Friday, June 3, 2022

BÀI LỜI CHÚA 7-12
NÓI LỘNG NGÔN PHẠM THƯỢNG
Trích sách 2 Các Vua, ch.18-19
Vua Ê-dê-kia, trị vì nước Yuđa, là ông vua rất đạo đức, luôn làm điều ngay chính trước mắt Thiên Chúa và giữ các điều răn; nên Thiên Chúa đã hộ phù ông, giúp ông thành công trong mọi việc ông làm. Ông đã khởi nghĩa chống lại vua As-sua, là Sê-na-kê-ríp, bẻ gẫy gông cùm nô lệ... Tức giận, Sê-na-kê-ríp sai sứ giả cao cấp đến cùng vua Ê-dê-kia ở Yêrusalem để trao tối hậu thư, bắt vua này phải đầu hàng. Sứ giả dùng những lời thách thức thóa mạ, và còn dám nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa:
- Hãy nhắn với vua Ê-dê-kia rằng: Đại Đế As-sua nói thế này: Ngươi cậy vào ai mà dám dấy loạn với ta? Hẳn ngươi sẽ nói: chúng tôi cậy vào Yavê Thiên Chúa của chúng tôi. Ta dám thách đố làm sao ngươi có thể đẩy lui được một viên tướng nhỏ nhất của ta đó.
Rồi sứ giả kia quay sang phía các quần thần vua Ê-dê-kia nói tiếp:
- Các ngươi đừng nghe theo vua các ngươi, vì nó phỉnh các ngươi mà rằng: Yavê sẽ cứu chúng ta. Kìa xem các nước chung quanh, có thần nào của họ đã cứu xứ mình khỏi tay ta đâu? Đừng hòng trông vào Yavê Thiên Chúa các ngươi cứu được Yêrusalem khỏi tay ta!
Các quần thần về gặp vua Ê-dê-kia và kể lại các lời lẽ của sứ giả. Vừa nghe, vua xé áo, mặc lấy bao bị, tỏ dấu phẫn uất và tạ tội trước lờ̀i lộng ngôn ấy, rồi ông vào Đền Thờ của Chúa mà cầu nguyện rằng:
- Lạy Yavê, Thiên Chúa của Israen, Đấng ngự trên các Vệ binh thần, chính Người mới là Thiên Chúa trên mọi nước trần gian. Xin Người hãy nghe lời vua As-sua, sai sứ thần đến thách đố và mạ lị Người. Đã hẳn, vua As-sua đã tàn phá các dân tộc và xứ sở của chúng và cho lửa thiêu các thần của chúng, vì đó không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là tượng gỗ, tượng đá do tay người phàm làm ra. Và bây giờ, xin Chúa cứu chúng tôi khỏi tay nó, để mọi nước trên trần nhận biết chính Người mới là Thiên Chúa thật!
Thiên Chúa sai tiên tri Ysaia đáp lại với vua thế này:
- Ta đã nghe lời ngươi khẩn cầu nhân vụ vua As-sua. Đừng sợ trước những lời thách đố lộng ngôn của hắn. Này Ta sẽ cho hắn nghe một tin hung dữ, mà cấp tốc rút lui nhục nhã. Ta sẽ cho hắn bị ngã gục vì gươm đâm chính ở quê nhà... Còn Yêrusalem, Ta sẽ che chở thoát bàn tay hắn!
Xảy ra là chính đêm ấy, Thần sứ Yavê từ trời xuống sát phạt trong doanh trại As-sua, làm 185.000 lính của hắn chết ngay tại chỗ. Tên sứ giả nói lộng ngôn trên kia cũng chết trong đám đó. Còn vua As-sua, thì dỡ trại rút lui hấp tấp về Ni-ni-vê. Và xảy ra là lúc ông đang cúng bái trong đền thờ thần Nít-rốc, thì hai con trai của ông dấy loạn, lẻn vào, rút gươm đâm ông gục chết, rồi bỏ trốn sang xứ khác.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Trong Tin Mừng Mt (5.22), Đức Giêsu nói: “...Ai mắng anh em là ‘đồ ngốc’ thì can án trước Công nghị, và ai nhiếc anh em là ‘đồ khùng’ thì can án hỏa ngục lửa thiêu”. Như vậy, một lời nhục mạ phạm đến con người, còn phải phạt nặng như thế, huống chi lời lộng ngôn nhằm lăng nhục chính Thiên Chúa. Quả vậy, ngày xưa, theo luật Môsê, “ai nói xúc phạm đến Yavê đều phải chết, toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó” (Lv 24.16; 1V 21.13).
Lương dân, người vô tín ngưỡng, cách riêng các kẻ chống đối Thiên Chúa thường hay nói lộng ngôn, lăng nhục Thiên Chúa, như vua Sê-na-kê-ríp trên đây, hoặc như nhiều kẻ khác mà Kinh Thánh có thuật truyện lại, chẳng hạn : vua An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô (2M 8.4; 9.28; 10.34; Đn 7.8,25; 11.36). Sách Khải huyền nói đến các vua chúa ngoại đạo và bách hại đạo cũng thường nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa (Kh 13.5-6;...). Thiên Chúa xử thế nào?
Trước xúc phạm đến uy linh Người như thế, Người đích thân ra hình phạt cân xứng cho những hạng người đó. Như vua As-sua trong truyện trên đây chết gục dưới lưỡi gươm của 2 con ông, sau khi bị Chúa cho mắc ôn dịch một đêm chết 185 ngàn quân, phải rút lui nhục nhã. Còn An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô, Kinh Thánh kể rằng:
“Khi ông vừa thốt ra lời lộng ngôn xong, ruột ông quặn đau, nội tạng nhức nhối ghê sợ..., từ trên xe, ông ngã văng xuống đất quá mạnh làm mình mẩy ông nát bấy. Bởi tính huênh hoang, ông tưởng mình ra lịnh được cho ba đào biển cả và có thể rờ được tinh sao trên trời, thì nay đã nằm sóng sượt dưới đất và phải nhờ người ta chở cáng đem đi, đến nỗi từ mình ông ròi bọ ra nhung nhúc, đang sống mà thịt ông đã rửa và thối tha, hôi hám, làm cho cả đạo binh phải khó chịu... Như vậy đã chứng thực tỏ tường cho mọi người thấy quyền phép Thiên Chúa (2M 9.4-10).
Nghe các truyện trên, có người mỉm cười nghĩ rằng: ngày nay, biết bao kẻ nói lộng ngôn mà có thấy Thiên Chúa phạt đâu? Chúng vẫn sống phây phây, càng nên béo tốt, làm ăn khấm khá, giàu có thêm mãi... Xin đáp rằng: Họ chưa bị phạt thì không phải họ sẽ không bao giờ bị phạt. Hình phạt là điều chắc chắn, nếu họ không hối cải và xin Thiên Chúa tha thứ. Không hình phạt đời này thì hình phạt đời sau. Thiên Chúa tuy nhân từ, chờ đợi họ ăn năn hối lỗi, song cũng là Đấng Uy linh và công bình vô cùng, không thể coi tội đó dường như thể vô can được.
Tội gì còn dễ dung thứ, chứ tội lộng ngôn phạm thượng là tội rất lớn, khó được tha thứ, không bởi lòng Chúa hẹp lượng, nhưng bởi lòng chai đá và tự ái kiêu căng của họ không mềm ra được mà thống hối xin tha. Thậm chí, Đức Giêsu còn nói tội “lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần” thì không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau, nghĩa là không bao giờ được tha thứ, tại sao vậy? Lý do cũng như trên đã nói. Các tội khác người ta phạm, thường vì yếu đuối, do bị cám dỗ, thèm muốn quá mà sa ngã. Cho nên Thiên Chúa cũng dễ xót thương, tha thứ. Còn tội lộng ngôn là do kiêu căng mà đâm ghét Thiên Chúa, căm thù trực tiếp đối với chính mình Thiên Chúa, có thể nói: nếu họ giết được Thiên Chúa thì họ cũng giết, mà vì không giết được thì họ mạ lị, lăng nhục cho hả giận. Như vậy, tội lộng ngôn tố cáo kẻ ấy vô đạo đến tột độ!
Vậy gia đình chúng ta hôm nay:
1/ Thứ nhất dâng giờ đền tạ này để đền bồi thay cho những kẻ đã lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa.
2/ Sau là, không chỉ đền tạ suông, mà ta phải dốc lòng tránh làm cớ cho kẻ ngoại đạo, kẻ vô tín ngưỡng, kẻ vô đạo phỉ báng danh Thiên Chúa (Rm 2.24; 1Tm 6.1; Tt 2,5): tức là sửa đổi cách ăn nết ở của ta đầy tham ô, dục vọng, nào tham lam hà tiện, ăn gian nói dối, trộm cắp, cãi cọ đánh lộn, chửi tục, vợ nọ con kia, trai gái, rượu chè, nhậu nhẹt say sưa tối ngày, cờ bạc, mê tín dị đoan, vv... Thấy chúng ta là những người tin thờ Chúa mà cứ làm những điều như thế, họ sẽ lăng nhục Chúa mà nói: “Cái ông Chúa tụi bay thờ có hơn gì bụt, thần, tà ma ngoại đạo..., vì các ngươi làm mọi sự xấu xa như bao người khác... Các ông cha của tụi bay giảng dạy cái gì mà tụi bay làm như thế?”
