Monday, August 1, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 22-24
BÀI 22
Điều răn thứ năm:Chớ giết người
Trích sách Thẩm phán, ch.9
A-bi-mê-lếch là con ông Ghê-đê-ôn, vị Thẩm phán lừng danh của dân Israen, từng đánh thắng quân Ma-đi-an, song cậu chỉ là con sinh ra bởi một tỳ thiếp người Si-kem, trong số 71 người con của ông Ghê-đê-ôn, nhưng A-bi-mê-lếch lại đầy tham vọng. Sau khi cha chết, cậu muốn đoạt ngai vàng mà khi sống, người cha đã từ khước không thuận. Để thực hiện mưu đồ, A-bi-mê-lếch về quê mẹ, nhờ họ hàng thân thích bên ngoại cung cấp tiền nong, để mua chuộc những đứa lưu manh, côn đồ. Kết bè kết đảng đã đông, hắn cùng đồng bọn lập mưu bắt tất cả 70 anh em rồi giết hết, chỉ trừ có Yô-tam, em út, nhờ ẩn mình nên thoát chết. A-bi-mê-lếch thành công khiến các thân sĩ, kỳ hào và dân thành tôn hắn lên làm vua. Nghe tin ấy, Yô-tam lên núi Ga-ri-dim, bắn tin về cho dân Si-kem rằng:
- Xin các vị vương công nghe ngụ ngôn của tôi để hòng cứu mạng. Một hôm, cây cối trong rừng kéo nhau đi tấn phong một kẻ làm vua trên chúng. Chúng hỏi từ cây ôliu, cây vả, cây nho, là các cây có quả hữu ích, ngon ngọt; thì các cây này đều từ chối, để bảo tồn những hoa quả quí báu trời phú cho chúng. Rốt cùng, chúng đành hỏi đến bụi gai, là cây vô dụng, không có quả, không có gỗ, không cho bóng mát, chỉ tổ gieo vạ; thì bụi gai bằng lòng làm Vua. Nó bèn ra một điều kiện để thử lòng các cây cối: “Các anh phải đến nấp dưới bóng tôi, phục tùng tôi, nếu không, lửa sẽ từ bụi gai tôi bắt cháy cả rừng”.
Nói ngụ ngôn xong, Yô-tam kêu lớn:
- Các vị vương công hãy xét xem: các ông đã giúp một đứa vô loại giết 70 anh em tôi, lại tôn nó lên làm vua. Phải chăng các ông đã đền công ơn cha tôi liều mạng đánh quân Ma-đi-an để giải thoát các ông như thế sao? Coi chừng! Lửa giận của tên vô loài ấy sẽ phát ra thiêu chết các ông làm một với chính nó!
Nói xong, Yô-tam lẩn đi trốn. Ba năm sau, lời tiên báo đã ứng nghiệm. A-bi-mê-lếch và các thân sĩ, kỳ hào Si-kem xích mích rồi phản nhau. Hắn bị đuổi ra khỏi lâu đài. Tức giận, hắn thu họp bè đảng đến phá thành, tàn sát dân chúng. Các vương công và một số tổng cộng hơn ngàn người chạy trốn vào cái miếu thờ thần Ba-an. Hắn bèn chất lửa đốt thiêu tất cả. Đến lượt hắn, đang khi đánh phá một tháp kiên cố và muốn phóng hỏa, thì một người đàn bà, từ trên tháp ném một cối đá xuống đầu hắn làm hắn vỡ sọ. Hắn vội vàng gọi tên hầu:
- Tuốt gươm mà giết tao đi, kẻo thiên hạ nói về tao: một đứa đàn bà đã giết nó.
Vậy tên hầu đã đâm hắn chết. Thế là tên độc ác đã chết: hắn bắt đầu bằng cuộc sát huynh, tiếp tục bằng cuộc sát nhân, kết liễu bằng việc tự sát.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Điều răn thứ năm dạy: chớ giết người. Truyện Kinh Thánh hôm nay cho ta thấy một kẻ giết người không ghê tay: anh em ruột thịt hắn giết, đồng bào đồng hương hắn cũng giết, cuối cùng, chính hắn tự giết mình.
Tội ác của hắn, chúng ta tất cả đây chắc chẳng ai dám phạm. Vậy cái gì đáng cho ta học ở bài này? Đó là: tại sao hắn giết người ghê gớm như thế? Thưa: tại hắn không được hiểu về giá trị của mạng sống con người, của sự sống thể xác quí trọng dường nào! Khi người ta biết được một vật nào quí giá, người ta sẽ thận trọng gìn giữ và bảo vệ nó.
Như vậy điều răn: chớ giết người, tức là Chúa dạy hãy tôn trọng mạng sống, sự sống thể xác của con người, của mọi người, cũng như của chính mình. Điều đó, ta cần học hiểu. Giáo huấn ấy được tóm tắt như sau:
Thứ nhất: Thiên Chúa đã dựng nên thân xác ta vì lòng yêu thương nhân từ, đã uốn nắn và tổ chức nó một cách tuyệt diệu, và phú linh hồn vào cho nó được sống với tư cách là một con người.
Thứ hai: Thế rồi, trong Phép Rửa tội, Chúa Thánh Thần đến thánh hóa thân thể ta và dùng làm Đền Thờ Ngài ngự.
Thứ ba: Ngày tận thế, Chúa sẽ cho xác ta sống lại vinh hiển và hợp với hồn mà sống mãi đời đời hạnh phúc với Chúa và các thần thánh.
