Sunday, July 31, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 19-21
Tình Anh Em Ruột Thịt (tiếp)
Trích Tin Mừng Thánh Gioan, ch.11

Ông La-da-rô, em của bà Martha và Maria bị ốm nặng. Hai chị em sai người đi nhắn tin cho Đức Giêsu: Thưa Ngài, kẻ Ngài thương mến đang ốm liệt.
Nghe vậy, Đức Giêsu nói: Cơn bịnh này không đến nỗi chết, song vì vinh quang Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ đó Con Thiên Chúa được tôn vinh (ý Ngài muốn nói: Ngài mà đến chữa thì không chết đâu, song cứ để cho La-da-rô chết, Ngài sẽ đến cho ông ấy sống lại, phép lạ lớn lao này sẽ làm vinh quang cho Thiên Chúa và làm vinh hiển cho Ngài).
Do đó, được tin ấy, Đức Giêsu không vội đến, còn lưu lại thêm mấy ngày. Sau đó, Ngài mới đến làng Bê-ta-nia, thì đã chôn La-da-rô bốn ngày rồi. Nghe tin Đức Giêsu đến ngoài làng, Mat-ta vội vàng ra đón tiếp: Thưa Ngài, nếu Ngài đã có đây, em tôi đã không chết. Nhưng ngay lúc này, Ngài xin cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ nhận lời Ngài.
Đức Giêsu bảo: Em bà sẽ sống lại.
Rồi Mat-ta vội vã quay về nhà bảo em gái: Thày gọi em đó.
Vừa nghe nói, Maria vội vàng chỗi dậy mà đi gặp Ngài. Đức Giêsu vẫn còn ở đó. Maria đến trước mặt Đức Giêsu liền sấp mình dưới chân Ngài mà rằng: Thưa Ngài, nếu Ngài có mặt đây, em tôi đã không chết.
Đức Giêsu thấy bà và các người đi theo đều khóc than, thì Ngài xao xuyến cả mình. Ngài hỏi: Các ngươi đặt ông ấy ở đâu? Họ đáp:  
Thưa Ngài, mời Ngài đến đây mà xem!
Và Đức Giêsu đã khóc. Người Do thái mới nói: Xem kìa! Ngài thương mến ông ấy dường nào!
Đến trước mồ, Ngài bảo hãy lăn hòn đá lấp cửa, nhưng Mat-ta cản lại: Thưa Ngài, em tôi đã chôn 4 ngày, có mùi hôi rồi!
Nhưng Đức Giêsu bảo bà: Ta đã chẳng nói với bà rồi sao? là nếu tin, bà sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa. Rồi quay vào mồ, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: La-da-rô! Hãy ra ngoài! Người chết bước ra, chân tay còn lúng túng vì các giây vải, mặt còn bọc trong tấm khăn liệm. Đức Giêsu bảo họ: Hãy cởi ra cho ông ấy đi!
Đó là Lời Chúa! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Đọc đoạn Tin Mừng này, ai chẳng thấy ba chị em La-da-rô rất thương nhau. Khi đau ốm thì săn sóc hết lòng, chạy thuốc chạy thày, không được thì kêu mời Đức Giêsu đến chữa. La-da-rô chết thì chôn em mà lòng đau đớn, khóc lóc không ai an ủi cho nguôi được. Chỉ có một người mà hai chị em hi vọng nhất để cứu sống em mình, đó là Chúa Giêsu, thì Ngài lại không đến. Cho nên lúc gặp Ngài, cả hai chị em đều than khóc thảm thiết: “Nếu Thày có mặt đây, thì em chúng con đã không chết”. Ta có thể nói: Đức Giêsu đã làm phép lạ cho La-da-rô sống lại là để thưởng cho tình thương yêu giữa chị em của họ.
Xem thế, tình thương anh em trong gia đình thật là một mối phúc, thật là một ân huệ, đến nỗi Thiên Chúa phải làm một phép lạ vĩ đại, để trả lại người em cho họ. Bài Lời Chúa kỳ trước đã đề cập đến các lợi ích và một vài bổn phận của tình anh em, chị em. Hôm nay, ta đi tiếp đến bổn phận thứ tư:
4- Muốn chung sống giữa anh em với nhau cho hạnh phúc thì bổn phận thứ tư là yêu thương nhau thật tình. Đó là mỗi người hãy vui mừng vì thấy kẻ khác được may mắn, được thành công; hãy thực tình mong muốn sự lành cho họ, giúp họ nên tốt hơn và công chính, đạo đức như Chúa đòi hỏi và cầu nguyện cho họ...Các điều vừa nói, không phải tự nhiên là thích làm đâu! Cha mẹ phải tập cho đứa trẻ mới được. Nếu có những anh chị tốt, tử tế như gia đình La-da-rô, thì các việc nói trên rất dễ làm. Nhưng, gặp trường hợp anh chị em mình là những kẻ khó tính, ương ngạnh, ích kỷ: thật là khó vô cùng. Tuy nhiên, chính ở đây, bổn phận yêu thương càng cần thiết gấp bội. Phải coi như Thiên Chúa ký thác họ cho mình, để lo lắng và giúp đỡ cách đặc biệt, như những con bệnh mình phải chăm sóc cho đến khi lành. Thánh Phêrô có viết thư khuyên những người tôi tớ: “Anh em là gia nhân, thì hãy hết sức kính sợ, phục tùng chủ, không chỉ những chủ tốt lành, khoan dung mà thôi, song cả những con người ác nghiệt. Quả là một ơn sủng Chúa ban mà anh em phải chịu khổ bất công” (1Pr 2.18-20). Hãy áp dụng lời dạy các tôi tớ ấy vào hoàn cảnh anh em trong gia đình: mỗi người hãy coi như một ân sủng được phục vụ người anh em khó tính của mình.
5- Tình thương nhau còn đòi phải có sự công bằng. Mỗi đứa con đều được quyền ăn mặc, học hành và các sự cần thiết như nhau, tuy được quyền có sở thích và nguyện vọng riêng tùy tính tình, tùy khả năng. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện Kinh Thánh kỳ trước: Chỉ vì ông Yacóp thương một đứa hơn, cho mặc áo đẹp và không bắt lao động như các anh, mà bị các anh ghét và oán thù. Cha mẹ nên lưu ý kẻo sự đối xử chênh lệch của mình sẽ là đầu mối gây bất hòa giữa các con cái. Nên nhớ: trẻ con rất nhạy bén khi thấy có sự đối xử không công bằng. Còn giữa anh chị em với nhau, cũng đừng dành quyền lợi hơn, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Hãy nhớ Chúa Giêsu dạy: “Điều gì ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì ngươi cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7.12).
6- Tình thương lại phải tỏ ra bên ngoài bằng hành động: nào là thái độ, cử chỉ dễ thương, không cứng cỏi, thô lỗ; nào là lời nói mềm mỏng, không có ý khinh bỉ, chọc giận, hay cố tình bêu xấu cho người khác chê cười. Lời ăn, tiếng nói phải lịch sự với nhau, đừng vì thân mà suồng sã, thô bỉ. Có những đứa trẻ mở mồm nói thì y như cóc cắn, cộc lốc. Hãy tập nói những câu thần chú sau đây:
- Cám ơn,
- Xin làm ơn giúp cho
- Nếu anh hoặc chị cho phép, em sẽ...
- Xin lỗi...
Mấy câu ấy làm hởi lòng, hởi dạ tình anh em thêm thắm thiết, vả lại cũng là những câu mà ai là người lịch sự đều dùng.
7- Tình thương cũng còn biểu lộ qua đôi chút quà tặng, dù chỉ là một quả mận hái trong vườn, một trái me chua, một món đồ chơi ít tiền...Sau khi lỡ cãi nhau, biết đem mấy cục kẹo đến làm hòa. Còn phải biết mở mắt ra mà nhìn cái gì mình có thể làm cho anh chị em. Có nhiều người mù và câm, chẳng bao giờ thấy anh chị em mình cần gì hoặc buồn khổ ra sao mà giúp đỡ hay nói một lời an ủi...Lại có những đứa gặp chuyện tranh chấp quyền lợi, hoặc trái tính, xung khắc, đã không biết ôn tồn phân xử, lại nghĩ rằng: cứ dùng đấm đá, la lối, chửi rủa là xong hết! Đó là cách xử trí của người mọi rợ! Chúng ta là người văn minh không đối xử như thế! Hơn nữa, chúng ta lại là con Chúa, nên phải tập từ tốn giãi bày quan điểm, biết nghe nhau, biết suy nghĩ, nhất là biết khiêm tốn nhận mình sai lỗi, hoặc mình không đúng, còn người kia có lý.
Hiệu quả của tình thương giữa anh em ruột thịt:
Trong gia đình sống thương yêu, sau này ra ngoài xã hội sẽ sống tốt và dễ thành công trong cuộc đời. Như vậy, gia đình là trường học căn bản về tình yêu đồng loại ngoài xã hội. Dưới ánh mặt trời ấm nóng của tình thương cha mẹ, ơn Chúa ban xuống linh hồn đứa trẻ khi chịu phép Rửa tội, sẽ như mầm non mọc lên, làm nảy nở các nhân đức yêu thương, hi sinh, xả kỷ, phục vụ.
Cha mẹ sẽ lợi dụng mọi dịp để cho con cái thấy các vấn đề luân lý chúng đang thực hành trong gia đình, sau này sẽ phải thực hành ngoài xã hội. Chúng sẽ học biết: con người rất thiếu sót, cần có nhau để bổ túc cho nhau, không ai được phép là một hòn đảo riêng rẽ. Đừng chỉ lo cho quyền lợi riêng, còn phải biết để ý đến các quyền lợi và ước vọng của người khác, như lời Kinh Thánh dạy: “Mỗi người đừng chỉ lo mưu lợi riêng, còn phải nghĩ đến quyền lợi kẻ khác. Hãy xem gương của Đức Kitô đó kìa: Ngài có quyền giữ chức vị và quyền lợi ngang hàng với Thiên Chúa, ấy thế mà không, Ngài nhường lại hết, đành mang thân phận nghèo nàn, tôi đòi và hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết”.
Không được tẩm nhiễm những ý thức phục vụ và xả kỷ. Các con cái dễ đâm lệch lạc, sống ích kỷ, làm sao cho chúng hiểu có anh chị em ruột vây quanh mình là một ân huệ Chúa ban, hầu chúng được nên con người tốt, xứng đáng, làm vinh dự cho đời chúng. Được phục vụ người khác phải là một niềm hạnh phúc của con người, đúng như Chúa dạy: “Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận” (Cv 20.35). Cho chúng hiểu cái tai họa của đứa trẻ sống một mình, sẽ trở nên ích kỷ ghê sợ, không chơi với ai được, việc học hành của nó cũng sẽ chậm hơn, vì không có ai tranh đua, đời sống sau này của nó sẽ khó biết thông cảm với người khác, khó hòa đồng, khó sống với bà con, họ hàng, cộng đoàn và xã hội. Vào đời sống xã hội sau này, nó mới thấy khổ sở, vào đời chức nghiệp mới thấy thiệt thòi, vào đời sống vợ chồng sẽ dễ bị tan vỡ. Còn đứa trẻ nào biết sống tốt đẹp tình huynh đệ với anh chị em mình, sau này dễ trở nên người chồng, người vợ tốt, người cha, người mẹ tuyệt vời.
Một điều nói thêm sau cùng là tình anh em ruột thịt phải kéo dài qua tuổi nhỏ cho đến suốt đời. Trong nhiều gia đình, tình anh em chấm dứt khi một người ra đi lập gia đình. Nơi phong tục đông phương chúng ta, tình gia đình, họ hàng, vốn bền lâu mặn mà, đó cũng là ưu điểm chúng ta sẽ không bỏ rơi người anh, người chị đã ra đi mà gặp thiếu thốn, đau buồn hay hoạn nạn, chúng ta biết chia vui sẻ buồn với họ, lúc họ gặp may mắn, thành công hay gặp rủi ro, thất bại... Kìa xem gương Đức Mẹ Maria: thân gái dặm trường đi bộ cả trăm cây số (lúc ấy làm gì đã có xe đò) để đến thăm bà E-li-sa-bet và chúc mừng bà sắp có con lúc tuổi già hiếm muộn. Sau đó, ở lại luôn ba bốn tháng để phục vụ bà ấy thai nghén nhọc mệt: nào Đức Mẹ quét nhà, thổi cơm, nấu nước, giặt giũ và nâng giấc bà ấy, cho đến ngày mẹ tròn con vuông rồi mới trở về nhà (Lc 1.39-56).

Tích truyện
Người ta thuê một họa sĩ trứ danh đến, vẽ một bức ảnh Thánh Phan-xi-cô khó khăn thật lớn để trang hoàng Đền Thờ. Hôm họa sĩ bắt đầu, một tu sĩ dòng Phan-xi-cô đến dặn ông: Xin lưu ý! Thánh Phan-xi-cô không có râu đâu! Ông phải vẽ cho đúng như vậy. Vâng, tôi sẽ làm ngài vừa ý!
Hôm sau, một tu sĩ cũng Phan-xi-cô, nhưng thuộc ngành Ca-pu-xi-nô, có thói tục để râu, đến dặn: Họa sĩ nên nhớ Thánh Phan-xi-cô, cha chúng tôi, có râu đàng hoàng, phải vẽ cho đầy đủ. Vâng! xin ngài cứ yên tâm.
Thế là cuộc tranh chấp giữa việc có râu, và không râu bùng nổ. Các anh em cùng một cha, song chia làm hai nhóm cứ đến quấy rầy họa sĩ, làm ông điên đầu, không biết ngả theo phe ai. Sau cùng, ông nảy ra ý kiến, treo một bức màn che, ông ngồi sau bức màn ấy mà vẽ, kèm theo tấm bảng tuyên bố: “Ngày khánh thành mới được hạ màn và ai nấy sẽ thỏa mãn”.
Ngày khánh thành đến, anh em dòng hai phe và giáo dân trong vùng kéo nhau đến thật đông, nghi lễ khai mạc bắt đầu, và sau bài diễn văn, màn từ từ hạ xuống, mọi người nín thở, hồi hộp...Trên khung ảnh, Thánh Phanxicô hiện ra, nằm dài, đang đau liệt, mình đắp chăn. Oái oăm thay! chiếc khăn ấy lại kéo lên quá cằm, khiến chẳng ai biết ông tổ lập dòng của mình có râu hay không râu, đúng là bên nào cũng được thỏa mãn, nghĩ ngài có râu cũng được, không râu cũng được.
*************************
BÀI LỜI CHÚA 20
Tình họ hàng, gia tộc
Trích sách Tô-by-a, ch.5tt

Ngày ấy ông Tô-bít sai con trai là Tô-by-a đến miền xa đòi nợ. Dù đường dài thăm thẳm, Tô-by-a và người bạn đường cũng tạt vào làng Ê-ba-tan để thăm ông bà Ra-ghen là chú thím. Bước vào sân, họ gặp ông Ra-ghen đang ngồi chơi, Tô-by-a cất tiếng chào. Hơi bỡ ngỡ, ông đáp lễ và dẫn hai người vào nhà. Ông nói với vợ là bà Eđ-na:
- Cậu thanh niên này sao mà giống Tô-bít, anh tôi quá!
Bà Eđ-na hỏi họ:  Anh em từ đâu đến?
