Sunday, September 4, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 25-27

BÀI LỜI CHÚA 25
Người dám liều mạng can Vua
Phỏng theo Tin Mừng Thánh Máccô, ch.6

Hồi Chúa Giêsu ra giảng Nước Trời, Quận vương Hê-rô-đê An-ti-pa đang trị vì miền Ga-li-lê. Ông mê sắc đẹp vợ người anh ruột mình là Phi-líp và dùng uy quyền kèm với mưu mẹo đem bà về làm vợ mình cách công khai, bất chấp luật đạo, luật đời, coi thường lời đàm tiếu và gương xấu ông gây cho dân chúng. Nhưng, đang lúc mọi người chỉ thầm chê bai, hay phản đối suông; thì Gioan Tẩy giả, Vị Tiền hô của Chúa Cứu Thế, làm sao có thể làm ngơ trước sự xúc phạm luật Chúa như vậy được. Ông đã một mình vào gặp ông Vua ngoại tình và liều mình can Vua:
- Không được phép lấy vợ của anh ruột!
Để bịt miệng Gioan, Hê-rô-đê bắt giam ông trong một hầm ngục ở lâu đài Ma-kê-rôn, cạnh Biển Chết. Phần bà Hoàng Hê-rô-đia, thấy Gioan dám can ngăn mối tình lăng loàn của mình, đâm căm thù ông và khăng khăng muốn giết ông, nhưng không thể được. Chắc bà đã xúi Vua, nhưng Vua không giết ông, một phần vì sợ dân chúng nổi loạn, vì họ rất kính trọng ông, phần khác, vì vua cũng còn nể ông, biết ông là người công chính và lành thánh, nên vẫn che chở: nghe ông giảng, Vua đâm phân vân nhiều nỗi, nhưng lại cứ thích nghe.
Nhưng cơ hội thuận tiện đã đến với bà Hê-rô-đia: Hê-rô-đê, nhân dịp lễ sinh nhật mình, cho thết tiệc đãi các công thần văn võ cùng thân hào xứ Ga-li-lê. Con gái của Hê-rô-đia ra nhảy múa, đã làm say mê Hê-rô-đê cùng khách dự tiệc. Nhà Vua mới nói với cô gái:
- Muốn gì cứ xin, trẫm sẽ ban, dù nửa nước, trẫm cũng sẽ ban.
Nó ra hỏi mẹ: Con phải xin gì?
Mẹ nó bảo: Đầu Gioan Tẩy giả!
Tức khắc, nó hăm hở đi vào đến trước mặt Vua, xin rằng:
- Thần muốn Ngài ngự ban trên một chiết đĩa, cái đầu của Gioan Tẩy giả.
Nhà Vua giật mình, tỉnh cơn say và rất buồn lòng, nhưng vì đã lỡ thề trước mặt công hầu khanh tướng, ông không còn cách nào từ chối. Lập tức, nhà Vua sai trảm quyết Gioan và đem đầu đặt trên đĩa mà trao cho nó. Nó đã bưng vào đưa cho mẹ nó.
Đó là Lời Chúa! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Gioan Tẩy giả là kiểu mẫu của con người dám liều mạng để bảo vệ thánh luật Chúa và thuần phong mỹ tục. Chính Đức Giêsu cũng phải ngợi khen ông qua lời nói bóng bẩy này: Các ngươi đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư? Để thấy một tiên tri ư? Phải: còn hơn tiên tri nữa, vì Kinh Thánh ca ngợi ông là Thần Sứ Thiên Chúa sai đi trước mặt Đấng Cứu Thế để dọn đàng cho Ngài. Trong các kẻ sinh ra trên mặt đất, chưa có ai lớn bằng Gioan Tẩy giả.
Ông lớn, ông đáng phục không chỉ vì ông là Vị Tiền Hô, mà còn vì ông tính cương quyết, không ẻo lả, ươn hèn như cây sậy nghiêng ngả. Ông là một con người dám sống, dám chết vì chính nghĩa.
Như chúng ta đã bàn ở những kỳ trước: mạng sống và thân xác ta là món quà quí báu Thiên Chúa ban, ta phải tạ ơn Chúa và gìn giữ cùng phát triển nó. Tuy nhiên, lại có những trường hợp mà dù nó quí báu đến thế, ta vẫn có quyền và còn bó buộc phải liều mạng sống và sức khỏe để bảo vệ. Đó là trường hợp mà những điều, những vật có giá trị cao quí hơn mạng sống bị lâm nguy. Chúng ta thử tóm những điều cao quí hơn mạng sống ấy vào ba phạm vi như sau:
Thứ nhất, trong phạm vi siêu nhiêu: như danh dự của Thiên Chúa và Hội Thánh, đức tin, phần rỗi linh hồn của ta hoặc của người khác, vv... Thánh Phaolô vì nóng lòng muốn cứu rỗi người Do thái đồng chủng với ông, nên đã nhiều lần bôn ba xuôi ngược, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá đến ngắc ngoải chết, mong cứu lấy một vài người trong họ. Ông thốt lên một câu: “Tôi thà chịu tuyệt thông, lìa xa mặt Chúa, để anh em đồng chủng của tôi được rỗi, thì tôi cũng cam!” - Hoặc lấy ví dụ khác: Thà mất nồi gạo, mất công ăn việc làm, chẳng thà chối đạo, làm nhục danh Chúa, như các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa.
Thứ hai, trong phạm vi công ích, quyền lợi tập thể: như bảo vệ tổ quốc mình hay tổ quốc nước bạn bị tấn công cách bất công, hay trong một cuộc chiến tranh chính đáng. Hoặc tranh đấu cho tự do, cho công bằng xã hội, cho quyền lợi cấp công nhân, người nghèo... Người công giáo chúng ta, quen sống lề lối cũ, cứ nghe tranh đấu là sợ và e ngại sẽ đi sai tinh thần Chúa.