Thật là giáo lý tốt đẹp, cao siêu! Chưa từng có một triết học nào, một đạo nào đạt tới. Ta hãy lấy làm vinh dự. Nhưng nhất là đó không phải là một mớ tư tưởng suông, không tưởng, nghe cho sướng tai. Giáo lý ấy rất thực dụng, nó đụng chạm đến chính mình ta, vì mỗi chúng ta đều đang có một thân xác được Chúa ban cho hưởng các điều quí giá ấy. Tức là thân xác tôi, thân xác anh chị em, thân xác ông bà, cô bác đang có mặt đây: Thân xác mỗi người chúng ta được Thiên Chúa nhân từ tạo dựng (bằng cách nhờ cha mẹ sinh ra), rồi được thánh hóa, đáng tôn đáng quí và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần ngự. Đến nỗi, có một người đạo đức kia, khi xưa, mỗi lần đến thăm đứa con nhỏ của mình, thì ông quì xuống hôn trên ngực con mà nói: “Thiên Chúa đang ngự tại đây!”. Thế rồi, thân xác ta sẽ được sống lại, sau một giấc ngủ dài là sự chết vì hình phạt tội lỗi, để được sống vinh hiển và hạnh phúc đời đời với Chúa, với Đức Mẹ và các thần thánh.
Sướng chưa, hỡi anh chị em?
Vậy, điều thứ nhất ta phải nhớ là thân xác và mạng sống ta là của quí giá, vô giá, trong số tất cả mọi của quí giá ở thế gian này.
Điều thứ hai ta phải nhớ là chính Thiên Chúa đã dựng nó cho ta. Hẳn chúng ta, ai cũng còn nhớ đoạn Kinh Thánh (sách Khởi Nguyên, ch.1 và 2) mô tả cách nôm na, bình dân và rất mộc mạc việc nắn con người từ bụi đất, rồi hà hơi sống vào mũi cho họ thành mạng sống, có bản tính linh thiêng (như người xưa đã nói: Nhân ư vạn vật duy linh: Giữa vạn vật vô tri giác, chỉ có loài người duy nhất là có bản tính thiêng liêng), là có trí khôn, có tình yêu, có tự do...và được Thiên Chúa đặt làm bá chủ muôn loài trên vũ trụ này.
Vậy, Kinh Thánh dạy rõ ràng là mạng sống ta do Thiên Chúa tốt lành, yêu thương và quyền phép dựng nên, chứ không phải do ngẫu nhiên mà có, hay do ông thần, bà chúa nào nắn đúc nên.
Ở đây, có người hỏi: người công giáo có thể chấp nhận giả thuyết (vì chưa chắc chắn hẳn) người bởi khỉ, hoặc nói dài dòng hơn: nguồn gốc loài người từ các vật dưới tiến hóa dần thành người không? Đáp: Có thể, vì điều ấy không nghịch đức tin. Chính Kinh Thánh, qua lối tả mộc mạc, cổ lỗ, cũng đã thoáng cho thấy có sự tiến hóa: Thiên Chúa nắn hình người từ bụi lấy từ đất đai: Thiên Chúa nắn từ bụi, chứ không tạo dựng từ không, mà bụi thì lấy từ đất, là vật chất...Rồi nắn thì cần phải có thời gian, lâu ngày lâu năm, hàng thế kỷ, hàng vạn năm...Mà nắn thì phải từ thô sơ dần dần thành hoàn bị, đầy đủ...Đức tin công giáo chỉ buộc một điều này phải tin: chính Thiên Chúa ban sự sống, chứ không phải tự nhiên mà có, cho dù bên ngoài, lấy ống kính mà quan sát, lấy khoa học mà nghiệm xét, thì chỉ thấy là do các định luật tự nhiên tác động vào nhau mà thành. Mà sự sống của Thiên Chúa ban lại là một sự sống linh thiêng, bất tử, chứ không phải chết rồi, tan biến vào hư vô như cây cỏ, súc vật.
Điều thứ ba ta phải nhớ: Thiên Chúa đã tạo dựng ta để sống đời đời, bất tử, cả linh hồn lẫn thể xác. Kinh Thánh dạy rõ ràng (Sách Khôn ngoan, 1.13-15, 2.23).
“Vì Thiên Chúa không làm ra sự chết,
Ngài không vui gì khi sinh linh hư diệt,
Quả thế, Ngài đã dựng nên mọi sự cho chúng được tồn tại.
Những gì được sinh thành ra trong vũ trụ đều lương hảo...”
“Thiên Chúa đã dựng nên con người để được bất tử, vì Ngài đã làm ra nó như hình ảnh, bản tính Ngài”.
Nhưng người ta sẽ vấn nạn: tại sao có sự chết mà ai cũng phải chịu, kể cả người công giáo? Kinh Thánh trả lời: “Nếu chết có nhập trần gian, ấy là do ma quỉ đố kỵ, ghen tuông” (tức là nó xúi giục nguyên tổ ta phạm tội để ta mất Chúa như nó) (x. Rm 5.12tt). Thành ra, ta phải chết, do ta đã phạm tội. Nhưng Chúa Giêsu đã đến cứu ta khỏi tội và khỏi chết. Từ đó, cái chết chỉ là giấc ngủ cho ai tin vào Chúa Giêsu. Rồi một ngày kia, ngày Chúa đến Quang Lâm lần thứ hai trên địa cầu, những kẻ tin Chúa sẽ được sống lại, bất tử, và sống mãi đời đời.

Tích truyện
Có người kia đến hỏi cụ đồ nho rằng: Tại sao ngày xưa đàn ông để tóc dài rồi búi tó sau gáy?
