Friday, August 4, 2023

 BÀI LỜI CHÚA 50-51
BÀI 50
Xiêu Lạc Trong Vật Chất
Trích Tin Mừng Thánh Luca 19.1-10
Ở thành Yê-ri-kô, có ông Za-kêu, làm ty trưởng quan thuế, và là người giàu có, nhưng cũng bị dân chúng rất chê ghét. Ông từ lâu những mong được biết mặt Đức Giêsu, vị tiên tri hay làm nhiều phép lạ và dân chúng đồn đại về Ngài rất nhiều. Hôm ấy, trên đường đi lên Yêrusalem, Đức Giêsu đi qua thành Yê-ri-kô. Dân chúng kéo ra xem chật ních hai bên đường. ông Za-kêu tìm hết cách để được thấy Ngài. Nhưng làm thế nào được, vì ông vóc dáng thấp bé. Bí thế, ông chạy trước đến một cây sung bên vệ đường, và trèo lên ngồi chờ, chắc chắn Đức Giêsu phải đi qua đó. Ẩn mình trong đám lá um tùm, ông sung sướng nhìn ngắm nét mặt, trên đó toả chiếu một vẻ đạo đức phi phàm... Trái tim ông đập rộn ràng, như bị cuốn hút bởi nhân vật mà ông thấy không phải từ trái đất ô trọc này mà xuất ra...
Và này, đột nhiên Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn và gọi tên ông:
- Za-kêu! Hãy xuống mau! Hôm nay, Ta phải lưu lại nhà ngươi.
Za-kêu hơi hổ thẹn, vì thấy có nhiều người cùng ngước mắt lên nhìn - chẳng gì thì ông cũng đường đường là một viên trưởng ty giàu có và quyền thế nhất nhì trong vùng. Dầu vậy, ông cũng rất sung sướng, mau mắn tụt xuống khỏi cây sung, đưa Chúa về nhà, hết lòng đón tiếp.
Mọi người kinh ngạc và lẩm bẩm kêu trách Chúa:
- Ông ấy vào ngụ nhờ nhà một kẻ tội lỗi bất lương như thế ư?
Nhưng họ có biết đâu, trong sâu kèn của hồn ông, ông đã được biến đổi vì gặp gỡ Chúa và vì thấy tấm lòng nhân từ của Chúa. Ông ra trước mặt Ngài và nói với Ngài trước đám đông:
- Thưa Ngài, nửa phần của cải tôi, tôi xin đem cho các người nghèo. Và nếu tôi đã làm thiệt ai phần nào, tôi xin đền họ gấp bốn!
Đức Giêsu nhìn ông trìu mến và nói:
- Za-kêu! Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này!
Rồi Ngài cố ý nói cho đám đông nghe:
- Cả ông này nữa cũng xứng đáng là con cái của A-bra-ham. Thế đó, Con Người đã đến trên thế gian này để đi tìm và cứu những gì đã hư mất!
* Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Không biết từ cây sung về nhà, ông Za-kêu có được Chúa nói gì không, mà bỗng nhiên, từ cuộc gặp gỡ ấy với Chúa, bàn tay ông đang nắm lại, khư khư giữ của, đã mở ra chia sẻ cho người nghèo đến cả nửa gia tài; bàn tay đang tàu gom, vơ vét, tước đoạt của đồng bào, nay xoè ra đền trả gấp bốn những ai ông đã làm thiệt hại.
Cũng vậy, chúng ta mỗi người cũng đang nắm tay khư khư giữ lấy của cải, chẳng muốn chia sẻ cho ai, giúp đỡ ai, bố thí cho ai... Chỉ khi nào ta được gặp Chúa Giêsu thật, thì qua cuộc gặp gỡ ấy, Ngài sẽ ban ơn mở lòng cho ta biết mến Chúa và thương người đến mức không còn tiếc xót của cải quá, mà mở ra chia sẻ, và nếu như đã làm thiệt hại ai, thì đền trả họ ngay.
Ta có nghe Chúa nói với Za-kêu sao không? “Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này!”. Nhà này là nhà Za-kêu, một tên tội lỗi bị dân chê ghét, căm thù vì làm quan thuế, hà hiếp, sách nhiễu và đầy gian tham, bất công. Thế mà, hôm nay được gặp Chúa, đón tiếp Chúa, thì ơn cứu rỗi, ơn tha thứ đã đến cho ông. Bằng chứng được ơn cứu rỗi ấy là việc đại độ phi thường của ông. Bây giờ, ta vỡ lẽ ra rằng: được ơn cứu rỗi vô cùng quí giá, người ta coi của cải chẳng đáng giá bao lăm nữa. Vậy gia đình ta đã được ơn cứu rỗi như thế chưa? Cứ dấu này thì biết: nếu ta mở rộng lòng thương yêu chia sẻ, san bớt cho người nghèo, ta không còn ham hố tiền của, nợ nần ai, bao nhiêu ta thanh toán sòng phẳng: đó là dấu ơn cứu rỗi đã đến cho nhà mình.