Phải phân biệt có hai thứ tranh đấu: tranh đấu vì hận thù, vì lợi lộc thì xấu; còn tranh đấu vì chính nghĩa như ta vừa nói, thì mình có bổn phận phải dấn thân vào, đứng ngoài là hèn nhát, là phản bội tình yêu Chúa. Vì sao thế? Vì tranh đấu, bênh vực những người bị áp chế, cách chung, đó là yêu thương họ. Mà yêu thương là luật lớn nhất của đạo Chúa. Từ chối việc yêu thương ấy là phản bội Chúa chứ còn gì! Hãy xem Đức Giêsu, Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và vẫn dạy ta phải thương yêu kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho họ. Ấy thế mà, trước những cách đối xử của nhóm Biệt phái, các luật sĩ - là hàng chức sắc, lãnh đạo tôn giáo của dân Do thái - đã làm hại đến đạo vì thói kiêu căng, giả hình, làm hại linh hồn dân chúng vì lời dạy và đường lối sai lệch của họ, thì Chúa la mắng họ không còn tiếc lời, thậm chí Chúa mạt sát và (có thể nói) chúc dữ cho họ. Ta hãy nghe thử:
“Khốn cho các ngươi, ký lục, tiến sĩ, luật sĩ giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời chận người ta lại; các ngươi đã chẳng vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào. Khốn cho các ngươi, đã khéo léo làm bộ cầu nguyện lâu dài để phỉnh lừa, làm cho các góa bụa, con côi tưởng các ngươi đạo đức, nhân nghĩa, mà đến nhờ vả các ngươi bênh vực, ai dè các ngươi nuốt chửng tiền nong, nhà cửa của họ, tiền mất tật vẫn mang. Khốn cho các ngươi, đồ giả hình, bề ngoài đẹp đẽ, đạo đức, nhưng giống như mồ mả tô vôi, bên trong lòng chất đầy tham ô, tham tiền, tham danh lợi và vô tiết độ, đầy mọi thứ bẩn thỉu, xú uế!...” (ai muốn đọc tiếp, cứ mở Tin Mừng Mt, ch.23).
Đức Giêsu không dùng bạo lực để đàn áp hay thủ tiêu họ, Ngài xuống thế để cứu mà! Nhưng Ngài chỉ dùng lời nói, đôi khi mạnh hơn thì dùng lời la mắng và chúc khốn cho họ. Nói cách khác, Chúa muốn cách mạng lương tâm họ. Nhưng nếu họ không chịu sửa, cứ ngoan cố, chai lì, thì lời chúc khốn của Chúa sẽ thành án phạt. Họa diệt vong đã đến trên dân Do thái ấy vào năm 70 theo công lịch, cho toàn thể đất nước Do thái, như chúng ta đã biết, và đó là một sự kiện lịch sử. Và sự kiện ấy Chúa đã báo trước: “Thành Thánh này sẽ đến lúc tan tành, chẳng còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”.
Nhưng trước ngày đại họa Chúa chỉ đe dọa, trách mắng họ. Chính vì thế mà họ ghét Ngài và đã âm mưu giết Ngài. Ngài đành cam chịu, liều mạng sống để bảo vệ chính nghĩa của Thiên Chúa.
Trở lại với vấn đề quyền lợi tập thể và công ích. Ta có thể lấy thêm vài ví dụ nữa. Trong xí nghiệp, Hợp tác xã..., mình phải bảo vệ quyền lợi tập thể, chống lại mọi âm mưu lũng đoạn, những vụ lem nhem làm hại cho công nhân, xã viên lương thiện, vô tội... Trên một chiếc tàu sắp đắm, người thuyền trưởng phải liều chết ở lại chỉ huy cho cuộc di tản xuống xuồng, bè của các hành khách cho đến người cuối cùng - Lính cứu hỏa liều mạng chữa cháy các căn phố, xông pha vào lửa, vào nơi khói ngạt...Nhà thương chữa bệnh truyền nhiễm như bệnh cùi, phải có những người không ngại hôi thối, không sợ lây bệnh hiểm nghèo... để săn sóc, chữa trị, an ủi những con bệnh xấu số, như cha Đa-miêng, trong trại cùi ở một đảo xa xôi, như cha Cas-sai-gne, từng làm Giám Mục địa phận Saigon cách đây 20, 30 năm, đã xin từ chức vinh sang, cao quí, để trở về trại cùi Di Linh săn sóc, chữa trị, nâng đỡ các con bệnh bị người đời ghê tởm, xa lánh, tiếp nối công việc Ngài đã làm trước khi được Tòa Thánh phong chức Giám Mục; cuối cùng, Ngài đã chết vì bệnh cùi, và thêm bệnh lao xương cấp tính vì thiếu thốn, vì sống kham khổ, hi sinh (ai muốn biết thêm, tìm đọc cuốn sách viết về đời Ngài).
Thứ ba, phạm vi mạng sống người khác: Phạm vi này tuy có vẻ nhỏ hẹp, song lại thường xảy ra hàng ngày, và chính vì cái thường ngày ít ai để ý đó, mà nó tăm tối, bao người đã hi sinh mạng sống mà chẳng ai tuyên dương công trạng, ít báo chí đăng tải hay sách vở nêu tên tuổi. May thay! Chúng ta biết rằng: nếu mắt người đời không thấy, người đời không ca tụng, nhưng có mắt Cha trên trời thấu suốt nơi kín ẩn, Người sẽ hoàn trả công cho (x. Mt 6.4,6,18).