Cụ đồ đáp: Đó là để giữ hiếu với cha mẹ, vì thánh hiền dạy rằng: cha mẹ đã sinh thành ra mình, thì mình phải giữ toàn vẹn cái thân do cha mẹ ban cho, làm mất một phần nào, làm hư hỏng hay hủy hoại, là phạm tội bất hiếu; cho nên, cắt tóc là hủy hoại một phần trong thân thể nên không được.
Xưa, hồi Đức Khổng Tử còn sống, Mạnh Vũ Bá đến hỏi Ngài rằng:
- Làm con, hiếu với cha mẹ điều gì là cần nhất?
Đức Khổng Tử trả lời:
- Cha mẹ thương con đồng đều, duy chỉ có đứa nào tật bệnh là cha mẹ để lòng âu lo nhiều hơn (phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu). Cho nên, muốn hiếu, người con tất phải cẩn thận, giữ gìn thân thể, chớ làm gì hại, để cha mẹ đỡ lo âu, ấy là hiếu. (Trích: Khổng học đăng của cụ Phan Bội Châu, tr.205).
Xem như truyện trên đây, người ta vì hiếu với cha mẹ mà trọng thân thể, giữ gìn bảo vệ đến mức đó, ta lại không thể vì hiếu với Cha trên trời, Đấng sinh dựng nên ta mà quí trọng, giữ gìn mạng sống và thân thể ta hơn sao?
Hôm nay, trước khi đọc kinh đền tạ, xin gia đình hãy đọc kinh Cám Ơn, để cám ơn Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ ta, chẳng để ta không đời đời, tức là để ta trong hư vô, không có trên đời này, mà đã dựng nên ta, cho ta được làm người...
***************************
BÀI 23
Thiên Chúa chọn người anh dũng
Trích sách Thẩm phán, ch.7
Quân Ma-đi-an kéo 135.000 người đến xâm lăng đất Israen. Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên ông Ghê-đê-ôn, làm ông mạnh sức, đứng lên triệu tập dân chúng để cứu Israen. 32.000 trai tráng can đảm đáp lại tiếng gọi trưng binh của ông. Để cho họ thêm phấn chấn, Ghê-đê-ôn kêu lên Chúa:
- Nếu quả thực Người định dùng tay tôi để cứu Israen, xin hãy làm một phép lạ: nay tôi trải một mảnh lông chiên ngoài sân, sương đêm chỉ làm mảnh lông ấy ướt đẫm, trong khi chung quanh mặt đất vẫn khô.
Và đã xảy ra đúng như vậy. Sáng hôm sau, ông dậy sớm và vắt sương tự lông chiên ra đầy một tô nước. Ông lại xin một dấu ngược lại, là đêm sau, mảnh lông chiên thì khô, đất chung quanh được sương thấm ướt. Và Thiên Chúa đã làm y như vậy. Thánh ý Thiên Chúa đã quá rõ ràng. Toàn đạo quân nức lòng sẵn sàng quyết tử chiến. Nhưng Thiên Chúa phán:
- Quân như thế quá đông, nếu thắng trận, họ sẽ cho là do tài sức mình mà đâm vinh vang, kiêu ngạo. Ngươi hãy ra lệnh cho kẻ nào sợ sệt hãy lui về nhà.
Thế là 22.000 lui về, chỉ còn một vạn. Thiên Chúa vẫn còn cho là quá đông:
- Ngươi hãy dẫn tất cả đến suối nước, ở đó, Ta sẽ luyện lọc họ cho ngươi...Kẻ nào không chịu quì gối xuống uống nước, mà chỉ múc nước vào bụm tay mà hớp như chó tớp nước, thì đừng chọn những kẻ ấy.
Số người này là 300 người, còn quân Ma-đi-an, đóng trại ở đồi trước mặt thì đông như châu chấu, lạc đà của chúng không biết cơ man nào mà kể. Ghê-đê-ôn vững lòng tin vào Chúa. Ông chia 300 người làm 3 cánh quân, sườn đeo tù và, tay cầm vò rỗng, dấu một bó đuốc bên trong. Vào canh khuya đêm ấy, ba cánh quân theo ba đường lẻn vào doanh trại địch quân, đồng một trật thổi tù và, vừa la hét: “Thánh chiến cho Yavê!”, rồi đập bể vò, đuốc bừng sáng như muôn ngàn vùng lửa, làm địch quân đang ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, tưởng là quân Ghê-đê-ôn đông hằng hà sa số, nên sợ hãi, họ bỏ lều chạy tháo thân...
Chỉ với 300 người anh dũng, Ghê-đê-ôn đã đánh bại được cả một đạo quân đông đảo.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Không cần nhiều, chỉ cần những người anh dũng. Những người này tỏ chí khí ngay trong việc uống nước. Sau khi tập trận, ai cũng khát, song rất nhiều kẻ quen thói ươn ái, lè phè, đành lòng quì gối để uống cho đã, cho no bụng...Thế thì còn làm gì được nữa, huống hồ đánh giặc! Họ chỉ lo no nê, thỏa mãn cái bụng, làm sao quả tim còn dũng khí được? Còn 300 người đặc biệt kia, trái lại, không chịu quì gối, chỉ vốc nước bằng tay, rồi vội vàng tớp nước gọi là cho đỡ khát, để còn đủ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn mà chiến đấu. Và Thiên Chúa bảo tướng Ghê-đê-ôn chọn mấy người đó để làm nên đại sự.