Họ đáp: Chúng tôi là dòng họ Nep-ta-li, bị lưu đầy ở Ni-ni-vê. Anh em có biết Tô-bít, người bà con của chúng tôi không?
Tô-by-a nhanh nhảu nói: Có chứ, chính ông ấy là cha của cháu!
Nghe vậy, ông Ra-ghen vui mừng, tiến lại ôm lấy cậu, áp má vừa hôn, vừa khóc: Xin Chúa chúc lành cho cháu. Ta là Ra-ghen, chú họ của cháu. Cháu là con của một người cha tốt lành, đức độ. Khốn nỗi, một người nhân nghĩa, hay làm việc lành và bố thí như vậy, mà lại bị mù lòa.
Ông Ra-ghen có cô con gái độc nhất, rất xinh đẹp và đảm đang - tên là Sa-ra - khi nàng nghe nói thế cũng vui mừng khóc lóc. Đoạn họ làm cơm thết đãi.
Thoạt thấy cô Sa-ra Tô-by-a đã đem lòng quí mến, đến sau lại được biết nàng là gái chưa chồng. Chiếu theo luật Môi-sen, chàng là người bà con gần nhất có quyền cưới cô hơn ai khác. Chàng đâm ra yêu nàng và tâm hồn chàng gắn bó với nàng.
Mới ngồi vào tiệc, Tô-by-a đã nhờ bạn ngỏ lời xin gả Sa-ra cho chàng. Ông Ra-ghen tươi cười đáp: Cháu cứ ăn uống đi đã, ngoài cháu ra, không ai có quyền lấy Sa-ra, con của chú. Nhưng...
Nói đến đây, ông ngập ngừng, vẻ mặt buồn bã, Tô-by-a hồi hộp chờ đợi. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Chú đau lòng phải tỏ cho cháu biết là trước khi cháu tới đây, chú thấy hai gia đình ta cách xa ngàn dặm, nên chú đành gả nó lần lượt đến 7 người chồng. Nhưng không hiểu sao,7 người đều chết ngay đêm động phòng. Thôi, cháu cứ ăn uống đi...việc đâu còn đó, để Chúa sẽ xếp đặt mọi sự!
- Cháu sẽ không ăn uống gì, bao lâu chú còn trù trừ về việc của cháu!
Ra-ghen mím môi đáp, sau một lúc suy nghĩ:
- Thôi được! Chiếu theo phán quyết của luật Môi-sen, ta ban nó cho cháu đó. Ý Chúa muốn như vậy. Cầu Chúa trên trời ban cho hai con mọi bề xuôi thuận đêm nay, và đổ xuống cho hai con lòng thương xót và bình an.
Gọi nàng Sa-ra lại, ông cầm tay nàng đặt vào tay Tô-by-a. Ông gọi vợ lấy giấy viết tờ hôn thú, đâu vào đấy, họ bắt đầu ăn tiệc.
Chiều tối, Tô-by-a vào phòng, nhớ lời dặn của người dẫn đường - chính là thiên thần Ra-pha-en - chàng lấy gan và tim con cá bắt được ở sông lúc đi dọc đường, đặt lên lò than đốt cho khói xông lên, xua đuổi tà ma đã khuấy khuất Sa-ra và giết 7 chồng trước của cô, làm chúng phải chạy trốn. Thiên thần Ra-pha-en đuổi theo bắt trói lại (8.1-3). Lúc ấy, chàng mời Sa-ra cùng quì gối cầu nguyện, xin Thiên Chúa thương xót và phù hộ cho hai vợ chồng được an toàn, hạnh phúc đến tuổi già.
Cùng lúc đó, ông bà Ra-ghen cũng lén chỗi dậy, gọi gia nhân đi đào huyệt sẵn. Ông nói:
- Mong sao nó đừng bị giết như 7 chàng rể trước, không thì ta thành bia cho người đời mai mỉa.
Rồi ông bảo bà sai tớ gái lén ngó vào phòng xem chàng rể còn sống không, rủi chết thì đem chôn ngay đêm ấy, đừng để ai biết. Đứa tớ gái lén ngó vào phòng, thấy cặp vợ chồng đang ngủ ngon giấc an lành bên nhau. Được biết vậy, ông bà cất tiếng chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa. Hôm sau, ông vui mừng mở tiệc lớn suốt hai tuần lễ.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa! 

Suy niệm Lời Chúa
Qua câu chuyện Kinh Thánh vừa kể, được thấy rõ tình họ hàng thân thiết gắn bó nhau. Hai gia đình ông Tô-bít và Ra-ghen, tuy người bị lưu đầy sang xứ lạ, kẻ được thong dong nơi quê nhà, nhưng hằng thương nhớ nhau. Dù đường xá xa xôi, nhưng nghĩ tình họ hàng, cậu Tôbya cũng cố gắng rẽ vào thăm hỏi, và biết đâu! để thưởng cho lòng thảo kính đó, Thiên Chúa đã ban cho chàng một món quà quí báu: cô Sa-ra xinh đẹp và đảm đang làm vợ chàng. Luật Môsê thời ấy làm cho tình họ hàng thêm chặt: anh em họ phải lấy nhau để giữ được dòng giống, giữ lấy đức tin cho con cháu và bảo vệ tài sản khỏi lọt vào tay người ngoài.
1- Nhìn vào xã hội các tổ phụ thời ấy - mà Kinh Thánh cho ta biết - con cái không chỉ sống với cha mẹ, mà còn cả với ông bà, chú bác, cô dì... Lòng trọng kính, tình thương mến của chúng phải vượt quá giới hạn hẹp hòi của gia đình, mà đi tới cả họ hàng, bà con. Chúng phải tập ngay từ nhỏ biết chào hỏi người trong họ hàng cách lễ phép, biết đi thăm viếng họ, chia vui sẻ buồn, dự các dịp lễ hoặc mừng kỷ niệm, biết báo tin cho những bà con ở xa, biết giúp đỡ những người trong hoàn cảnh nghèo khó, hoạn nạn, nhất là những người già cả, đau ốm...
2- Trong hoàn cảnh sinh sống của ta hiện thời, sự liên lạc và đoàn kết trở nên rất khó khăn: nào chiến tranh loạn lạc, hoặc do hậu quả của chiến tranh, bà con, họ hàng mỗi người đi mỗi nơi làm ăn, lập nghiệp, rồi đường xá, tàu bè khó khăn, đời sống đắt đỏ, kinh tế eo hẹp, trừ một số nhỏ làm ăn có tiền của, còn đa số chật vật kiếm cơm hàng ngày, không còn thời giờ nhàn rỗi: tất cả những khó khăn kinh tế và vật chất ấy làm cho người ta ngại đến thăm viếng nhau, sợ gây gánh nặng cho nhau, và cứ thế, tình gia tộc càng ngày càng lợt lạt dần.
Do đó, tình thân thiết với họ hàng của mỗi gia đình có thay đổi: tại gia đình này, người ta chỉ nói đến họ hàng cách khinh bỉ; còn tại gia đình kia, họ hàng được quí trọng, biểu dương, như gương mẫu đức hạnh hay gương thành công trên đường đời, làm cả họ thơm lây. Tại nơi này, trẻ con thấy họ hàng đôi bên kình địch nhau; tại nơi khác, trẻ con lại được thấy dẫn giải một lòng tôn trọng, quí mến và săn sóc ông bà nội, ngoại... Có nơi, con cái thấy ông bà bị đối xử cách lạnh nhạt, vô tình, thậm chí mắng nhiếc tàn tệ...
Vậy ta hãy tìm xem ý Chúa muốn sao?
3- Thiên Chúa đã muốn ta sinh ra không chỉ có cha, có mẹ, mà còn có họ hàng, chú bác, cô dì, ông bà nội ngoại, anh em thúc bá, vv...Ta bắt rễ vào trong gia đình, mà rễ còn ăn lan xa và sâu vào cả họ hàng, tông tộc. Nói không ngoa, cả tông tộc nuôi dưỡng và hun đúc ta thành người. Ta không thể bỏ qua, mạnh ai nấy sống, không đếm kể gì đến dòng dõi, tông tộc: họ có ảnh hưởng đến số phận đời ta, trên bản ngã và cá tính của ta. Vì thế, tục ngữ xưa nay có câu: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” - “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Kinh Thánh nói rằng: vị vua anh minh, xuất từ dòng dõi Đavít - có ý nói về Chúa Cứu Thế - sẽ là vị vua được hun đúc bằng mọi đức tính của các tổ tiên: Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ như Salômôn, thần khí mưu lược và anh dũng như Đavít, thần khí đạo đức và kính sợ Thiên Chúa như các tổ phụ, các tiên tri. (x. Ys 11.1-5).
Cho nên, cha mẹ và các nhà giáo dục phải chấn hưng lại tình gia tộc, vun trồng liên hệ họ hàng bằng lời nói, hành động, khi có cơ hội: dạy vẽ cho con cái biết giữ những liên lạc tốt đẹp với họ hàng: lòng yêu thương, sự kính trọng, tình thân ái, sự tương trợ, sự tín nhiệm vào nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khốn khó, lúc hoạn nạn, ốm đau, trong những dịp vui buồn, tang chế, cưới hỏi, sinh đẻ, biết đi lại thăm viếng, chia vui sẻ buồn, như Đức Mẹ đi thăm bà Ê-li-sa-bet, đang mang thai lúc tuổi già mệt nhọc...(Lc 1.39tt).
Chiều nay, làm giờ đền tạ này, gia đình chúng ta xin Chúa tha thứ các lỗi phạm đến tinh thần gia tộc, để nhờ Lời Chúa, ta ý thức hơn, từ nay sẽ chỉnh đốn cho hợp với ý Chúa.

Tích truyện
Trích hồi ký của một linh mục

Hồi ấy, tôi còn nhỏ, chừng 11 tuổi; như mọi đứa trẻ khác, tôi rất mong Tết đến. Tết thì được mặc áo mới, được mừng tuổi, những đồng xu mới vàng óng, đẹp ghê đi! Có tiền là mua pháo đốt chơi: nào pháo đùng, pháo giây, pháo chuột, pháo tép, pháo xiết...Châm ngòi, rồi tung pháo vào giữa tụi con gái, làm chúng bịt tai vừa chạy, vừa la, thú thật!
Tết còn được ăn cỗ những bữa cỗ ngon lành, đủ thứ của ngon vật lạ ngày thường ít thấy, rồi được ăn bánh Chưng xanh, ăn giò thủ...Ông tôi lại thường hay chế rượu mùi, rượu đào, rượu cúc, uống vào ngọt lừ, thơm phức mà không say. Tết còn là dịp về quê ngoại thăm họ hàng, trên con đường vào làng, khí trời còn lạnh, thường khi có mưa phùn bay lất phất; nhưng khi vào đến nhà, thật là ấm áp: những câu chào nhau và chúc mừng năm mới tíu tít, vang lên ấm cả lòng. Các cháu nhỏ như tôi được xoa đầu, mừng tuổi dăm ba xu “cho cháu ăn quà, chóng lớn, học hành thi đỗ...”
Nhưng trong dịp đầu Xuân, cái làm tôi nhớ không bao giờ quên, tuy đã hơn 40 năm rồi, đó là cứ mùng một, tại nhà ba mẹ tôi - ba tôi là trưởng tộc - tất cả các cô bác, chú dì anh em, họ hàng đều từ khắp nơi đổ về. Sau Thánh Lễ chung ở nhà thờ xứ, về đến nhà, trước hết, là thắp đèn nến bàn thờ lên, cả gia tộc cùng nhau đọc kinh thờ lạy Chúa và kính Đức Mẹ, dâng cả năm mới cho Chúa và xin Chúa chúc lành, ban ơn phù hộ.
Ông bà tôi, các cụ lúc ấy khoảng hơn 60, ngồi trên ghế ngựa kê trước bàn thờ, chung quanh là cha mẹ, chú bác, cô dì, tất cả đều hướng về bàn thờ. Tôi còn nhỏ, nên đọc kinh thì ít, mà lo ra thì nhiều. Có lúc nhìn lên bàn thờ đèn nến sáng trưng, ảnh Chúa thật uy nghi mà nhân từ, cạnh bàn thờ là hai chậu quất và hai chậu cúc vàng...Nhìn đến mẹ tôi, thấy bà đang đọc kinh lớn tiếng, mắt đăm đăm hướng về bàn thờ. Mẹ tôi có vẻ sùng kính lạ thường, có lúc không biết vì tưởng nhớ chuyện gì buồn, mẹ tôi lại ràn rụa nước mắt...Kinh nguyện xong xuôi, cả gia tộc mời ông bà ngồi xuống hai chiếc ghế gụ, có đệm bông, rồi xúm lại chúc tết. Anh cả tôi, là cháu đích tôn, đại diện cả gia tộc đọc bài chúc tết anh đã hì hục dọn cả tuần lễ trước. Dứt bài, đốt pháo nổ vang, xong đến ba mẹ, cô chú, thím dì đến chúc mừng ông bà. Khi đến phiên chúng tôi, được ông bà và ba mẹ cùng cả họ hàng mừng tuổi bằng những đồng tiền mới...
Thế rồi, đang khi đợi đến trưa ăn cỗ, chúng tôi chạy ra sân hoặc ra phố chơi, đốt pháo, hoặc ở trong nhà rủ nhau rút bất, đánh tam cúc... Thật là êm đềm!
Tưởng nhớ lại kỷ niệm xưa, mà lòng còn bùi ngùi nhớ tiếc...Tình gia tộc thật là đậm đà, chúng tôi được hun đúc trong tình gia tộc ấy. Lớn lên, mỗi người mỗi phương trời, còn tôi được ơn gọi làm linh mục, nhưng tình tự gia tộc không bao giờ phai, nó là sức nâng đỡ cho tôi trong cuộc đời, là niềm an ủi cho tôi lúc buồn khổ. Đến nay, đã hơn 40 năm, những khuôn mặt thân ái ấy vẫn còn phảng phất trong trí nhớ, ấp ủ trong trái tim tôi. Trong số đó, có người còn sống, có người đã ra đi, có người đã nằm xuống yên giấc ngàn thu. Nhưng với niềm hi vọng sống lại mà Chúa Kitô phục sinh ban cho, chúng tôi mong sau này chắc chắn sẽ được sum họp lại với nhau trên Nước Hằng Sống, nơi mùa Xuân sẽ không bao giờ tàn.
**********************
BÀI LỜI CHÚA 21
TÌNH BẠN
Lược trích 1 Sa-mu-en 18.1-3; 19.1-7; 20.1-42; 2S 1.17-27
Yô-na-tan là con vua Sa-un. Hôm ấy, sau khi Đa-vít dùng chiếc ná bắn hạ được tên Gô-li-át khổng lồ trở về, cầm nơi tay thủ cấp nó mà ra mắt vua, thì Yô-na-tan sinh lòng ngưỡng mộ Đa-vít. Kinh Thánh tả: xảy ra khi Đa-vít vừa trình diện với Vua Sa-un, thì hồn Yô-na-tan đã gắn bó keo sơn với hồn Đa-vít, và Yô-na-tan đã yêu mến cậu như chính mình. Để bảo đảm tình bạn của mình, Yô-na-tan cởi áo choàng, cởi thanh gươm báu, cả chiếc cung và áo giáp mà trao tặng Đa-vít. Ngược lại, Vua cha Sa-un lại có lòng ghen ghét Đa-vít, vì thấy Đa-vít giỏi, thành công, được dân chúng ca tụng và mến phục, nên Vua lo sợ cho ngai vàng của ông. Ông nhất định tìm cách giết Đa-vít.
