Friday, February 24, 2023

 BÀI LỜI CHÚA 38-39
BÀI 38
Yêu đến thuở bạc đầu
Trích sách Khởi Nguyên, 12.10-20

Nơi A-bra-ham ở là Ca-na-an xảy ra đói kém, A-bra-ham phải xuống Ai cập để ngụ nhờ. Sắp bước chân vào xứ lạ, ông bảo vợ là Sa-ra:
- Này mình ơi! Tôi biết mình là gái có nhan sắc. Vua quan Ai cập vừa nhìn thấy mình, tất sẽ giết tôi để chiếm lấy mình. Tôi xin mình cứ nói mình là em gái của tôi, mong tôi được phúc lộc vì mình và nhờ mình tôi được sống toàn mạng.
Quả thực đã xảy ra đúng như A-bra-ham dự đoán: Dân Ai cập thấy bà Sa-ra là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, cả tướng lãnh của Vua Pha-ra-ô cũng ca ngợi sắc đẹp của bà trước mặt Vua, và thế là bà bị đem tiến vào đền Vua.
Vì bà, Vua đã ban phúc lộc cho A-bra-ham của cải, chiên bò lừa, tớ trai tớ gái và lạc đà. Nhưng vì Pha-ra-ô làm trái luật, dám lấy vợ người, nên Thiên Chúa đã phạt Vua và cả hoàng tộc nhiều tai họa dữ dằn. Cuối cùng, Vua phải triệu A-bra-ham vào cung và bảo:
- Tại sao ngươi không tỏ thật Ta hay nàng là vợ ngươi, mà lại nói nàng là em gái, khiến ta đã trót lấy nàng làm vợ? Thôi! Này vợ ngươi, ngươi lấy mà đi đi!
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Xuyên qua câu chuyện trên, mới thấy tình yêu giữa vợ chồng A-bra-ham thật là gắn bó, keo sơn - một tình yêu biết nâng đỡ nhau, giúp nhau lúc hoạn nạn, dù phải hi sinh. Bà Sa-ra đã chấp nhận cứu mạng ông A-bra-ham, chồng bà, với cái giá hi sinh là phải lìa người chồng bà yêu thương mà vào đền Vua. Không yêu thương thì sao bà theo chồng đi từ quê hương xứ sở đến đất quê người.
“Có chồng thì phải theo chồng,
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo” (Ca dao).
Vào đền Vua, bà không ham, trái lại, phải khổ sở, nhục nhằn. Có cô nào, bà nào lại thích bỏ người chồng yêu quí của mình, đến một nơi xa lạ, đem thân làm đồ chơi cho vua không? Nếu chúng ta soạn thành một vở kịch cải lương, chắc sẽ được nghe những bài ca ai oán não lòng của người cung phi Sa-ra lúc ấy. Nhưng Thiên Chúa đã thấy và đã phạt kẻ làm trái - cho dù Vua vô tình không biết Sa-ra là vợ A-bra-ham - để thưởng cho tấm lòng trung trinh của Sa-ra. Ta thử tưởng tượng, giây phút Vua trả nàng lại cho chồng, hai vợ chồng sung sướng thế nào..., mừng mừng tủi tủi, hai người đem nhau về nhà chắp lại mối duyên xưa.
Chiếu theo bài học Lời Chúa dạy đó, kỳ này ta bàn về tình yêu chân thực trong đời vợ chồng. Những kỳ trước, ta đã xem vấn đề nam nữ được Thiên Chúa dựng nên khác nhau về thể xác, tính tình, năng khiếu, cốt để bổ túc lẫn nhau. Và sự bổ túc này chỉ thực hiện tới mức đầy đủ trong hôn nhân; ở đó, mỗi người chu toàn phần việc riêng mình, và hai phần việc đó đem hợp lại thành một việc chung, tạo nên bầu khí yêu thương, hòa hợp, trung tín. Và bầu khí ấy rất cần để cho họ sống hạnh phúc đã đành, còn để đón nhận đoàn con mà tình yêu họ sẽ chung nhau sinh ra. Cứ như thế, họ tiến bước trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu, nước của tình yêu, Nước của Thiên Chúa, nước của thiên đàng vậy.
Nói thì dễ, thực hành mới khó. Lập gia đình thì dễ, tạo hạnh phúc gia đình mới khó.
Hôn nhân là con đường dài, con đường này lại lắm chông gai. Hôn nhân là một tổ ấm, tổ ấm ấy phải kiên nhẫn xây dựng mới thành, dù có lúc gian truân, gặp thất bại, nguy cơ đổ vỡ. Cho nên Đức Giáo Chủ Piô XI đã lưu ý khi đôi bạn chọn lựa nhau để bước vào hôn nhân: “Người bạn trăm năm có thể là một trợ lực mạnh mẽ, hay ngược lại, là một nguy hiểm hoặc trở ngại lớn lao cho đời sống tín hữu trong hôn nhân”. Nói nôm na, vợ chồng có thể hoặc giúp nhau lên thiên đàng, hoặc đẩy nhau xuống hỏa ngục. Bởi đó, có lần ta đã nghe nói: Đi tu chỉ cần cầu nguyện một, lập gia đình phải cầu nguyện gấp bảy.