Phần chúng ta cũng vậy, cũng chia hai phe:
Đa số nghe theo tiếng gọi của thế gian, nghe theo luận điệu của người đời bày vẽ: hãy sống như chúng tôi, như mọi người: nào là kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào: gian dối, móc ngoặc, chạy mánh..., nào ăn thật ngon, xào nấu món này phải thêm cái nọ cái kia, ngũ vị hương, tương, ớt, hành mới thật hết xẩy, nếu cần cho vợ con đi học gia chánh về để phụng sự cái bụng mình...Đi đâu cũng hỏi có quán nhậu nào ngon nhất, thì dù xa mấy cũng tìm cách tới ăn; nào phải chơi cho đã, mặc cho đẹp, cho đúng mốt, đúng thời trang, người ta mới có mốt ống túm, phải bỏ hết quần áo đang mặc, dù còn tốt, để may quần ống túm, đến khi quần ống loa lại đổi sang ống loa, đến lúc mốt “đít-cô”, lại đua đòi, mốt “áo bay”, cũng chạy theo, quên rằng mặc để che thân, chứ không phải mặc để chưng diện, cũng như ăn để sống, chứ không phải sống để ăn! Thế là họ cung phụng thân xác, làm nó hư hỏng.
Còn một số khác nghe theo Lời Chúa, nghe giảng dạy ở nhà thờ, đọc sách thiêng liêng, đạo đức dạy hãy từ bỏ mình, vác thập giá, phải hãm dẹp các chi thể đang làm giặc trong mình, vì một trong ba kẻ thù ghê gớm là xác thịt mình; nên họ ra sức kìm hãm những thói lăng loàn, những đòi hỏi thể xác quá trớn, sống thanh đạm, rèn luyện thân xác cho mạnh mẽ, để phục vụ cho linh hồn được sáng suốt, tinh anh, làm chủ các dục vọng và đam mê, đúng như Lời Chúa: “Những ai thuộc về Chúa Kitô, thì đã đóng đinh tính xác thịt và các đam mê vào thập giá”. Họ xứng đáng làm lính của Chúa Kitô, thân xác họ xứng đáng làm Đền Thờ Thiên Chúa, và xứng đáng hưởng sự sống lại ngày tận thế.
Vì sao hai hạng người nói trên sống khác nhau như thế? Thưa: vì hạng thì có một quan niệm đúng đắn về đời sống thể xác, theo như Chúa dạy và giáo huấn của Hội Thánh, còn hạng kia thì nghe theo quan niệm của người đời và thế gian dạy họ.
Vậy chúng ta hãy có một lòng tin cho rõ rệt, đúng đắn một lần cho hẳn về đời sống thể xác, hầu biết sống đúng mức.
Bài kỳ trước đã nói sơ qua: Sự sống, thân xác, là một ơn huệ, là một quà tặng quí báu Thiên Chúa ban cho ta. Bởi đó, ta có hai bổn phận phải làm:
- Tạ ơn Chúa,
- Tôn trọng sự sống và thân xác, đừng để tội lỗi xâm phạm làm hư hỏng.
Kỳ này, ta chỉ xét về:
Bổn phận thứ nhất là tạ ơn: Hãy xem Đức Giêsu: Ngài đã cất tiếng cảm tạ Chúa Cha: “Lạy Cha! Cha đã nắn nên một thân xác cho con...”,thân xác đã do quyền phép Chúa Thánh Thần, lấy chất liệu trong lòng trinh khiết của Đức Mẹ. Đức Giêsu đã có một thân xác như chúng ta, không khác mảy may. Vì ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, rồi cứ gọi Ngài là Chúa, cộng thêm việc Ngài sống xa cách ta cả hơn 2.000 năm...,tất cả những cái đó hợp lại, làm ta có cảm tưởng Ngài thiêng liêng quá! hình ảnh Ngài trong tâm trí ta là hình ảnh cao siêu, vô hình; mà ta quên Ngài có một thân xác như ta. Ngài đã sinh ra, đã sống đời trẻ thơ, đã chơi với các bạn lối xóm, đã lớn lên như một chú tập sự thợ mộc bên cạnh ông Giuse. Từ nhỏ, cậu Giêsu quen lao động, và nhờ ông Giuse dạy bảo, tập tành, cậu dần dần biết sửa cái cầy, cái bừa..., biết đóng bàn, đóng ghế... Chắc nhiều lần cậu Giêsu đã phải vác các khúc gỗ nặng từ xa về xưởng mộc của bố Giuse, hoặc khuân đi trao cho khách hàng những đồ đạc bằng gỗ đã hoàn thành. Sau này, trên đường rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu luôn đi bộ trên đường dốc dác, gồ ghề của quê hương toàn đồi núi. Có những ngày, Ngài phải đi một mạch từ Yêrusalem đến Ga-li-lê, đường dài 150km. Phải có sức khỏe và dầy dạn gió mưa lắm, Ngài mới có thể ăn ngoài đường, ngủ ngoài trời, ngày thì nóng như thiêu, đêm thì lạnh như cắt, nơi cái xứ sở miền cao nguyên ấy. Mà lại thiếu thốn nữa chứ: “Con chồn có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có cái kê đầu” (Mt 8.20). Vậy mà, có lúc Ngài ngủ say đến độ thuyền bị sóng xô, gió nhào, lồng lên, lộn xuống mà Ngài vẫn không thức giấc. Ta có thể tưởng tượng thân thể Ngài phải khỏe mạnh và dẻo dai đến mức nào, để chịu được một cuộc ăn chay dài 40 ngày đêm không?
Vậy, là Kitô hữu, ta không được khinh rẻ thân xác; trái lại, theo gương Đức Giêsu, ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa, vì đã nắn cho ta một thân xác tuyệt diệu, một tuyệt tác của Thiên Chúa. Mới đây, có ai đã ca tụng - dù chỉ mới một phần của thân xác ấy - là Đôi Mắt:
“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
để nhìn đời và để làm duyên.
Đời cho em đôi mắt màu đen,
để thương, để nhớ, để ghen, để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngõ tâm hồn,
là bài thơ hay nhất,
là lời ca không dứt,
là tuyệt tác của thiên nhiên”...