Một bên là tình cha con, một bên là tình bạn hữu, Yô-na-tan rất khổ tâm, không biết làm sao. Bao lần, chàng tìm cách biện hộ cho Đa-vít:
- Xin Phụ Vương chớ mang tội giết Đa-vít, vì anh không làm gì xúc phạm đến Phụ Vương cả, trái lại, các điều anh làm đều có lợi cho Phụ Vương. Tại sao Phụ Vương đành mang lấy vạ đổ máu người vô tội vô cớ?
Có lần Yô-na-tan còn liều mất mạng để cứu Đa-vít, vì anh coi mạng Đa-vít như mạng mình. Lần kia, tại bàn tiệc của Vua, thấy Đa-vít vắng mặt, Vua Sa-un hỏi tại sao. Yô-na-tan thưa:
- Đa-vít đã khẩn khoản xin con cho anh đi Bê-lem, để dự tế lễ của cả thị tộc, vì thế, anh đã không đến dự tiệc cùng Phụ Vương được.
Kỳ thực, Đa-vít trốn đi vì biết dự tiệc lần này là sẽ bị Vua giết. Vua đoán được là con mình giúp Đa-vít trốn đi, ông nổi giận la lớn:
- Con của đồ đĩ hư thân! Tao lại không biết là mày đã cặp kè với thằng Đa-vít sao? Mày hãy nhớ: bao lâu nó còn sống, ắt cả mày, cả ngai vàng của tao sẽ không vững đâu! Đi điệu nó về đây, nó đáng bị xử tử!
Yô-na-tan đáp: Tại sao anh ấy phải chết? Anh ấy đã làm gì đáng tội?
Thay vì trả lời, Vua vung giáo đánh chàng. Chàng tránh ngọn giáo và rời bàn tiệc mà đi, bừng bừng tức tối. Chàng biết ý Cha quyết định giết Đa-vít, liền chạy đi báo Đa-vít trốn xa...Gặp Đa-vít, hai người ôm nhau mà khóc...,rồi vĩnh biệt nhau...Từ đó cho đến khi chết, hai người bạn không bao giờ còn được thấy nhau. Thế là hết rồi những ngày vui sướng, chuyện trò bên nhau, cưỡi ngựa, bắn cung, đấu kiếm bên nhau. Xa nhau, nhưng không bao giờ quên nhau, cho đến cái ngày ác nghiệt, Vua Sa-un và Yô-na-tan tử trận trên núi Ghi-bô-a. Được tin sét đánh, Đavít đau đớn, sầu muộn không nguôi. Ông đã làm bài ai ca não nùng và dạy cho toàn dân than khóc người bạn chí thân của mình. Trong bài ấy, có mấy câu này:
“Hỡi con cái Israen, hãy khóc than Sa-un và Yô-na-tan đáng mến, đáng yêu. Núi non Ghi-bô-a, chớ gì từ nay sương móc, mưa nguồn và phì nhiêu đừng xuống trên ngươi nữa, vì ở đó máu anh hùng đã đổ ra... Yô-na-tan hỡi, tôi đau lòng đứt ruột vì anh, và thương nhớ anh vô vàn... Tình anh đối với tôi thật còn thiết tha hơn tình nhi nữ”.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Người lớn chúng ta, không chắc có mấy ai hiểu cặn kẽ tình bằng hữu chân thật là thế nào, huống chi các thanh thiếu niên, đa số lẫn lộn tình bạn bè, tình đồng chí với tình bạn hữu. Bạn bè và bạn hữu là hai tiếng giống nhau, song thực sự là hai chuyện khác nhau. Cái mà người ta gọi là bạn hữu, kỳ thực chỉ là bạn bè, đàn đúm. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã họp nhau lại để nô đùa, rồi lớn lên có những bè bạn để chơi, bè bạn đi học, bè bạn cùng sở, bè bạn thể thao, vv...
1- Chung chung, đó là một nhóm nhỏ có cùng một sở thích, tỉ dụ thích xem đá bóng Mêhicô 86, thích đánh cờ tướng, hoặc cùng đeo đuổi một quyền lợi: cùng làm chung Hợp tác xã, sát cánh để đưa HTX tiến lên, hoặc cùng chung trải qua nhiều biến cố, nhiều cuộc vui: như cùng dự trại hè, đi làm thủy lợi, đi nông trường, cùng đi buôn bán... Nói tóm, các giây liên hệ ấy không mấy sâu sắc và không lâu bền. Ấy là chưa kể có những thứ bạn bè, đàn đúm, tụ họp nhau để làm bạn nhậu, bạn chơi bời, vv..., lúc có tiền bao ăn, bao nhậu, thì thấy mặt vui vẻ, đùa giỡn, lúc mình đau ốm, hay cạn túi lại chẳng thấy đứa nào, cuối cùng bám vào cha mẹ, hoặc vợ con. Kinh Thánh nói: đó là tình bạn giả dối.
“Bạn nào là bạn một thời hay nhân dịp, thì lúc bĩ cực, nó không còn bền vững...Nếu chỉ là bạn rượu chè, vào ngày tai họa, không tìm thấy nó đâu! Con được thịnh vượng, nó như bóng với hình với con, khi con gặp hoạn nạn, nó liền trở mặt lánh xa” (Hc 6.7-12).
Vậy phải chọn bạn chân thật, tốt lành mà chơi, kẻo bạn xấu sẽ làm hư mình đi. Một câu cách ngôn Ả rập nói: “Buổi sáng, anh đi chơi với hắn. Buổi chiều, anh giống hắn mất rồi”.
Nói như vậy, không phải bảo bỏ hết bạn bè, song là tránh bạn bè xấu. Đang khi chờ tìm được người bạn tốt giữa muôn người, ta cũng phải nhận định là bạn bè bình thường, không xấu, cũng có một vai trò làm phát triển nhân cách và đức tính xã hội nơi mỗi người, cách riêng nơi thanh thiếu niên, vì con người sinh ra không sống cô độc, phải nhờ lẫn nhau mới phát triển.
2- Nói sơ về lịch trình tiến triển của tình bạn hữu:
Thường thì bắt đầu từ tuổi 14-16, tuổi dậy thì, khi tâm hồn các em thiếu niên nam nữ thấy khát vọng một lý tưởng cao hơn, muốn gặp và bắt chước người nào chúng ngưỡng mộ, khâm phục... Tuổi ấy, ta thấy chúng thích ra ngoài, không còn thích chơi với anh chị em trong gia đình nữa, để tìm bạn, làm thành từng nhóm, từng băng...
Nhưng chỉ khi nào con người hiểu biết mình rõ ràng và tập được tính làm chủ chính mình, lúc đó, họ mới đủ khả năng trở nên một người bạn chân thật và sâu sắc, và mới biết chọn một bạn hữu chân thật. Những điểm làm thành người bạn tốt là điểm gì? Xin nói đại khái: bạn hữu thật thì tôn trọng nhau, cùng nhau sống những kinh nghiệm của cuộc đời, đang khi ấy, người nọ khuyên bảo người kia những điều hay, điều tốt, trao đổi ý kiến với nhau, cũng như biết sửa lỗi và khuyết điểm cho nhau. Ai nghĩ mình chỉ muốn tìm một người bạn không có tính xấu và khuyết điểm nào, người ấy không bao giờ có bạn. Đàng khác, tình bạn mà không bao giờ giúp sửa lỗi cho nhau, không phải là tình bạn chân thật. “Hãy coi chừng bạn nào chỉ yêu tính xấu của con”, đó là lời khuyên của một người xưa. Như thế, hai người bạn trợ giúp nhau, bổ túc cho nhau, giúp nhau nên tốt hơn, vì trên con đường lành, hai người thì sẽ dễ đứng vững hơn một người lẻ loi. Nhất là trên con đường đi đến Chúa, thật là một an ủi và khích lệ lớn, nếu có một người bạn bên cạnh mình để chia sẻ, tâm sự mà thường mình không nói cho ai, ngay cả cha mẹ, rồi để cầu nguyện cho nhau, và nếu có ai lỡ xảy chân, người kia sẽ nâng đỡ dậy, hoặc đưa bạn trở về, chứ không khinh dể hay xa lánh. Như thế mới gọi là gắn bó với bạn trong hết mọi mặt và với tất cả tâm hồn mình như tình bạn giữa Yônatan và Đavít. Tình bạn như thế sẽ bền vững mãi, lúc thịnh vượng cũng như lúc suy, lúc vui cũng như lúc buồn.
Tóm lại, tình bằng hữu chân thật là :
- Sự tận tụy trong yêu mến,
- Trao đổi và giúp đỡ nhau mặt tinh thần cũng như vật chất, tư tưởng cũng như tình cảm, để càng ngày càng có một sự đồng điệu sâu sắc hơn trong tâm tưởng cũng như ý muốn.
Kinh Thánh ca ngợi tình bạn như thế: “Ai gặp được người bạn trung tín, như gặp được một kho tàng, một điều vô giá! Ai kính sợ Thiên Chúa sẽ gặp được. Vì ai kính sợ Thiên Chúa sẽ là người bạn tốt, vì ta thế nào, ta sẽ có người bạn như thế” (Hc 6.14-17).
3- Chúa Kitô là một người bạn chân tình. Ngài đã nói: “Thày không coi chúng con như tôi tớ, nhưng là bạn, vì mọi điều Thày nghe nơi Cha, Thày tỏ cho chúng con hết”. Tôi tớ đâu có được đối đãi như thế. Chính Chúa Kitô cũng có bạn. Ngoài các tông đồ, nào La-da-rô, nào Mat-ta, Maria mà Ngài thường đến nghỉ chân sau những tháng đi giảng xa xôi, mệt nhọc. Lúc Ngài sắp bước vào đường thương khó, Ngài cần bạn yên ủi, nâng đỡ: “Hồn Thày buồn sầu đến chết được, hãy canh thức với Thày”. Thấy Phêrô ngủ li bì, Ngài than trách: “Phêrô bạn ơi! Sao không thức với Thày được một giờ ư?”.Và cuối cùng, Ngài hi sinh mình để cho bạn sống và hạnh phúc: “Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ hi sinh mạng sống vì người mình yêu mến”.

Tích truyện
“Bấc” chỉ là một con chó, nhưng một con chó to lớn lạ lùng và khôn không thể nói hết được. Nó cân nặng tới 63kg. Người chủ cũ, anh Hân, bắt nó kéo xe trượt tuyết chung với đàn chó 13 con khác đến nỗi nó kiệt quệ, ốm o, liệt bại, chỉ còn da bọc xương. Thực ra, Hân cũng không cố ý tàn nhẫn, song anh ở trong thế kẹt, bắt buộc phải ác để cứu lấy mạng mình. Vì lúc ấy xe trượt tuyết của anh đang trên đường đi lên miền Bắc nước Mỹ, nơi đồn là có vàng, nơi toàn là đồng tuyết và băng giá mênh mông vô tận, khí hậu lạnh dưới 50 độ âm. Bấc có linh tính lạ lùng, nó linh cảm tiến đi lần này là mặt băng sẽ vỡ, cả xe lẫn người sẽ tụt xuống hồ nước ngầm ở dưới chết hết. Bấc nằm rụi, không chịu đi. Hân quất roi da, dùi cui túi bụi, tàn nhẫn, chết bỏ. Xót xa, Anh Thóc Tân thấy vậy, giận run lên, không thể kềm chế nổi, anh thốt lên bằng giọng tắc nghẹn:
- Nếu mày còn đánh con chó, tao sẽ giết mày!
Rồi anh ôm lấy nó. Bấc đã gần chết, Hân nghĩ vậy, bỏ đi cũng chẳng tiếc. Khi chiếc xe của Hân đã bỏ đi xa, Thóc Tân quì xuống bên Bấc, đưa đôi tay âu yếm dò dẫm xem có chỗ nào bị gẫy xương không. May thay! Chỉ toàn thương tích tím bầm và tình trạng đói ăn suy nhược khủng khiếp. Dần dần, được Thóc Tân nuôi hồi sức, Bấc khỏe lại như trước. Từ đó nảy sinh trong Bấc một tình thương đối với con người, tình thương lạ lùng, sôi nổi, nồng cháy như chưa hề có con chó nào thương chủ như vậy, có thể nói đây là một sự tôn thờ. Anh Thóc Tân đã là người cứu sống nó; hơn nữa, lại là người chủ lý tưởng, giữa hai bên như thể có một thứ tình bạn, nếu có thể nói được như thế. Anh săn sóc nó như con mình. Mỗi sáng, anh không quên chào nó bằng một cử chỉ thân ái, hoặc một lời vui vẻ ; ngồi xuống nói chuyện lâu với nó, mà anh gọi là chuyện tầm phào, làm cho cả hai đều thích thú. Anh có thói quen túm chặt lấy đầu nó, rồi dựa đầu anh vào đầu nó, hoặc lắc nó đảo qua đảo lại, vừa thốt lên những tiếng rủa, mà đối với Bấc lại là những lời nói nựng âu yếm. Khi được buông ra, nó bật đứng thẳng, miệng như cười, mắt long lanh hùng hồn diễn tả, họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời, chỉ còn thiếu cái biết nói. Bấc biểu lộ tình thương bằng những cái cắn nhẹ, nhưng ép mạnh hằn vào da thịt. Nhất là tình thương của Bấc được diễn tả bằng sự tôn thờ: nó nằm phục hằng giờ dưới chân chủ, ngước mắt nhìn chủ, theo dõi từng cử chỉ, đôi mắt tỏa tình cảm từ đáy lòng. Có lần, Bấc liều chết để cứu Thóc Tân đang bị thác cuốn. Nó cố sức bơi trên mặt thác gập ghềnh, nước chảy xiết, sóng đập nó vào ghềnh đá toạc mình mẩy; cuối cùng, nó đem được cho Thóc Tân đầu sợi dây thừng ngậm ở mõm, nhờ đó bạn bè kéo anh vào bờ. Lần khác, một tên vô lại nhậu say, giáng một quả đấm vào mặt Thóc Tân. Bỗng từ góc phòng, một tiếng sủa vang lên, đúng hơn một tiếng gầm, và người ta thấy Bấc từ nền nhà bay lên, lao vút qua không trung, nhắm thẳng cổ họng tên kia mà lao tới, đè hắn lăn ra sàn, xé toạc cuống họng hắn. Một con chó mà còn có tình nghĩa đến như vậy!
Truyện còn dài, không kể hết được, xin xem trong cuống “Tiếng gọi nơi hoang dã” của văn sĩ Giắc Lân-đân, Hà Nội xuất bản 1985.