Buồn thay! Ngày nay, trong nhiều gia đình, cũng như nói chung tất cả thế giới quanh ta đều ngự trị tinh thần duy vật sâu đậm. Cha mẹ, phụ huynh muốn cho con em mình được ơn cứu rỗi, được hạnh phúc, hãy dạy cho chúng biết đại độ, không ham vật chất, biết san sẻ cơm áo cũng như tình thương cho người thiếu thốn. Trong việc này, gương sáng và lời nói của phụ huynh có một hiệu quả quyết định. Con cái sẽ học ở nơi họ cách biết sử dụng tốt của cải. Coi chừng có những hành động sai trái mà cha mẹ không dè, lại rất tai hại cho tâm hồn chúng, chẳng hạn: do lòng thương con quá đáng và thiếu sáng suốt, họ đặt vào tay con cái quá sớm món tiền túi khá lớn, kích thích con cái tiêu xài thoả thích, không hề thua chúng bạn điều gì; cứ đà ấy, lớn lên, hễ thiếu gì một chút, chúng sẽ không thể chịu nổi, phải tìm cách xoay xở bằng bất cứ cách nào tốt hay xấu để có tiền xài... Quen nết mất rồi! - Hoặc do mù quáng, thiếu suy nghĩ, cha mẹ mua sắm cho chúng những quần áo đất tiền để chưng diện, để nổi bật, để làm le; mua cho chúng những đồ chơi đắt giá hầu khỏi thua kém con nhà hàng xóm, xấu hổ cho cha mẹ... - Rồi, một chút gì chúng làm tốt, một việc phục vụ nhỏ, đáng lẽ phải cho chúng hiệu đó là việc phải làm thôi, coi như đương nhiên nơi một tâm hồn con cái Chúa, thì lại cứ mỗi chút mỗi thưởng tiền, thưởng quà..., vô tình phụ huynh gây cho chúng một thói quen vụ lợi, không còn có tâm hồn tốt, biết phục vụ nhưng không, không biết dâng cho Chúa vài việc làm chỉ vì mến Chúa chứ không vì lợi lộc. Nhiều gia đình ngày nay, vào dịp Giáng sinh hay sinh nhật con cái, dịp Rước lễ lần đầu... đã tổ chức ăn lớn, tiệc tùng tiêu phí, hoàn toàn nhằm thoả mãn tính khoe khoang, tiêm nhiễm vào đầu óc chúng thói kiêu hãnh vì của cải... Nói tóm, thái độ và hành động thiếu suy nghĩ, chạy theo thói đời như trên của phụ huynh đã gieo vào lòng con em những mầm giống cỏ lùng xấu xa... của lòng ham hố, tham tiền, cần tiền, thích yêu xài, khoe của... Thảo nào. chúng lớn lên thành những người ích kỷ, chỉ biết có tiền, chỉ sống vì tiền, chạy theo vật chất, như ngày nay ta thấy trong rất nhiều gia đình mang danh Kitô giáo!
Thêm vào đó, xã hội còn treo lên bao gương xấu, bày ra nhiều trò thúc giục trẻ em chạy theo vật chất: nào trò chơi, nào cờ bạc, bàu cua, tôm cá, xì lát, bài cào..., các đồ chơi, các hàng kẹo bánh đủ thứ..., toàn là để moi tiền túi của lũ nhỏ. Nói tóm, tâm hồn non nớt của trẻ em bị thu hút và chằm chằm dán mắt vào đồ vật, vào việc làm sao có nhiều tiền, vào sự thoả nhu cầu vật chất, vào sự thụ hưởng... Thế là, ngay từ non trẻ, chúng không còn thấy tình yêu, tình thương, không được dạy niềm vui chia sẻ, sự cao quí của hãm mình, hi sinh vì Chúa, vì anh em đồng loại... là những giá trị cao quí, và làm giàu thật sự cho một con người.