Mà cách cảm tạ Thiên Chúa hay nhất là làm thế nào cho thân xác ấy được mạnh khỏe, đầy sinh lực, dẻo dai, tươi trẻ, đẹp đẽ, làm dụng cụ để linh hồn sai khiến mà vươn lên cao và phục vụ anh em đồng loại. Muốn thế, ai cũng biết là phải gìn giữ thân thể sạch sẽ, gọn gàng, ăn mặc tử tế, biết ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cho dù thanh đạm, biết ngủ nghỉ đủ giờ, biết giải trí... Có một điều ta nên nhấn mạnh hơn, nhất là trong xã hội ngày nay, là phải vận động, tập thể dục, tập dưỡng sinh...Tây phương có câu: “Hồn lành trong xác mạnh”. Trừ những ai lao động nhiều không kể, thường thì đa số cả ngày ngồi hoặc làm việc bàn giấy, văn phòng, ít vận động, thân thể cứ mập béo ra mà không rắn rỏi, dẻo dai...Ngày nay, người ta lập ra những môn thể dục, thể thao rất hay như: Y võ dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, và các phong trào thể thao: bơi, đua bóng, chạy... Các người cha mẹ và nhà giáo dục hãy gợi nơi con em mình sớm có tính yêu thích thiên nhiên, thích đi dạo chơi ngoài trời, về đồng quê, đi tắm biển, tắm sông...thay vì để chúng chúi vào xó tối đánh cờ, đánh bạc, hút thuốc...hay ngồi thụ động cả ngày xem ti vi, xem vidéo hoặc đọc truyện...
Sở dĩ chúng ta cổ võ thể dục, thể thao, vệ sinh và tập thân thể trong bài Lời Chúa của giờ đền tạ có tính cách thiêng liêng, đạo đức này, là có ý nhấn mạnh đến câu : Hồn lành trong xác mạnh ! Tức là, nhấn đến tập luyện thân xác cho mạnh mẽ, bền dai để không những làm vinh quang cho Thiên Chúa trước hết, sau là để trở nên dụng cụ nâng đỡ tâm hồn. Vì một người biết làm chủ thể xác, thì cũng dễ làm chủ linh hồn mình. Hồn và xác có ảnh hưởng trên nhau, tỉ dụ: Một người luôn luôn ăn ở dơ bẩn, áo quần lôi thôi..., đó là một người lười biếng. Thế thì trong tâm hồn, người ấy cũng rất dễ lười biếng, không có nghị lực tẩy rửa hồn mình sạch các tính xấu, các đam mê, dục vọng, mà cứ để buông tuồng, luộm thuộm. Cũng vậy, người không có trật tự ngoài thể xác, bạ đâu quăng đó, đồ đạc lung tung, bừa bãi..., tức cũng không có nghị lực mà sắp xếp, dọn dẹp những điều bề bộn trong tâm hồn được.
Nhưng, buồn thay! Thời nay người ta lại đi quá đà trong việc tập luyện cho thân xác, chăm lo thân xác đến mức ta tưởng là họ thờ phụng thể xác. Báo chí, tập san tranh ảnh, máy thu thanh và truyền hình lôi kéo người ta chú ý đến các kỷ lục điền kinh, thế vận hội..., đến chức vô địch trong thể thao, bóng đá, bơi lội..., đến các cuộc thi đua bắp thịt, thi đua sắc đẹp thân thể...Như thế, người ta không còn coi thể dục, thể thao như một phương pháp phát triển thân thể, mà trái lại, sử dụng nó như khí cụ để chiếm giải. Một ví dụ về những cảnh gai mắt: các phụ nữ thi chạy đua 4.000m, 5.000m, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác, bơ phờ, tay chân gân guốc, gớm ghiếc..., nào còn đâu vẻ diễm lệ của nữ tính, vẻ mềm mại, đáng yêu của phụ nữ. Để khỏe mạnh, phụ nữ đâu cần phải đua đòi với nam giới cái kiểu đó, thiếu gì cách tập cho thân thể khỏe mạnh, máu huyết lưu thông mà vẫn giữ được duyên dáng của mình. Còn biết bao điều quá trớn như thế nữa...
Trong giờ đền tạ này, chúng ta xin Chúa thứ tha, vì đã không biết cảm tạ Chúa đã ban cho ta một thân xác tuyệt diệu, và đã không biết phát triển thân thể quí báu ấy. Ngược lại còn phá hủy nó bằng đủ cách: Nào rượu, nào cà phê, thuốc lá, thuốc phiện, cần sa, ma túy và các việc độc hại khác..., làm thân thể tuyệt tác, tinh vi của ta đâm yếu nhược, nếu không chết ngay, thì cũng ốm o, xo bại, chẳng ích cho ai, làm hại cho mình, vạ lây cho người khác.
Gia đình ta thề quyết với Chúa từ giờ phút này, từ bỏ các điều độc hại đó. Xin Chúa ban ơn can đảm, ban ơn phù giúp và ban ơn yên ủi.

Tích truyện
Trong một chuyến phản lực từ Rôma sang Nữu Ước, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp rất khó chịu vì thấy trong số hành khách trên tàu, có một vị hồng y, mặc áo chùng thâm tu hành, mà cứ nhìn mình chằm chặp. Lúc cô đi qua lại để phục vụ hành khách, vị hồng y nói với cô: Cô đẹp lắm!