Friday, July 1, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 13-18

ÔNG BỐ YẾU ĐUỐI
Trích sách 1 Sa-mu-en, 2.12tt
Ông Hê-li là Thượng tế, tức là thày cả thượng phẩm trong đạo cũ, nhưng ông lại thiếu cương quyết trong việc tề gia. Ông không dạy dỗ đến nơi đến chốn hai đứa con ông là Khốp-ni và Pin-kha. Khi chúng lớn lên, được xung vào lo việc tế tự trong Đền Thờ, thay vì làm gương sáng lại làm gương mù, làm dân bất mãn. Ngày xưa, khi đến Đền Thờ tế lễ, người ta thường dâng súc vật để giết tế lên Thiên Chúa. Lợi dụng chức vụ, Khốp-ni và Pin-kha sai gia nhân đến chọn lấy những phần thịt ngon nhất, tốt nhất mà ăn, đáng lẽ là phải dành để hỏa thiêu mà tế lên Thiên Chúa. Thật là tội lớn, Kinh Thánh nói: chúng là hai đứa vô loài, dám khinh thường tế lễ của Chúa. Chúng còn thêm tội ác nữa là dám phạm tội gian dâm với các phụ nữ phục dịch chung quanh Đền. Ông Hê-li đã nghe biết mọi điều xấu xa các con ông làm, và ông đã la mắng chúng rằng: Làm sao các ngươi dám làm những điều như thế? Người mắc tội với người, còn có Thiên Chúa phân xử, nhưng nếu người ta mắc tội với Thiên Chúa, ai sẽ bàu chữa cho?.
Nói thế mà ông không cương quyết dạy con, ông thấy chúng không nghe càng phạm tội hơn, ông làm lơ, và chỉ biết than vãn, vô hiệu quả.
Chúa đã nghiêm nghị cáo trách sự nhu nhược ấy: Ta đã đặt các ngươi làm người tế lễ trước Nhan Ta, thế mà sao ngươi trọng con cái ngươi hơn Ta?. Gở thay những ai khinh Ta, chúng sẽ ra đốn mạt...Này là dấu cho ngươi: trong một ngày, hai đứa con ngươi sẽ chết. Ta sẽ chọn một người tư tế khác trung thành hơn thay ngươi. Và xảy ra là ai còn sống sót trong dòng họ ngươi sẽ phải đi ăn mày, để được miếng bánh mà ăn.
Ông Hê-li vẫn không sửa dạy con như lời Chúa cảnh cáo, nên cuối cùng hình phạt đã đến. Chúa phán với ông qua miệng ngôn sứ Sa-mu-en rằng: Này Ta sắp làm trong Israen một điều mà mọi kẻ nghe đến sẽ ù cả hai tai: Ta sẽ xét xử trên Hê-li và dòng họ nó, vì con cái nó xúc phạm đến Thiên Chúa, mà nó đã chẳng sửa dạy chúng, vì thế, tội nhà Hê-li sẽ không bao giờ lấy lễ tế nào mà khỏa lấp được.
Lời Chúa ứng nghiệm: dân Phi-li-tinh vốn thù nghịch với Israen, đem quân đánh Israen thua tơi bời. Israen liền kéo nhau vào Đền Thờ, kiệu khám Giao ước thánh thiêng (xưa gọi là Hòm Bia), trên đó có Thiên Chúa ngự, ra mặt trận để mong nhờ Thiên Chúa ra tay dẹp giặc. Ai ngờ, vì tội lỗi của nhà ông Hê-li, Thiên Chúa đã bỏ Israen. Thế là họ thua một trận lớn nữa! Một binh sĩ từ mặt trận chạy về báo tin trong thành, cả thành rú lên than khóc. Hê-li mới hỏi tên lính ấy, hắn thưa: Ba vạn quân Israen bị giết hầu hết! Hai con của ngài cũng tử trận, nhất là Khám thiêng của Thiên Chúa đã bị địch bắt được.
Nghe tin như sét đánh, Hê-li từ trên tòa bổ nhào ra đằng sau, ót đập vào ngưỡng cửa, vỡ óc chết. Con dâu của Hê-li, mang thai gần ngày sinh, nghe tin khám bị bắt, cha chồng lẫn chồng đều chết, thì nàng bị trụy thai, ngồi xổm xuống đất mà sinh con, rồi chết.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Bài học Chúa dạy đã quá rõ: sự nhu nhược trong việc dạy con cái của người cha đã là nguyên nhân gây ra tai họa cho mình, cho con cái, cho cả dòng họ và cho nhiều người khác.
Ông Hê-li cũng có la mắng hai con ông. Ông nói rất chí lý: Người mắc tội với người còn có Thiên Chúa phân xử, nhưng nếu người ta mắc tội với Thiên Chúa, ai sẽ bàu chữa cho? Cái Chúa trách ông là không dạy con đến nơi đến chốn, cách cương quyết và có hậu quả. Chúa trách thái độ nhu nhược đó: “Nó tôn trọng con cái nó hơn Ta”. Thiên Chúa là Đấng cao cả uy nghi, không dạy con biết tôn thờ Chúa cách xứng đáng, ăn ở trước mặt Chúa cho phải đạo, thì Chúa cho là trọng con, nể con hơn Chúa, sỉ nhục Chúa.
Trước Lời Chúa dạy hôm nay, đáng tiếc là nhiều người cha trốn lánh, hay thờ ơ với trách nhiệm giáo dục của mình. Phải vất vả lo lắng nuôi vợ con là điều cần, nhưng trách nhiệm giáo hóa con cái còn quan hệ hơn. Cho con có cơm ăn, áo mặc, mà để chúng thành người vô nhân cách, vô đạo đức, thế là nhiệm vụ ông thất bại rồi.
Một trong những lý do người cha cảm thấy khó lòng dạy con cái là thiếu học hỏi cách giáo dục. Cho nên vốn liếng giáo dục của ông chỉ gồm vỏn vẹn vài câu la mắng, quát tháo, hoặc tát tai, gõ đầu...Ông có uy quyền của người cha, song nhiều khi ông chỉ dùng uy quyền thôi, làm con cái sợ ông, xa ông mà không mến thương ông. Lẽ ra, ông nên hòa hợp hai yếu tố uy quyền lẫn yêu thương để con cái “kính nhi ái”, nghĩa là kính mà yêu. Vì ích gì khi con cái chỉ sợ mình và nghe theo mình bề ngoài, còn bên trong chúng bất phục vì uất ức?
Sau đây là câu nói đáng nhớ: “Trừng phạt là như cặp kính, đeo kính để thấy sáng tỏ hơn, chứ không phải để mù lòa” (Lê Văn Khoa). La mắng, đánh phạt con, là để con thấy rõ hơn cái sai quấy mà tránh, chứ không phải thỏa mãn cái tức bực nóng nảy của mình, làm con cái đâm quá sợ mà rối trí, hoặc quá ức mà đâm ghét, không còn muốn làm theo lời sửa dạy nữa. Thế là làm nó thành mù lòa.
Vai trò của người cha phải là thay mặt Chúa mà nói với con cái, như vị sứ ngôn thay mặt Chúa mà nói với dân mình. Hãy nghe Chúa trao sứ mệnh cho tiên tri Yê-rê-mia: “Coi, hôm nay Ta cử ngươi coi các dân, các nước, để ngươi nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây dựng và vun trồng”.
Cũng như thế, Chúa đặt người cha coi sóc con cái bằng công việc giáo hóa gồm hai phần: nhổ và phá, xây dựng và vun trồng. Người cha dùng lời nói và kinh nghiệm giúp con nhổ rễ các tính hư tật xấu, đập phá những gì nơi chúng không xây dựng theo kế hoạch và Thánh ý Chúa. Ông sẽ vun trồng và xây dựng các đức tính, tập quán tốt: nào nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, cả cái đạo làm người lẫn đạo làm con Chúa.
Người cha sẽ nói: khó lắm, làm không nổi. Tiên tri Yê-rê-mia cũng thoái thác: Lạy Chúa! Tôi đâu có biết nói. Chúa trả lời: “Này Ta đặt lời của Ta trên miệng ngươi, hễ Ta truyền cho ngươi gì, ngươi hãy nói” (Yr 1.7-8). Vừa nói, Chúa vừa đưa tay đụng đến miệng vị tiên tri. Vậy đó! Chúa sẽ đặt Lời Chúa vào miệng kẻ thay mặt Chúa để biết nói, chứ còn tự mình ta, ta không biết nói. Đúng thế! Lời nói riêng của ta thốt ra thường là lời cứng cỏi, nóng nảy, cay Chua, có khi rất độc, rất ác, đâm nhói vào lòng, gây nhức nhối, bực bội, phẫn uất...Còn Lời Chúa đặt trên miệng ta mà nói thì hiền từ, êm ái, nghe như thấm vào tim, vào lòng, nhưng lại có sức phá đổ, xây dựng. Phải, Lời Chúa có quyền lực biến đổi tâm hồn. Vì lời của Đấng phán một lời liền có trời đất, mà lại không có quyền lực sao?.
Vậy! Người cha hãy cầu xin Chúa đặt lời Chúa nơi miệng mình, hãy tin chắc Chúa sẽ đặt Lời Chúa nơi miệng cha mẹ nào hết lòng lo giáo dục con cái theo đường lối Chúa.
Phần các bà cũng phải giúp chồng trong việc dạy con, nhiều khi các bà làm công việc ấy của chồng thành khó khăn. Chẳng hạn bà nói: “Chốc nữa ba mày về tao bảo ba mày cho mày một trận”. Bà không bảo được con, bà lấy chồng ra đe nó. Vô tình bà đã biến người cha của chúng thành tên lý hình, lấy uy quyền và sức mạnh làm con cái khiếp sợ, bởi những lời quát tháo đinh tai nhức óc, những cái bạt tai tối tăm mặt mũi, hay những ngọn roi quắn đít, hằn da.
Tốt hơn, các bà hãy tạo cơ hội cho tình thương của người cha nảy nở, để cho hai cha con thông cảm và yêu mến nhau, tùy bà vẽ ra thế nào trước mắt con cái, mà chúng thấy cha chúng như thế. Nhiều bà mẹ đã gây trong đầu óc con cái ấn tượng: cha ác, mẹ thương. không nên! Hãy vẽ ra hình ảnh một người cha đầy yêu thương, đáng kính, không có điều đáng trách. Hãy cứ bênh vực phải lẽ cho ông, hãy tập con cái kính yêu ông, biết ơn ông vì bao hi sinh, khó nhọc của ông đối với gia đình, như thế, ông sẽ được phấn chấn mà lo nghĩa vụ giáo dục rất khó khăn của mình.
Tích truyện
Một Chúa Nhật kia, ông nọ dẫn con lên núi chơi. Trời nóng bức, ông ngả lưng dưới bóng cây râm mát, để con tung tăng đây đó hái hoa, bắt bướm, có lúc nó chạy lại bên cha khoe những con chuồn chuồn bắt được, những cành hoa đã hái. Ông mỉm cười khen: Đẹp lắm con!
Đến sau ông ngủ vùi, và đang lúc ấy thằng nhỏ đi chơi xa hơn, hồi lâu, thức dậy, ông sực nhớ đến con, và lên tiếng gọi...
“Con tôi đâu rồi?”, ông tự hỏi. Nhìn quanh nhìn quẩn, chẳng thấy. Ông kêu gọi ầm ĩ, chỉ nghe tiếng ông vọng trên đồi núi...chạy mãi đến một cái vực, nhìn xuống, thì trên đá mấp mô, gai đâm tua tủa, ông thấy thân thể nát nhừ của đứa con yêu nằm sóng sượt. Ông lần mò tụt xuống đáy vực, đỡ cái xác không hồn lên, ghì nó vào lòng...Những giọt nước mắt ân hận thầm lặng trên gò má...Ông tự trách: mình vì lơ là, không coi sóc mà đã giết con...Ông đau đớn, sầu khổ vô cùng...
Đọc chuyện này, ta có cảm tưởng rằng: biết bao người cha hiện đang ngủ mê, để mặc con cái mình đi trên vực thẳm. Gặp một người cha như thế, hãy hỏi: hiện nay, con của ông đâu?
**********************
BÀI LỜI CHÚA 14
CÁC NGƯỜI BỀ TRÊN
Mấy bài Lời Chúa trước đây dạy thảo kính cha mẹ là bề trên mình. Lời Chúa dạy ta còn phải phục tùng nhiều bề trên khác. Trong số đó, có nhà cầm quyền dân sự, đó là đề tài của bài Lời Chúa hôm nay.
Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu 22.15-22
Bấy giờ, biệt phái đi bàn mưu để làm Ngài lỡ lời mắc bẫy. Họ sai đến với Ngài môn đồ của họ làm một với phe cánh Hê-rô-đê. Các người ấy nói:
- Thưa Thày, chúng tôi biết Thày là người ngay thật, và dạy đường lối Thiên Chúa một cách chân thành, Thày không bận tâm vì người này, người nọ...Vậy xin cho chúng tôi hay: được phép nộp thuế cho Hoàng đế (La mã) hay không?
Thấu suốt lòng hiểm ác của họ, Đức Giêsu nói:
- Tại sao lại đánh bẫy Ta, đồ giả hình? Đưa Ta coi đồng tiền nộp thuế!
Họ đem đến cho Ngài một đồng quan. Ngài nói với họ: Hình này và chữ khắc này của ai đây? Của Hoàng đế.
Bấy giờ Ngài bảo họ: Vậy thì hãy trả của Hoàng đế cho Hoàng đế, và của Thiên Chúa cho Thiên Chúa. Nghe thế, họ kinh ngạc và rút lui.
Đó là Lời Chúa! - 
Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Câu chuyện trên đây xảy ra vào những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa được dân chúng công khai đón rước vào thành Yêrusalem cách trọng thể, đám đi trước, đám đi sau đều hoan hô, chúc tụng Ngài là Con Vua Đa-vít, là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu độ dân Người... Biệt phái thấy vậy, muốn cản mà không được, họ tức tối lắm. Sẵn ghét Đức Giêsu thấu xương từ lâu, nay lại gặp chuyện tầy trời như thế, lửa căm thù họ bừng cháy, họ nhất quyết bầy mưu dồn Ngài vào ngõ chết. Họ đưa ra các chất vấn, để nếu Ngài lỡ lời, họ sẽ bắt tội và kết án... Các đợt tấn công như vậy càng ngày càng gay gắt, nhưng lần nào họ cũng thất bại nhục nhã... Có lần này là nguy hiểm hơn cả, vì điều họ hỏi Ngài liên can đến quyền đời lẫn quyền đạo. Dĩ chí, họ đem cả nhóm tay sai của đế quốc, tức là phe cánh vua Hê-rô-đê, thân chính quyền đô hộ Rôma, đến đứng sẵn đó để có thể tố cáo với Phi-la-tô - vị tổng trấn Rôma, vốn tính khắc nghiệt và có sẵn binh lính trợ lực - đến bắt Đức Giêsu ngay tại trận.
Bố trí xong xuôi, họ đến cùng Ngài. Câu đầu tiên là lời khen đường mật, lời khen giả hình giả bộ: nào Thày là người ngay thật, nào Thày không vì nể ai, luôn chỉ dạy đường lối Thiên Chúa cách chân thành... Sau câu xã giao bề ngoài thơn thớt đó, đến câu hỏi hóc búa, bất ngờ, khó xử, thật nham hiểm, giết người không dao: “Thưa Thày, xin nói cho chúng tôi hay: là người Do thái, chúng tôi được phép nộp thuế cho Hoàng đế ngoại đạo hay không?”
Câu hỏi đặt Đức Giêsu ở thế lưỡng nan: trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Nếu Ngài dạy phải nộp thuế cho Hoàng Đế ngoại đạo đó, thì Biệt phái sẽ xúi dân coi Ngài như một tên Do-thái-gian, nịnh bợ đế quốc, dám coi thường dân có đạo thánh Chúa mà bảo phải phục tùng, lệ thuộc quyền bính dân Rôma ngoại đạo: như thế, uy tín Đức Giêsu sẽ bị sụp đổ. Nếu Ngài dạy đừng nộp thuế, bọn tay sai đế quốc có mặt đó sẽ tố cáo Ngài là tên phá rối trị an, là phản động, là cổ võ không nộp thuế, bất phục tùng chính quyền...