Kìa người cha, người mẹ hi sinh sức khỏe, có khi liều mạng sống để săn sóc con bị bệnh, hay lúc gặp người ta đe dọa hoặc khi con gặp nguy hiểm... Kìa vị bác sĩ, y tá liều mình lôi một thương binh bị thương về bệnh xá, để chữa chạy, và để làm việc ấy, họ đã bị bom đạn kẻ địch bắn phá, có khi còn mất mạng (x. tạp chí Liên Xô SPOUTNIK, số 3-1986, tr.125: “Chiến tranh không mang bộ mặt phụ nữ”) - Hoặc có trường hợp liều mạng nhảy xuống vớt một người, một đứa trẻ bị chết đuối, vv...
Bây giờ, tóm kết lại, ta có thể nói: Những người liều mạng sống như thế, không phải là họ khinh chê hay đùa giỡn với mạng sống, thân thể hay sức khỏe của mình, nhưng là hi sinh mạng sống vì yêu thương và bảo vệ một điều quí giá hơn mạng sống nữa. Đức Giêsu đã dạy như thế này: “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt 10.39). Những người đành mất sự sống mình vì chính nghĩa, vì chân, thiện, mỹ, vì tha nhân, tức là vì Chúa, thì Chúa hứa họ sẽ tìm lại được, tức là mạng sống của họ sẽ không bao giờ phải sa hỏa ngục, mất đi đời đời, cả xác hồn; trái lại, sẽ tìm lại được sự sống đã mất của mình, trong Chúa, họ sẽ có một sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã phê chuẩn sự hi sinh thân xác và mạng sống ấy khi phán: “Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ hi sinh mạng sống vì yêu”. Chính Ngài đã sống trọn vẹn điều đó trước nhất: Ngài đã hi sinh mạng sống, bằng lòng chết, đang khi Ngài cho biết có thể xin Cha cấp cho 12 cơ binh thiên thần bảo vệ Ngài. Và Ngài bằng lòng chết là vì cái chết của Ngài là giá chuộc chúng ta khỏi quyền lực ma quỉ, tội lỗi và sự chết đời đời. Vì thương yêu ta, Ngài phải cứu lấy ta với cái giá đắt đỏ ấy.
Trước khi chấm dứt, ta nên nói phác sơ về những sự phí phạm sức khỏe. và liều lĩnh mạng sống cách vô lý. Vậy sẽ phạm tội trọng những ai đã được biết mà cứ liều lĩnh mạng sống và sức khỏe vì những lý do tầm phào, không chính đáng. Ví dụ: vì buồn mà tự tử, hoặc vì cá cược, vì lấy le, lấy tiếng... mà đua xe hết tốc độ trên đường phố...
Ngày nay, vì thiếu ý thức về sự cao quí của mạng sống, vì thiếu được dạy đạo lý, mà nhiều người, nhất là thanh thiếu niên nam nữ đùa giỡn với sức khỏe, đùa bỡn với tử thần một cách nhẹ dạ, đáng sợ: nào rượu, nào xì ke, ma túy (nói lóng là bồ đà), nào phóng xe lạng qua lách lại rất nhanh trên đường phố, càng đông xe cộ càng làm già... Có lúc họ cá nhau đua chạy Honda luồn qua gầm xe lớn đang chạy hết tốc độ trên xa lộ... Nói sơ qua vài ví dụ, anh chị em có thể kể ra không biết bao nhiêu ví dụ khác. Ta hãy nhắc lại điều nói ở trên: những người làm như thế là phạm tội trọng.
Lạy Chúa! Gia đình chúng con làm giờ cầu nguyện và nghe Lời Chúa này, để xin Chúa tha thứ bao tội lỗi, sa phạm về điều răn thứ năm này: hoặc vì dại dột, liều lĩnh, hoặc ngược lại vì hèn nhát, không dám liều mạng sống và sức khỏe để bênh vực các điều cao quí hơn mạng sống chúng con. Amen!

Tích truyện
Ở bên Đức quốc, gần thành phố Muy-ních, có một cái cầu bắc trên một vực sâu thăm thẳm. Nhiều người chẳng hiểu đau buồn hay thất vọng chuyện gì, đã lao mình từ trên cầu xuống vực thẳm. Ngày nay, người ta cho dựng một cây thập giá Chúa chịu nạn trên cầu. Để làm gì vậy? Để thập giá nói với kẻ sắp tự tử vì tuyệt vọng rằng: “Tốp! Đừng vội! Hãy suy nghĩ lại, con ơi! Thập giá con có nặng hơn thập giá của Ta không? Vậy hãy vác nó cùng với Ta, để con được sống đời đời”
**************************
BÀI LỜI CHÚA 26
Salômôn, người khôn ngoan, thông Thái
Trích sách 1 Các Vua, ch.3 và 5
Thiên Chúa đã ban cho Vua Sa-lo-môn được khôn ngoan, thông thái rất bao la, lòng trí quảng bác như trùng khơi, hơn tất cả các người hiền triết Phương Đông hay Ai cập hay bất cứ ai trong thiên hạ. Tên ông vang dội đến các nước, các dân. Ông đã tuyên ba ngàn châm ngôn, và thi ca của ông tính đến 1.005 bài. Ông đã bàn đến thảo mộc từ bá hương ở núi Li-băng cho đến bài hương mọc ở vệ đường. Ông đã bàn đến loài thú, loài chim, loài côn trùng, loài cá. Người ta từ các dân thiên hạ kéo đến nghe sự khôn ngoan của ông, và ông đã nhận được quà tặng, lễ cúng của các vua trên trái đất.