Vậy các bạn trẻ, các bạn đã học hỏi kỹ về hôn nhân chưa, tức là về cuộc đời quan trọng các bạn sắp bước vào? Còn các người đã lập gia đình, có hiểu biết mình phải xây dựng tổ ấm sao cho nó ấm, chứ đừng để thành tổ lạnh, ở đó, hai người lạnh lùng với nhau, mặc kệ nhau, có khi còn làm khổ nhau, làm hại nhau nữa kia!
Nói tổng quát, hôn nhân gồm hai điểm chính. Kinh Thánh đã dạy rõ, ngay từ trang đầu về hai điều ấy:
1/ Về tình yêu khắng khít, bền vững: Ta đã đọc ở bài kỳ trước: Thiên Chúa dựng cho con người một trợ giúp đương đối... Khi thấy nàng, ông kêu lên: “Đây là xương thịt tôi...”. Và Kinh Thánh kết luận: “Bởi thế, đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà khắng khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác...” (Kn 2.18-24). Tình yêu phu phụ ấy được Tân Ước lấy gương tình yêu của Chúa Giêsu yêu Hội Thánh mà dạy: “Chồng hãy yêu mến vợ như Chúa Kitô đã yêu mến Hội Thánh, đến nỗi hi sinh chính mạng sống mình, để Hội Thánh nên xinh tốt, thánh thiện... Còn vợ cũng phải yêu mến, phục tùng chồng như Hội Thánh phục tùng Chúa vậy” (Ep 5.22t).
2/ Về sinh sản, giáo dục con cái: Kinh Thánh viết: “Thiên Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh mình, Người đã dựng họ có nam có nữ, rồi Thiên Chúa chúc lành cho cuộc hôn phối của họ và phán bảo: ‘ Hãy sinh sản ra đầy mặt đất! ”, và giáo dục sao cho con cháu các ngươi thành các con người tốt và có đủ khả năng, tài trí mà “làm bá chủ mọi loài mọi vật mà Ta trao vào tay các ngươi” (Kn 1.27-28).
Đức Phaolô VI quả quyết: Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu hoàn toàn nhân bản, nghĩa là bao gồm cả xác lẫn hồn... Hai người không chỉ chung một mái nhà, mà còn khiến họ cùng chung sống, cùng chia sẻ tất cả cho nhau, trở thành một thân thể. Hôn nhân không những qui hướng hai tâm hồn cùng thờ phượng Thiên Chúa, mà còn giúp nhau tăng tiến chính bản thân mình, tạo hạnh phúc cho nhau và tiếp tay với Thiên Chúa kiến tạo những mầm mống hữu ích cho xã hội. Tất cả những quyền lợi và bổn phận đối với nhau ấy cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái, lẽ dĩ nhiên, đòi hỏi họ phải kết với nhau một giao ước, một hợp đồng bền vững, bất khả phân ly, một tình yêu kiên trì, không chia rẽ...”.
Tóm lại, có hai điều chính:
- Trong tình yêu, họ kết hợp thành một thân thể, nhờ đó làm tăng tiến bản thân họ và tạo cho họ hạnh phúc.
- Tiếp tay với Thiên Chúa sinh sản và giáo dục con cái tốt.
Xem ra, ai cũng biết hai điểm chính yếu ấy của hôn nhân, song trong thực tế, ta thấy người ta đi lệch cái này, lạc cái nọ. Có thời không xa lắm, người ta không đếm xỉa đến tình yêu của cá nhân, nhất là bên phía con gái, người ta không thèm biết đến nó thương ai. Chuyện hôn nhân là: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, do cha mẹ gả bán, tính toán hơn thiệt, nhiều khi con gái đến đêm hoa chúc mà chẳng biết mặt chồng:
“Lấy chồng chẳng biết mặt chồng,
Đêm nằm nghĩ tưởng là ông láng giềng”.
Cho nên, phận gái rất mong manh như tấm lụa đào, không biết sẽ vào tay ai, vào tay người nào trả giá cao nhất. Số phận và bản thân người con gái ấy rất bấp bênh, tùy hên xui mà ngày xưa người ta coi là duyên nợ:
“Con gái có hai bến sông,
Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ”.