Đức Giêsu gỡ thế bí ấy cách nào?. Là Đấng thượng trí siêu phàm, Ngài “thấu suốt cõi lòng hiểm ác của họ”, nên qua lời đầu tiên, Ngài cho họ biết Ngài không dễ gì bị lường gạt: “Tại sao lại gài bẫy Ta, đồ giả hình!”. Sau đó, Ngài bảo: “Đưa Ta coi đồng tiền dùng để nộp thuế!”. Họ móc túi đưa ra cho Ngài đồng quan, Ngài hỏi: “Đồng tiền này khắc hình và tên của ai?” Họ đáp: “Hình và tước hiệu của Hoàng Đế”, tức là Hoàng Đế Ti-bê-ri-ô đang trị vì.
Qua cử chỉ đó, cái hay của Đức Giêsu là vạch cho họ thấy họ đang mang trong mình tiền của Hoàng Đế Rôma, đang sử dụng tiền ấy trong việc giao dịch, mua bán hàng ngày, hưởng những lợi ích kinh tế mà chính quyền Rôma vẫn đem đến cho họ; như thế, trong thực tế, họ đã chấp nhận lệ thuộc quyền bính ấy rồi. Vì theo quan niệm xưa, đồng tiền của Hoàng Đế được tiêu dùng tới đâu là quyền bính của ông lan rộng tới đó. Như vậy, chính hành động và cuộc sống thực tế của họ chứng tỏ họ đã và đang lệ thuộc quyền bính Rôma rồi còn gì, vậy thì thật dư thừa khi còn đặt câu hỏi có nên nộp thuế nữa không, vì coi nộp thuế là một hình thức lệ thuộc. Đức Giêsu kết luận: Cái gì thuộc về Hoàng Đế, hãy trả cho Hoàng Đế. Nhân tiện, Đức Giêsu đi xa hơn và nêu ra một nguyên tắc trọng đại: Phải “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Nên lưu ý: Đức Giêsu không đề cao sự phục tùng Hoàng Đế. Không! Ngài chỉ đặt vấn đề đúng chỗ của nó: của ai trả cho người nấy, đó là công bình, đó là trật tự.
Biệt phái xấu hổ rút lui, cuộc giăng bẫy ác hiểm đã hóa ra vô hiệu, không cách nào bắt bẻ Đức Giêsu được, vì quyền lợi của Hoàng Đế không bị đụng chạm và nhất là quyền lợi Thiên Chúa (quyền lợi của đạo) lại được đề cao: đẹp đời, tốt đạo! Nói cách khác: tuân phục và nộp thuế cho chính quyền Rôma không giảm bớt chút gì quyền lợi của Thiên Chúa cả (lời chú thích này có ở bản Kinh Thánh của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn). Nghĩa là có tùng phục, có làm những bổn phận (như nộp thuế chẳng hạn) mà quyền đời có quyền đòi hỏi cách chính đáng, cho dù đó là quyền bính ngoại đạo như Rôma đối với dân Israen, thì cũng không có gì là phạm thánh, phạm đến luật đạo hay phạm đến quyền lợi của Thiên Chúa. Vì tuy rằng Nước vĩnh cửu của Thiên Chúa đã được thiết lập trên trần gian này rồi, do Đức Giêsu thực hiện; song các nước thế gian vẫn được hành xử quyền bính chính đáng của họ trong lãnh vực thuộc về mặt đời của họ, tuy một cách tạm thời, nghĩa là bao lâu lịch sử trần gian còn tiếp diễn.
Như vậy, Đức Giêsu đã dạy cho ta biết: người Kitô hữu, tuy là công dân Nước Trời (Ph 3.20), song bao lâu còn sống trên dương thế, ta cũng là công dân của một quốc gia, dân tộc, không được phép bỏ bổn phận đối với quốc gia, dân tộc ấy - tức là bổn phận công dân - lấy lẽ rằng quốc gia ấy, quyền bính ấy ngoại đạo, hoặc lấy lẽ rằng ta chỉ chu toàn bổn phận thuần túy tôn giáo thôi.
Thánh Phaolô sau này cho biết lý do tại sao phải phục tùng quyền bính dân sự: “Vì không quyền bính nào mà lại không do tự Thiên Chúa mà ra, và những quyền chức hiện hữu đã do Thiên Chúa thiết định. Cho nên, ai chống lại quyền bính là đối địch với điều Thiên Chúa qui định...” (Rm 13.1-2). Thiên Chúa có cho phép, có để, thì họ mới lên cầm quyền được. Đó cũng là do ý Thiên Chúa an bài, sắp đặt cả. Vậy phải tùng phục quyền bính không vì sợ hãi, sợ phạt hoặc vì thấy có lợi, song vì đó là một bổn phận của lương tâm (Thánh Thư nêu trên nói rõ điều ấy trong c.5). Cho dù sau đó ít lâu, chính quyền Rôma phát động mấy cuộc cấm đạo đầu tiên, Thánh Phaolô cũng không nói thế khác, ông vẫn bảo Giám Mục Titô là đồ đệ ông rằng: “Con hãy nhắc nhủ các tín hữu phải phục tùng, tuân lệnh những người cai trị cầm quyền, phải sẵn sàng tra tay làm mọi việc lành, đừng thóa mạ ai...” (Tt 3.1). Ông còn đi xa hơn: “Tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện cho hết mọi người, cho Vua, Chúa, và hết thảy những người quyền chức..., ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh...” (1Tm 2.1-4).
Tích truyện
Chính Đức Giêsu treo gương phục tùng ấy đối với tổng trấn Phi-la-tô, là một người Rôma ngoại đạo, và sẽ ra lệnh giết Ngài trên thập giá. Số là khi Philatô thẩm vấn Ngài, thấy Ngài không đáp lại lời nào, Philatô bực tức: Ông không nói ư? Ông không biết rằng ta có quyền tha ông mà cũng có quyền đóng đinh ông sao?
Phi-la-tô nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, vì ông đại diện Hoàng Đế, chúa tể cả một đế quốc. Ông cho ai sống thì kẻ ấy được sống, ông bắt ai chết thì kẻ ấy phải chết. Nhưng ông đã bị Đức Giêsu phá tan ảo tưởng ấy, Ngài nói: Ông không có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho. Bởi thế, kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn (Ga 19.9-11).
Nói vậy, Đức Giêsu có ý bảo: quyền bính mà Phi-la-tô đang nắm giữ là do từ Thiên Chúa, “từ trên ban cho”, nên ông mới có thể định đoạt, kết án Ngài phải chết. Như thế, ông chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa muốn Ngài phải hi sinh chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Lãnh nhận án bất công của Philatô như thế, là Ngài tùng phục ý Thiên Chúa, chứ thực ra Phi-la-tô không có quyền bắt Ngài phải chết hay cho Ngài sống được (x. Ga 10.18).
Vậy, ta đã rõ bổn phận phải tùng phục quyền bính dân sự trong mọi điều chính đáng thuộc địa hạt của họ, chỉ trừ khi nào quyền lợi của Thiên Chúa hoặc luật Thiên Chúa và Hội Thánh bị xâm phạm (chẳng hạn như nhiều nước bên phương Tây cho phép ly dị), lúc ấy ta phải nói như Chúa Giêsu dạy : “(Quyền lợi) của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa”, hoặc như Thánh Phêrô và các tông đồ, can đảm tuyên bố trước tòa án Do thái: “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người ta”(Cv 5.29). Về những điều này, xin bàn hỏi với những Đấng có khả năng giải đáp, ở đây không nói cặn kẽ hết được.
*********************
BÀI LỜI CHÚA 15
QUAN HỆ CHỦ TỚ
Bài hôm nay nói về quan hệ giữa người đầy tớ và người chủ. Đối với xã hội Việt Nam hôm nay, điều này không còn hợp thời nữa. Nhưng xin cứ tạm dùng lối nói đó, mà hiểu rộng ra về mối quan hệ giữa người giúp việc, làm công, công nhân, thợ, bề dưới... với người làm đầu, làm chủ, bề trên, có trách nhiệm...
Phỏng theo sách Khởi Nguyên ch.16
Thiên Chúa đã hứa cho A-bra-ham sinh một con trai, và từ đứa con ấy, cả dòng giống đông như sao trời, cát biển. Nhưng Sa-ra, vợ ông lại hiếm muộn, son sẻ, không thể sinh sản được. Bà khuyên chồng lấy người tớ gái của bà, tên là Ha-ga, làm hầu thiếp, như thói tục thời đó cho phép, vì chưa có luật nhất phu nhất phụ: đứa con nó sinh ra sẽ được coi là con của chính thất. Bà nói:
- Này, ông coi, Yavê bắt tôi phải hiếm con. Vậy xin ông ăn ở với con thị tỳ của tôi. Họa chăng nhờ nó, tôi cũng được mụn con.
A-bra-ham nghe theo lời vợ ăn ở với Ha-ga, và nàng đã có thai. Nhưng đứa tớ gái này không có lòng cao thượng như bà chủ: thấy mình có con, nó quên thân phận hèn kém, lên mặt lên mày, coi khinh bà chủ, đến nỗi bà Sara phải than phiền với chồng. A-bra-ham đáp:
- Này bà, đứa hầu gái nó là phận dưới bà, bà cứ sửa dạy nó như ý bà.
Được lời chồng, bà Sa-ra không còn nương tay, bà hành hạ nó, đến nỗi nó phải bỏ trốn về quê quán bên Ai cập.
Dọc đường, một hôm, Ha-ga mệt mỏi dừng chân bên giếng cạn mà khóc than nỗi cơ cực. Thình lình, Thần sứ Thiên Chúa hiện ra phán:
- Ha-ga, thị tỳ của Sa-ra, từ đâu ngươi đến và ngươi sẽ đi đâu?
- Tôi trốn tránh bà chủ của tôi là Sa-ra.
Thần sứ dạy:
- Về với chủ ngươi đi và lo phục tùng dưới tay bà.
Để an ủi, khích lệ nàng, Thần sứ hứa cho đứa con nàng đang mang thai một tương lai lớn lao:
- Ngươi sẽ gọi tên nó là Is-ma-en. Nó sẽ là tổ của dòng dõi những người sống phiêu du trong sa mạc. Nó sẽ lập cơ nghiệp đối diện với các anh nó, một mình chống lại mọi người.
Ha-ga đã nghe theo lời, trở về vâng phục bà Sa-ra, chứ không còn dám lên mặt như trước, chấp nhận địa vị của mình. Thiên Chúa chúc phúc cho nàng và nàng đã sinh cho A-bra-ham một con trai, đặt tên như Thần sứ đã bảo.
Lời hứa của Thần sứ tiên báo về một dòng giống phiêu du kiêu hùng đã thực hiện từ 4.000 năm nay: Is-ma-en, chính là ông tổ các dân Ả rập, bá chủ những giải đất sa mạc mênh mông bên Trung Đông.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Bài Lời Chúa hôm nay trình bày cho ta thái độ của hai người chủ tớ. Bà chủ hồi trước có lòng đại độ, nhường cho người tớ quyền làm vợ chung với mình, nhưng sau đã đổi ra hành hạ tôi tớ, đến nỗi nó phải bỏ trốn. Còn người tớ, trước kia đã xấc xược với chủ, sau nghe lời Thiên Chúa, quay trở về phục tùng và khiêm nhường nhìn nhận bà như người thay mặt Chúa, có quyền trên mình. Như vậy, ta thấy bên nào cũng có bổn phận và cũng có quyền lợi.
1/ Ta cùng nhau lần lượt xem về bổn phận và quyền lợi của người chủ, người làm đầu:
Cho hạng người này, Chúa Giêsu đã dạy và treo gương sáng trước. Ngài bảo: hãy coi chức vụ làm đầu, làm chủ không để đè đầu người khác, song là để phục vụ. Một hôm, có mẹ con ông Zê-bê-đê đến xin Chúa cho hai con mình, một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu Ngài trong Nước Ngài sắp lập, tức là xin hai ghế Bộ Trưởng cao nhất. Đức Giêsu đã nhân tiện dạy bài học này:
- Các con biết: thủ lĩnh các dân thì làm chúa trên họ, và những người làm lớn thì đè đầu trên dân. Còn giữa các con, là Kitô hữu với nhau, thì không được đối xử như thế. Ai muốn làm lớn, thì hãy hầu hạ người khác. Ai muốn cầm đầu, thì hãy là tôi tớ cho mọi người. Cũng như Thày đây, Thày đến trong trần gian không phải để được người ta hầu hạ, nhưng là để chính Thày hầu hạ và thí mạng để làm giá chuộc các linh hồn (Mt 20.20-28).
Chúa không chỉ nói suông, Ngài đã thực hành. Đó là trong bữa Tiệc ly, Ngài cởi áo choàng, thắt một khăn làm việc, lấy chậu nước, quì xuống rửa chân các tông đồ, ngay cả Yuđa nữa. Các tông đồ kinh hãi vì thấy Chúa mà làm việc hầu hạ thấp hèn như vậy sao. Chúa cứ làm, xong rồi Ngài bảo:
- Nếu Thày là Thày và là Chúa, mà còn cúi xuống rửa chân hầu hạ chúng con như một tên đầy tớ. Vậy thì chúng con hãy noi theo gương Thày mà hầu hạ, làm tôi nhau (Ga 13.4-15).
2/ Nếu chưa đạt tới đỉnh cao ấy, ít ra, các người làm đầu, làm chủ hãy đối xử tử tế với kẻ dưới quyền mình.
a/ Bổn phận phải đãi ngộ công bình là điều trước hết. Thánh Phaolô dạy: “Chủ hãy xử đãi với tôi tớ theo sự công bình, biết rằng chính các ngươi cũng có chủ (là Thiên Chúa) trên trời” (Cl 4.1). Cho nên phải trả công, trả lương hay thù lao cho người giúp việc cho cân xứng. Ngày xưa, vua Yô-a-kim, nước Yuđa, ưa hào nhoáng, thích xây cất lâu đài mình cho sang trọng, vua dùng dân công làm phu mà không trả công, ông bị tiên tri Yê-rê-mia quở trách: “Khốn cho kẻ xây nhà bằng bất công, lầu gác bằng phi nghĩa, và bắt đồng loại phục dịch dưng không, rồi quịt cả tiền công của nó... Mắt ngươi, lòng ngươi chỉ nhìn cái lợi của mình, cho nên con người ấy chết sẽ không ai than khóc..., đám ma nó, đám ma con lừa, lôi đi xành xạch mà quẳng xa, mãi ngoài cổng thành” (Yr 22.13,17-19).
Thánh Giacôbê còn nói dữ hơn: “Kẻ ăn chận tiền công của thợ, hoặc nhờ đầu cơ tích trữ bất công mà làm giàu, chất của, thì đồng tiền của kẻ ấy từ trong két bạc sẽ réo lên đòi báo phục: ‘Hãy rú lên, khóc lên, vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi: của cải các ngươi đã ra thối nát, và xiêm y các ngươi đã bị mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi sẽ bị sét rỉ, và sét rỉ của chúng sẽ làm chứng cáo tội bất công của các ngươi, ăn thấu xương thịt các ngươi như lửa mà các ngươi tích lũy thành một lò cho ngày cánh-chung sẽ đốt các ngươi’” (Gc 5.1-6).