3/ Rồi cuối cùng, ta phải tránh không bao giờ được nói lời xúc phạm, lộng ngôn đến Chúa, đến các người thay mặt Chúa, đến các thánh, nói chung đến các sự thuộc về Chúa. Có một tội, không hẳn là lộng ngôn nhưng nhiều tín hữu, ngay cả người được tiếng là đạo đức cũng hay mắc phải, đó là tội phàn nàn, oán trách Chúa. Có người nói: “Tại sao Chúa để tôi phải khổ thế này?”. Người khác, khi con bị tai nạn hay tử trận, vì quá thương con nên trách Chúa: “Tại sao Chúa bắt con tôi phải chết?”. Có người bị bệnh lâu ngày cũng trách: “Tôi có tội gì đâu mà Chúa bắt tôi phải đau ốm, cực khổ lâu dài?”. Còn nhiều lời oán trách khác giống vậy...
Một cách nào đó, những lời ấy là lời lộng ngôn phạm thượng. Những lời ấy diễn tả cái lòng ta bực tức Chúa, song chưa dám lăng nhục, mạ lị Chúa đó thôi. Các tội khác như vợ nọ con kia, rối rắm,... thậm chí giết người, tuy cũng là tội trọng, nhưng xét cho cùng, vẫn còn nhẹ hơn, và dễ được Chúa tha thứ hơn; vì các tội này ta phạm do yếu đuối, do xác thịt đam mê, chứ không bởi tức giận Chúa. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu: một đứa con vì ham chơi lén trốn nhà, trốn việc, lỗi lệnh cha mẹ, so với một đứa khác vì tức giận cha mẹ mà trách mắng, nhiếc nhóc: “Ba là người ác! Má là người đàn bà độc!” thì đứa nào làm cha mẹ đau lòng hơn? Tội phàn nàn, oán trách Chúa của ta cũng vậy.
Tích truyện
Cây thông đâu cần học giáo lý
Câu chuyện này xảy ra ở xứ Ét-scơ (Escles), nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ 19. Một hôm cha sở gặp bà nọ và bảo:
- Bà nhớ cho mấy cháu nhỏ đi học giáo lý, để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe!
- Cho hay không cũng chẳng quan hệ gì! - Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông - Cha xem! Cây thông đâu cần học giáo lý, mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó!
- Ờ... Vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà?
Sau đó một thời gian lâu, vào năm 1910, cả xứ Ét-scơ, miền Vosges, xôn xao trước hung tin cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ, vì bà ta không đưa tiền cho nó đi nhậu nhẹt, ăn xài... Mạng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử cho nó sau mấy ngày.

**********************************************
BÀI LỜI CHÚA 8
ĐIỀU RĂN THỨ TƯ:
Thảo Kính Cha Mẹ
Với bài này, chúng ta suy nghĩ về điều răn thứ 4: Thảo kính cha mẹ, chúng ta sẽ tìm hiểu bổn phận giữa hai bên: con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái. Bài Kinh Thánh hôm nay...
Trích sách Bà Rút
Ngày xưa, trong dân Chúa, có một người đàn bà tên Nô-ê-mi, quê thành Bê-lem, bị nạn đói kém khiến bà phải bỏ quê cha đất tổ, sang miền ngoại giáo, là Mô-áp, kiếm kế sinh nhai. Cùng đi với bà có chồng bà và hai con trai. Ở đó lối mười năm, hai cậu trai lấy vợ, một nàng tên Or-pa, nàng kia tên Rút. Chẳng bao lâu, chồng bà và hai con trai đều chết tại đất lạ xứ người. Thân góa bụa, không chỗ tựa nương, bà nhất định trở về quê quán, vì nghe nói ở đó Thiên Chúa thương đã cho chấm dứt đói kém. Hai nàng dâu cũng theo mẹ chồng. Đi được ít lâu, bà Nô-ê-mi nói với hai nàng:
- Thôi, các con hãy lui về nhà cha mẹ. Xin Thiên Chúa Yavê chúc phúc, cho hai con mỗi người một tấm chồng làm nơi nương tựa.
Cảm động vì lời nhân nghĩa của mẹ chồng, thương hại bà thân già góa bụa, hai nàng sụt sùi khóc lóc, không chịu lui về. Mãi sau, nàng Or-pa đành từ giã bà. Còn nàng Rút khăng khăng một mực không chịu. Nàng nói:
- Mẹ đừng bắt con lìa mẹ... Không bao giờ! Mẹ đi đâu, con sẽ đi đó. Dân của mẹ sẽ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ sẽ là Thiên Chúa của con. Mẹ sống ở đâu, con sẽ sống ở đó, mẹ chết ở đâu, con cũng sẽ chết ở đó và nguyện được chôn ở đó. Cái chết cũng không làm con lìa mẹ được!
Hai mẹ con cảm động ôm nhau khóc!
Về đến Bê-lem, ai cũng thương xót số phận hẩm hiu của bà: ra đi đầy đủ cả vợ chồng và hai con, nay về thì ủ rũ trống không, chồng chết, hai con trai cũng chẳng còn, chỉ có một nàng dâu. May thay! Nàng dâu ấy thật hiếu thảo, là một an ủi lớn cho bà trong cảnh nghèo khổ. Để giúp mẹ, cô Rút ngày ngày ra đồng mót lúa. Thiên Chúa run dủi sao cho cô đến thửa ruộng của ông Bô-át, một điền chủ giàu có và tốt bụng, không những ông cho mót lúa, ông còn cho ăn uống với các tớ gái của ông. Nhớ đến mẹ ở nhà, ăn no nê rồi, cô còn để dành một phần đem về cho mẹ. Với thợ gặt, ông Bô-át bảo:
- Cho dù cô ấy có mót lúa giữa những đụn lúa đi nữa, các anh cũng đừng la rầy. Các anh hãy để sót lại ít lượm lúa cho cô ấy mót!
Trước lòng nhân hậu ấy, cô Rút ngạc nhiên hỏi:
- Bởi đâu con được ông nhân từ thương đoái đến con đây là một người tha phương?
Bô-át đáp:
- Ấy, người ta đã tường thuật cho ta mọi điều cư xử tốt đẹp của con đối với mẹ chồng, sau khi chồng con chết, đến nỗi con đã đành bỏ quê hương, xứ sở mà theo giúp bà nơi xứ lạ quê người. Xin Thiên Chúa trả công cho con, Đấng con đã nhận làm Chúa mà thờ, và đã đến nương náu dưới cánh tay hộ phù của Người.
Hôm ấy, nàng mót lúa đến chiều tà, đoạn đập lúa đã mót được đến chừng một giạ. Vui mừng hớn hở, nàng đem về cho mẹ, lại lấy của ăn đã để dành ra cho mẹ ăn. Cứ thế, cô Rút mót lúa suốt cả mùa lúa mạch lẫn mùa lúa mì. Ngày kia, bà Nô-ê-mi mới hé lộ cho con dâu biết:
- Con à! Ông Bô-át là bà con gần của chồng con. Nay chồng con đã chết, chiếu theo luật Môsê, ông có nghĩa vụ thừa thụ cơ nghiệp của chồng con, và vì thế, phải lấy con làm vợ để dòng dõi chồng con khỏi mai một.
Rồi bà dạy cho Rút phải làm những gì để ông Bô-át nhận nghĩa vụ thừa thụ ấy. Cô Rút vâng nghe làm theo đúng lời mẹ. Lại một lần nữa, ông Bô-át khen nàng:
- Xin Thiên Chúa chúc phúc cho con. Việc con bỏ quê cha đất tổ để theo mẹ chồng về đây, đã là một việc hiếu nghĩa. Nay con làm việc thứ hai, còn lớn hơn, là xin ta làm chồng thừa thụ cho con, để chồng của con đã chết có kẻ nối dõi tông đường. Con đã không màng lũ trai tráng giàu có trong làng. Thật con là người đức hạnh, cả dân thành Bê-lem đều biết như thế! Thôi con đừng sợ, mọi điều con nói, ta sẽ làm cho con.
Ông Bô-át đã giữ lời hứa, mọi thủ tục xong xuôi, ông đã cưới cô về làm vợ, và cô sinh được một con trai tên là Ô-béđ, sẽ là cha của vua thánh Đavít. Sau này, Chúa Giêsu sẽ sinh ra trong dòng họ này, vì thế, người ta xưng Ngài là Con vua Đavít.
Như thế, cô Rút đã được Thiên Chúa chúc lành và thưởng công cho làm Tổ Mẫu của Chúa Giêsu.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ca dao có câu:
“Mẹ chồng ở với nàng dâu,
Chủ nhà với tớ có khen nhau bao giờ”.
Không khen nhau còn đỡ, mẹ chồng luôn tố khổ, đối xử cay nghiệt với nàng dâu, đến nỗi nhiều khi nàng dâu phải xách khăn gói về nhà cha mẹ, hoặc coi mẹ chồng như lý hình, làm đời mình biến thành hỏa ngục. Biết bao mẹ chồng có đạo hẳn hoi mà cũng ác nghiệt, lỗi luật bác ái, yêu người nặng nề như thế, mà vẫn cứ đi lễ, rước lễ hàng ngày được. Ôi! Lạ lùng thay!