Mà nếu chẳng may “trái duyên, trái kiếp thì cuộc sống vợ chồng coi như hèo đục vênh”. Cho nên, kết quả của tục lệ vô nhân đạo thời đó đã gây ra bao đau khổ, đang khi hôn nhân là để tạo hạnh phúc cho đôi vợ chồng:
“Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
như bông hoa lài, cắm bãi cứt trâu”.
Tại sao có việc đáng buồn ấy? Đó là bởi người ta nhắm quá nhiều đến sự nối dõi tông đường. Người vợ là để đẻ. Đẻ cho có người làm việc và để cho có con cháu nối dòng: “Chiều người lấy của, chiều chồng lấy con”; do đó, “Gái ơn chồng mà được bồng con thơ”. Nếu người đàn bà không thể có con, coi như bỏ đi, theo luật “thất xuất”, sẽ bị chồng rẫy, bị đuổi đi, vì đó là một cái tội (x. Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, tr.66).
Ngày xưa thì thế, còn ngày nay, người ta trọng cá nhân hơn, cho trai gái, nam nữ tìm hiểu nhau, chọn lựa, và yêu nhau rồi cưới nhau. Cha mẹ chỉ đóng vai hướng dẫn hoặc cố vấn. Người ta và ngay cả Giáo Hội, đều coi việc ép duyên, ép gả là một trọng tội. Nhưng, ngày nay, người ta lại đi quá đà: nền văn minh kỹ thuật và vật chất với các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, phim ảnh... đã góp phần ít ra cách gián tiếp, kích thích tình dục, tự do luyến ái... ; bởi đó gây ra bao nhiêu thảm họa, cách riêng làm phát triển nơi thanh thiếu niên một xu hướng thiên về tình dục quá sớm.
Đã đến lúc người ta phải lùi lại, nghe Giáo Hội dạy dỗ để tránh lầm lạc, đi đúng mức.
Vậy, tình yêu, trong một cuộc hôn nhân chân chính là một cái gì sâu xa, lớn lao. Nó lớn và đẹp hơn cả tình bạn đẹp đẽ nhất, thân thiết nhất. Hai người nam nữ cảm thấy được hiểu nhau, người này được người kia luôn hiểu, thông cảm với mình và nâng đỡ mình. Và hạnh phúc của hôn nhân hệ tại việc người này làm cho người kia hạnh phúc, người này sống cho người kia, sống cho người mình yêu. Kinh Thánh có câu: “Tình yêu mạnh mẽ như tử thần... Nước lũ, sông tràn không thể dập tắt được tình yêu...” (Diệu ca 8.6-7). Không một khó khăn, gian khổ nào có thể dập tắt tình yêu keo sơn của vợ chồng. Vì ai yêu thật lòng đều muốn làm người yêu được hạnh phúc, cho dù mình phải trả giá, hi sinh. Kẻ nào yêu mà chỉ muốn hưởng thụ, muốn lợi cho mình, kẻ ấy chưa yêu thật. Nếu hắn nói yêu, câu ấy chỉ là dối trá, lừa bịp mình và lừa dối mọi người. Có những cặp thanh niên mới gặp gỡ nhau vài lần đã nói: “Anh yêu em lắm!” Đó là nói thuộc lòng, hay đúng hơn, họ lầm tình dục, đam mê với tình yêu đích thật. Nói trắng ra, điều mà thực sự y muốn nói gần như là thế này: “Tôi muốn một chuyện, không phải là em, mà là một cái gì đó của em”.
Người vợ, người chồng nào trong hôn nhân, không biết sẵn sàng từ bỏ cái ích kỷ, chỉ muốn nghĩ đến mình, không vứt bỏ những sở thích riêng tư để sống trọn vẹn cho người bạn đời, kẻ ấy không làm cho bạn đời hạnh phúc và chính y cũng thành trống rỗng, nghèo nàn. Cuộc hôn nhân lúc ấy chỉ là một sự chung đụng và chịu đựng nhau, vì quyền lợi không cho ly dị, hoặc vì đã lỡ có con cái. Họ sẽ kéo lê cuộc sống cách nhọc nhằn, và ngày nào cũng xảy ra cãi cọ, càu nhàu, lạnh lùng phớt tỉnh, không thèm quan tâm đến người kia nữa, ấy là chưa kể còn ác ý muốn làm khổ nhau. Như thế, là gián tiếp mở cửa cho người thứ ba xen vào, và thế là tan vỡ.
Tình yêu chân thực làm cho có sức chịu đựng mọi sự hi sinh cần thiết; tỉ dụ: nếu vợ phải nằm bệnh viện, người chồng sẽ nhịn hút thuốc, bỏ cà phê, hủ tiếu mỗi sáng, hoặc mặc bộ quần áo cũ 3 năm không may bộ mới như dự tính, để dành dụm tiền thuốc thang điều trị, sau đó, bồi dưỡng cho vợ hồi phục sức lực, đi nghỉ Vũng Tàu, Đà Lạt...