Luật Cựu Ước, tuy cổ xưa từ 3.000 năm hơn, mà dạy nhiều điều rất nhân đạo hơn cả thời văn minh của ta bây giờ. Tỉ dụ như: không những không được quịt tiền công, đừng bóc lột đồng loại, đừng cướp của cải, mà còn ngay đến giữ lại tiền công nhật đến ngày mai mới trả cũng không được (Lv 19.13; Tl 24.15), vì thợ công nhật ngày nào lãnh lương để ăn ngày đó, bị cầm giữ lương tức là đói. Thiên Chúa không muốn vì lỗi ta mà người khác phải đói. Ít ra, người Kitô hữu hãy thử xét lại coi: ngày nay, chúng ta có lỗi các điều ấy không?
b/ Chúa còn dạy người làm chủ phải cho người giúp việc, người làm công, tôi trai tớ gái, con cái trong nhà... được nghỉ ngơi dưỡng sức ngày cuối tuần là thứ bảy - ngày nay đối với Hội Thánh là ngày Chúa Nhật. Nhiều người vì tham lam, ngay cả nhiều cha mẹ, không có lòng tin vào Chúa quan phòng (Mt 6.25-34), sợ đói, sợ thiếu..., nên bắt con cái và người nhà làm việc cả ngày thánh đó. Đang khi luật Cựu Ước nhân đạo đến mức buộc phải cho cả trâu, bò, lừa, ngựa... đã cùng con người lao động trong 6 ngày, được nghỉ ngơi ngày đó! Chúa phán:
“Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là hưu lễ kính Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ không được làm bất cứ việc gì, ngươi và con trai, con gái ngươi, tớ trai, tớ gái của ngươi, thú vật của ngươi... Vì trong sáu ngày, Yavê đã làm nên trời đất và muôn vật, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi thế, Yavê đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thánh nó” (Xh 20.9-11; Tl 5.12t).
Ở đây, chúng ta không thể nói hết các bổn phận khác được..., chỉ nêu ra vài điểm đáng lưu ý nhất, chắc còn nhiều dịp ta sẽ được nghe bổ túc thêm sau.
Còn về bổn phận và quyền lợi của người giúp việc, kẻ làm công, xin để kỳ sau.
Gia đình ta làm giờ đền tạ này để xin Chúa tha thứ vì các thiếu sót hay vi phạm bổn phận người làm đầu, làm chủ. Xin Chúa cho mọi người trong gia đình, ngoài xã hội, biết thực thi điều Chúa dạy (qua Kinh Thánh) và Hội Thánh dạy (qua các Thông điệp của các Đức Giáo Hoàng, cách riêng) về bổn phận người làm đầu, làm chủ này.
Tích truyện
Khi Ya-cob trốn cơn giận của Ê-sau tìm chàng để giết, vì chàng phỗng mất chúc lành cha dành cho anh cả, thì chàng đến nhà người cậu là La-ban, ở xứ rất xa, để trú ngụ. Bắt đầu, La-ban cũng có vẻ tử tế, ông nói với chàng: Tuy là cháu, song giúp việc cho ông, thì ông sẽ trả công. Nhưng lúc ấy, Ya-cob đâu cần công xá gì, vì chàng đã mê con gái út của La-ban là cô Ra-ken, vóc dáng xinh đẹp, dung nhan mỹ miều, nên chàng nói:
- Cháu xin ở làm công cho cậu bảy năm, để chỉ xin cưới Ra-ken thôi!
Thế là chàng đã ở giúp việc cậu bảy năm. Kinh Thánh nói: “Những năm ấy đối với chàng chỉ như vài ngày thôi, bởi chàng quá yêu nàng”. Hết 7 năm, La-ban cho làm lễ cưới. Nhưng ông là người tham lam, keo kiệt và biển lận; ông thấy Ya-cob còn trẻ, lại lực lưỡng, khỏe mạnh, ông bèn lập mưu để chàng phải làm công cho ông thêm 7 năm nữa. Tiệc cưới đã tàn, chiều tối hôm ấy, theo tục lệ miền Thượng Lưỡng hà địa, cô dâu phải phủ khăn che kín mặt cho đến đêm động phòng, ông La-ban đã lấy cô chị là Lê-a, xấu hơn, dẫn đến phòng hoa chúc cho Ya-cob. Vô tình, Ya-cob đã phối hiệp với nàng. Sáng ngày, bảnh mắt nhìn ra mới biết té ra không phải Ra-ken, người chàng mơ tưởng. Bị lừa vố đau, Ya-cob trách ông cậu đã phỉnh mình. La-ban đáp:
- Nơi chúng tôi không có thói quen gả con út trước con cả. Cậu sẽ gả con Ra-ken cho cháu nữa, nếu cháu chịu ở giúp việc 7 năm nữa.
Vì quá yêu Ra-ken, Ya-cob đành phải chịu bóc lột để lấy được nàng. Bảy năm nữa chờ đợi và lao động, thành ra 14 năm. Có ai đã trả giá đắt đến thế như Ya-cob để lấy được người mình yêu không ?
La-ban không chỉ tham lam, quịt công của cháu, ông còn quịt luôn cả tiền của hai cô con gái ông. Tiền cheo cưới của chàng rể trao cho ông, tục lệ bắt ông phải chia cho con gái, ông cũng lấy cả. Chưa hết, nhờ công Ya-cob, ông trở nên giàu có, súc vật đầy đàn, ông chưa lấy làm đủ, ông tìm cách chặn bớt phần chia súc vật cho cháu. Nhưng Thiên Chúa để mắt bênh vực kẻ bị áp bức. Người đã cho Ya-cob trí thông minh, khôn lanh dùng mẹo làm cho đàn súc vật dành cho chàng sinh sôi nảy nở, đầy những con béo tốt, khỏe mạnh, mà ông cậu keo kiệt cứng họng không thể trách được chàng.
Cuối cùng, kẻ nghèo khó trở nên giàu có: Ya-cob được hai vợ, vô số gia súc... và chàng cùng bầu đoàn thê tử, súc vật trở về quê mẹ.
**************************
BÀI LỜI CHÚA 16
NGƯỜI TRÊN KẺ DƯỚI
Kỳ trước đã nói về bổn phận của người làm đầu, làm chủ. Kỳ này nói về người làm công, giúp việc, người bề dưới...
Trích sách Khởi Nguyên, ch.24
A-bra-ham đã già nua tuổi tác, ông gọi người lão bộc tên Ê-li-ê-dê dặn rằng:
- Ta muốn ngươi thề với ta cách trọng rằng ngươi sẽ về quê ta, đến với dòng tộc ta mà cưới vợ cho con trai độc nhất của ta là I-sa-ác, chứ đừng cưới vợ trong dân Ca-na-an ngoại đạo, là nơi ta đang lập cư hiện thời.
Sau khi đã long trọng thề, lão bộc lấy 10 con lạc đà, đem theo những đồ vàng bạc, vòng vàng, xuyến ngọc lên đường đến thành của Na-khor, là anh em với A-bra-ham. Đến gần cổng thành, nơi có giếng nước vào lúc xế chiều, lúc phụ nữ ra múc nước, lão cho lạc đà phục xuống nghỉ ngơi và lão khấn với Chúa rằng:
- Lạy Yavê, Thiên Chúa của A-bra-ham, chủ tôi, xin cho tôi được may mắn trong việc này: đây tôi đứng bên giếng nước, và con gái trong thành ra múc. Cô gái nào tôi xin ngả vò cho tôi uống mà cô ấy đáp: “Xin mời ông uống và tôi cũng sẽ múc nước cho cả lạc đà ông uống nữa”, thì đích thị cô ấy là kẻ mà Chúa muốn cho sẽ kết nhân duyên với cậu I-sa-ác, con chủ tôi.
Lão chưa khấn dứt lời, thì một cô gái nhan sắc tuyệt vời, đầu đội vò, xuống giếng múc nước rồi lên. Lão chạy lại xin:
- Làm ơn cho tôi uống một ngụm nơi vò của cô.
- Xin ông uống!
Vừa nói, cô vừa lanh lẹ hạ vò xuống. Lão uống xong, cô nói:
- Tôi sẽ múc nước cho cả đàn lạc đà ông uống nữa nhé!
Rồi cô lanh lẹ đi múc nước đổ vào máng cho lạc đà ông uống. Vừa ngắm cảnh ấy xảy ra đúng như điều ông khấn nguyện, ông vừa trầm ngâm nghĩ ngợi: hẳn đây là Yavê cho sự lo lắng việc chủ của ông được may mắn.
Đợi cho lạc đà uống xong, ông lấy vòng vàng, xuyến ngọc mà đeo cho cô, đoạn hỏi:
- Cô con ai? Nhà ông thân sinh có chỗ cho chúng tôi trọ đêm nay không?
- Tôi là con ông Na-khor, nhà chúng tôi có nhiều rơm cỏ, chỗ trọ đêm cũng có.
Nói rồi, cô gái chạy về thuật chuyện cho cha mẹ hay. Cha mẹ cô bảo người anh ra đón ông lão bộc về, rồi dọn bữa ăn trước mặt lão, nhưng lão nói :
- Tôi sẽ không ăn trước khi được nói những điều tôi phải nói.
Họ đáp: Xin ông cứ nói!
Và lão bộc nói hết tự sự đầu đuôi: từ khi ông A-bra-ham bắt thề đến lúc ông khấn bên cạnh giếng và đã ứng nghiệm y như lời ra sao, rồi ông kết luận:
- Vậy bây giờ, nếu quí vị sẵn lòng thuận theo, mà thi hành kết ước với gia đình ông chủ tôi, thì xin cho biết; bằng nếu không cũng xin nói để tôi lo liệu.
Đại diện cho bố, người anh của cô Rê-bê-ca - đó là tên cô gái - nói với ông:
- Sự xảy ra như thế là do Thiên Chúa, chúng tôi không còn nói thế nào khác nữa đâu! Này Rê-bê-ca đang đứng trước mặt ông, chúng tôi bằng lòng gả cho con của chủ ông.
Vậy khi ông lão nghe họ đáp thuận rồi, ông phục mình xuống đất thờ lạy, cảm tạ Thiên Chúa, đã khéo dẫn dắt cho mình may mắn thi hành đúng ý ông chủ. Đoạn ông lấy trong bao bị ra đồ vàng, đồ bạc và trang phục làm sính lễ, và đồ tặng cha mẹ, anh em cô Rê-bê-ca. Sau đó, ông cùng mọi người ngồi xuống ăn uống vui vẻ...
Ngày hôm sau, ông lão xin phép trở về. Thế là cả gia đình tiễn cô đi, cho cô đem theo người vú nuôi và vài thị tỳ, chúc lành cho cô... rồi cô cùng ông lão và đoàn người cỡi lạc đà lên đường.
Phần I-sa-ác, vào buổi chiều kia, đang đi dạo ngoài đồng, ngước mắt lên, chàng thấy đoàn lạc đà trở về... Chợt nhìn thấy I-sa-ác, cô Rê-bê-ca hỏi lão bộc:
- Ai đó?
Lão trả lời: Chính con của chủ tôi đó!
Nghe vậy, Rê-bê-ca lấy khăn phủ lên mình, vì theo tục lệ thời ấy, cô dâu phải lấy khăn phủ mặt trước vị hôn phu cho đến lúc động phòng.
Người lão bộc trung tín đã tường trình tất cả công việc mà ông đã hoàn tất mỹ mãn. Xong, I-sa-ác đã lấy Rê-bê-ca làm vợ và chàng yêu nàng hết sức.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Ông lão bộc Ê-li-ê-de thật là người tôi tớ trung tín. Ông làm đúng như chủ muốn. Ông còn đem hết tâm hồn làm việc chủ giao đến thành công mỹ mãn, chứng cớ là ông cầu khấn với Chúa để cho việc làm được may mắn, xuôi thuận. Ông không chỉ làm chiếu lệ, được hay không mặc kệ chủ. Khi I-sa-ác được cô vợ đẹp và hưởng hạnh phúc bên nàng là ông thấy mãn nguyện rồi: đời người tôi tớ là phục vụ cho kẻ khác được hạnh phúc. Đó cũng chính là gương Đức Giêsu nêu ra bằng lời nói cũng như cuộc sống của Ngài. Ngài nói: “Ai là người lớn? Người ngồi bàn hay kẻ hầu bàn? Đã hẳn là người ngồi bàn! Còn Ta, Ta ở giữa các ngươi như người hầu bàn” (Lc 22.27). Cách ăn ở của Chúa là của người hầu hạ, giúp việc cho chúng ta, Ngài tận tâm giúp việc cứu linh hồn chúng ta không biết mỏi mệt. Cuối cùng, Ngài còn lấy cái chết làm giá hi sinh chuộc ta khỏi bị chết đời đời. Rõ ràng, đời Ngài là một cuộc phục vụ, hầu hạ.
Trong xã hội thời nay, không còn quan hệ chủ và đầy tớ như xưa, nhưng đổi thành quan hệ giữa người làm đầu, chủ xưởng, trưởng phòng, giám đốc, thủ trưởng với công nhân, người giúp việc, người làm công, xã viên, vv..., hoặc giữa Thày dạy nghề và người đi học nghề: may đo, thợ nguội, thợ tiện, thợ sửa ti vi, vv... Như thế, các bổn phận nêu ra sau đây vẫn áp dụng được y nguyên.
1/ Bổn phận đầu tiên: phục quyền và vâng lời: Lời Kinh Thánh dạy: “Tôi tớ, hãy vâng phục các người làm chủ đời này trong mọi sự. Đừng theo thói có mặt chủ mới siêng như những kẻ chỉ tìm cách mua chuộc lòng người, nhưng hãy phục vụ với một lòng chân thành, vì kính mến Chúa và như thể vâng phục Chúa Kitô. Làm gì thì hãy đem cả tâm hồn và tài khéo mình mà làm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, bởi biết rằng ai làm lành, sẽ hưởng sự lành nơi Chúa...” (Ep 6.5-8; Cl 3.22-25). “Kính sợ, phục tùng chủ như thế, không chỉ những người chủ tốt lành, khoan dung, biết điều hay biết thông cảm, song cả những chủ ác nghiệt, khó tính”.
Thánh Ao-gu-ti-nô nói: “Người tôi tớ cư xử sao cho người chủ thấy phải sai khiến là một điều áy náy, ngại ngùng; còn người chủ ăn ở sao cho người tôi tớ thấy phục vụ chủ là một điều vui sướng”.
2/ Bổn phận thứ hai là trung tín: Làm đúng như chủ dạy, hơn thế, làm cho tử tế, đúng đắn, hoàn bị. Lời Kinh Thánh vừa đọc trên đã nói rõ: “Hãy đem cả tâm hồn và tài khéo, chí thú làm việc... như thể làm cho Chúa”. Ngày nay, vì công việc ta làm nơi các xí nghiệp hoặc hợp tác xã thường có tính cách “dây chuyền”, có nhiều khâu liên kết với nhau, việc của người làm khâu này mà không cẩn thận, vì lười biếng, vì bớt xén, đỡ công cho mình, sẽ ảnh hưởng xấu đến người khâu sau, làm công việc của họ nên khó nhọc hơn, và nếu làm ẩu tả trong tất cả các khâu, thì kết quả là tái chế, loại bỏ, và tất cả tập thể, trong đó có mình, đều bị thiệt.