Nghe vậy, cô càng bực mình. Đến khi phi cơ hạ cánh trên phi trường, hành khách lần lượt xuống, thì cái ông hồng y kỳ quặc kia lại như cố tình đi chậm lại sau cùng...Và khi đi qua trước mặt cô, ông dừng lại nói: Cô hãy cám ơn Thiên Chúa vì sắc đẹp của mình! Cô nghĩ thầm: Tu hành gì mà kỳ cục quá!
Thế rồi, không biết sao, hai tuần sau, tại văn phòng vị hồng y đó - chính là Đức Hồng Y Fulton Sheen, lừng danh nước Mỹ vì các bài nói chuyện về đạo và đời hàng ngày trên ti vi - một chiều đẹp trời, cô tiếp viên nọ đến gõ cửa. Đức Hồng Y nhận ra ngay. Cô nói: Thưa Đức Cha, lời Đức Cha hôm nọ trên phi cơ làm con suy nghĩ rất nhiều. Sau khi cầu nguyện, con đến đây xin Đức Cha chỉ dạy con phải làm thế nào để cám ơn Chúa vì sắc đẹp của mình.
Đức Hồng Y lấy bản địa đồ thế giới, chỉ cho cô thấy nước Việt Nam, trên miền cao nguyên có trại người cùi ở Di Linh. Rồi Ngài nói: Con biết không, Thiên Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của những người này mà tô điểm cho con. Vậy cách con cám ơn Chúa tốt hơn cả là sang đó phục vụ cho họ! Quả thật, cô đã từ giã cha mẹ, từ bỏ chức nghiệp, lìa quê hương sang Việt Nam, tìm đến trại cùi Di Linh phục vụ.
*******************************
BÀI 24
Không được làm hại sự sống
Trích sách Khởi Nguyên, 22.1-19
Sau khi Yavê đã cho ông A-bra-ham tuổi già hiếm muộn sinh được một đứa con trai độc nhất, tên là Y-sa-ác, thì Yavê thử lòng ông. Người phán:
A-bra-ham! Hãy lấy đứa con một yêu dấu, tức là Y-sa-ác, đem lên núi kia mà tế nó làm lễ toàn thiêu.
Đau đớn khôn xiết, nhưng vâng lệnh Chúa, ông dắt con, chất củi, cùng hai đầy tớ, thắng lừa đi đến địa điểm Chúa chọn. Tới chân núi, ông dặn hai đầy tớ: Các anh ở lại đây với con lừa. Ta và đứa trẻ phải đi tới đằng kia mà thờ lạy. A-bra-ham chất củi lên vai Y-sa-ác, còn ông cầm đá lửa và dao phay, rồi cả hai cùng đi. Y-sa-ác hỏi: Cha ơi! Đây đã có củi và lửa, vậy vật tế lễ ở đâu? A-bra-ham đáp: Thiên Chúa sẽ lo liệu vật hi sinh, con ạ!
Khi đến nơi, A-bra-ham xếp đá xây thành bàn thờ tế lễ, ông xếp củi lên, rồi trói Y-sa-ác đặt lên trên, đoạn ông cầm dao phay, giơ tay để tế sát con...
Nhưng Thần sứ Yavê từ trời gọi ông: Abraham! Đừng giơ tay hại mạng đứa trẻ. Bây giờ, Ta biết ngươi là người có lòng kính sợ Thiên Chúa, vì ngươi không từ chối con một ngươi với Ta. A-bra-ham ngước mắt lên, thấy một con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây: Đó chính là Yavê đã lo liệu lễ vật. Ông A-bra-ham liền bắt lấy nó làm lễ hi sinh thay con ông. Xong xuôi, Yavê lại phán: A-bra-ham! Ta lấy mình Ta mà thề rằng: vì ngươi đã không từ chối con một ngươi với Ta, thì Ta sẽ ban phúc lành cho ngươi. Y-sa-ác là dòng giống ngươi đó, Ta sẽ làm cho nó sinh sôi nảy nở đông như sao trời, cát biển... Mọi dân tộc sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho mình. Tất cả những sự ấy chỉ vì ngươi đã vâng nghe lời Ta. Đoạn A-bra-ham cùng Y-sa-ác trở lại chỗ đầy tớ, rồi cùng nhau trở về nhà.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Thiên Chúa là Đấng đã ra luật: chớ giết người, lẽ nào chính Người lại giết? Thiên Chúa là Đấng đã sinh dựng nên loài người, lẽ nào Người lại vui sướng bảo giết họ? Cho dù là giết với mục đích cao đẹp là làm của lễ hi sinh dâng cho chính Người, Người cũng không muốn, như ta vừa nghe kể truyện ở trên. Ngay từ đầu truyện, Kinh Thánh đã nói rõ là Thiên Chúa muốn thử lòng A-bra-ham. Rồi chính Người từ trời gọi xuống, cản A-bra-ham đừng hại mạng sống con trẻ. Rồi Người lo sẵn một con cừu đực để A-bra-ham giết mà tế lễ thay cho con mình.
Chúng ta càng hiểu thêm ý Chúa, khi biết rằng đang thời ấy, các dân tộc chung quanh thường có thói quen giết các con của họ là tế vật cho các thần tà giáo, nhất là thần Mô-lốc. Còn trong dân Israen, Thiên Chúa ra lệnh cấm ngặt việc ấy.
Cho nên, trong sách Thánh, có đoạn kia khen Chúa rằng: “Chúa là Chúa tể hiếu sinh”, “Những gì có trong vạn vật Người đều yêu mến, Người không ghét bỏ sự gì Người đã làm ra” (Kng 11.24-26). “Người không vui khi thấy sinh linh bị giết, Người đã dựng nên mọi sự cho chúng được tồn tại”.