Một vụ kiện sau đây làm chứng về sự khôn ngoan đó. Bấy giờ có hai gái điếm đến kiện nhau :
- Dám thưa Chúa thượng, hai đứa chúng tôi ở chung một nhà, tôi sinh con vài ngày thì chị ấy cũng đẻ. Một đêm nọ, con chị bị chị ngủ mê đè chết. Chị lén đến giường tôi bồng lấy con tôi, và đặt đứa con đã chết của chị thay vào, lúc ấy tôi ngủ nên không biết. Đến sáng, thức dậy cho con bú, tôi thấy thằng bé chết rồi. Nhưng khi nhìn kỹ, thấy nó không phải con tôi.
Nhưng chị kia, vừa nghe nói, liền cãi trước mặt vua rằng:
- Không đâu ! Đứa sống là con tôi, đứa chết là con chị.
Chị nó cãi lại:
- Không phải, đứa chết là con chị, đứa sống là con tôi. Tôi đẻ ra, tôi biết chứ!
Cứ thế cãi qua cãi lại. Vua phán:
- Thôi, các ngươi im đi! Quân bay, lấy thanh kiếm ra đây cho trẫm!
Quân hầu đưa thanh bảo kiếm của Vua ra. Vua truyền:
- Phanh thây đứa bé sống làm hai cho mỗi chị một nửa.
Chị có đứa con sống mới tâu Vua, vì lòng dạ chị bỏng xót lên vì con:
- Dám thưa Chúa thượng, xin đừng giết nó, thà cứ cho chị kia đứa bé, để nó được sống còn hơn!
Nhưng chị kia nói:
- Xin cứ phanh thây, cho nó khỏi thuộc về tôi, cũng chẳng thuộc về chị, thế là khỏi cãi cọ!
Lúc ấy, Nhà Vua mới lên tiếng xử:
- Người mẹ xót con, chính là mẹ thật đứa trẻ. Hãy trao đứa bé cho chị ta, đừng giết nó!
Toàn thể dân Israen nghe lời phân xử của Vua thì đem lòng kính phục, vì họ thấy nơi Vua có sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Sự thông thái, sự khôn ngoan, nói tóm, trí thông minh là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người, lúc Ngài dựng nên họ.
+ Cứ suy thì sẽ thấy: Có nhiều thú vật mạnh hơn loài người như sư tử, hổ, voi; nhanh hơn như ngựa, thỏ, chim én; thính tai, thính mũi hơn như chó, mèo, chim săn mồi; ấy thế mà loài người đã có thể tự bảo vệ chống lại chúng, lại còn thắng chúng và bắt chúng làm việc cho mình. Cách đây một trăm ngàn năm, người cổ đại đã bảo vệ lều và hang trú ẩn của mình khỏi thú dữ bằng cách đốt một đống lửa. Họ đã có thể đánh bẫy được các con voi khổng lồ gọi là “ma mút”, cũng như giết các mãnh thú khác bằng cung, tên, mũi lao, và bây giờ bằng súng đạn. Loài người khắc phục mãnh thú, rồi làm chúng thuần thục: nào bắt voi kéo gỗ, trâu bò kéo cầy, ngựa kéo xe và làm vật để cưỡi, bắt sư tử, gấu làm trò xiếc ta coi. Nếu mắt người không tinh, thì người lại biết chế ra ống nhòm; ngày nay ống kính hiển vi điện tử nhìn một con vi trùng lớn bằng con voi; biết chế rađa để nhìn xa hàng ngàn cây số, ngay cả trong đêm tối. Nếu không thính tai, biết chế ra máy thu thanh, máy ghi tiếng động dưới gầm đất hay dưới biển sâu, bơi không bằng cá thì chế ra thuyền, ca nô, tàu thủy; không bay được như chim, thì chế ra phi cơ, bây giờ là phản lực, bay hàng chục ngàn cây số, với tốc độ 900km/g, tốc độ không chim nào đạt tới...Nói ra không hết, không cùng: nào điện tử, nào động cơ, nào điện khí, nào nguyên tử năng... Loài chim có hót, điệu hót nó muôn đời vẫn chỉ có mấy cung, còn loài người biết ca, biết hát, hát đơn ca, hát hợp ca, các dàn nhạc muôn cái, mỗi cái mỗi cung mỗi giọng... Loài người còn biết vẽ, biết nặn tượng, biết đánh cờ, biết thêu thùa, may vá, mỗi mùa một thời trang...biến hóa không cùng.
Tất cả các cái đó chỉ có thể có được, vì loài người có trí thông minh, có trí tưởng tượng, có ý chí, có tình cảm, biết học hỏi, và biết hợp tác với nhau mà làm, biết dạy nhau để người sau làm tốt hơn, tiến bộ hơn người trước. Nói tắt, vì có các quan năng tinh thần, mà ta gọi là linh hồn.
Nhưng ai ban cho họ có các quan năng ấy? Mặc cho ai nghĩ sao thì nghĩ, chúng ta, người công giáo, lấy trí thông minh suy xét thì thấy mọi sự đều phải có nguyên nhân: đồng hồ phải có thợ làm ra, nhà phải có người xây, nước phải có Vua hay thủ lãnh, trí khôn ta phải có Thượng Đế phú ban. Không thể tự nhiên mà có. Vũ trụ vật chất làm sao ban cho ta tinh thần được? Nó không có tinh thần, không có trí khôn, sao nó ban cho ta? Không ai có thể cho người khác cái mà chính nó không có!