3/ Đừng biển lận, ăn cắp, bớt xén: (Tt 2.10), như người quản lý bất lương Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng (Lc 16.10tt). Có người lấy lý: lấy của Nhà nước, lấy của công không có tội, vì Nhà nước giàu có... Nếu ai cũng nói như vậy, thì cả triệu người công nhân, mỗi người ăn cắp một chút, sẽ làm cho nền kinh tế lụn bại... Tựu trung, cái tội là ở trong lòng, khi ta tham lam, ham muốn của người khác, đó là tội rồi. Điều răn thứ mười nói sao? “Thứ mười chớ tham của người”, dù đã có điều răn thứ bảy nói: “Thứ bảy chớ lấy của người”. Chính Đức Giêsu đã nói: “Tội là tự lòng phát xuất ra” (Mt 15.18-20).
4/ Nghĩa vụ sau đó là làm ích cho chủ mặt vật chất hay mặt tinh thần, biết góp ý kiến xây dựng, biết coi sự tiến bộ, phát triển của chủ, của chung... là điều tâm nguyện như tích truyện dưới cuối sẽ kể.
Cũng đừng hùa theo chủ mà làm bậy (2S 13.18,29; 14.29t). Nếu gặp những trường hợp chủ nói xấu xa, vô luân, hay phỉ báng đạo, hoặc dạy mình làm những điều trái lương tâm và luân lý..., thì lúc đó, ta phải bắt chước các tông đồ ngày xưa nói trước mặt vua quan rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn loài người” (Cv 5.29). Đừng vị nể, đừng khiếp nhược, đừng yếu đuối, đừng sợ mất việc làm. Thiên Chúa sẽ lo liệu cho ta. Điều này xin lưu ý các bạn trẻ tuổi cách riêng.
5/ Kinh Thánh còn dạy ta nghĩa vụ phải tôn trọng chủ (1Tm 6.1), chớ cãi trả, chống đối (Tt 2.9t), hoặc nói xấu chủ (2S 19.25tt).
Tóm lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu, Chúa cũng dạy ta sống đạo đức, thánh thiện, chứ không chỉ ở nhà thờ. Đạo phải sống trong cuộc đời mới là đạo chân thực.
Gia đình chúng ta hôm nay làm việc đền tạ Chúa, hãy thử xét mình xem trong công việc làm ăn, làm việc, giúp việc người khác, ta có sống đúng đạo Chúa dạy không, hay là chỉ có đạo ở nhà thờ, đạo môi mép, còn lối sống thì chẳng khác gì người vô đạo?
Tích truyện
Na-a-man, một kiện tướng bậc nhất của vua A-ram, ông lại mắc tật phung. May mắn, có đứa hầu gái của vợ ông mách nước:
- Nếu đức ông gặp tiên tri của xứ sở tôi, ắt sẽ được khỏi.
Nghe vậy, Na-a-man vào trình vua. Vua cho ông đi và cầm một thư giới thiệu. Vậy ông trẩy đi xứ Israen, mang theo lễ vật trọng hậu. Ông cùng đoàn tùy tùng đến trước cửa nhà tiên tri Ê-li-da.Tiên tri sai người ra nói:
- Ông hãy đi tắm 7 lần trong sông Yor-đan thì da thịt ông sẽ được lành sạch.
Na-a-man tức giận bỏ đi. Ông nói:
- Kìa! Ta cứ đinh ninh là hắn sẽ trịnh trọng đi ra, rồi đứng dừng lại trước mặt ta mà kêu khấn Danh Thiên Chúa của hắn. Đoạn khua tay đúng chỗ mà trừ bịnh phung. Há nước các sông ở xứ ta lại không tốt hơn tất cả nước sông ở Israen sao? Hà cớ hắn phải bảo ta đi tắm 7 lần ở sông Yor-đan của xứ hắn! Ta lại không thể tắm các sông xứ ta để được sạch sao?
Rồi ông quay lưng tức tối ra về. Đầy tớ ông mới tiến lại và khuyên ông:
- Chao ôi! Giả như tiên tri đã ra cho Ngài một điều kiện khó khăn nào, Ngài lại sẽ không làm ư? Đằng này, tiên tri chỉ nói với Ngài: tắm đi và ông sẽ được sạch.
Nghe lời khuyên hữu lý, ông tỉnh ngộ, làm theo, và quả thật, da thịt ông đã trở lại lành sạch như da thịt của một trẻ nhỏ. Ông trở lại với vị tiên tri của Thiên Chúa để cảm tạ Thiên Chúa và vị tiên tri của Người.
*************************
BÀI LỜI CHÚA 17
KÍNH LÃO ĐẮC THỌ
Trích sách 2 Ma-ca-bê 6.18tt
Có người kia, tên là Ê-lê-da, một người đã cao niên, diện mạo khôi ngô, thuộc hàng ký lục. Ông bị nhà cầm quyền ngoại đạo bắt ăn thịt heo (là điều luật Do thái cấm). Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục. Những người chủ sự tiệc cúng tà thần, vì quen biết ông lâu năm, nên đã kéo ông ra chỗ riêng mà khuyên nhủ ông giả đò ăn thứ thịt họ đem tới mà ông có phép ăn, như thể ăn thịt lấy ở cuộc tế tà thần của họ. Giả đò như thế, ông sẽ thoát chết. Nhưng ông có một quyết định can đảm, xứng với tuổi ông, với uy tín của tuổi già, với tóc bạc trắng phau, với đức hạnh sáng lạn từ thuở bé, và hơn hết, xứng với luật thánh Thiên Chúa thiết lập. Ông nói:
- Vào tuổi chúng ta đây, giả đò là điều chẳng xứng, kẻo lắm thiếu niên nghĩ rằng : lão Ê-lê-da 90 tuổi đầu đã qui hàng ngoại đạo, và họ bị lầm lạc vì tôi, bởi tôi tham chút đời tàn vắn vỏi mà giả đò ăn thịt luật Chúa cấm, để chuốc lấy cho tuổi già vết nhọ, vết hoen. Quả thế, cho dù lúc này tôi tránh được khổ hình do tay người phàm, thì dù sống hay chết, tôi cũng sẽ không thoát khỏi tay Đấng Toàn Năng. Bởi thế, can đảm thí mạng sống mình đi, tôi sẽ tỏ mình xứng đáng với tuổi già của tôi, và để lại cho hạng thiếu niên tấm gương cao quí, là chết cái chết hạnh phúc, tự nguyện và dũng cảm, để tuân giữ các luật thánh Thiên Chúa.
Nói xong, ông tiến lên nơi hình khổ. Những người điệu ông đi, đã đổi thiện cảm họ có trước đó với ông thành ác cảm, vì lời lẽ ông vừa nói họ nghĩ là lời điên khùng. Khi sắp chết dưới trận đòn, ông rên lên và nói:
- Đối với Chúa, Chúa biết tôi có thể thoát chết đau đớn, tủi nhục như thế này, nhưng hồn tôi vui sướng khi chịu đòn vọt dữ dằn vì lòng kính mến Người.
Vậy ông đã qua khỏi đời này như thế. Trong cái chết, ông đã để lại, chẳng những cho các thanh niên, mà còn cho hầu hết tất cả dân tộc, một gương sáng anh dũng và một ký ức về lòng đạo đức.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Một bậc già cả 90 tuổi đời như ông Ê-lê-da thật đáng kính trọng mọi bề : nào đạo đức, trung tín giữ luật thánh Chúa, nào can đảm, không sợ đòn đánh đến chết, nào khôn ngoan trong những lời lẽ chân thành và sáng suốt. So với ông già ấy, nhiều người trẻ phải thẹn thuồng...
Quả thật, mọi dân tộc đều kính nể tuổi tác và kinh nghiệm của người già. Suốt dòng lịch sử, ngay từ các bộ lạc thái cổ, các bậc lão thần vẫn làm Trưởng tộc, lãnh tụ, tù trưởng. Các dân bán khai cũng có hội đồng cố vấn, gồm các bô lão, hoặc cao niên.
Trong Kinh Thánh cũng vậy, từ Cựu Ước đến Tân Ước, các bậc kỳ lão, niên trưởng luôn đứng đầu các cộng đoàn, hoặc giữ chức cố vấn cho dân (x. 2S 5.3; Ezra 6.7; Cv 20.17-28...). Trong Kinh Thánh, rõ ràng Chúa dạy phải kính trọng bậc cao niên, vì tuổi già biểu tượng cho Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Hằng Sống đời đời. Trong sách Đa-ni-ên, Thiên Chúa hiện ra với tiên tri dưới hình dáng một “vị Cao Niên, đầu tóc Ngài trắng như len đã phiếu giặt” (Đn 7,9; Kh 1.14). Bởi đó, có lời Chúa dạy: “Trước mặt kỳ mục, ngươi sẽ đứng lên, ngươi sẽ kính nhan người già cả” (Lv 19.32). “Đừng ngược đãi người già, song hãy khuyên can như thể cha mình” (1Tm 5.1). Chúa còn dạy tôn trọng người già vì sự khôn ngoan của họ: “Đừng khinh bỏ lời dạy dỗ của người già, vì chính họ đã thụ giáo với tiền nhân; nhờ đó, con sẽ hấp thụ tinh khôn, để khi cần đến có phương ứng đáp” (Hc 8.9).
Truyền thống gia giáo Á đông chúng ta từ xưa vẫn cung kính các bậc trưởng thượng, cao niên: “Kính lão đắc thọ”; và vẫn đề cao sự khôn ngoan, từng trải của các vị khi nói: “Đi thì hỏi già, về nhà thì hỏi trẻ”.
Còn ngày nay thì sao?
1/ Phải thú nhận là người đời nay đã đánh mất khá nhiều sự kính trọng tuổi già. Một phần do tinh thần dân chủ, bình đẳng, làm người ta không còn câu nệ, trọng kính tôn ti, đẳng cấp như xưa. Nhưng cái nguyên do chính là tinh thần của thời đại duy vật chất, duy lợi, duy ích đã xui khiến người trẻ, cả trẻ con nữa, khi đánh giá một người nào là xét theo những tiêu chuẩn về trẻ trung, sắc đẹp, sức lực, thân xác, về những tài khéo (như hát hay, nhảy giỏi, phá kỷ lục...), hoặc về năng lực sản xuất, sáng kiến giỏi. Người thời nay đã đánh mất lòng quí trọng sự khôn ngoan, sự từng trải do kinh nghiệm lâu năm của tuổi già... mà chạy theo kiến thức rộng, khoa học, kỹ thuật tiến bộ, mới mẻ, tiện nghi... Đà tiến bộ mau lẹ của kỹ thuật trong mọi lãnh vực làm cho người già mất đất đứng, mất chức vị, mang bộ mặt lạc hậu và coi ý tưởng của họ là “quá đát”, lỗi thời... Bởi tất cả các lý do trên, người già cứ dần dần mất chức vị và không được nể vì...
2/ Nhưng con người vẫn là con người. Lịch sử cho đến ngày nay vẫn minh chứng rằng: loài người và mỗi dân tộc đều rất cần đến sự sáng suốt của những người cao niên, và cần những kinh nghiệm của bậc lão thành. Các bậc này nhìn đời và thời đại mình dưới ánh sáng vĩnh cửu. Họ đã từng trải nhiều, đã rút được từ những thất bại, những tranh đấu và những tiếp xúc với người đời, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sự khôn ngoan cùng kinh nghiệm ấy không gì thay thế được, vì chỉ tuổi đời mới đem lại cho. Những người trẻ biết đời chỉ một khía cạnh và cách hời hợt. Những người già đã nhìn đời lâu và có thời giờ nhìn dưới nhiều góc cạnh, đã làm việc, đã gặp gỡ nhiều người, đã thành công và đã thất bại... Họ biết nhiều về cuộc đời, về tâm lý, về con người... Chính cái vốn liếng khôn ngoan, từng trải ấy có thể giúp đỡ người trẻ đỡ vấp váp trong cuộc đời. Vì thế, khi đi vào cuộc đời, bạn hãy hỏi ý kiến của người già: “Đi hỏi già” thật đúng thay! Mà các bạn nên nhớ: có những cái vấp váp nhẹ, nhưng cũng có những vấp váp nặng, mà suốt đời bạn không bao giờ còn ngóc đầu lên nổi. Nếu các bạn được một người cao niên giúp bạn tránh tai họa ấy, các bạn có thấy quí không? Xin lấy một ví dụ: Một thanh niên nói: “Cô gái này dễ thương, tôi sẽ cưới cô làm vợ!”. Người cao niên đầy kinh nghiệm thì nhìn xa hơn. Ông cũng thấy quả cô ấy dễ thương thật, nhưng cô ấy thiếu một đức tính gì quan trọng làm người chồng sẽ không thể tin cậy hoàn toàn vào cô, và sau này, cô sẽ có thể bất trung với chồng và không dạy dỗ con cái cho nên được.
Vậy thực tế, ta phải đối xử với người già làm sao?
Bài suy niệm Lời Chúa hôm nay, cố ý dành riêng cho giới trẻ. Nhưng nhiều khi phải thú nhận rằng: người lớn cũng đã thiếu kính trọng ông già, bà cả trong cũng như ngoài gia đình, cho nên con cháu bắt chước mà vô lễ với họ. Muốn con cháu sau này kính trọng ta lúc tuổi già, ta phải kính trọng người già cả trước, như tích truyện ở cuối sẽ cho thấy.
Nhiều gia đình có lỗi hay nhiếc mắng người già, hoặc xử tàn tệ, rẻ rúng, để các cụ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu những thứ cần dùng trong đời sống. Thường ta đối xử tệ bạc là do họ không còn làm ra tiền nữa. Quả thực, người già không còn làm việc, hoặc không làm ra tiền, song trong quá khứ, họ đã làm việc nhiều, và trên hết, họ có một chức vị, có một sự đáng kính do tuổi tác và do kinh nghiệm. Chẳng phải nhờ những người già cả này, mà các thế hệ sau nhận được không những sự sống, mà còn là tất cả những của cải, những phong phú của cuộc đời ư? “Con người có bố có ông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Đó là giá trị của họ, là chức vị của họ: chỉ ngần ấy thôi, họ cũng đáng ta kính trọng rồi.
Vậy lòng kính trọng ấy, ta hãy biểu lộ ra bằng hành vi, cử chỉ, tỉ dụ như lễ phép chào hỏi, không cướp lời, cắt ngang lời họ, nhường chỗ tốt, nhường món ăn ngon cho họ, đừng ăn nói hỗn hào, chỉ trích, phê bình, chê bai..., nhất là chê họ cổ hủ, lạc hậu, vv...
Ta còn phải làm vui lòng họ bằng cách đến tiếp xúc, thăm viếng, xin ý kiến họ, xin họ chỉ bảo cho... Và trên hết, giúp đỡ họ những điều cần thiết cho tuổi già, nhất là sự ân cần và lòng thương mến. Rồi tùy sức, tùy khả năng, ta cung cấp cho họ một cảnh sống thích hợp với tuổi tác và sức yếu mòn của họ, thuốc men khi cần, thức ăn uống thích hợp và một đôi điều để tiêu khiển. Ta hãy dành một chút thời giờ săn sóc họ, vì nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Sự gì các con làm cho một kẻ bé mọn, yếu hèn nhất trong các anh em Ta, là các con làm cho chính Ta” (Mt 25.40).