Tất cả các điều trên muốn đưa đến kết luận này: Thân xác và mạng sống con người, là tinh hoa của mọi loài, mọi vật, quí trọng hơn hết, là chóp đỉnh của tạo thành, không ai được phép làm hại hay giết đi. Nó sẽ tồn tại vì Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn, sẽ cho nó sống lại ngày tận thế, và sẽ sống mãi đời đời. Chắc Thiên Chúa phải quí trọng nó lắm, nên mới cho Ngôi Hai mặc lấy một thân xác loài người làm thân xác mình, và sau cuộc sống trần gian, Ngài đã giữ lấy nó sống mãi đời đời trên thiên đàng, giữa cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa quí trọng thân xác và sự sống như thế. Còn ta là ai mà dám khinh khi, xài xể, buông tuồng? Thế cho nên, về điều này, ta đừng để cho người ngoại, người vô tín ngưỡng lôi kéo ta theo các tư tưởng của họ mà làm hại, khinh rẻ, hay phá hủy mạng sống và thân thể. Trái lại, Thánh Phaolô dạy: “Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em!”.
Đã đành, thân xác ta vì tội lỗi, đã trở nên xấu xa. Nhưng chúng ta đã được Phép Rửa tội thanh tẩy, thánh hóa rồi. Đôi khi, tội lỗi lại làm nhơ uế, thì phép Hòa Giải đến tha tội và tẩy sạch. Cho nên, thân xác người tín hữu đều đã được thánh hóa rồi. Vậy phải tôn trọng nó cách riêng. Thực tế, phải làm những điều sau này:
1- Phải cám ơn Chúa mỗi ngày đã ban cho ta một thân xác, được sống làm người (có thể dùng kinh Cám ơn).
2- Dùng thân xác tôn vinh Thiên Chúa không chỉ trong các giờ phụng vụ, lễ nghi (ở nhà thờ hoặc ở nhà) như khi đi dự lễ: miệng ca hát, đọc kinh, tung hô; chân quì gối, mình cúi lạy, tay làm dấu, vv... ; nhưng còn tôn vinh trong tất cả cuộc sống nhờ Thánh Phaolô chỉ bảo: “Dù ăn, dù uống, dù làm sự gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10.31). Không phải chỉ việc nào đạo đức mới tôn vinh Chúa, ngay cả các việc bình thường của đời sống, việc phàm trần như ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí, lao động...cũng có thể tôn vinh Chúa được.
Nhưng, việc tôn vinh Chúa cách riêng là dâng thân mình và cả đời sống ta làm lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12.1t).
3- Rồi ta hãy giữ đừng để thân xác mình làm dụng cụ phạm tội. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng hiến chi thể mình làm khí giới bất chính cho tội lỗi” (Rm 6.12). Cách riêng, tội trực tiếp phạm đến thân xác là tội dâm dục. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy tránh tà dâm! Phàm mọi tội người ta phạm, thì đều ở ngoài thân xác, còn kẻ tà dâm, thì có tội phạm đến chính thân xác mình” (1Cr 6.18).
4- Có nhiều điều làm hại thân xác và mạng sống ta phải tránh : như lười biếng tập thể dục, vận động, tập dưỡng sinh...làm thân xác ta ra èo uột, ốm yếu..., hoặc ngược lại, quá chiều dưỡng, quá lo lắng về sức khỏe : ăn uống thái quá, làm thân xác béo phệ, nặng nề, chiều chuộng xác thịt quá đáng, để hết tâm trí vào việc tìm mọi thứ làm cho thân xác được khoái lạc. Thánh Kinh dạy: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng lo toan về xác thịt cho thỏa các đam mê”. Cách sống nhu nhược ấy, là thửa đất màu mỡ cho các tình dục, và đam mê lôi kéo không còn phương kìm hãm được.
5- Đừng dùng những chất độc hại như thuốc lá (gây ung thư phổi), rượu... (khỏi cần nói: các sách gần đây phân tích tỉ mỉ các tai hại của rượu trên cơ thể và bộ não cách riêng)..., ma túy, thuốc phiện, cần sa, bạch phiến, vv... Người Kitô hữu phải kiêng kỵ hẳn những cái đó, không chỉ vì lý do sức khỏe như mọi người, song vì chúng hủy hoại thân mình ta, là Đền Thờ Thiên Chúa. Đây, lời Kinh Thánh dạy: “Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong anh em. Ai hủy hoại Đền Thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng hủy hoại người đó, vì Đền Thờ Thiên Chúa là vật thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”.
6- Không được hủy hoại thân thể cách trực tiếp là tự sát. Đây là một tội trọng, rất nặng nề. Chỉ mình Thiên Chúa là chủ sự sống cũng như sự chết. “Chính Ta cho chết và cho sống, tác sinh và tác tử, và không ai có tài giựt ra khỏi tay Ta”. Nhất là khi gặp sầu khổ nặng nề, bệnh tật lâu dài, ta phải nhẫn nại chịu đựng, kết hợp đau đớn mình với đau khổ của Chúa trên thập giá, và trung tín đến chết với Chúa. Những kẻ vô đạo, vô tín, họ muốn tự sát vì lý do gì mặc kệ, phần ta chỉ biết nghe lời Chúa dạy.
Có những hình thức tự tử cách gián tiếp, giết người gián tiếp, vì thế ít người chú ý như: Phóng xe quá tốc độ, lạng xe, lách xe, chạy trái luật lưu thông, lái xe ẩu, lái xe trong tình trạng say rượu, chơi những trò nguy hiểm vô ích, vv...