Thêm vào suy luận khôn ngoan tự nhiên đó, đức tin dựa vào Lời Chúa mặc khải trong Kinh Thánh, đến dạy ta thêm rõ hơn và chắc chắn hơn rằng : trí khôn ta, tinh thần ta, do Thiên Chúa phú bẩm cho ta. Chỉ vì người ta không thấy, cho nên mới từ chối không tin điều đó, hoặc cho đi không thấy bằng mắt, thì vẫn có thể dùng lý trí ngay thẳng mà thấy bằng tinh thần. Còn chúng ta tin, và chắc chắn chúng ta đúng rằng: Chính Thiên Chúa, sau khi đã ban cho ta một thân xác, một sự sống tuyệt vời, như đã bàn ở các kỳ trước, còn phú ban vào thân xác ấy tinh thần, các quan năng, các năng khiếu, ta gọi tắt là linh hồn, tức là một cái hồn, không phải chỉ là sinh hồn như cây cỏ, không chỉ là giác hồn như súc vật, song là linh hồn, hồn linh thiêng, cao siêu, không chết, không tan rã, sống mãi đời đời.
Đây bằng chứng Kinh Thánh: “Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai, và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và con người đã thành mạng sống” (Kn 2.7). Chắc ai cũng biết là Kinh Thánh tả nôm na, bình dân Thiên Chúa như có tay chân, và như ông thợ gốm nặn tượng đất. Bản văn Kinh Thánh cổ này, đã được gần 40 thế kỷ rồi, xưa lắm, cổ lắm; cho nên viết vào thời cổ ấy, loài người còn bán khai, cổ lỗ, phải tả cách bình dân, mộc mạc như thế mới dễ hiểu, dễ nhớ. Song với chúng ta sống ở thời đại văn minh, khoa học thế kỷ 20, ta chỉ cần hiểu cái ý muốn nói gì thôi. Vậy ý muốn nói là Thiên Chúa dựng nên thân xác và sự sống con người bằng những chất liệu có sẵn trong trời đất, có khi trải qua bao nhiêu nắn nót, chứ không phải đùng một cái là con người hiện ra như từ đất nẻ chui lên nguyên xi (do đó có thể chấp nhận thuyết tiến hóa, mà lối tả Thiên Chúa nắn, nặn đã gợi ý). Nhưng câu: “Người hà hơi sống vào mũi nó”, ta phải hiểu ý muốn nói rằng: Thiên Chúa phú bẩm vào trong thân xác con người một sự sống vừa tự nhiên, vừa siêu nhiêu, đó là sự sống của Thiên Chúa, có thể nói cách gợi hình rằng: Thiên Chúa hà hơi, cái hơi sống từ buồng phổi Thiên Chúa, vào trong con người, tức là sự sống của Thiên Chúa, mà khi tạo dựng các súc vật không thấy Thiên Chúa làm như vậy, Người chỉ dựng bằng một lời phán, một việc quyền năng phép tắc, là chúng có sự sống tự nhiên của loài chúng thế thôi.
Nhưng, nhờ một đoạn Kinh Thánh ở chỗ khác, ý nghĩa về hồn thiêng mới càng rõ rệt. Đó là đoạn 1, câu 26 và 27 của sách Khởi Nguyên. Sau khi Thiên Chúa đã dựng các loài, các vật, trời đất, tinh tú..., Người long trọng phán: “Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta... Chúng sẽ thống trị trên cá biển, chim trời...”. Loài người được giống hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là gì ? Nghĩa là giống như con giống cha, cha sao thì sinh con làm vậy. Thiên Chúa là Cha, Người có trí thông minh, có tài năng, có tự do, có yêu mến; thì Người dựng nên ta giống như Người vậy, cũng có trí khôn, có tài năng, có tự do, có yêu mến, có sự sống như Người; tuy nhiên không bằng Người được, chỉ có một phần nào thôi.
Do đó, ta thấy ông Sa-lo-môn khôn ngoan, uyên bác chừng ấy. Trong lịch sử nhân loại, ta được đọc thấy biết bao nhà bác học, triết gia, khoa học gia, nhạc sĩ lừng lẫy như Anh-Stanh (Einstein), Pát-stơ (Pasteur), Mô-da (Mozart), Bi-thô-vơn (Beethoven), vv...
Nhưng ta chớ vội dừng lại ở đây. Với Chúa Giêsu và Tân Ước, ta được dạy thêm rằng: ngoài việc mọi người đều có trí khôn hay hồn thiêng như thế, song riêng người tín hữu, những kẻ tin vào Chúa Giêsu và chịu Phép Rửa tội, còn được thông chia bản tính thần linh, bất tử và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Như thế, họ lại càng giống hình ảnh Thiên Chúa hơn nữa, đến nỗi, họ được gọi là “những kẻ sinh bởi Thiên Chúa” (Thánh Gioan).
Khi được biết Thiên Chúa thương ta như thế và đã ban cho loài người được các của quí báu như vậy, thì ai còn có thể vô tâm mà không hết lòng tạ ơn Ngài. Điều ta sẽ nói với nhau đây, không để chống đối hay chê ghét ai, nhưng thực đáng thương thay cho những người vì mù quáng hay ngu dốt, thiếu suy nghĩ đến nơi đến chốn, mà dám bảo rằng loài người chỉ như con vật, con trâu, con bò, cầy bừa, làm lụng tối tăm mặt mũi suốt đời, rồi gục xuống chết là hết. Tội nghiệp cho họ, họ không được đức tin cho biết những chân lý tốt đẹp và phấn khởi như chúng ta. Điều này cũng là một lý do thêm để tạ ơn Chúa, tức là không những Chúa cho ta có hồn thiêng, mà còn cho ta biết là ta có sự đó nữa.
Kỳ này, đến đây là đủ, kỳ sau, ta sẽ bàn: biết có linh hồn và các quan năng ấy, ta phải phát triển làm sao?
Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, muôn vật! Chúng con xin dâng lời chân thành cảm tạ Chúa, vì đã cho loài người chúng con vinh dự sang quí trên mọi loài, mọi vật của vũ trụ này, là có hồn linh thiêng bất tử, để chúng con bá chủ muôn loài và để chúng con biết Chúa, yêu mến Chúa cùng phục vụ đồng loại sống cuộc đời vui tươi, hào hứng, đáng sống ở đời này, dọn về sống mãi muôn đời với Chúa đời sau. Chúng con cũng làm giờ đền tạ này, để xin Chúa thứ tha cho chúng con biết bao lần không coi trọng linh hồn mình. Xin tha thứ cho tất cả những ai được có linh hồn mà từ chối không tin, phủ nhận món quà tình thương của Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con, vì công nghiệp Chúa Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Amen!”

Tích truyện
Xưa có một người mù, lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: “Nếu điều con xin đó có ích cho linh hồn con”. Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma hay làm phép lạ, để xin thánh nhân làm phép lạ chữa cho ông khỏi mù. Ông được nhận lời: đôi mắt ông vụt sáng, nhìn rõ mọi vật. Còn gì vui sướng bằng, ông như chết mà được sống lại. Nhưng sau những giây phút vui mừng, sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: “Nếu điều con xin đó có ích cho linh hồn con”, nên ông vội vã trở lại trước mồ vị thánh, ông xin cho được mù lại, nếu điều xin đó có ích cho phần rỗi linh hồn ông hơn là được sáng mắt mà mất linh hồn. Quả nhiên, đôi mắt ông lại hóa mù như trước ; nhưng từ đó, đời ông càng thêm thánh thiện. Quả ông đã biết trọng linh hồn hơn thể xác.
*************************
BÀI LỜI CHÚA 27
Nữ hoàng Saba yết kiến Salômôn Hoàng Đế
Trích sách 1 Các Vua, ch.10

Tin đồn về sự thông thái, khôn ngoan của Vua Sa-lo-môn lan ra khắp các nước, đến tai cả những người xứ Ả rập xa xôi, giữa những vùng sa mạc nóng cháy. Vậy có nữ hoàng Sa-ba, cai trị một xứ ở vùng Ả rập ấy, quyết định đến yết kiến Sa-lo-môn, vì bà đã nghe đồn về khôn ngoan của ông, cũng như về Đền Thờ nguy nga, đồ sộ ông xây để dâng kính Thiên Chúa Yavê. Bà đến Yêrusalem với đoàn quân hầu hào hoa, lịch sự chưa từng có, đem theo hàng đàn lạc đà tải vàng và hương trầm quí, cùng bao nhiêu trân châu, bảo ngọc. Bà còn đến với dự tính ra các câu đố để thử tài ông. Sa-lo-môn đã giải cho bà tất cả các câu đố hóc hiểm, không có điều nào mà ông không giải được. Khi nữ hoàng Sa-ba thấy tất cả sự khôn ngoan cao vời ấy, những đền đài, cung điện ông đã xây, những món sơn hào hải vị trên bàn ngự yến, các dinh thự của các quan triều thần, hàng ngũ và giáp binh của quân đội, các y phục gấm vóc lụa là của quần thần, và nhất là những lễ thượng hiến vô vàn vô số chiên, bò ông dâng tế lên Yavê..., thì bà không giấu nổi sự khâm phục, ngây ngất. Bà nói với Vua:
- Quả là sự thật tất cả những điều tôi đã nghe khi còn ở quê nhà về các công việc, tài năng và khôn ngoan của Hoàng Thượng. Tôi đã không muốn tin, và coi như hoang đường, bày đặt. Mãi cho đến bây giờ, tôi đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt. Thật ra, điều người ta đồn chưa bằng một nửa. Về khôn ngoan và thịnh đạt, Ngài đã trổi xa hơn lời đồn thổi! Phúc thay các Hoàng hậu và cung phi của Ngài! Phúc thay các quần thần của Ngài, những người chầu chực luôn trước mặt Ngài và được nghe sự khôn ngoan của Ngài. Chúc tụng Yavê, Đấng đã đem lòng sủng mộ Ngài và đã đặt Ngài trên ngai của Israen, để thi hành công minh, chính đức!
Bà đã dâng tặng cho Vua 120 tạ vàng và vô số trầm hương với trân châu bảo ngọc đếm không xiết như chưa từng thấy ở Yêrusalem. Và Vua Sa-lo-môn cũng tặng lại nữ hoàng vô cùng hào phóng, xứng bậc hoàng vương. Rồi nữ hoàng đã lên đường hồi hương.
Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa
Nghe lời một nữ hoàng ngây ngất khen tặng sự khôn ngoan, tài năng của Sa-lo-môn, thật sướng tai! Xét lại nguồn gốc sự khôn ngoan của Vua, ta thấy Kinh Thánh thuật rằng: ông đã cầu xin Chúa. Và điều ấy đẹp lòng Chúa đến nỗi Chúa ban kèm thêm của cải, vinh sang, quyền lực (x. 1V 3.9-13; 2Ks 1.10-12). Nhưng không phải ông ngồi chờ khôn ngoan từ trời chui vào đầu óc ông như một phép lạ. Chắc ông cũng phải học hành, tập tành, bàn hỏi...
Phần ta cũng vậy. Bài kỳ trước cho ta biết: ta được Chúa phú bẩm cho ta trí khôn và các năng khiếu tinh thần, ta cũng phải khai thác và phát triển. Đó là điều bàn ở kỳ này. Không khai thác và phát triển, thật uổng cho đời ta, và cũng là tội vô ơn đối với Đấng ban ơn.