Còn biết bao việc phục vụ nho nhỏ như mang một lá thư đi bỏ, viết giùm một bức thư cho họ, giúp họ băng qua đường phố đông xe cộ, đừng làm ồn ào, nói to để họ ngủ an giấc, vv... Cuối cùng, hãy nên nhớ một ngày kia, đến phiên ta cũng sẽ già và cần người trẻ giúp ta, săn sóc ta, đối đãi ân ần và thương mến ta.
Hôm nay, gia đình ta làm giờ đền tạ này, xin Chúa tha thứ bao sai lỗi trong việc không kính trọng người già cả.
Tích truyện
Một hôm, khách qua đường xúm xít đứng xem một gã đàn ông đang chửi bới và đánh đập một ông già, ý chừng là bố hắn. Cuối cùng, hắn lôi xềnh xệch ông già nọ ra tới thềm cửa, rồi vứt ông nằm sấp ngang bực cửa. Ai ai thấy thế đều chép miệng than thầm, thương hại ông già và nguyền rủa người con. Một lúc sau, gượng dậy được, ông già thấy người ta bu quanh thì khoát tay nói:
- Thôi! Mấy người đi về đi, có chi lạ đâu! Cũng đừng nguyền rủa thằng con trai tôi làm gì! Nó làm đúng như tôi đã làm cho bố tôi hồi trước. Tôi nhớ lắm, tôi cũng lôi bố tôi và đẩy ngã sấp xuống cái thềm này đây, như tôi hôm nay.
*************************
BÀI LỜI CHÚA 18
Tình anh chị em ruột thịt
Trích sách Khởi Nguyên, ch.37 trở đi
Ông Ya-cóp có 12 người con. Ông thương cậu Giuse hơn cả,vì cậu là con lúc tuổi già. Ông may cho cậu một chiếc áo đẹp súng sính. Thấy em được cha thương, các anh đâm thù ghét, không thể nói một lời hòa nhã với cậu. Một hôm, ông Ya-cóp sai Giuse đi đưa cơm cho các anh chăn chiên ngoài rừng. Thấy cậu từ xa đang tiến đến, mấy người anh lập mưu giết cậu. Nhưng anh cả là Ru-ben can ngăn:
- Đừng đổ máu nó, nó cũng là máu mủ ruột thịt với mình. Hãy vứt nó vào giếng cạn kia!
Ru-ben định bụng sẽ cứu em mà đem về trả cho cha già. Khi Giuse đến, họ túm lấy, lột chiếc áo đẹp và vứt cậu xuống giếng cạn, rồi họ ngồi xuống ăn cơm. Một lúc, có đoàn lái buôn tải hàng sang bán bên Ai cập. Yu-đa bàn với anh em:
- Giết nó là em cùng máu thịt với mình là không tốt, đàng khác nào có lợi gì? Chi bằng ta bán quách nó cho bọn lái buôn kia.
Tán thành, họ kéo Giuse lên khỏi giếng, bán cho đoàn lái buôn với giá 20 lạng bạc. Bấy giờ, họ lấy áo của Giuse, nhúng vào máu một con dê, đem về cho cha và nói:
- Chúng tôi gặp thấy cái này. Cha xem có phải là áo của con cha không?
Ya-cóp cầm lấy áo nhuốm máu và xem:
- Thực là áo con ta, thú dữ đã ăn thịt nó rồi!
Và ông xé áo mình ra, chịu tang con, khóc lóc thương nhớ lâu ngày. Ông nói:
- Chắc ta sẽ chết theo con ta mất thôi!
Phần cậu Giuse, sang đến Ai cập, bị đoàn lái buôn đem bán cho quan thái giám Po-ti-pha. Ông rất tin dùng cậu... Từ đó, cuộc đời cậu lúc thăng, lúc trầm. Dù trải qua nhiều gian lao, song cậu phó thác và tin cậy vào Chúa, nên Chúa đã hộ phù cậu được nhiều may mắn. Sau cùng, cậu làm đến chức Tể tướng tại triều đình, lo việc tài chính và lương thực cho cả nước. Xảy ra có nạn hạn hán lớn ròng rã 7 năm trời. Nước Ai cập không hề bị chết đói, vì nhờ tài khéo của Giuse, đã tích trữ những kho lương thực cho cả nước. Nước Pha-lê-tin cũng bị nạn hạn hán và đói khổ vô cùng. Ông Ya-cóp sai các con xuống Ai cập mua lúa. Vào gặp quan Tể tướng, xin mua lúa, mấy anh em đâu có ngờ đó chính là Giuse. Riêng Giuse, trái lại, nhận ra anh em mình, song ông làm lơ, tỏ bộ không biết. Mãi sau, dò hỏi đích xác là cha già còn sống, ông mới tỏ mình ra cho anh em ông:
- Tôi là Giuse đây, các anh đã bán sang Ai cập, nhưng Thiên Chúa đã an bài để tôi sang đây trước mà ngày nay cứu sống được cả gia đình.
Nghe thế, anh em ông hết hồn và cầm chắc sẽ bị Giuse báo thù. Nhưng nghĩ tình anh em, Giuse đã tha thứ cho họ, còn sai quân về tận quê hương đón cha già sang Ai cập, để hưởng phú quí. Đối với anh em, ông cũng cấp cho đất ở Ai cập để họ làm ăn.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Có biết bao anh em, chị em ruột thịt không biết thương nhau, lại cãi cọ, bất hòa và ganh tị vì quyền lợi như các anh ông Giuse. Vì sao có tình trạng đáng buồn ấy?
Thưa: có nhiều duyên cớ, nhưng nói gọn lại cũng do từ nhỏ, các trẻ đã không được dạy cho hiểu tình anh em ruột thịt là quí báu chừng nào, và phải làm gì để bảo vệ nó. Điều ấy như sau:
1/ Không kể cha mẹ ở trên được coi như đại diện Thiên Chúa, sinh thành, dưỡng dục; thì dưới có anh chị em ruột, là những người thân cận nhau nhất: Đó là xã hội nhỏ bé đầu tiên của đứa trẻ. Trong xã hội cỡ bỏ túi đó, anh em, chị em được liên kết với nhau bằng giây máu mủ, và được bao bọc bởi tình thương của cha mẹ. Chúng chơi với nhau, học hành, làm việc với nhau, chung một mâm cơm, chung niềm vui cũng như nỗi buồn, cùng dự những ngày lễ gia đình, cùng đọc kinh tối sáng, cũng đi dâng Thánh Lễ... Chúng cảm thấy chung được cuộc sống, chung số phận. Đáng tiếc cho nhà nào chỉ có con một, đứa trẻ sẽ cảm thấy trống vắng, buồn tẻ, nó không có bạn vui đùa, không có anh em để lo lắng, săn sóc, để kể chuyện cho nhau nghe, để học hỏi nhau, khuyên bảo nhau, sửa chữa tính xấu cho nhau, đứa lớn bênh vực, dẫn dắt đứa bé, giúp nhau trở nên người tốt hơn. Rồi đến lúc lớn khôn, cùng nhau bàn bạc, dự tính chuyện này chuyện nọ, khuyến khích nhau học hành, thi cử, hay làm nghề nghiệp...
Quả thật, chung sống giữa tình anh em như thế là một ơn huệ quí giá vô ngần cho một con người.
2/ Hưởng được tình thương và mọi lợi ích, thì cuộc chung sống với anh em cũng đặt ra những bổn phận phải thi hành. Nói đến bổn phận, tức là muốn nói đời sống chung giữa anh em với nhau không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi nhiều hi sinh, cố gắng. Nhưng những bổn phận ấy sẽ như rào cản, bảo vệ không cho tính xấu và sự ích kỷ của mỗi người làm sứt mẻ và nứt rạn khối đoàn kết và tình thương giữa anh em, để rồi đi đến xâu xé, thù hận.
Sau đây, phác sơ vài bổn phận:
a/ Bổn phận trước hết là tôn trọng cá tính, tính tình riêng và quyền lợi của mỗi người: Điều này tập cho mỗi đứa trẻ biết nhẫn nhịn, biết nhượng bộ, cho dù thấy mình đúng, mình có lý, có quyền. Mỗi người có quyền lợi riêng của họ, nên tự nhiên, người nào cũng có xu hướng chỉ nghĩ đến mình, bỏ mặc người khác, hoặc tệ hơn, chà đạp quyền lợi kẻ khác, hay lợi dụng kẻ khác để làm lợi cho mình. Nếu trong anh em ruột, ai cũng chiều theo xu hướng đó, trong gia đình sẽ xảy ra tranh chấp khốc liệt, đó là hỏa ngục, chứ không còn là tổ ấm.
b/ Cần tập chịu đựng các tính nết xấu, khuyết điểm, lỡ lầm của nhau, như Chúa dạy: “Mỗi người hãy vác lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6.1tt). Biết mau làm hòa, biết bỏ qua lỗi lầm, đừng chấp nhất, như ca dao tục ngữ có câu: “Thương nhau thì một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Hơn thế, biết làm thỏa lòng anh em trong các ao ước, hoặc đòi hỏi chính đáng của họ.
c/ Tập coi việc phục vụ là một niềm vui: Hãy sẵn sàng giúp đỡ, phục vụ mà không đòi bên kia phải đền đáp, theo kiểu hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại. Chúa dạy hãy làm đầy tớ cho nhau (Mt 20.26; 23.11), hãy rửa chân cho nhau, hầu hạ nhau như Chúa đã làm gương trước (Mt 20.28; Yn 13.14-15). Anh lớn giúp em bé, người mạnh giúp kẻ yếu, đứa có tài, học giỏi kềm bài cho đứa học kém. Công tác phân chia theo năng lực: con trai việc khó, việc nặng như chở củi, sửa xe, sửa điện, chạy việc; con gái làm việc nhỏ hơn, song nhiều khi tỉ mỉ, công phu như may vá, làm bếp, giặt giũ... Ngay giữa con trai với nhau cũng khác tài: đứa giỏi tháo vát, đứa giỏi thể thao, đứa giỏi toán, đứa kia lại thích văn chương, vv... ; tất cả anh em, chị em bổ túc cho nhau, nâng đỡ nhau. Quả thật, câu Thánh vịnh đã rất đúng: “Kìa xem vui thú biết bao, anh em một nhà chung sống thật là đềm êm!”
Còn thấy có những trường hợp anh hay chị lớn hi sinh tình yêu và hạnh phúc riêng, không lập gia đình, ở vậy giúp đỡ, nuôi nấng các em ăn học đến thành tài. Tấm lòng hi sinh ấy thật là cao quí! Vậy họ hãy tận tụy giúp các em học hành, làm gương sáng cho em, hướng dẫn công việc cho chúng và nhất là làm cho chúng trở nên tốt, nên một công dân ưu tú và xứng đáng một người con Chúa hơn. Nhưng họ cũng hãy nhớ rằng: việc chính trong giáo dục không phải là chỉ trích, la mắng, cho bằng biết khai quang đường lối cho chúng dễ dàng đi đến sự tốt, sự lành, sự thiện.
Bài suy niệm hôm nay tới đây tạm ngưng, bài sau sẽ tiếp. Trước khi đọc kinh đền tạ, xin kêu gọi các bạn trẻ, các người đang là anh em với nhau, hãy đón nghe Lời Chúa dạy và lời suy niệm hôm nay, để làm cho đời sống anh em ruột thịt thêm tươi vui, hạnh phúc; và chính mình, khi tuân theo các điều Chúa dạy, là người được hạnh phúc trước tiên.
Tích truyện
Rất hiếm có gia đình nào mà tình chị em lại đậm đà, tha thiết như gia đình của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngay từ lúc Têrêsa vừa biết nói, hễ lần nào mẹ hỏi:
- Con nghĩ gì đấy?
Têrêsa đều thưa: Con nghĩ đến chị Pô-lin (Pauline).
Khi Têrêsa nghe nói chị Pô-lin sẽ đi tu, dù chưa hiểu tu là gì, Têrêsa cũng nhủ mình: “Tôi cũng đi tu!”. Nhưng nhất là từ ngày mẹ em mất đi, thì Pô-lin thành một người mẹ thứ hai. Hôm ấy, sau lễ an táng, năm chị em mặt ủ mày châu, buồn bã nhìn nhau. Thấy thảm cảnh ấy, người vú cũng đem lòng thương hại, quay nhìn hai đứa nhỏ nhất là Xê-lin và Têrêsa mà nói: Khốn nạn! Các cô không còn có mẹ nữa!
Nghe vậy, Xê-lin chạy đến xin chị Marie làm mẹ. Còn Têrêsa, nhìn Pô-lin cách yêu mến, rồi ngả đầu vào ngực chị mà nói: Em nhận chị Pô-lin làm mẹ!
Ngoài những săn sóc, âu yếm của một chị lớn dành cho đứa em út, Pô-lin còn khéo uốn nắn tâm hồn em nên đạo đức. Khi Têrêsa dọn mình xưng tội lần đầu, Pô-lin bảo: Hỡi em Têrêsa, nay em đi xưng tội, là em xưng với Chúa, chứ không phải xưng với người nào của thế gian. Chúa Giêsu sẽ lấy nước mắt của Ngài mà rửa sạch linh hồn em.
Têrêsa rất thích các lễ trọng trong Hội Thánh. Pô-lin giải nghĩa sự mầu nhiệm của mỗi lễ trọng cho em nghe, làm Têrêsa say mê thích thú. Tối tối, sau khi đọc kinh, Pô-lin dẫn em vào giường ngủ. Lần nào, Têrêsa cũng hỏi chị: Hôm nay em có ngoan không? Chúa có bằng lòng em không? Các thiên thần nhỏ có bay lượn chung quanh em không?
Bao giờ, Pô-lin cũng trả lời: “Có”, rồi hôn em và dỗ em ngủ. Chính Têrêsa viết trong hồi ký: “Em vẫn thường vấn tâm: làm sao chị đã khéo dạy dỗ em như thế? Yêu thì rất yêu, mà không làm em hư”. Têrêsa có lỗi, Pô-lin luôn ra công dạy dỗ, khuyên bảo, và điều gì đã bảo là Têrêsa phải tuân theo, nói rồi không nói lại.
Có gì, Têrêsa cũng tâm sự với chị, gặp điều nghi nan cũng hỏi chị để được giải thích. Một lần kia, Têrêsa hỏi chị: Sao Chúa không ban cho các thánh sự vinh hiển bằng nhau, e rằng các thánh không vui lòng?
Người chị liền sai em đi lấy mấy cái ly, cái tách, cái lớn, cái nhỏ, rồi chị rót nước vào đầy các ly, các tách ấy và hỏi Têrêsa: Cái nào đầy hơn?
Têrêsa đáp: Em nghĩ cái nào cũng đầy cả, không thể đổ nước thêm nữa!
Bấy giờ, Pô-lin mới giải nghĩa cho em hiểu: trên thiên đàng cũng vậy, thánh nhỏ nhất cũng không phân bì vinh hiển của thánh lớn, vì Đấng nào cũng được đầy trọn vinh hiển và phúc lộc cả rồi, không còn ao ước gì thêm nữa. Được tình thương của các chị bao bọc, săn sóc, dạy dỗ như vậy, hèn chi Têrêsa chẳng mau làm thánh!
*************************