Hôm nay, Kinh Thánh đã cho ta đọc một câu chuyện có thật: gương bà mẹ chồng phúc hậu, và con dâu hiếu nghĩa. Mẹ chồng như bà Nô-ê-mi thật là hiếm có. Như khi bà khuyên con dâu trở về nhà cha mẹ, để lấy chồng khác làm nơi nương tựa, đó là bà muốn cho con dâu được hạnh phúc. Đi theo bà, một thân góa bụa, làm sao sinh sống? Bà lại lớn tuổi, chân tay đã ra yếu ớt, mỏi mệt..., đáng lý bà cần có con dâu để săn sóc, đỡ đần. Nhưng thôi, bà đành hi sinh, để con dâu về lại nhà cha mẹ. Mặt khác, theo quan niệm của người Do thái thời đó, con gái đi lấy chồng mà không có con là một sỉ nhục lớn. Cho nên, bà khuyên con dâu về nhà cha mẹ, đi lấy chồng khác để được nỗi vui mừng có con.
Cư xử như thế, bà đã biết quên mình, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc con cái. Đó là một sự từ bỏ mình to tát, mà sau này, Chúa Giêsu cũng đòi những ai làm môn đồ của Ngài: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo chân Chúa”. Sống trong đạo cũ, bà Nô-ê-mi đã thực hành được điều trong đạo mới.
Phần cô Rút, cũng là dâu hiếm có. Lòng hiếu thảo của nàng không thua gì lòng phúc hậu của mẹ chồng. Nàng yêu kính và phụng dưỡng mẹ chồng đến độ bỏ cả quê cha đất tổ, cam sống cực khổ với mẹ chồng, đi mót lúa nuôi mẹ, được chút gì lại cất dành phần cho mẹ. Thương mẹ đến bỏ đạo mình để theo đạo mẹ: “Thiên Chúa mẹ thờ sẽ là Thiên Chúa của con!”. Và một mực, cô nguyện sống chết chẳng rời mẹ.
Sau khi nêu tấm gương sáng của hai mẹ con cô Rút, bài Kinh Thánh còn cho thấy Thiên Chúa luôn chúc lành và cứu giúp những con cái hiếu thảo. “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, người đời còn tin tưởng Thiên Chúa không nỡ phụ kẻ có lòng tốt, huống hồ chúng ta, kẻ tin thờ Thiên Chúa là Cha của mình. Do đó, bài Kinh Thánh cho thấy: tất cả những gì cô Rút hi sinh để theo mẹ và phụng dưỡng mẹ, Thiên Chúa cho cô lại hết và đền bù gấp trăm, ngay từ đời này. Như khi cô không ham sung sướng nơi nhà cha mẹ đẻ, bằng lòng theo mẹ chồng về nơi xứ lạ quê người, cực khổ mót lúa, nên Chúa run dủi cho cô gặp ông điền chủ tốt bụng, cho cô ăn uống, và để sót lúa cho cô mót được nhiều. Vì cô hi sinh không về nhà cha mẹ lấy chồng khác, để có niềm vui sinh con, Chúa giúp cô gặp ông điền chủ giàu có cưới cô làm vợ, không những cho cô sinh con cái, mà còn Tổ Mẫu của một người không chỉ là thần đồng, vĩ nhân lừng danh, mà là Chúa Giêsu, Con Chúa trời đất, Ngài sẽ sinh ra trong dòng họ này: thật là vinh dự cao quí độc nhất cho cô Rút. Cô đã từ bỏ các thần ngoại giáo cô từng thờ từ thuở nhỏ nơi nhà cha mẹ; vì thế, Thiên Chúa đã cho cô nương bóng Thiên Chúa Hằng Sống và chân thật, để được sống đời đời.
Gia đình chúng ta làm giờ đền tạ hôm nay, xin Chúa thương đừng để cảnh mẹ chồng nàng dâu tàn ác, cay nghiệt xảy ra trong gia đình ta. Xin Chúa, Đấng đã chúc phúc cho hai mẹ con bà Nô-ê-mi và Rút, cũng giúp ta ăn ở trên thuận dưới hòa như vậy.
Tích truyện
Người con có hiếu
Mẫn Tử Khiên, hồi nhỏ, mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế sanh được hai con. Bà kế mẫu quí con riêng mình, đầy đọa con chồng, cho ăn toàn cơm thừa, canh cặn; bắt làm quần quật suốt ngày, còn la mắng đánh đập. Một lần kia, nhân tiết đông lạnh lẽo cắt da, bà chỉ cho con chồng một manh áo mỏng, còn sai đẩy xe cho cha và hai em. Lạnh quá, Khiên sút tay, xe đổ...Khiên lo lắng, tái mét, sợ về nhà sẽ bị mẹ ghẻ đánh đập. Nhìn thấy con run lập cập dưới trời giá buốt, mắt lơ láo vì sợ..., người cha chợt tỉnh ngộ. Ông tỏ ý muốn bỏ vợ kế, để khỏi làm khổ cho con mình, nhưng Khiên đã đứng ra can cha rằng:
“Mẹ còn (thì) chỉ một thân con,
Mẹ đi (thì) luống để cơ hàn cả ba”.
Kết quả là:
“Cha trông xuống cũng sa lệ tủi,
Người mẹ kế nghe rồi cũng đổi lòng xưa”.
Trong sách “Khổng học đăng” của cụ Phan Bội Châu (tr.155) lại hơi khác: “Mẹ kế bắt đi hái củi”.

**********************************************
BÀI LỜI CHÚA 9
LÒNG HIẾU THẢO
Trích sách 2 Sa-mu-en, 14.25tt
Ab-sa-lôm, con vua Đa-vít, là một hoàng tử đẹp trai, trong dân Israen thật không ai sánh bằng: từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, không chỗ nào chê được, nhất là bộ tóc, vừa dài, vừa rậm, vừa đẹp. Tục truyền mỗi năm một lần, khi chàng cắt tóc, cân lên tính được gần 3 kí.
Nhưng tâm hồn Ab-sa-lôm thì không đẹp như thể xác chàng. Tính tình ngang ngạnh, không ngần ngại làm bất cứ việc gì, bất kỳ phải trái, để đạt ý mình. Một năm kia, chàng tụ họp đồng đảng, dụ dỗ dân chúng ủng hộ mình. Rồi khi thấy đã mạnh thế, chàng làm lễ xưng vương, phất cờ phản ngụy với vua cha Đa-vít. Nghe tin dữ, Đa-vít biết không thể chống cự được, liền cùng tùy tùng và bầu đoàn thê tử chạy trốn khỏi kinh đô. Họ vượt qua thung lũng Kê-đrôn để tạt qua phía đông, theo con đường giáp với sa mạc. Đa-vít leo dốc lên núi Cây Dầu, vừa đi vừa sụt sùi rơi lệ buồn tủi, đầu ông chùm khăn, chân không đi dép, biểu hiệu dấu đau sầu, tang tóc.
Họa vô đơn chí: số là có tên Shi-mơi, thuộc thị tộc của vua Sa-un trước kia, mà chúng ta đã xem ở bài 2, bị Thiên Chúa truất phế khỏi ngai vàng, vì đã bất tuân Thánh ý Người. Tên Shi-mơi này vừa men theo sườn núi, đi song song với vua Đa-vít, vừa tung bụi, ném đá, vừa chửi rủa, thóa mạ:
- Xéo đi! Xéo đi! Con người khát máu, đứa vô loài! Yavê đã đổ xuống lại trên đầu ngươi tất cả máu nhà Sa-un bị ngươi đoạt ngôi vua. Và bây giờ, Yavê trao vương quyền vào tay Ab-sa-lôm, con ngươi!
Một tướng sĩ của Đa-vít tuốt gươm xin chém:
- Tại sao thằng chó chết ấy dám thóa mạ Đức Vua? Xin để tôi băng qua lấy đầu nó!
Nhưng Đa-vít can lại:
- Cứ để nguyên! Nếu Thiên Chúa sai nó nguyền rủa trẫm, thì ai nào được phép cản lại. Này, đứa con xuất từ lòng dạ trẫm, mà còn tìm hại mạng trẫm, huống hồ là một người thuộc hạ của vua Sa-un. Hãy để nó nguyền rủa trẫm, vì Yavê đã bảo nó làm thế. Biết đâu vì đó, Yavê sẽ đoái nhìn đến nỗi khốn khó của trẫm, mà trả lại phúc lành cho trẫm!
Thế rồi Đa-vít và bộ hạ cứ thẳng đường mà đi...
Ab-sa-lôm vào kinh đô, chiếm hoàng cung. Hắn còn cả dám nghe lời xúc xiểm của bầy tôi, chiếm đoạt các cung phi của Đa-vít: đó là một sỉ nhục, bêu riếu vua cha bằng cách chiếm lấy các thê thiếp của cha. Tột đỉnh của phản tặc và bất hiếu!