Quy luật phát triển đều thấy có ở mọi vật có sự sống. Ngay các súc vật cấp thấp cũng đã thấy: gà con không chỉ cần hơi ấm, thức ăn, song gà mẹ gọi con theo, tập cho biết bới đất tìm sâu. Càng thú vật cao đẳng, sự tập luyện càng nhiều: mèo mẹ bắt chuột về vờn trước mặt mèo con. Đến loài khỉ, loài cá heo, có thể xếp hạng “thông minh” bậc nhất, biết làm bao trò xiếc như ta thường xem trong ti vi: đó cũng nhờ loài người biết tận dụng, khai thác các khả năng của chúng. Tuy nhiên, khả năng chúng chỉ có hạn. Còn loài người, quan năng tinh thần có khả năng hầu như vô biên, sức tiến bộ vô tận.
Vậy, vài điều phác sơ sau đây, không có ý dạy, song để nhắc nhớ các bậc phụ huynh:
1/ Ngay từ bé, tập cho con em phát huy khả năng tinh thần. Thường chúng ta đợi chúng lớn khôn. Thế không đúng. Ngày nay, các nhà tâm lý giáo dục coi mấy năm đầu là thời kỳ vô cùng quan trọng! Đó là thời kỳ các em thu được rất nhiều vốn liếng hiểu biết đủ thứ làm nền tảng cho cả đời sau này. Cách đây ít lâu, trong tạp chí Liên Xô, thấy nói đến tập bơi cho các em mới chập chững biết đi, tập nói hai ba sinh ngữ cho các em lên hai tuổi... Ta xem đó! Người ta gửi các em vào Vườn trẻ hoặc Mẫu giáo có đủ chuyên môn để giúp các em biết hát, múa, nhận định màu sắc, phát triển các quan năng ngay từ ấu thời! Ở đây, chỉ xin các phụ huynh một lưu ý: trẻ con hay đặt các câu hỏi đủ thứ: Tại sao thế này? Cái gì đó? vv... Đó là trí khôn đang mở ra. Ta đừng sốt ruột, nóng nảy, la mắng các em quấy rầy ta; mà nên ra sức giải đáp vừa tầm cho các em. Đối với chúng, phụ huynh đang là các thần tượng, quyền phép, tài ba, hãy tranh thủ giữ ngôi vị cao cả ấy, hãy tranh thủ lòng tin tưởng ấy nơi con em mình.
2/ Đến lúc lớn, phụ huynh giúp các em ý thức khả năng tinh thần và sự cần thiết phát triển chúng tối đa nhờ trường học, nhờ khoa học, nhờ sách báo, nhờ các phương tiện truyền thông. Xin lưu ý phụ huynh về tuổi dậy thì của con em: lúc mà các thần tượng ca nhạc, màn ảnh ciné, ngôi sao bóng đá... rất có ảnh hưởng; vì lúc ấy, các thiếu niên đang có tâm hồn khao khát những lý tưởng cao cả, rộng lớn. Tùy sự hướng dẫn mà chúng hấp thụ ảnh hưởng tốt hay xấu. Lúc đó cũng là lúc chúng đi theo bạn bè, ham thích các cuộc tiêu khiển... Ở khía cạnh này, con em ta chịu ảnh hưởng tốt hay xấu, lợi hay hại cho suốt đời. Học Thày không tày học bạn!
3/ Phụ huynh không chỉ cho con em đến trường, hay phú thác cho các linh mục, dì phước lo trau dồi khả năng con em, nhưng còn phải khuyên các em tham gia các phong trào thanh thiếu niên, các hội đoàn, sự giao tiếp xã hội, các lớp huấn nghiệp, các lớp học tâm sinh lý, dự bị hôn nhân... Tất cả đều phải liên kết, hợp tác với gia đình và phụ huynh, để đào tạo năng khiếu của tâm hồn, của trí khôn cách hài hòa: Cuộc đời sẽ mở rộng để đón những em nào, ngoài vốn liếng học hành, còn biết ca, biết đàn, biết vẽ, chụp hình... Cuộc đời sẽ đáng sống và tươi đẹp hơn cho những em nhiều khả năng: đá bóng, chơi banh, chơi cờ tướng, cờ quốc tế, biết làm thủ công, biết tháo vát, biết lái xe, biết vẽ, vv...
4/ Nói như thế, để phụ huynh đừng chỉ nhắm cho con đi học lấy bằng, hoặc không được thì học một nghề gì để đi làm có tiền, để làm ông nọ ông kia, có tiền của mà sống cho sung sướng và nuôi vợ nuôi con. Đừng nhắm điều ấy mà thôi, nhất là đừng nhắm sớm quá! Đã hẳn, đó là điều thực tế và cần thiết. Nhưng tiền của chưa đủ để con người hạnh phúc, để con người đúng là con người. Trong báo Phụ nữ Thành phố Hồ chí Minh, ngày 22-11-86, có bài viết về hạnh phúc, có trích câu này của một nhà triết gia hi lạp, ông Hê-ra-cơ-lít: “Nếu hạnh phúc dựa trên vật chất mà thôi, thì ta có thể nói con bò có hạnh phúc”, khi đã ăn cỏ no bụng. Không! Con người không là con bò, chỉ cần tiền để ăn no bụng, mặc áo đẹp... Con người còn có tinh thần, linh hồn; nên phải đào tạo các quan năng ấy. Không phải chỉ làm con em ta thành một thợ giỏi, một bác sĩ, một kỹ sư hay gì gì..., nhưng trước tiên là thành một con người, theo đúng nghĩa con người, hướng về cả ba mặt: Chân - Thiện - Mỹ.
Đến đây, ta có thể đặt câu hỏi: Bỏ lơ việc phát triển các quan năng tinh thần (trí và đức) có tội không? Chắc chắn có, nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự chểnh mảng, cũng như đã nói về sự lơ là không phát triển hoặc bảo vệ mạng sống và thể xác vậy.