Chỉ như vậy, người ấy mới thực bụng nói câu: “Anh yêu em”. Nó có nghĩa là: Em, chỉ có một mình em mà thôi. Em sẽ ngự tại lòng anh. Em là người anh mong muốn. Anh cần em, nếu không có em, đời anh sẽ bất hạnh, và anh sẽ luôn là con người bất toàn. Anh sẽ sống chỉ vì em thôi, làm việc chỉ vì em thôi... Gần bên em, anh thật là người sung sướng. Anh muốn luôn che chở em, bảo vệ em và các con của chúng ta. Anh sẽ san sẻ với em tất cả tâm tư lẫn thể xác, nghĩa là tất cả những gì anh có. Anh sẽ lắng nghe những gì em muốn nói, những nguyện vọng dù nhỏ nhặt của em. Anh sẽ không làm một việc gì cả, nếu điều đó không được em tán thành. Anh muốn mãi mãi ở bên em.
Chẳng phải điều đó quá đẹp, quá lý tưởng ư? Nhưng chính để giúp vợ chồng làm được điều đó, mà Giáo Hội, trong nghi lễ hôn phối, cầu nguyện cho họ, và Chúa Giêsu đã nâng lên thành một Bí tích, nghĩa là đổ ơn cách đặc biệt xuống cho họ. Vợ chồng công giáo hãy tin vào sự trợ giúp của ơn Chúa.

Tích truyện
Trong một buổi nói chuyện về hôn nhân, một thiếu phụ kể về người chồng mà bà cho là người chồng lý tưởng và hoàn toàn. Bà nói:
- Từ khi tôi học lớp mẫu giáo cho đến lúc vào đại học, ai cũng chế nhạo khi nhìn thấy đôi chân tôi. Các bạn thấy không? trông nó giống như hai khúc củi ấy”.
Nói xong, bà đứng dậy. Quả thật, ai nấy đều thấy đúng như lời bà nói. Bà kể tiếp:
- Từ bé, bị bạn bè chế giễu tàn ác, nhiều lần tôi bật khóc. Sự tủi nhục theo đuổi tôi vào cả trong những giấc mơ. Đến khi học trung học, tôi tập cười đùa theo mỗi lần bị chúng bạn trêu ghẹo. Hồi ấy, tôi cũng có bạn trai theo đuổi, nhưng chẳng ai đi chơi với tôi quá ba lần. Chắc các bạn cũng biết tại sao. Lên đại học, tôi gặp nhà tôi. Chúng tôi mến nhau ngay. Chàng tỏ ý muốn tìm hiểu tôi để tiến đến hôn nhân. Đề nghị này làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng lạ nhất là chẳng bao giờ chàng đá động đến đôi chân tôi hết. Nhưng rồi một đêm kia, chàng nắm tay tôi và nói: “Em ạ, anh muốn em đừng thắc mắc đến chuyện ấy mà tự làm khổ mình nữa. Chúa sinh em ra như thế nào, anh yêu em như vậy”. Nghe anh ấy nói xong, tôi òa lên khóc vì sung sướng... Tôi nghĩ trong lòng rằng tôi sẽ yêu chàng mãi mãi. Từ đó đến nay, đã 30 năm rồi. Giờ đây, tôi có thể nhìn xuống đôi chân tôi mà chẳng mặc cảm gì nữa. Đối với một người chồng như thế, thật tôi dám làm mọi chuyện trên đời này để chàng được vừa lòng.
**************************
BÀI 39
ĐỨC LIÊM SỈ
Ta ai ai cũng biết chuyện ông Tô-bi. Ông bị mù và sai con đi đến xứ xa để lấy lại tiền đã cho mượn. Cậu Tô-by-a ra đi có thiên thần giả dạng làm người dẫn đàng. Đến nhà ông chú họ, cậu được gả cô con gái cưng là Sara làm vợ. Cô này bị ma quái quấy phá, lấy đến 7 đời chồng, mà lần nào, đêm động phòng, chú rể cũng bị chết. Lần này đến lượt Tô-by-a. Cậu làm sao thoát hiểm? Có thiên thần của Chúa mách nước cho. Phần hai vợ chồng, họ cũng ra sức cầu nguyện. Đây là khúc truyện tả đêm tân hôn ấy.
Trích sách Tô-by-a, ch.8
Ăn uống tiệc tùng xong, đến lúc đi ngủ, người ta đưa Tô-by-a vào phòng. Tô-by-a nhớ lại lời của Ra-pha-en, lấy gan và tim cá đã bắt được khi rửa chân ở hồ kia lúc đi đàng, cậu đặt trên lò than hồng đốt lên. (Và theo truyền thuyết dân gian hồi đó), mùi cá xông ra làm ngạt con quỉ, làm nó chạy trốn đến sa mạc Ai cập, (được dân chúng coi là nơi chứa chấp và xuất phát quỉ ma). Ra-pha-en đuổi theo, chận bắt trói nó lại ở đó, để nó không làm hại ai được nữa.