Phần vua Đa-vít, sau khi đã băng qua sông Yor-đan, ông tập họp quân đội và dàn trận phản công. Trước khi ra quân, ông nhắn nhủ các binh tướng:
- Vì Trẫm, hãy nới tay một chút với thằng Ab-sa-lôm!
Trận chiến kinh hồn đã xảy ra trong rừng thuộc đất Ê-phra-im. Quân của Ab-sa-lôm là quân ô hợp, còn quân của Đa-vít toàn tay thiện chiến, lại nóng lòng báo thù cho vua, nên quân Ab-sa-lôm đại bại và hoàn toàn tan rã: hai mươi ngàn quân phơi xác nơi chiến địa, còn nửa kia chạy lạc vào rừng núi chết đói, chết khát, ma thiêng nước độc...
Chính Ab-sa-lôm bị bộ hạ Đa-vít rượt đuổi, cưỡi một con la chạy thục mạng xuyên rừng rậm. Chẳng may, đến một gốc cây sến có cành chi chít, thì bộ tóc dài, đẹp của hắn mắc vào các cành cây, làm hắn bị treo lơ lửng giữa trời và đất, trong khi con la ở dưới cứ thẳng đường chạy mất. Một tên lính của Đa-vít đang rượt theo, thấy thế báo cho Đại tướng Yô-ab. Yô-ab nói:
- Tại sao ngươi không hạ thủ nó ngay tại chỗ, ắt ta đã thưởng cho ngươi mười lạng bạc và một áo giáp.
Tên lính đáp:
- Dẫu Đại tướng cân ngay cho tôi vào tay một ngàn lạng bạc, tôi cũng không dám tra tay trên hoàng tử, vì ai cũng đã nghe thấy Vua ra lịnh nới tay với Ab-sa-lôm. Tôi không dám liều mạng làm điều ấy!
Yô-ab không nói thêm nửa lời, ông cầm ba ngọn giáo, đi đến chỗ Ab-sa-lôm, phóng mạnh vào ngực hắn. Thấy chưa chết, ông sai lính giết cho chết hẳn. Sau đó, ông thổi kèn ra hiệu thu quân.
Đavít ngự giá tại cổng thành, chờ tin cuộc chiến. Quân sĩ hớn hở chạy đến báo tin thắng trận. Nhưng vua hỏi ngay:
- Thằng Ab-sa-lôm có được an lành không?
Các tên lính đáp quanh co. Đa-vít hiểu ngay là Ab-sa-lôm đã bị giết. Vua liền rùng mình, ông lên gác, và ở đó, ông òa lên khóc luôn miệng gọi tên con:
- Ab-sa-lôm con ơi! Con ơi! Phải chi cha chết thay cho con...
Nhưng đứa bất hiếu và phản phúc đâu còn nữa, thây hắn bị vất vào một cái hố và người ta ném đá lấp lên trên.
Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Ai ai trong chúng ta cũng đều nghĩ: đứa bất hiếu, thằng tặc tử, phản phúc, thì chết như thế là đáng kiếp. Thiên Chúa không thể dung tha kẻ bất hiếu, vì chính Người đã ra điều răn: “Phải thảo kính cha mẹ”, và trong sách Xuất hành, Thiên Chúa còn ban luật rõ: “Kẻ nào đánh đập hoặc nguyền rủa cha mẹ mình, kẻ ấy tất phải chết” (Xh 21.15,17), “Máu nó sẽ đổ tuôn trên mình nó” (Lv 20.9). Như vậy, luật Chúa xưa truyền phải xử tử hoặc ném đá cho chết đứa con bất hiếu nặng nề.
Thiên Chúa còn dạy về lòng hiếu thảo ở nhiều nơi khác, chẳng hạn như sách Huấn ca (3.3-16), mà ngày lễ Thánh Gia Thất, Hội Thánh cho đọc trong Thánh Lễ.
Những lời dạy về đạo hiếu thật đã nhiều, nghe mãi thành nhàm tai. Nhưng phúc cho con cái nào biết đem thi hành, không những nó được tiếng khen ở đời là con có hiếu, song còn được hưởng nhiều phúc lành Chúa ban như sau:
“Kẻ tôn kính cha, được xá lỗi lầm,
Và trọng kính mẹ khác gì tích trữ bảo tàng”.
Mắc tội mà được Chúa ban ơn tha thứ, để khỏi bị sa hỏa ngục, là điều ai chẳng mong được. Không những Chúa hứa ban ơn tha thứ, mà còn hứa ban hoan lạc cho, như sau:
“Kẻ bỏ bê cha, giống như đứa lộng ngôn,
Kẻ khinh dể mẹ, chọc giận Chúa Tạo thành.
Kẻ tôn kính cha, sẽ được hoan lạc nơi con cái,
Vào ngày khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời”.
Được hoan lạc nơi con cái nghĩa là gì? Không chỉ là thấy “con đàn cháu đống”, xinh tươi, mạnh khỏe, làm cha mẹ sướng vui, nhưng còn là thấy con cái tôn trọng, hiếu đễ, trên kính dưới nhường, làm cha mẹ thỏa lòng. Con cái sẽ là niềm vui, chứ không phải là mối đau lòng, tủi hổ cho cha mẹ. Cho nên, Chúa hứa: người con nào biết tôn kính cha mẹ, đến lượt nó làm cha mẹ, sẽ được con cái nó tôn trọng, yêu mến nó; như thế nó sẽ hưởng được niềm vui nơi con cái. Vì ở đời, thấy có những kẻ bất hiếu với cha mẹ, đến lượt nó sẽ bị con cái đối xử y hệt.
Người ta kể chuyện rằng: cặp vợ chồng nọ có một người cha già, khi ăn cơm chân tay run rẩy, thỉnh thoảng lỡ tay làm vỡ chén. Tức mình và tiếc của, họ mới đẽo cho ông già một cái bát gỗ xù xì. Ông già vừa cầm bát gỗ ăn cơm, vừa chan hòa nước mắt. Một ngày kia, đi công việc về, cặp vợ chồng này thấy đứa con họ đang hì hục đẽo một miếng gỗ. Hỏi nó, nó đáp:
- Con bắt chước ba má, đẽo sẵn chén gỗ, để dành sau này ba má già, cho ba má cầm nó ăn cơm!
Phần con cái phải thảo hiếu, còn phần cha mẹ thì sao? Đọc truyện Kinh Thánh trên kia, ta phân vân không biết phải kết án sự bất hiếu của Ab-sa-lôm hơn, hay là phải ca tụng tình cha của vua Đa-vít hơn? Quả thật, Đa-vít là một người cha thương con hết chỗ nói: biết nhịn lỗi lầm của con và tha thứ cho con. Không hề gặp nơi miệng ông một lời nguyền rủa hay thóa mạ nào. Đường đường là vua cha, mà phải bỏ ngai vàng chạy trốn và chịu bao gian lao, khổ sở vì con phản loạn. Chưa hết, nó còn chiếm vợ của cha, để bêu riếu cha... Thế mà đến lúc dẹp loạn, Đa-vít căn dặn tướng sĩ tha mạng cho con. Rồi khi biết tin nó bị giết, ông đã khóc con thảm thiết. Tình thương của ông đối với con làm ông muốn chết thay con. Ông khóc lóc, đau đớn đến nỗi, theo lời Kinh Thánh kể: “Ngày ấy, cuộc thắng trận đã biến thànhđám tang..., quân sĩ thắng trận lén lút đi vào kinh đô như tàn binh xấu hổ vì bại trận...”
Xem như thế, phần cha mẹ cũng hãy hết tình yêu thương con như Đa-vít. Cha mẹ nào chẳng thương con, đành rằng thế, song nhiều khi lòng thương ấy đã bị xóa mờ trước mắt con cái, vì chúng chỉ còn thấy những câu la mắng, chửi rủa, thay vì lời nói êm nhẹ, yêu thương; chỉ thấy đánh đập theo cơn nóng giận, thay vì cử chỉ đầy âu yếm... Ước chi cha mẹ bớt dùng quyền mà đè bẹp con, bớt la mắng, mà chỉ nói lời âu yếm... Cha mẹ hãy nhớ lại ngày xưa, hồi mình tuổi trẻ, để biết nhẫn nại, thông cảm với con cái còn trẻ dại, ham vui... Thay vì nhất cử nhất động là một cái bạt tai, một câu “rủa” nặng lòng, thì cha mẹ hãy dùng lời hòa dịu, êm đềm song thấm thía mà răn dạy con, chỉ đường cho con biết sống ở đời, vì ích lợi cho đời chúng nó. Thánh Phaolô có nói: “Ai trong anh em có lỗi, thì người khác hãy lấy Thần Khí hiền từ mà răn bảo”. Đã đến lúc câu châm ngôn “thương cho roi cho vọt” được lưu truyền bao đời trong gia đình, ngày nay, với tinh thần đạo Chúa, không còn đúng hẳn nữa, vì Thánh Kinh dạy: “Những người làm cha, đừng làm con cái phẫn uất, nhưng hãy răn dạy theo đường lối Chúa” (Ep 6.4), và câu khác rằng: “Cha mẹ đừng làm con cái phẫn chí, kẻo nó đâm rụt rè, nhát đảm” (Cl 3.21). Từ nay, roi vọt, chửi mắng chỉ là biện pháp cuối cùng, vạn bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng đối với những đứa con “thân lừa ưa nặng” mà thôi. Cha mẹ hãy răn dạy con cái theo đường lối Chúa, nghĩa là theo tinh thần Chúa; mà tinh thần Chúa th
ì: “Hãy đến học cùng Ta, vì Ta hiền từ và khiêm nhường trong lòng”.