Nhưng đáng buồn là nhiều người không biết chuyện đó. Nguyên do sự không biết này là vì sức khỏe và các sự vật chất dễ nhận thấy hơn, và bởi thế, ta chú trọng vào chúng quá nhiều. Tỉ dụ: đói cơm thì thấy bụng cồn cào, chân tay rã rời, chứ trí khôn thiếu học hỏi, tâm hồn thiếu Lời sự sống của Chúa, có ai cảm thấy thiếu đâu? Một cái chân bị tai nạn làm gẫy, đi đứng không được, thì dễ thấy khổ sở, thiệt thòi hơn là một bộ óc lười biếng, thiếu suy nghĩ, không biết sử dụng “chất xám”, hay một linh hồn thiếu ơn Chúa, thiếu tình mến Chúa...
Vậy lơ là, chểnh mảng là có tội. Tội ấy:
a/ Phạm đến Chúa: vì vô ơn, bạc nghĩa: Thiên Chúa ban quan năng tinh thần cho ta như một cái vốn, ta không biết làm lợi ra. Hãy nhớ đến dụ ngôn Chúa Giêsu nói về các nén vàng trao cho đầy tớ, người không làm lợi đã bị phạt nặng.
b/ Phạm đến chính mình: Vốn tinh thần Chúa ban để ta sửa soạn cho tương lai và cuộc đời, sao cho đẹp và xứng đáng như Chúa mong ước. Chúa muốn ta nên giống như Đức Giêsu, Con Chúa, được chừng nào hay chừng ấy, và về đủ mặt. Thế mà, ta lại để trí khôn ngu dốt, tối tăm, tâm hồn bần tiện, ích kỷ, độc ác..., thành một thằng người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm..., không thể nào xứng với Nước Trời của Chúa được.
c/ Phạm đến người khác và cộng đồng xã hội: Mọi người và cả xã hội đã giúp ta, kẻ nhiều, người ít, để ta sống, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được mọi thứ đồ dùng; nay ta thành nhân, đến lượt ta phải “trả nợ” hay đóng góp phần ta vào xã hội, cho mọi người...Đó là bổn phận báo ơn, đền đáp. Nếu ta chỉ là một kẻ suốt đời sống bám vào người khác, vô dụng cho gia đình, cho xã hội, cho quốc gia; thử nghĩ xem như thế không có lỗi sao? và lỗi nặng nữa.
Tất cả các điều vừa nói đây, có lẽ anh chị em lấy làm lạ tai, vì ít khi nghe các Cha giảng đến. Có lẽ vì chúng ta không đi học thêm giáo lý, nên không được nghe, hoặc có khi các đấng giảng dạy không bao giờ đề cập đến, chỉ toàn nói về đạo đức, thiêng liêng thôi chăng? Thôi thì cái thiếu sót ấy được bù đắp ở bài suy niệm Lời Chúa hôm nay.
Như thế, gia đình chúng ta có lý để đền tạ với Chúa, vì đã không làm điều phải làm, đã thiếu sót bổn phận với Chúa, với mình, với xã hội.

Tích truyện
Cô Ê-len Ken-lơ (Hélène Keller), từ nhỏ đã bị mù và điếc, do bệnh viêm màng não. Sau đó, bệnh trạng thêm nặng, bị câm nữa, thành ra cuộc đời em Ken-lơ hoàn toàn bị giam kín trong đêm tối và im lặng: em không nhìn thấy, không nghe gì và cũng không nói được một câu nào. Thật là tình trạng khủng khiếp! Một ngày kia, vì thương cảm số phận đen tối của em, có người đã khéo tìm được cách liên lạc với trí khôn em : người ấy cầm tay em, đặt dưới một vòi nước, đang lúc ấy làm một cái dấu hiệu trên tay em. Như một tia chớp loé, em hiểu cái tương quan giữa làn nước lạnh và dấu hiệu. Em hồi hộp cảm động: em hiểu là từ nay, có thể lấy bàn tay làm dấu hiệu là đòi được uống nước... Và cứ thế, em tìm ra nhiều dấu hiệu khác để chuyển ý của em, ngược lại, người ta làm những dấu hiệu trên bàn tay em để nói với em... Sáu tháng sau, Ken-lơ đã có thể đọc và viết bằng chữ Brai, chữ nổi của người mù. Đến năm 16 tuổi, cô đi học trường trung học, 24 tuổi đỗ tiến sĩ bằng ba thứ tiếng Đức, Pháp và cổ ngữ. Đã hẳn, cô dành được các thắng lợi đó giữa muôn vàn khó khăn không thể tưởng tượng, với một sức mạnh ý chí lớn tựa núi non. Thế rồi, cô dâng đời mình phục vụ các người cũng bị xấu số như mình. Thoạt tiên, cô viết nhiều sách, kể lại kinh nghiệm của mình, các mò mẫm, các cố gắng... Rồi cô đi nhiều nơi diễn thuyết, nhờ đó, trong ít lâu, cô đã thu được một triệu đô la để giúp các bạn đau khổ. Cô đi như thế, vòng quanh trái đất tới sáu lần. Văn hào Mác-Tuanh tặng cô biệt hiệu: “Một thí dụ sống động của nghị lực, ý chí và trí khôn nhân loại, khiến thắng được các liệt bại thể xác tưởng như không thể thắng nổi”.
Còn chúng ta, những người lành lặn, có đủ cả ngũ quan và các quan năng, tại sao lại để chúng đâm liệt bại vì thiếu ý chí, thiếu cố gắng?

No comments:

Post a Comment