Chúng ta, bậc phụ huynh, cha mẹ, đừng tưởng con cái chúng ta chỉ có lòng ích kỷ. Không! Con cái chúng ta, ngoài tính bản thiện và lòng trắc ẩn sẵn có nơi con người, còn là con cái Chúa, có mầm sự sống Thiên Chúa là ơn thánh sủng trong hồn, chúng có khả năng đại độ và yêu thương rất lạ lùng, nhiều khi làm ta kinh ngạc... Chẳng cần kể ra đây các chứng tích làm gì... Ăn thua và bậc phụ huynh có biết khơi dậy, có biết hướng dẫn và tập tành cho chúng không? Đừng đợi chúng lớn mới dạy dỗ, có khi đã quá muộn: “Bé không vin, cả gẫy cành”, như tục ngữ đã nói.
Đức Thánh Cha, trong Thông điệp “Quan tâm về vấn đề xã hội” mới năm ngoái, có dạy rõ: Nhiều của không đưa tới hạnh phúc. Đây lời ngài: “Một cách cụ thể, ngày nay, người ta hiểu rõ hơn rằng: duy việc chồng chất nhiều của cải và phương tiện... không đủ để thực hiện hạnh phúc cho loài người. Cũng vậy, vô số lợi ích thiết thực, do khoa học và kỹ thuật mang lại... cũng không đem đến cho con người một sự giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ”. Chúng ta cứ thử nghĩ đến những công nhân làm công đoạn trong xưởng máy, chẳng hạn: máy tự động cứ đưa đến tầm tay là người thợ phải làm một việc nhất định, và cứ làm hoài suốt ngày có một cử chỉ đó hàng vạn lần... Thật là một công việc vô cùng nhàm chán. Thêm vào đó, nếu tốc độ càng nhanh, cử chỉ họ làm càng phải mau lẹ, mỏi tay rã rời cũng phải chịu, cứ phải làm, vì máy tự động cứ đưa giàn sản xuất giây chuyền đến..., không làm thì công đoạn sau, người ta lấy gì mà làm. Có một người bạn trẻ ở bên Ý viết thư về nói: Chị làm ở xưởng đóng hộp thịt gà. Giàn máy tự động đưa con gà đến nơi chị, chị phải mổ lấy ruột ra, và cứ thế với tốc độ 6.000 con một ngày. Chị làm chưa quen, nên cứ ngất xỉu vì chóng mặt, mỏi rời chân tay. Đó, máy móc, tiện nghi kỹ thuật có giải phóng con người đâu? Họ nô lệ máy móc.
Đức Thánh Cha còn báo động về cái thói xấu thời nay: chạy theo các cái mới: do kỹ thuật tân tiến, mỗi năm lại càng tân kỳ, mới mẻ: vừa mua năm ngoái cái máy cát-xét mô đen này nọ, năm nay lại có cái tinh vi hơn, tự động trở ngược băng nhạc, tự động tắt... Cái hại ở chuyện này là gì? Đức Thánh Cha nói: “Đó là cái thói mù quáng lệ thuộc vào sự tiêu thụ..., do làn sóng quảng cáo và sự mời mọc liên lỉ quyến rũ của đồ hàng tiêu thụ, khiến người ta càng có của, thì càng thêm khao khát, đang khi những khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn lại không được thoả mãn”, trái lại còn bị vật chất bóp nghẹt: đó là vật chất bóp nghẹt tâm linh, cỏ lùng bóp nghẹt lúa tốt, bả vinh hoa phú quí, ăn chơi, tiêu xài bóp nghẹt Lời Chúa và đức tin trong linh hồn..., loài người không còn thực hiện ơn thiên triệu siêu nhiên của mình là hướng về Thiên Chúa và tìm hạnh phúc nơi Chúa nữa. Nhưng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vừa có xác, vừa có hồn; họ được sử dụng vật chất, nhưng cách thế nào để đạt tới sự sống bất tử của linh hồn thì mới đúng với ơn thiên triệu của họ. Đi trệch lối ấy, lạc hướng, chìm nghỉm trong hưởng thụ vật chất là đi ngược với ý Chúa.
Xin kết luận bài học hôm nay bằng một lời dạy của Kinh Thánh (1tm 6.6-10): “Phải, đạo đức quả là lợi lớn, miễn là ta biết đành phận. Vì vào trần gian, ta chẳng đem gì, thì ta cũng chẳng thể đem gì đi ra. Một khi có ăn, có mặc, ta hãy bằng lòng! Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ với bao cạm bẫy và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà sẽ bị trầm luân, diệt vong, hư khốn! Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thoả lòng tham thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau dằn vặt, xâu xé. Còn người của Thiên Chúa hãy xa lánh các điều ấy!...”