Vậy gia đình ta hôm nay làm giờ đền tạ về các tội con cái ngỗ nghịch, bất hiếu, cũng như xin lỗi Chúa vì cha mẹ hay bề trên đã nhiều lần đối xử thiếu tình thương với con cái hay người dưới quyền mình.
Tích truyện
Một hôm, du khách đến Đất Thánh dừng lại trước một di tích cổ đã đổ nát... Lúc sau, có một người đàn bà Ả rập đi tới bên di tích cổ, cúi nhặt một viên đá rồi ném vào cái cột đó, đứa bé đi theo mẹ cũng làm như vậy. Hỏi bà lý do, bà đáp:
- Đây là mồ của một đứa con xấu, đã phản phúc với cha mình.
Hỏi tên cha hắn là gì, bà đáp:
- Đa-vít.
Nói xong, bà tiếp tục đi...Du khách biết du đây là mồ chôn Ab-sa-lôm, đứa con phản nghịch. Mồ chôn hắn đã trở thành bia ghi sự nhuốc nha muôn đời. Khi một người Hồi giáo đi qua, họ vừa ném đá vừa nói:
- Ab-sa-lôm, hãy bị nguyền rủa! Và chúc dữ cho tất cả đứa con nào ngụy nghịch, bất hiếu với cha mẹ.
Từ đó đến nay, đã 10 thế kỷ, người ta vẫn chưa thôi nguyền rủa hắn. Các bà mẹ Ả rập vẫn còn dạy con cái nhặt đá ném vào mồ đứa con đã giơ tay xúc phạm đến cha mình.

************************************************
BÀI LỜI CHÚA 10
Bà mẹ của Tôbya
Trích sách Tô-by-a, 5.18tt
Tuy bị lưu đầy sang Ni-ni-vê, một nước ngoại đạo, song gia đình ông Tô-bít vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa và sống đạo đức: Kính mến Chúa, giữ các điều luật Người truyền, lại có lòng thương người và hay giúp đỡ tiền nong, bố thí của cải; cách riêng, ông Tô-bít hay lo lắng ma chay, chôn xác kẻ chết, thường vì bị vua quan ngoại đạo giết và quăng thây ngoài tường thành cho chó, cho chim ăn thịt. Việc nghĩa này đã gây cho ông nhiều khốn khổ, có lần ông bị vua tầm nã để đem xử tử. Tất cả gia tài, sản nghiệp của ông bị tịch thu hết... Đến khi một vua khác lên ngôi, ông có người cháu làm quan to trong triều bênh đỡ, được trở về gia đình, thì gia đình đã khánh kiệt.
Trong tình cảnh quẫn bách ấy, ông còn xui xẻo bị mù lòa, nên cuối cùng, ông đành sai đứa con trai độc nhất, cậu Tô-by-a, đi đến miền xa xôi đòi người quen số tiền ông ký gởi ngày trước.
Cậu Tô-by-a sắp lên đường. May mắn gặp được một bạn đồng hành: đó là thiên thần Ra-pha-en, Thiên Chúa sai xuống lấy hình người mà giúp đỡ gia đình ông, nhưng cả nhà đâu có biết. Ông Tô-bít vui mừng gửi gắm con cho người bạn đáng tín cẩn ấy dẫn đường.
Còn bà An-na, một bà mẹ rất mực thương con, thấy con phải đi xa thì lo lắng, nên bà khóc lóc với chồng:
- Việc gì mà ông sai thằng nhỏ nhà ta đi? Nó chẳng là cây gậy chống đỡ tay ta đó sao? Tiền bạc nơi xa, đừng đi đòi nữa, tiền của làm sao so sánh với con ta được. Chúa để ta sống như thế này thì cũng đủ lắm rồi!
Ông đáp lời:
- Bà đừng có nghĩ vớ vẩn! Con ta sẽ đi an lành, về an lành. Chính bà đã thấy: Chúa gửi đến cho nó một bạn đồng hành tốt lành, đáng tin cậy biết bao! Mình ơi! Đừng khóc nữa, vì Thiên thần của Chúa sẽ hộ phù cho chúng. Đường xuôi gió thuận, nó sẽ trở về an lành.
Nghe lời chồng an ủi, bà An-na thôi khóc. Ngày qua tháng lại, ông Tô-bít nhẩm tính, thấy đã quá hạn ước định, mà sao con chưa trở về, ông bắt đầu lo ngại và buồn rầu. Ông có ngờ đâu, tại xứ xa kia, con trai ông gặp may lấy được vợ hiền, lại cùng tông giống, cùng đạo, nên cậu phải nán lại thêm ít ngày. Bà An-na thấy chồng nghĩ ngợi, càng thêm lo buồn, trí tưởng bà bày vẽ trăm chuyện đen tối, làm cho lòng mẹ thương con càng thêm rối rắm, xót xa... Nhiều lần bà khóc lóc với chồng:
- Ôi con tôi! Nó chết mất rồi! Trong số kẻ sống không còn có nó nữa! Khốn thân mẹ, con ơi! Tại mẹ đã để con ra đi như thế! Chỉ vì chút tiền bạc mà đầy đọa thân con! Hỡi con ơi! Con là ánh sáng của mắt mẹ, là gậy chống đỡ tuổi già của mẹ!
Ông Tô-bít nhẹ nhàng bảo vợ:
- Yên nào! Đừng có nghĩ vơ nghĩ vẩn! Nó vẫn an lành, bất quá nó gặp chút trắc trở gì đó thôi. Bạn đồng hành của nó là người đáng tin cậy và cũng là họ hàng, con cháu ta. Thôi! Mình ơi! Đừng quá lo buồn mà hao tổn tâm trí. Nó sắp về đến nơi rồi đó
Nhưng bà cãi lại
- Ông để mặc tôi! Ông đừng lừa tôi! Con tôi nó chết mất rồi!
Bà không chịu khuây khỏa, không gì có thể làm yên lòng bà mẹ khốn khổ. Ngày ngày, bà ra cửa, đứng đầu ngõ ngó quanh, ngó quất trên đường, mong thấy bóng dáng con. Mặt trời lặn, bà lủi thủi về nhà than khóc suốt đêm không ngủ...
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
1- “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...”. Nếu công cha lớn lao, ví như núi Thái Sơn, thì tình mẹ lai láng ví như nước trong nguồn chảy ra...
Hỡi những ai là con cái, đừng bao giờ quên những khó nhọc, đau đớn muôn vàn mẹ ta đã phải chịu vì ta từ khi trứng nước đến khi bước vào đời... Đừng bao giờ làm mẹ chúng ta đau lòng, vì lời nói, việc làm, nhất là vì tấm lòng bất kính, bất hiếu của ta.
Kinh Thánh dạy:
“Kẻ rủa cha, rủa mẹ, sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm” (Cách ngôn 20.20).
“Con mắt khinh dể cha và miệt thị tuổi già của mẹ, bầy quạ nơi thác nước sẽ mổ thủng và phượng hoàng sẽ cấu xé nó” (Sách đã dẫn, 30.17).
Còn ngược lại :
“Kẻ quí trọng cha sẽ sống dài ngày,
Người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa” (Huấn ca 3.6).
Buồn thay! Có biết bao người con từng làm cho mẹ mình khóc lóc, sầu tủi... Đó là những kẻ thiếu suy nghĩ, đã quên công ơn mẹ mình, quên không nghĩ tới bao nâng niu, đùm bọc từ hồi mới chập chững... Những canh dài thức giấc vì con, những đêm chong đèn không ngủ lo lắng, hồi hộp nhìn con bệnh hoạn, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa... Không có những hi sinh ấy, ta còn đâu được sống trên cõi đời này nữa! Kể làm sao cho xiết, nói làm sao cho cùng lòng người mẹ thương con...
2- Bà An-na trong truyện Kinh Thánh, có lòng thương con hơn tiền của. Bà nói: “Tiền bạc làm sao so sánh được với con ta, mà ông sai nó đi xa như thế? Chúa cho ta sống thế này cũng là đủ rồi!”. Bà quí con hơn cả mọi sự, bà ví “con như ánh sáng của mắt, gậy chống đỡ của tuổi già”. Lời Chúa viết ra đó, là để dạy ta: người con phải biết rằng cha mẹ già cần con nâng đỡ, giúp đáp mặt vật chất cũng như tinh thần: như ánh sáng của mắt cha mẹ, như gậy chống đỡ tuổi già cha mẹ. Lời Chúa cũng dạy cha mẹ phải yêu quí con hơn của cải. Thật thế, có nhiều người cha mẹ thí con để lấy của, bán con, gả con vì tham tiền:
“Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng: “Đừng!”
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng” (Ca dao).
