xấu? hoặc nó nói chuyện tục tĩu, hay một đứa bạn tỏ ra thô bỉ, tàn nhẫn đánh đập một em gái, một đứa trẻ nhỏ?
Nếu lời khuyên răn, sửa đổi không làm được, ít nhất, ta cũng đưa ra một lời cảnh cáo, một lời nhắc nhở, và như thế, cũng kể là một việc thương linh hồn người ta rồi vậy.
Tích truyện
Chắc nhiều người ở Saigon có quen biết một cụ già hớt tóc dạo, người rất vui vẻ, vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp, nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay về Phúc Âm, về Chúa Giêsu Christ. Nhưng người khó quên được câu nói của cụ:
- Tôi không ham giàu có, kiếm được đủ ăn và lo hầu việc Chúa hàng ngày như thế này là tôi sung sướng, thỏa mãn.
Cụ hân hoan vì đã biết dùng nghề hớt tóc mà nói về Chúa cho người ta.


Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.
Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba: An ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha thứ cho kẻ khinh ghét ta.
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta. 
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.