Tích truyện
Một em bé nọ, học giáo lý, nghe dạy phải biết ơn Chúa và đền ơn ấy bằng việc làm cụ thể. Em nghĩ ra một cách, liền đến hỏi Sơ giáo lý viên:
- Thưa Sơ, em muốn tỏ lòng biết ơn Chúa bằng cách may cho Chúa một cái áo. Vậy thưa Sơ, Sơ nghĩ phải mất bao nhiêu thước vải?
Sơ nghĩ một lát rồi đáp:
- Mua ba thước vải.
- Thưa Sơ, Kinh Thánh chép rằng: Cả trời đất không chứa nổi Chúa, thì sao có thể may một cái áo cho Người chỉ bằng ba thước vải?
- Không phải thế, con ạ! Chúa Giêsu dạy: “Khi xưa ta trần trụi, cơn đã cho Ta áo mặc. Vậy hễ các con đã làm việc đó cho một người nhỏ hèn, nghèo khó nhất là đã làm cho chính mình Ta”. Vậy con hãy may chiếc áo cho người bên cạnh nhà con đang thiếu áo mặc, ấy là con may áo cho Chúa.
BÀI 51
Biết cho đi...
Lần trước, Lời Chúa cho ta nghe tích một ông giàu có là Za-kêu, được ơn Chúa, mở rộng lòng bố thí nửa gia tài cho người nghèo. Lần này, là chuyện một bà góa nghèo cùng kiệt, song cũng chia sẻ cho người khác chút ít của còn lại của mình.
Trích sách 1 Vua, ch.17.7tt
Thời ấy, vào khoảng thế kỷ thứ 9, trước Chúa Giáng sinh, so với lịch Tàu là vào cuối đời Nhà Chu, bên nước Israen có vua A-kháp đã làm nhiều sự dữ nghịch mắt Yavê, nên Chúa phạt nạn hạn hán rất cay cực. Chính người của Chúa là tiên tri Ê-ly-a cũng bị đói khát. Thương người bầy tôi, Chúa truyền:
- Hãy chỗi dậy đi Sa-rép-ta, ở đó, ta sẽ cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi!
Ê-ly-a vâng lời, đi đến thành Sa-rép-ta, thì thấy một bà góa đang mót củi ngoài cửa thành. Ông kêu bà ấy:
- Xin bà đem cho tôi chút nước trong bình để tôi uống!
Khi bà đi lấy, thì ông kêu bà mà nói:
- Xin bà đem cho tôi một mẩu bánh kèm tay!
Bà nói:
- Có Yavê hằng sống chứng giám: thú thật tôi chẳng còn rẻo bánh nào nữa, bất quá chỉ còn nắm bột trong vò và ít dầu trong chai. Đây tôi mót vài que củi, đoạn về dọn cho tôi và con tôi ăn rồi chết.
Ê-ly-a mới nói:
- Đừng sợ, cứ đi và làm như bà vừa nói. Song hãy làm cho tôi một cái bánh trước đã, đem đến cho tôi, bà sẽ làm cho bà và con bà sau. Vì Yavê Thiên Chúa phán thế này: “Vò bột không vơi, choé dầu không vợi! Cho đến ngày Yavê ban mưa xuống trên mặt đất”.
Nghe và tin vào Lời Chúa, bà đã đi làm theo lời Ê-ly-a bảo. Và từ đó, bà đã có đủ ăn cho bà, cho con bà và cho ông Ê-ly-a suốt năm: vì quả thật, vò bột đã không vơi, choé dầu đã không vợi trong nhà bà như lời Yavê phán qua miệng Ê-ly-a.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Đứng vào hoàn cảnh bà góa ấy, ta có đủ can đảm tin vào lời tiên tri của Chúa mà chia sẻ cho ông chút bánh cuối cùng ấy không ? Bài kỳ trước, ta khen ông Za-kêu đại độ, dám chia nửa gia tài cho người nghèo, bài kỳ này, ta ca ngợi lòng hi sinh của bà góa. Nhưng khen và ca ngợi những việc ta cho là xuất chúng, phi thường, làm ta quên mất rằng: đối với tín hữu Chúa, những việc chia sẻ và bố thí lại chỉ là một bổn phận phải làm. Sách giáo lý bên Đức viết rằng: “Người Kitô hữu đừng nên coi như là bố thí, một việc chỉ là một đòi hỏi của công bình xã hội” (Catéchisme biblique, Tom III, tr.189).