Khi người nhà đã ra và đóng cửa phòng lại, Tô-by-a chỗi dậy khỏi giường và nói với Sa-ra:
- Chỗi dậy đi em, ta hãy cầu nguyện (trong ba đêm đầu tiên này), xin Chúa thương xót và phù hộ hai ta.
Rồi cậu cất tiếng cầu:
- Người đáng chúc tụng đời đời, lạy Thiên Chúa chúng con! Chính Người đã dựng Ađam cùng vợ là Eva làm người trợ giúp, để từ đôi ấy mà sinh ra cả dòng giống loài người. Và này, lạy Chúa, không chỉ vì tà dâm mà con lấy em con, nhưng bởi chân thành tuân theo luật Chúa. Xin xuống ơn thương xót, cho chúng con chung sống với nhau đến tuổi già.
Đoạn hai miệng một lời, họ nói:
- Amen! Amen!
Đoạn họ nằm xuống ngủ một giấc thâu đêm. Gia đình ông chú Ra-ghen tưởng rằng chàng rể này cũng bị quỉ bóp chết, nên đã âm thầm bảo nhau đi đào huyệt sẵn. Nhưng sai người vào nhìn lén, thấy hai vợ chồng son ngủ yên lành, bình an. Cả nhà vui mừng tạ ơn Chúa.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Gạt ra ngoài những lối tả có vẻ hoang đường thời xưa hay có ở trong tin tưởng dân gian, ta hãy lựa lấy những điểm Chúa muốn truyền dạy cho ta trong bài Lời Chúa vừa đọc.
Điều thứ nhất là lòng đạo đức sâu xa: cầu nguyện trong đêm tân hôn để thánh hóa và xin Chúa chúc lành. Điều thứ hai: Xin Chúa thương cuộc phối hợp của họ, vì họ lấy nhau và ăn ở với nhau không vì tính xác thịt, dục vọng tà dâm, song vì lòng chân thành tuân theo luật Chúa. Luật gì? Luật truyền nòi giống, là một công cuộc Chúa đã làm với cặp đầu tiên Ađam-Eva, và từ đó, Chúa nhờ các đôi vợ chồng tiếp tục... Họ ý thức họ phục vụ nòi giống, phục vụ chương trình tạo dựng nhân loại của Thiên Chúa.
Bài Lời Chúa hôm nay cũng như những bài Lời Chúa các kỳ trước, kể cả các bài suy niệm, đã trình bày cho ta bức tranh tốt đẹp của tình yêu và hôn nhân, như Thiên Chúa muốn.
Bức tranh quá đẹp, quá lý tưởng phải không anh chị em? Có người đưa ý kiến rằng: các bài Lời Chúa nói những chuyện viễn vông, cao xa, trừu tượng, mà không đưa ra những điều thực tế như phải tránh tội dâm dục thế nào? hôn có tội không?... Đáp: Có chứ! Chúng ta đã đưa và sẽ còn đưa ra các điều thực tế, như nói trên... Nhưng xin phép cho chúng tôi có ý kiến hơi khác. Trình bày các điều cấm, điều răn, phải tránh điều này, điều nọ..., không được phép làm việc này, việc kia, làm là có tội..., chúng tôi cho là chuyện thứ yếu.
Điều trước tiên quan trọng nhất là ý thức! Ý thức vẻ đẹp, lý nghĩa và giá trị của vấn đề. Vì chính ý thức làm chủ thế giới. Ý thức là động cơ thúc đẩy mọi hành động tiếp theo. Ý thức là nền tảng để xây cả công trình trên đó. Khi sắp bắt tay làm một công trình lớn lao, nếu ta không ý thức nó ích lợi, không xác tín nó tốt đẹp, thì công trình ấy ắt sẽ đổ vỡ. Nghệ nhân trồng hoa, trồng cây kiểng, vì sao ông đêm ngày, hàng tháng, hàng năm, có khi hàng chục năm chăm chút, xới bón, tỉa lá, trừ sâu, đẽo gọt... ? Vì ông xác tín rằng: cây lan của ông sẽ trở nên một bông đẹp và độc đáo chưa từng thấy, hoặc cây kiểng của ông tân kỳ, tuyệt tác!
Cũng vậy, qua mấy bài kỳ trước, trình bày cho thấy vấn đề tính dục, tình yêu và hôn nhân, để anh chị em, cách riêng bạn trẻ nào dự buổi đền tạ gia đình, được ý thức cái đẹp, cái cao quí, và hơn nữa, đó lại là ý muốn tốt lành của Chúa, chỉ muốn cái tốt và hạnh phúc cho ta.