3- Ta còn rút được bài học nữa, đó là lời ông Tô-bít : “Bà đừng lo nghĩ vớ vẩn, thêm hại tâm trí... Có Thiên thần Chúa hộ phù nó...”. Nhiều bà mẹ, khi lo về con, chỉ biết khóc lóc, buồn sầu, mà không biết đến khóc lóc, kêu van với Chúa, hơn nữa, không biết phú thác cậy trông vào Chúa. Ở đây, ông Tô-bít đã khéo an ủi vợ bằng cách nhắc vợ tin vào sức hộ phù của Chúa. Trong gia đình, người vợ, người mẹ bao giờ cũng mau xúc động, bi lụy vì con, nhiều khi đến mất bình tĩnh, mất sáng suốt. Nếu may mắn có được người chồng, người cha bình tĩnh, biết lấy Lời Chúa, lấy sự cậy trông vào Chúa mà an ủi, khuyên lơn vợ, gia đình ấy tốt phúc. Người chồng hay người cha, lúc ấy, đóng vai linh mục của gia đình một cách nào đó rồi vậy. Làm cho vợ, cho con nghĩ tới Chúa và trông cậy vào Người, quả là ông đã là cái cầu bắc cho gia đình lên tới Chúa.
Về phần các bà, cũng đừng để lòng quá xúc động, nghĩ vơ nghĩ vẩn, tô đen mọi sự... Bà An-na cũng vậy, bà cãi lại chồng: “Ông để mặc tôi, ông đánh lừa tôi, con tôi nó chết mất rồi!”. Rồi bà ra cửa ngày ngày chờ con, tối mịt về nhà khóc không ngủ...Thương con như thế là thiếu sáng suốt, hại sức khỏe, làm bấn loạn cả gia đình, quả thật bà đã phóng đại, tô đen, chứ con bà đâu có chết, mấy ngày sau, bà thấy Tô-by-a về, bà mừng rối rít. Chẳng phải những lo lắng, âu sầu của bà trước đây đều đã vô ích sao? Đành rằng mẹ thì thương con, mà chuyện tình cảm, yêu thương thì không thể lấy lý ra mà thắng được; song dầu sao cũng nên bình tĩnh hơn, đừng quá tưởng tượng. Các bà muốn lúc ấy bình tĩnh, sáng suốt, chỉ có một phương thế độc nhất giúp được: đó là chạy đến Chúa, phú thác thật tình với hết lòng tin cậy, như lời Kinh Thánh dạy: “Mọi nỗi lo lắng, anh chị em hãy trút cả cho Chúa, vì Người lo đến anh chị em” (1Pr 5.7).
Tích truyện
Đầu thế kỷ 20 này, tại Luân Đôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo, vừa đông con  cả thảy 13 đứa  Cha chúng phải đi làm suốt ngày ở xí nghiệp, bà mẹ làm nghề phụ gia công và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối suốt ngày, bà Vũ Phan (Vaughan) vẫn vui vẻ thay chồng dạy con học giáo lý, tập cho chúng tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động. Ấy thế mà, trưa nào, rửa chén dĩa xong, bà Vũ Phan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà:
- Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?
Bà tươi cười đáp:
- Thấy một bầy con chen chúc, ăn bữa nay chạy gạo bữa mai, tôi lo lắm! Hơn thế, nghĩ chúng đến trường học, có thể theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa đô hội nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày, dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ đến với Chúa trong Phép Thánh Thể, để xin Ngài ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hàng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên tín hữu chân thực.
Chúa đã nhận lời bà mẹ biết chạy đến phú thác cho Người, và Chúa đã ân thưởng cho lòng tin cùng các hi sinh của bà: trong 13 người con, sau này, một người là Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Luân Đôn, một người là Tổng Giám Mục, hai người làm linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn 5 người ở thế gian lập gia đình đạo hạnh và đầy đức tin.
Gia đình chúng ta làm giờ đền tạ này, để xin Chúa tha thứ cho những đứa con không biết ơn tình mẹ và cho những bà mẹ không biết yêu thương con đúng tinh thần Chúa dạy.


************************************************
BÀI LỜI CHÚA 11
NGƯỜI CHA GƯƠNG MẪU
Kỳ trước, ta đã nghe đọc Sách Thánh về gia đình đạo đức của ông Tô-bít, cách riêng về bà mẹ rất thương con. Kỳ này, Sách Thánh sẽ cho ta biết về ông Tô-bít, người cha gương mẫu của cậu Tô-by-a.
Trích sách Tô-by-a
Từ trẻ, ông Tô-bít đã là một người đạo đức, nghĩa là ông luôn tuân giữ các luật Chúa, cùng làm việc nghĩa. Ông trung thành lên Yêrusalem hàng năm, để dâng tế lễ ở Đền Thờ như Chúa truyền, ông nộp thuế thập phân, đóng góp vào việc phục vụ Đền Thờ và các chi phí phụng tự. Ông rộng tay làm phúc cho kẻ nghèo, người góa bụa, kẻ mồ côi, khách tha phương...
Chiến tranh binh lửa đã đến, lôi ông khỏi xứ sở, đi lưu đầy sang Ni-ni-vê, ông vẫn luôn giữ một lòng trung tín thờ Chúa và thương người, đang khi quanh ông, anh em bà con dòng họ hầu như bỏ đạo. “Người đói, tôi cho bánh ăn; kẻ mình trần, tôi cho áo mặc; và nếu tôi thấy có người chết nào bị quăng thây sau tường lũy Ni-ni-vê, tôi đã chôn cất” (1.17). Một hôm,vào ngày lễ 50, ông được người ta cho một bữa tiệc thịnh soạn để mừng ông. Nghĩ đến người nghèo, ông bảo con ông là Tô-by-a:
- Này con, hãy đi ra, và nếu gặp ai nghèo khó trong anh em ta, hãy dẫn về cùng chia sẻ bữa ăn với cha!
Đến khi dẫn một người nghèo vào ăn, cậu Tô-by-a cũng đưa tin cho cha cậu: có một người bị sát hại và quăng thây ngoài bùng binh... Nghe vậy, ông Tô-bít liền chỗi dậy, bỏ bữa ăn, đi lấy trộm xác về giấu một nơi, đợi mặt trời lặn sẽ đem chôn. Hàng xóm chê cười ông:
- Hắn vẫn chưa sợ! Đã bị tầm nã để xử tử, đến nỗi phải bỏ nhà cửa trốn đi, thế mà nay hắn lại chôn cất kẻ chết (2.8).
Làm việc nghĩa như thế, đã không được may, ông lại gặp rủi: sau khi chôn xác, tắm rửa, nằm nghỉ ngoài hiên cho mát, cứt chim rơi trúng mắt làm ông mù. Đã bốn năm như thế, gia đình càng ngày càng khánh kiệt. Dù nghèo, ông không hề tham lam. Chuyện sau đây chứng tỏ: bà An-na, vợ ông, phải dệt vải gia công cho chủ để có tiền độ nhật. Một lần kia, sau khi lãnh công, bà còn được chủ thưởng một dê con. Nghe tiếng dê kêu be be, Tô-bít hỏi:
- Con dê ấy ở đâu đến? Họa chăng là của trộm cắp. Hãy đem trả cho chủ nó, vì ta không được phép ăn của gì trộm cắp.
Bà An-na đáp:
- Quà người ta tặng tôi thêm với tiền công đó mà!
Ông không tin, cứ khăng khăng bảo phải đem trả, đến nỗi bà vợ ông phải nổi giận trách mắng ông, ông mới thôi. Buồn tủi, phần vì mù lòa, phần vì bị vợ la rầy, ông tấm tức khóc và cầu nguyện với Chúa.
Cuối cùng, không còn kế sinh sống, ông đành liều sai con đi sang xứ Mê-đi xa xôi, để đòi số bạc ông ký gửi nhà quen thuộc. Trước khi con lên đường, ông nghĩ mình không biết có còn sống đến lúc con về lại không, nên ông đã gọi con lại để nhắn nhủ những điều mà chính ông đã sống, đã thi hành trước:
1/ Ông nhắc con thờ Chúa: “Suốt mọi ngày đời con, hỡi con, hãy nhớ đến Chúa. Đừng cố ý phạm tội, lỗi các lịnh truyền của Người”. Cung giọng ông thật là tha thiết, êm đềm thấm vào lòng con. “Mọi thời mọi buổi, con hãy chúc tụng Thiên Chúa, con hãy xin Người cho đường con đi ngay thẳng. Chính Chúa ban phát mọi sự lành” (4.5,19).
2/ Ông dạy con có hiếu với mẹ: “Hãy thảo kính mẹ con, đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người; song hãy phụng dưỡng hết lòng. Hãy làm mẹ con được vui lòng vui mặt. Đừng làm cho tâm hồn người phải buồn phiền vì bất cứ sự gì. Con hãy nhớ là mẹ con đã phải trải qua bao nỗi gian lao, nguy hiểm vì con, khi con còn trong lòng mẹ. Người chết, con hãy chôn cất người bên cha cùng một mồ” (4.3).