Câu ấy làm ta ngạc nhiên ư ? Ta hãy tìm hiểu:
1/ Điều trước hết, ta hãy nhớ lại các kỳ trước đã nói: Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự cho tất cả mọi người hưởng, như của chung ai cũng có phần, để không ai phải thiếu của cần thiết mà chết đói. Vậy Ê-ly-a đang đói khát, bà góa kia phải chia sẻ: đó là bổn phận, huống chi lại có Lời Chúa hứa cho bà không bị vơi bột, cạn dầu. Hãy nghe Thánh Kinh dạy: yêu mến Chúa và yêu thương người ta như mình là điều răn trọng nhất, và chỉ ai yêu thương mới là chu toàn lề luật (Rôma 13.9-10). Và Hội Thánh dạy: “Thiên Chúa lấy tình Cha săn sóc mọi người, và Ngài muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ” (Hiến chế: Vui mừng và hi vọng, số 24). Chúng ta quen coi người khác, không phải trong vòng gia đình ruột thịt, đều là người xa lạ. Còn Thiên Chúa lại muốn ta coi mọi người là anh em, chị em trong cùng một đại gia đình. Ta phải sống và cảm nghĩ như Chúa, thì mới gọi là con Chúa được. Con phải giống cha, phải cùng một tinh thần như cha. Vậy, hễ coi mọi người là anh em, thì phải thương họ.
2/ Sở dĩ ta sống ích kỷ là vì từ xưa, ta chỉ được dạy một thứ đạo cá nhân, bo bo lo cho mình được mọi ơn phần hồn, phần xác. Hội Thánh từ nay dạy rằng: “Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và cấp bách, đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết tùy theo khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư, nhằm cải thiện những điều kiện sống của anh em mình. Lại có những người, ngoài miệng thì bô bô nói phải rộng rãi và đại lượng, mà thực tế, họ luôn luôn sống chẳng quan tâm gì đến nhu cầu của người khác trong xã hội quanh mình...” (Hiến chế nói trên, số 30).
Và Hội Thánh kết luận: “Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại, không trừ ai, như “cái tôi thứ hai” ; cho nên, trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ, và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng, chứ đừng bắt chước người giàu có kia, thuật trong Phúc Âm, ăn uống no đủ mà không săn sóc gì tới người nghèo La-da-rô” (Hiến chế nói trên, số 27). Nhưng trái lại: “Kẻ có hai áo, hãy chia cho người không có, và kẻ có của ăn, cũng hãy làm như thế” (Lc 3.11).
3/ Trong anh chị em có mặt đây, có ai mắc nợ tiền nong, của cải gì người khác không ? Không à ? Cho đi không có ai mắc nợ, thì Thánh Phaolô cũng nói rằng: bất cứ ai trong chúng ta cũng đều mắc nợ. Anh chị em đoán thử coi mắc nợ ai ? mắc nợ điều gì ? Chắc có người nói: Mắc nợ Chúa! Đúng! Vì thế, trong kinh Lạy Cha, ta xin: Xin Cha tha nợ cho chúng con... Tội lỗi ta là những món nợ Thiên Chúa, ta không đền trả nổi. Ngay các ơn phúc vô vàn, vô số phần hồn cũng như phần xác Chúa ban cho ta, đó cũng là những món nợ ân tình ta đền đáp sao cho xứng! Nhưng ta còn mắc nợ ai nữa không ? Thánh Phaolô dạy: “Anh em có mắc nợ... đó là món nợ tình thương nhau” (Roma 13.8). Yêu nhau là món nợ ta phải trả cho đồng loại. Không yêu thương, ta sẽ mắc nợ, và ngày phán xét, Chúa sẽ buộc tội. Còn trái lại, ai yêu nhau, đó là đã trả xong món nợ, và ngày phán xét, Chúa sẽ xử khoan dung, thương xót: “Phúc cho kẻ biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót”. Ngày đó, Chúa còn nói: “Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó (việc thương giúp) cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy” (Mt 25.40).