Loạt bài suy niệm Lời Chúa này, chúng tôi phỏng theo sách giáo lý công giáo bên nước Đức.
Xin tóm lược mấy kỳ trước:
Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành muôn vật, đã đem hết tình yêu thương và sự khôn ngoan, quyền phép tạo dựng nên con người có nam có nữ, với tất cả vẻ phong phú, đẹp đẽ từ thể xác - một nhà máy kỳ diệu không có gì của con người sánh bằng - đến linh hồn bất tử đầy đủ mọi khả năng, năng khiếu, đức tính, hai bên nam nữ khác nhau, cốt để bổ túc cho nhau: nhất là trong hôn nhân, sự bổ túc ấy đạt đến mức đầy tràn, trọn vẹn, khi hai bên giúp nhau tạo hạnh phúc vui sống và thể hiện bản thân mình, rồi lại cộng tác vào sự tạo dựng của Thiên Chúa bằng cách sinh ra những sự sống mới. Công cuộc lớn lao, tốt đẹp ấy, Thiên Chúa lấy làm hài lòng và Ngài chúc lành cho.
Cái điểm mà chúng ta cần ý thức và đánh giá cho đúng mức, đó là hai vợ chồng được Thiên Chúa ban vinh dự cộng tác vào sự tạo dựng của Ngài. Mong các bạn trẻ mới hoặc sắp lập gia đình lưu ý điều ấy. Không lẽ Thiên Chúa cứ mỗi ngày, mỗi giờ lại tạo nên một người cho trần gian, không cần. Ngài trao cho cha mẹ cái quyền phép ấy, để đỡ tay cho Ngài. Như thế, việc sinh con đẻ cái xem ra rất thông thường, nhưng nhờ Lời Chúa dạy bảo, ta lại thấy đó là một việc thông dự vào mầu nhiệm tạo dựng một sự sống mới, là độc quyền của Thiên Chúa. Các nhà bác học tốn bao tiền nong, mất bao công sức mà không tài nào làm ra được sự sống, dù cho một con vi trùng, một con ruồi! Ấy thế mà quyền tạo ra sự sống mới, Thiên Chúa lại ban cho hai vợ chồng. Mà hai vợ tạo sự sống kỳ diệu ấy bằng cách nào? Có phải bằng tiền của, bằng cách dùng các nhà máy móc điện tử hay bằng gì? Thưa bằng một tình yêu: tình yêu chân chính, bền vững và thánh thiện trong hôn nhân.Chớ chi mọi cặp vợ chồng đều ý thức cái trọng trách, đồng thời là vinh dự cao cả ấy, như ý Chúa muốn, thì nhân loại sẽ còn tiến bộ và hạnh phúc biết bao! cuộc đời sẽ càng đáng sống biết mấy! và rất nhiều sầu khổ, đau thương, bi kịch sẽ không còn nữa.
Nhưng buồn thay, có những bóng tối đã chen vào gây chết chóc, đổ vỡ... Vì sao?
Vì chúng ta - các vợ chồng, cha mẹ - không ý thức vai trò quan trọng ấy của mình, đã bị các lý thuyết tà vạy của thế gian, của ma quỉ xúi giục mà buông thả mình sống theo nó, không còn tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa.
Nói như thế làm ta bi quan, buông xuôi hay sao? Không! Thiên Chúa đã dự liệu cho ta những phương thế để ngăn ngừa, để chống lại sự độc hại ấy, để bảo vệ công trình tốt đẹp của Ngài.
Trước hết, Thiên Chúa ban cho con người một cái áo giáp che phủ, gìn giữ, gọi là tính LIÊM SỈ, hoặc nói nôm na là tính e thẹn, biết xấu hổ. Tỉ dụ khi ta làm việc gì lỡ trớn, hay nói điều gì lỡ lời, lố lăng, nghĩ lại ta đỏ mặt, xấu hổ...; hoặc khi ta có tật gì hì hợm, dị dạng trên mặt, trên thân thể (thọt chân, môi chẻ...), ta xấu hổ, không dám ra phố, và phản ứng tự vệ của ta là tìm cách giấu đi, che đậy lại, đừng để người khác thấy. Thế thì ở đây, trong vấn đề tính dục, tình yêu và hôn nhân, Chúa cũng ban cho ta cái tính liêm sỉ để che chở, bảo vệ...; cho nên ta che giấu những điều kín đáo của ta, những chuyện phòng the, yêu đương, che kín những cơ quan, bộ phận dùng vào việc yêu đương ấy, tránh nói những điều khả ố, xúc phạm hay sử dụng bừa bãi các chuyện ấy. Chỉ những kẻ mất nết, mất nhân phẩm mới nói toạc ra, mới đem những cái kín đáo ấy mà diễu cợt, làm đầu đề vui cười. Những kẻ ấy đã giống như con vật, con chó, con mèo nó phơi bầy các chuyện ấy ra mà không biết xấu hổ.