7- Ở đây, phải nói cách riêng đến việc sát hại bào thai, hay phá thai...là hình thức phá hoại mạng sống những kẻ vô tội, yếu đuối, và không thể tự vệ. Tuân theo lệnh Thiên Chúa, Hội Thánh cương quyết cấm phá thai một cách rất nghiêm ngặt. Ai làm tội này, nhất là làm nghề phá thai, hoặc đồng lõa, đồng tình, đồng mưu, bị phạt vạ tuyệt thông, nghĩa là loại ra khỏi Hội Thánh, và chỉ Linh mục nào có thẩm quyền mới giải vạ ấy được. Nhẹ nhất là không được chịu các Bí tích.
Ta cũng nên tìm hiểu lý lẽ người đời nêu ra để cho phép họ phá thai. Họ nói: các nhà khoa học cho rằng bào thai từ khởi đầu cho đến 4 hoặc 5 tháng, chưa phải là bào thai loài người, chưa là người, vì trong tiến trình tiến hóa, nó chưa có hình thù và các cơ quan của loài người, mới chỉ là hình thù đại khái như con nòng nọc, hoặc ếch nhái, hoặc một động vật nào đó thôi. Cho nên, chỉ cấm phá thai khi đã 5, 6 tháng trở đi...
Nhưng Hội Thánh không dựa vào các khoa học gia, mà dựa vào ý Chúa : Ta là chủ sự sống và sự chết. Mà bào thai, tự lúc khởi đầu thụ thai, là bắt đầu một con người rồi. Giết nó là giết người. Để giúp dễ xác tín hơn, ta hãy dựa vào một đoạn Kinh Thánh Luca 1.26tt : đó là trình thuật truyền tin và Đức Mẹ đi thăm bà E-li-sa-bet.
Sau ngày truyền tin ít hôm, Đức Mẹ đi thăm bà E-li-sa-bet, vì Thiên thần báo là bà đã thụ thai được 6 tháng rồi. Cuộc hành trình từ Nadarét đến Ain-ka-rim, xứ Yuđê mất độ 5, 6 ngày. Khi vừa vào nhà, E-li-sa-bet thoạt nghe tiếng chào của Đức Mẹ, thì hài nhi (tức bào thai trong lòng bà) nhảy mừng và bà được đầy Thánh Thần mà kêu lên: “Trong nữ giới có bà là diễm phúc. Đáng chúc tụng thay hoa quả lòng bà! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi?”.
Bà Elisabet được đầy Chúa Thánh Thần mà kêu lên, có nghĩa là bà được Thánh Thần soi sáng mà nói lên ba điều chân thật này:
A- Bào thai nhảy mừng: Theo kiểu nói Kinh Thánh, có ý nói là được ơn cứu độ, được ơn thánh sủng, do được tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa hiện diện trong lòng Đức Mẹ. Như thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống mặc xác trong lòng Đức Mẹ lúc ấy rồi, chứ không đợi đến 5, 6 tháng sau, khi bào thai trong dạ Đức Mẹ thành hình người mới xuống, và Chúa thánh hóa Gioan Tẩy giả đang còn trong lòng mẹ.
B- Hoa quả lòng bà đáng chúc tụng: Hoa quả lòng bà, có ý nói là đứa con của bà. Đáng chúc tụng: Lời chúc này dành riêng cho Thiên Chúa. Như vậy, bà E-li-sa-bet chúc tụng Chúa đang ngự trong lòng Đức Mẹ, làm con Đức Mẹ rồi.
C- Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi: Nếu Chúa Ngôi Hai chưa xuống mặc xác phàm trong lòng Đức Mẹ, làm sao Đức Mẹ được xưng là “Mẹ Chúa tôi” được?
Vậy tất cả các điều đó đều nói rằng: Bào thai trong lòng Đức Mẹ lúc ấy, cho dù mới khởi đầu, còn trứng nước, song đã được nhìn nhận là Chúa Ngôi Hai đã xuống mặc xác ngay rồi, chứ không đợi bào thai lớn 5, 6 tháng.
Hội Thánh còn dựa theo một luận chứng thần học nữa để bảo rằng : bào thai ngay từ giây phút thụ thai, đã là một con người, một mạng người, tuy còn trứng nước ! Đó là thoạt khi đậu thai, thì Thiên Chúa ban xuống một linh hồn ngay, linh hồn ấy như kiến trúc sư sẽ điều khiển sự phát triển bào thai ấy, kiến thiết tòa nhà là thân xác từ khởi sự cho đến hoàn thành.
Hôm nay, gia đình chúng con làm giờ thánh cầu nguyện này, để đền tạ với Chúa, vì chúng con vô ơn bội nghĩa, làm đủ mọi điều nói chẳng sao xiết hại đến thân xác và mạng sống, là món quà quí giá, là kiệt tác Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con là con cái Chúa, mà cách sống chúng con chẳng khác gì người ngoại đạo và vô tín... Xin Chúa tha thứ cho chúng con, và giúp chúng con cải thiện cách sống theo Lời Chúa dạy.
Tích truyện
Vì quá yêu chàng, một thiếu nữ nọ đã có thai cách lén lút và bất hợp pháp. Cô xấu hổ, sợ gia đình mang tiếng, cha mẹ đánh đập, nên cô có ý phá thai. May nhờ một người bạn tốt an ủi và nâng đỡ, giúp cô lánh xa gia đình ít lâu, lấy cớ đi công tác. Cô đã sinh ra đời một cậu bé kháu khỉnh và thông minh. Được yêu thương, săn sóc, lớn lên, cậu đã trở thành một nhà nhạc sĩ nổi danh khắp năm châu, một thần đồng, một thiên tài hiếm có... Đến lúc ấy, người bạn kia mới nói đùa với cô: Giả sử em đã không nghe tôi mà phá thai, em đã làm cho thế giới mất đi một vĩ nhân, một 
thiên tài!