3/ Ông dạy con hãy làm phúc, làm nghĩa như ông vẫn thường làm: “Con đừng bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước kẻ nghèo, và Nhan Thánh Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt đi với con. Có bao nhiêu hãy tùy sức mà bố thí, có ít lấy theo số ít mà bố thí. Quả đó là kho tàng con cất cho mình vào ngày túng quẫn. Vì chưng, bố thí giựt khỏi sự chết và không để lâm phải tối tăm. Quả thế, bố thí là lễ tế trước Nhan Thiên Chúa” (4.7-11).
4/ Ông còn nhủ bảo con nhiều điều khác: “Hỡi con, hãy giữ mình khỏi mọi điều dâm ô! Hãy lấy vợ cùng trong giống nòi” (ông có ý bảo: đừng lấy vợ ngoại, vì họ không có đức tin sẽ làm cho con cái và cả dòng giống bỏ Chúa). Đừng kiêu ngạo, vì nơi kiêu ngạo đã sẵn họa diệt vong và chuốc thảm bại. Nơi lười biếng đã có suy vi và nhiều thiếu thốn, vì lười biếng là mẹ sinh ra đói kém. Hãy coi chừng về mình trong mọi việc làm của con; và trong cách xử sự, hãy luôn ở như người gia giáo! Điều con ghét, con chớ làm cho người ta. Rượu, con chớ uống say sưa; say sưa chè chén đừng là bạn đường của con. Muốn sống tốt đẹp, con đừng khinh lời khuyên răn nào hữu ích. Với người khôn ngoan, con hãy tìm lời bàn bạc. Hãy làm việc nghĩa mọi ngày đời con, đừng đi theo đường lối bất chính. Con hãy xin Thiên Chúa cho đường con đi ngay thẳng, cho mọi dự định con được thành tựu”.
5/ Ông nhấn mạnh đến đức công bình: “Bất cứ ai làm lụng cho con, con đừng trì hoãn đến mai mới trả lương, nhưng hãy trả ngay lập tức, thì việc con làm tôi Thiên Chúa, con cũng sẽ được trả công” (4.14).
Kết cục, ông nói: “Hỡi con, hãy ghi nhớ các lời Cha, chớ để tuột khỏi lòng con... Đừng sợ, vì ta ra nghèo! Của lành, con sẽ có nhiều, khi con kính sợ Thiên Chúa và lánh xa mọi điều tội lỗi, cùng làm điều lành trước mặt Thiên Chúa”.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Cậu Tô-by-a thật tốt phúc, vì có một người cha gương mẫu, đức hạnh. Đạo của ông là đạo cũ, thuộc Cựu Ước, chưa được trọn lành như đạo mới Chúa Giêsu dạy cho ta bây giờ; thế mà mấy ai trong tín hữu Chúa Giêsu đã sống được bằng ông? Cái đáng phục là ông sống đạo tử tế, cho dù giữa hoạn nạn, khốn khó, bắt bớ..., rồi sau đó, ông mới dạy lại cho con ông một cách chân thành, với lời lẽ êm đềm như rót vào tai. Tình thương con đã làm tiếng nói của ông thêm đậm đà!
Mong sao các người làm cha, bớt nổi nóng, la rầy con cái, vì chúng còn trẻ, ham vui, ham chơi. Hãy thông cảm, hãy kiên nhẫn với chúng và ôn tồn dạy vẽ cho chúng về đạo Chúa, về cách sống ở đời.
Ông Tô-bít biết rõ châm ngôn này:
“Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”.
Dạy con không chỉ dạy bằng lời, còn dạy bằng gương đời sống mình. Khi những người cha lòng đạo khô khan, cằn cỗi, thêm vào các tật xấu như nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, rượu chè..., thì làm sao nói chúng nghe. Con cái chỉ thấy nơi ông bố một kẻ có “tâm hồn ăn uống” hơn là có “tâm hồn đạo hạnh”, làm sao chúng phục? Đang khi, theo ý Chúa, người cha phải có “tâm hồn linh mục” đối với con cái, có nhiệm vụ dẫn dắt chúng đến với Chúa mỗi ngày mỗi hơn, như linh mục dẫn dắt con chiên mình.
Gia đình chúng ta làm giờ cầu nguyện tối nay để đền tạ các lỗi lầm, gương xấu trong lời nói, việc làm của các người cha trong gia đình, nhất là gia đình của mình đây. Cũng xin Chúa ban ơn sửa đổi, để người cha nào trong gia đình cũng nên giống ông Tô-bít gương mẫu, tốt lành, được con cái kính phục và yêu mến.
Tích truyện
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mồ côi mẹ lúc chưa đầy 4 tuổi. Các chị lại lần lượt nối bước nhau vào dòng. Vì thế, cô con gái út rất được cha yêu quí, chiều chuộng. Những tưởng mất mẹ, cha chiều, cô bé sẽ đâm hư... Nhưng không ngờ, cô đã làm thánh và làm thánh lớn nữa, vì cha cô là một người cha tuyệt diệu. Theo cô kể lại trong “Truyện một tâm hồn”, thì lúc 14 tuổi rưỡi, Têrêsa ước ao dâng mình cho Chúa. Ủa! Tại sao được cha cưng chiều, mà cô lại bỏ đi tu ? Vì cha cô là một người đạo hạnh, chỉ luôn dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chính cha cô không những không cấm cản, mà còn làm mọi việc vận động để cô có thể vào dòng kín trước tuổi. Lúc phải nói cho cha cái ý định của cô mới thật là gay cấn, cô sợ cái tin sét đánh ấy sẽ làm cha cô đau buồn, giảm thọ; vì đời ông, lúc ấy, chỉ còn có cô là niềm an ủi.
Một buổi chiều kia, thấy cha ra vườn ngồi chơi, hai tay khoanh lại ngắm cảnh thiên nhiên xinh đẹp, Têrêsa đánh bạo đến ngồi gần bên cha, nhưng miệng chưa thốt nên lời mà nước mắt đã ràn rụa. Ông Mác-tin cúi xuống nhìn con, với ánh mắt yêu thương trìu mến. Biết con có điều uẩn khúc muốn nói, ông ôm đầu con áp vào ngực mình và hỏi:
- Con có điều gì cứ nói cha nghe đi nào, công chúa của cha!
Bấy giờ, Têrêsa gạt nước mắt, tỏ cho cha biết việc mình hết sức ước ao vào Dòng Kín. Ông Mác-tin nghe xong cũng bật khóc, nhưng ông trấn tĩnh lại, và nhỏ nhẹ bảo con:
- Con còn trẻ, làm sao quyết định việc quan trọng đó được?
Têrêsa tiếp tục nài nỉ, cuối cùng, ông đành chấp thuận theo Thánh Ý Chúa. Sau đó, ông phải dẫn Têrêsa sang Rôma, yết kiến Đức Giáo Hoàng Lêô 13, để Têrêsa xin phép chuẩn được vào Dòng Kín lúc mới 15 tuổi. Công lao và hi sinh của cha to lớn chừng nào, suốt đời Têrêsa không hề quên, luôn nhắc đến công ơn cha.
***************************
BÀI LỜI CHÚA 12
Bà mẹ can đảm
Trích sách 2 Ma-ca-bê, ch.7


Đây là một tích truyện có nền tảng lịch sử, xảy ra ở Pha-lê-tin, trước Chúa Giáng sinh độ 150 năm. Hồi đó, dân Do thái đang bị vua An-ti-ô-kô cấm đạo.
Có một bà mẹ kia cùng bị bắt với 7 người con. Tất cả đều một dạ trung thành đến chết không hề chối Chúa, chối đạo, mặc dầu phải chịu những hình khổ độc ác nhất. Người anh cả bị cắt lưỡi, lột da đầu, chặt các ngón tay, ngón chân. Chỉ còn thoi thóp thở, lại bị lôi đến lò lửa, ném vào vạc để rán chảo. Người anh thứ hai cũng bị các cực hình ấy. Trước khi bị cắt lưỡi, anh lớn tiếng tuyên xưng lòng tin:
- Các ngươi giết mạng sống đời này của chúng ta, song chết để làm chứng cho đạo Chúa là chân thật, thì Chúa sẽ cho chúng ta sống lại ngày sau hết, sẽ hoàn trả cho chúng ta sự sống còn mãi đời đời (c.9).
Và cứ thế, lần lượt mấy người anh em đó can đảm chịu các hình khổ ghê rợn và chịu chết vì đức tin. Trước khi tắt thở, họ đều tuyên xưng lòng tin, ca vang niềm hi vọng nơi cuộc sống đời đời mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ.
Còn người mẹ, bà thật là người đáng thán phục mọi đàng, xứng đáng được kính cẩn ghi nhớ, một lòng cậy trông vào Chúa, bà đã can đảm chứng kiến 7 con cùng chết trong một ngày. Hơn nữa, bà đã lấy lời lẽ khuyến khích mỗi con. Là một người phụ nữ, mà lòng bà đầy chí khí anh hùng, nữ tính được khí phách nam nhi làm cho phấn khởi, và bà nói với các con:
- Mẹ không biết làm sao chúng con đã xuất hiện trong dạ mẹ, nhưng một điều mẹ biết chắc là không phải mẹ ban cho chúng con hơi thở và sự sống, cũng không phải mẹ đã sắp xếp cho các yếu tố nắn chúng con nên hình nên dạng. Chính Đấng Tạo Thành vũ trụ đã ban cho chúng con hơi thở và sự sống. Vậy thì chính Người sẽ trả lại cho chúng con hơi thở và sự sống, một khi chúng con không ngại hi sinh sự sống mà làm chứng về Người (cc.20-23).