Do đó, có lời Kinh Thánh dạy ta: “Anh em không biết sao, thân thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần... Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em” (1Cr 19-20). Và lời khác rằng: “Còn dâm bôn, ô uế mọi thứ..., thì nơi anh em cũng đừng có ai nói đến cách đùa cợt, như thế mới xứng vị là người con Chúa. Và những điều thô tục, chuyện nhản nhí hay trò cợt nhả,... đều là những điều chẳng xứng. Trái lại, hãy thay vào đó những lời tạ ơn Chúa... Đừng để ai lấy lời ba hoa mà lừa dối anh em (rằng nói cho vui, cợt nhã như vậy mới gọi là sống ở đời...). Chính vì các điều ấy, mà thịnh nộ của Chúa sẽ giáng xuống trên quân ngỗ nghịch. Vậy anh em chớ thông đồng với họ” (Ep, 5.3-7).
Đó là Thánh Kinh dạy ta về nhân đức liêm sỉ. Quả thực, giáo lý công giáo coi đó là một thứ nhân đức. Gia đình ta đã thực hành nhân đức ấy chưa?
Nói đến đây, ta có một điều phải phân biệt: khi che giấu, bảo vệ các chuyện ấy như nói trên kia, chúng ta phải nhớ là không phải vì các điều ấy là tội, song vì các điều ấy rất cao cả, thánh thiện, nên phải bảo vệ, gìn giữ và tôn trọng nó; chỉ nói đến mot cách kính cẩn, hoặc khi có mục đích tốt như học hỏi... Nó như vật báu, không nên để lộ ra sợ mất cắp. Hỏi: Bảo vệ, tôn trọng nó để làm gì? Thưa: Để đến đúng thời, đúng buổi, trong trật tự, theo đúng chương trình của Chúa, ta sẽ sử dụng nó trong hôn nhân chính đáng. Vì nó đã được Chúa tạo dựng nên để nhằm mục đích tạo dựng những sự sống mới, những con người. Công việc cao trọng đến thế cơ mà, sao ta lại không tôn trọng, cẩn mật dè giữ cho được chứ?
Nếu ta hiểu như thế, nhiều người sẽ không ngạc nhiên, vì thường họ coi đó là những chuyện xấu xa. Không đúng, vì tính liêm sỉ làm ta e ngại không nói toạc ra, giữ nó trong lòng kín đáo, không vì nó là chuyện xấu xa; nhưng chính vì nó là chuyện cao cả, thánh thiện, không nên nói hay sử dụng bừa bãi, chơi bời. Bản chất chúng là cao đẹp, thánh thiện, nếu không, sao Thiên Chúa tạo dựng chúng và coi là tốt đẹp đến nỗi chúc lành cho chúng? Chẳng lẽ Thiên Chúa chúc lành cho tội lỗi, cho xấu xa ư? Kinh Thánh cho thấy: Chúa dựng Ađam, rồi dựng Eva, dẫn Eva lại làm vợ Ađam, rồi Chúa chúc lành cho hôn phối của họ và bảo: “ Hãy yêu nhau mà sinh sản con cái đầy mặt đất! ”. Và lúc ấy họ trần truồng mà không biết xấu hổ. Vì sao? Vì lúc ấy, lòng họ vô tội, lương tâm họ còn ngay thẳng, nên họ thấy các điều ấy là thánh thiện, cao đẹp, đúng như Chúa muốn. Lúc ấy, họ không cần có đức liêm sỉ. Nhưng khi tội lỗi đã xen vào sau sự sa ngã của họ, thì Kinh Thánh nói: Họ thấy họ trần truồng và biết xấu hổ, liền đi lấy lá vả quấn lại làm quần áo che mình. Chính tội lỗi đã xen vào và làm ô uế. Vậy ngày nay, mang tội tổ tông truyền, chúng ta cũng là những kẻ sống trong vòng tội lỗi, nên ta cần phải có đức liêm sỉ, biết xấu hổ, để che chở, gìn giữ, bảo vệ các điều cao đẹp, thánh thiện kia.
Ấy vậy, như đã nói: thân thể ta, các bộ phận trong ta đều tốt đẹp; nói rộng ra, chuyện vợ chồng ăn ở với nhau, âu yếm nhau, các việc xa gần liên quan đến sự truyền sinh... (ở đây nói ít, mong anh chị em hiểu nhiều) đều là những điều, tự bản chất, do Thiên Chúa dựng nên tốt đẹp, nó đi đúng chương trình và ý muốn của Chúa...