4/ Nhưng thôi, ta tạm gác việc nói đến mắc nợ, nghe buồn và nặng nề. Ta hãy nói đến cái vui của người biết cho đi. Đây chính Chúa phán: “Ai cho thì có nhiều phúc hơn là lãnh” (Cv 20.35). Hãy xem Thiên Chúa: Ngài luôn luôn cho đi, luôn ban ơn, thí phúc. Cả cuộc sống đời đời của Ngài là để ban ơn, giáng phúc cho tạo vật, nhất là cho loài người: phúc đời này, phúc đời sau... Cho nên, Thánh Phaolô viết cho bổn đạo Côrintô: “Anh em biết lòng quảng đại bao la của Chúa chúng ta rồi đó: làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó (nghĩa là Ngài bỏ tòa cao sang, vinh hiển, xuống làm người nghèo khó, sinh trong máng cỏ, chết trần trụi trên thập giá). Để làm gì ? Để làm cho anh em nên giàu có nhờ sự hạ mình xuống nghèo khó của Ngài! ” (2Cr 8.9). Đó, Chúa cho ta như thế đó! Vậy, chúng ta hãy để lòng ta cảm động, trước tình thương rộng rãi vô bến bờ của Chúa Giêsu đối với ta, mà ra sức đáp ân. Đáp ân cách nào ? Bằng cách thương yêu và cho đi rộng rãi với anh em mình, nhất là những người nghèo khổ, vì Chúa phán: Làm cho họ, là đền đáp chính mình Chúa!
Biết cho đi là cả một nghệ thuật biết ơn!
Biết cho đi là cả một nghệ thuật tạo hạnh phúc mình!
Biết cho đi còn là một sự khôn ngoan!
bởi vì Chúa phán: “Bố thí, giúp đỡ người nghèo là tậu được một kho tàng trên trời” (Mt 19.21). Đó là biết gửi tiền vào ngân hàng trên trời, không sợ trộm cắp, không mối mọt đục khoét, không sợ mất giá, và tỉ lệ lãi suất cao nữa! “Vì ai gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu” (2Cr 9.6). Đừng sợ giúp người khác mình sẽ thiếu thốn! Đây Lời Chúa dạy: “Thiên Chúa có quyền đổ tràn ơn lộc mọi thứ xuống cho anh em, để anh em vừa được luôn luôn sung túc mọi bề, vừa còn dư giả mà làm mọi việc phúc đức, như lời Kinh Thánh đã chép: “...Đấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo và bánh nuôi mình cho họ”, tất sẽ cung cấp và làm dư dật giống cho anh em gieo làm phúc, và sẽ cho sinh sôi nảy nở hoa quả công đức cho anh em... Anh em sẽ được nên phú túc mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái” (2Cr 9.8-11).
Quả thật, ta chưa thấy ai bác ái, rộng tay làm phúc và bố thí, mà phải đói bao giờ.
5/ Cuối cùng, ta hãy xem gương bổn đạo tiên khởi: họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần, cho nên, dù họ chỉ là bổn đạo mới, mới rửa tội ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà họ thương yêu nhau, đùm bọc nhau, đến nỗi người lương dân phải khen: “Kìa! Xem người có đạo họ thương yêu nhau dường nào! ”. Khen rồi, họ ùn ùn kéo nhau vào đạo. Còn sách Thánh Kinh thì khen họ rằng: “Cộng đoàn những kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự như của chung: đất đai, của cải, thì họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình... Cho nên, giữa họ không có ai phải túng thiếu... Họ cùng nhau chia sẻ của nuôi thân... Tất cả những sự ấy, họ làm với một lòng hân hoan và dạ đơn thành, trong lời ngợi khen Thiên Chúa và trong sự mến phục của toàn dân” (Cv 2.42; 4.32,34).

Tích truyện
Đây là câu chuyện có thật 100%. Tháng 11 năm nay (1988), có một cô nhân viên Hợp Tác Xã kia, lên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp dự lễ, thì thấy kêu gọi giúp trại phung Qui Hòa. Được học Lời Chúa, biết đem thương yêu đến với mọi người, cô đã về gom góp tiền bạc lên dâng 100.000 đồng. Cô không phải là người giàu có như Zakêu, chia nửa gia tài cho kẻ khó, nhưng xét lòng đại độ và thương người nghèo khổ, thì hai bên giống nhau. Hỏi cô rằng:
- Có tiếc của không ?
Cô đáp:
- Có chứ! Vì con có chút của ấy dành dụm, nên cũng tiếc lắm! Nhưng khi nghĩ đến những anh em đã bị bệnh phung cùi rúc rỉa, nhức nhối ngày đêm, mà nay còn bị thiếu thuốc men, và đói ăn thì thấy tội nghiệp quá! Phần con vẫn được Chúa cho đủ ăn, đủ mặc, thì phải biết thương đến những anh em xấu số đó chứ!