Đến lượt cậu con út của bà, vua An-ti-ô-kô hết lời phủ dụ, dỗ ngọt sẽ ban của cải, phú quí và quyền chức vinh hoa...Thấy không lay chuyển lòng cậu, ông mới nghĩ ra một kế là gọi người mẹ lại, dụ bà khuyên bảo cậu bé để cứu sống nó. Bà nhận lời, nhưng bà đánh lừa bạo chúa, dùng tiếng bản quốc mà khuyến khích con can đảm chịu chết, thay vì nghe lời hứa ngon ngọt của vua:
- Con ơi! Con hãy thương mẹ đã cưu mang con chín tháng, cho con bú mớm ba năm, cùng đã đau đớn, lo lắng thiết tha...Mẹ xin con hãy ngước mắt nhìn trời đất và tất cả mọi vật trong đó, để biết rằng: Thiên Chúa đã làm ra chúng cùng cả loài người chúng ta. Vậy đừng sợ tên lý hình ấy. Hãy ở sao cho xứng với các anh con mà bằng lòng chết, ngõ hầu mẹ được gặp lại con làm một với các anh con.
Bà vừa dứt lời, người thiếu niên đó nói to:
- Các ngươi còn đợi gì? Không bao giờ ta nghe lời truyền của một ông vua, mà bỏ lệnh truyền của Chúa, dù sống hay dù chết.
Rồi quay sang ông vua cấm đạo, cậu la lớn:
- Hỡi bạo chúa khát máu ! Quân vô đạo ! Ngươi đừng dương dương tự đắc khi nắm quyền hành trong tay mà hành hạ các tôi tớ Chúa, vì ngươi sẽ không trốn thoát được án của Thiên Chúa toàn năng, Đấng thấy hết mọi sự. Anh em ta đã chịu cực hình vắn vỏi để được sống muôn đời. Còn ngươi sẽ mang lấy án công bằng, xứng với sự kiêu ngạo của ngươi. Phần ta cũng xin dâng mạng sống để làm chứng cho Chúa, mà khẩn cầu Người thương đến dân tộc (cc.27-37).
Vua tức uất người và đã ra các hình khổ độc ác gấp bội đối với cậu. Cậu đã can đảm chịu các hình khổ ghê sợ ấy và đã lãnh triều thiên tử vì đạo.
Sau cùng đến bà mẹ, thấy không còn có con nào để bà phải nâng đỡ, khích lệ, bà cũng bằng lòng chịu chết vì Chúa. Linh hồn bà bay về cùng Chúa và sum họp với các con trong vinh quang Thiên quốc. Trên mồ các vị tử đạo này, dân Do thái sẽ thấy chỗi dậy những vị anh hùng giải phóng dân tộc họ khỏi ách độc tài và vô đạo : đó là các anh em nhà Macabê anh dũng, mà sử sách còn ghi.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Nếu anh chị em là bậc cha mẹ mà gặp cảnh vừa kể, anh chị em có khuyến khích con cái mình như thế không ? Có can đảm chịu đựng và chứng kiến con cái mà mình đã mất bao công lao dưỡng dục, nay được phúc chết vì Chúa không?
Xem thế, mới thấy bà mẹ trong truyện Sách Thánh kể thật “đáng thán phục mọi đàng, xứng đáng được kính cẩn ghi nhớ” (c.20). Nhưng bởi đâu bà có được thái độ can đảm như thế? Chứ theo thường tình, phụ nữ hay xúc động, giàu lòng thương con, luôn sợ con mình phải khổ, phải chết, thì làm ngơ hoặc tệ hơn, tìm cách bảo con trốn lánh hay chối đạo Chúa, chối bỏ danh nghĩa là công giáo, không dám tuyên xưng đức tin.
Thế mới hay cha mẹ có hai cách thương con: thương con theo thường tình xác thịt và thương con trong Chúa, theo tinh thần Chúa. Thương theo thường tình dễ đưa đến chỗ làm nghịch ý Chúa. Chúa Giêsu dạy: “Kẻ yêu con trai, con gái hơn ta, ắt không xứng với Ta” (Mt 10.37).
Bà mẹ bảy anh em tử đạo sở dĩ can đảm phi thường như thế là bởi hai lý do mà Sách Thánh cho biết: một là “bà có lòng trông cậy vào Chúa”, hai là “bà có khí phách nam nhi, có chí khí anh hùng”.
1/ Bà có lòng trông cậy vào Chúa là thế nào ?
Tức là bà có một niềm tin chắc vào Chúa là Đấng có thật và hằng sống, Người đã tạo dựng nên mọi loài, chính Người nắn tạo và ban sự sống cho các con của bà. Nếu con bà vui lòng chết vì Người, thì đáp lại, Người có đủ quyền phép mà trả lại một sự sống khác tốt hơn, tức là sự sống đời đời. Bà nói giống lời của Chúa chúng ta: “Kẻ nào hi sinh sự sống mình vì Thày, thì sẽ được lại sự sống. Nào có ích gì cho người ta khi được cả thế gian mà đánh mất sự sống đời đời của mình. Lấy gì để chuộc nó lại được? Vì chưng có ngày Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Ngài...và bấy giờ, Ngài sẽ trả lại cho mỗi người (sự sống là phần thưởng đời đời) tùy theo công nghiệp họ” (Mt 16.24tt).
2/ Bà mẹ kia có khí phách nam nhi, có chí khí anh hùng là thế nào?
Tức là bà biết vượt trên những sự xúc cảm thường tình của phụ nữ, bà bình tĩnh dùng lý trí suy nghĩ, chứ không để tình cảm lôi kéo. Lý trí thì sáng suốt, còn tình cảm thì mù quáng. Nếu được Lời Chúa soi sáng, lý trí sẽ sáng suốt hơn, sẽ biết phải làm gì, hành động theo lối nào cho xứng với danh là con cái Chúa. Vậy sau khi đã suy nghĩ như thế và cầu nguyện cho có sức mà làm theo, thì người đó, cho dù là một phụ nữ, cũng thành ra có khí phách của nam nhi, và khi đạt mức cao, có thể làm những việc khó, thì gọi là có chí khí anh hùng.
Được như thế không khó lắm đâu ! hay nói đúng hơn, cái đó không phải là điều không làm nổi.
Chung quanh ta, biết bao người cha, người mẹ đã sống can đảm như thế, không nhiều thì ít. Có những người vợ, người mẹ, chồng xa vắng, đã chết, hoặc bỏ bổn phận, một tay bà nuôi nấng đàn con, đồng thời đóng thêm vai người cha để dạy dỗ đàn con đang chập chững bước vào đời. Lại ra sức dạy bảo con cái sống theo đạo Chúa, biết chịu khó, chăm chỉ lao động lương thiện để mưu sinh, không ăn cắp, cướp giật để làm kế độ thân, không gian dối, không lừa đảo để có của. Bà dạy con biết sống đứng đắn, trai không chè chén, nhậu nhẹt say sưa, gái không se sua, đua đòi hoặc lẳng lơ, trắc nết. Bà dạy cho chúng biết cậy trông vào Chúa thương yêu quan phòng, để không hề làm gì xằng bậy lỗi luật Người, mất lòng Người.
Những người vợ và người mẹ ấy thật quí hóa cho gia đình và xã hội, và Hội Thánh được thơm lây.
Xin các bà mẹ nhớ cách riêng rằng: nếu ngược lại, các bà cưng chiều mà không dạy dỗ, bảo ban con cho đúng phép, các bà không những làm hỏng đời nó, mà còn làm hại cho xã hội, làm khổ cho người khác sống xung quanh nó nữa. Đứa con được nuông chiều - nhất là con trai - sẽ trở nên ủy mị, nhu nhược, suốt đời sống bám vào mẹ, không có can trường, luôn ỷ lại, quăng ra đời nó sẽ không biết xoay sở, không biết tháo vát. Vì từ nhỏ vốn quen ăn sẵn, có lấy vợ, lập gia đình cũng sống dựa hơi vợ, sẽ không biết hi sinh cho vợ con, mà chỉ đòi hỏi, vì đã quen từ nhỏ thụ hưởng ích kỷ rồi, cái gì cũng vơ lấy cho mình, chứ có biết san sẻ, hi sinh cho ai khác đâu!
Vậy, hỡi các người cha mẹ công giáo! Hãy để hết tâm tư mà rèn luyện cho các con, trai cũng như gái, thành những con người có chí khí, có bản lãnh. Hãy tiêm nhiễm cho con những xác tín đúng đắn, rèn luyện ý chí biết phấn đấu chống mọi tính hư tật xấu, biết vươn lên cao theo một lý tưởng tốt đẹp, biết trung tín với bổn phận, biết hi sinh vì việc nghĩa. Nhất là hãy dạy con sống tin tưởng và gắn bó với Chúa, cách riêng bằng sự cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.

*************************