Nghe nói có những cô vợ trẻ, sáng không dám rước lễ. Hỏi tại sao, thì đáp vì ban đêm ăn ở với chồng nên mất đức trong sạch. Không biết ai đã dạy cho họ các điều lệch lạc ấy? Ở đây, xin nói một lần cho rõ: Việc ăn ở vợ chồng là việc Chúa đã chúc lành, rồi trong Tân Ước, Chúa còn thánh hóa bằng một Bí tích, hay nói chính xác, Chúa đã nâng nó lên thành một Bí tích, tức là việc hai người yêu thương nhau đó là dấu chỉ bên ngoài cho biết Chúa ban ân sủng bên trong cho hai vợ chồng. Vậy thì việc ấy không những không ô uế, mà còn thánh thiện, không tội lỗi, mà còn là dấu Chúa ban ơn sủng. Nói cách nôm na, hai vợ chồng yêu đương nhau hợp pháp, trong hôn nhân chính thức, việc ấy đúng ý Chúa, nên có công nghiệp trước mặt Chúa.
Thế thì, trong chuyện tình ái, cái gì là tội lỗi? Thưa là cái gì người ta làm ngoài trật tự Chúa lập và Hội Thánh dạy, chẳng hạn: nam nữ gần gũi nhau ngoài hôn phối.
Có người hỏi: Dục tình, dục vọng, theo như đã nói, cũng là các điều Chúa dựng nên, tốt lành; vậy ngó nhìn trai đẹp, gái xinh, mình thấy ước muốn, thấy vui thích, và cảm thấy bị lôi cuốn, thế đã có tội chưa, vì trong Phúc Âm có đoạn nói: “Ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục, thì đã phạm tội ngoại tình với nó trong lòng”. (Mt 5.28).
Đáp: Chưa có tội, vì ta không phải là gỗ đá, dục vọng Chúa ban trong mình ta có mục đích hấp dẫn nam nữ đến hôn nhân, để tạo hạnh phúc cho nhau và sinh con cái. Ta không thể nào dửng dưng, cũng như không thể thấy chiếc hoa đẹp mà không vui thích, nhìn ngắm. Nhưng tội là chỗ hái hoa đẹp ấy bất hợp pháp. Dục vọng Chúa ban, ta phải hướng dẫn, chứ không phải mù quáng chạy theo nó. Có người sẽ nói: Dục tình Chúa ban, tôi phải sử dụng nó, sao lại là tội? Đáp lại, xin lấy ví dụ: Một cảnh sát viên, lần đầu tiên trong đời, anh được cấp cho một khẩu súng lục. Bây giờ, anh ta tự nhủ: “Tôi đã không tạo ra khẩu súng, người ta đã trao cho tôi, nên tôi phải sử dụng nó, vậy tôi phải bắn một người, bất luận kẻ đó là ai tùy ý thích của tôi”. Không đâu! Anh ta không hề có quyền đó. Người ta giao cho anh khẩu súng thì anh có trách nhiệm phải sử dụng nó đúng lúc, hợp pháp. Tình dục cũng vậy, sử dụng đúng lúc và hợp pháp là sử dụng trong hôn nhân chính đáng, theo kế hoạch của Chúa là để tạo dựng sự sống mới. Nếu sử dụng bừa bãi, nó sẽ biến thành phương tiện chia rẽ, nguồn mạch của bạo tàn, đồi trụy, đau khổ và có thể gây chết chóc.
Còn câu Phúc Âm nêu ra, nếu đọc kỹ lại, ta sẽ thấy thế này: Đức Giêsu không ngăn cấm nhìn người phụ nữ, và không cấm đàn ông ước muốn người đàn bà cách tự nhiên. Nhưng cấm cái nhìn “để thỏa lòng dục”, nghĩa là cái nhìn, trong đó, có gói ghém cái ý định muốn chiếm đoạt người ấy (chúng tôi cắt nghĩa dựa theo cuốn Kinh Thánh Đại Kết TOB, rất có uy tín trong giới công giáo) (x. bài 45).
Rồi ngày nay, nhiều bạn trẻ muốn “thí nghiệm hôn nhân” trước khi lấy nhau, để hiểu nhau hơn sẽ hạnh phúc hơn. Thôi ta tạm gác đến kỳ sau sẽ giải đáp.
Gia đình ta đã nhận định và ý thức sự cậy trông của ơn được Chúa cho thông dự vào quyền năng tạo dựng sự sống mới chưa? Chắc ta phải tạ tội với Chúa, vì bao sai lỗi, coi thường, hờ hững, nhất là không sử dụng đức tính liêm sỉ để bảo vệ, tôn trọng điều cao cả, thánh thiện là tính dục, tình yêu và hôn nhân, không dạy dỗ cho con em ta phát triển đức tính ấy ngay từ nhỏ. Vậy ta hãy đọc kinh đền tạ.