Wednesday, September 21, 2022

 BÀI LỜI CHÚA 28-30
BÀI 28
THƯƠNG XÁC BẢY MỐI
Với bài này, ta bước sang một đề tài mới là bác ái đối với tha nhân.
Trích sách Tô-by-a, ch.1-4 và 12
Ông Tô-bi bị Vua San-ma-na-da bắt làm phu tù, đi lưu đầy cùng với người Israen sang Ni-ni-vê. Ông là người công chính, giữ lề luật Chúa trọn vẹn, và rất có lòng kính sợ Thiên Chúa. Lòng đạo của ông không chỉ là đi dự lễ, đến nhà thờ, đọc kinh, nguyện ngắm Lời Chúa, mà còn diễn tả ra bằng các việc lành phúc đức. Ông không những làm gương sáng cho người lân cận, mà còn giúp đỡ họ tận tình: giúp tiền cho kẻ mồ côi, góa bụa và khách tha phương, bố thí cho kẻ nghèo đói, túng thiếu. Ông kể rằng:
- Người đói, tôi cho bánh ăn; kẻ mình trần, tôi cho áo xống; nếu thấy có thây chết nào bị quăng ngoài tường lũy Ni-ni-vê, tôi đem chôn cất.
Số là Vua mới tên Sa-ne-kê-ríp lên nối ngôi vua trước, ông rất ghét người thờ phượng Thiên Chúa, nên tìm giết họ như những tên đại gian, đại ác. Ông Tô-bi không sợ cơn bắt bớ, cứ thăm viếng kẻ tù ngục, yên ủi, giúp đỡ họ, và khi họ bị giết, ông lén lấy trộm xác đi chôn cất tử tế. Bị người Ni-ni-vê tố cáo lên Vua, ông bị kết án tử hình. May nhờ các bạn tâm phúc, ông trốn được, ẩn náu một nơi, còn gia tài ông bị tịch biên hết không còn gì. Ít lâu sau, vua độc ác kia bị ám sát, Tô-bi lại trở về Ni-ni-vê, đoàn tụ với vợ con và tiếp tục làm việc nghĩa.
Hôm ấy, ngày đại lễ Ngũ Tuần, người ta dọn một bữa tiệc thịnh soạn mừng ông. Thấy món ăn la liệt trên bàn, ông chạnh lòng nhớ đến những kẻ đói nghèo, và sai con rằng:
- Này con, hãy ra đường và gặp ai nghèo đói trong anh em ta, hãy dẫn về đây chia sẻ bữa ăn với cha. Này cha đợi con về đó!
Lúc đưa một người nghèo đói về, cậu con nói với cha:
- Cha ơi! Có một người Israen bị sát hại, người ta quẳng xác ngoài bùng binh.
Vừa nghe, ông Tô-bi chỗi dậy, bỏ bữa ăn, đi lấy xác người đó, đem về giấu đi, đợi đến tối mịt đem chôn. Sau đó, ông mới tắm rửa và ngồi ăn uống. Nhưng bữa tiệc lúc ấy đã biến thành “ăn bánh trong tang sầu”. Đến tối mịt, ông đào huyệt chôn xác người ấy. Hàng xóm thấy thế xì xào:
- Hắn vẫn chưa sợ! Đã bị tầm nã và kết án tử hình, phải bỏ trốn, thế mà bây giờ hắn vẫn lại chôn xác kẻ chết!
Họ không biết rằng ông Tô-bi kính sợ Thiên Chúa hơn sợ vua As-sy-ri, và lòng thương người lớn lao đến nỗi không làm ông chùn bước trước một hi sinh nào.
Đã vậy, ông có được Chúa thưởng gì đền đáp đâu! Chỉ gặp toàn là tù ngục, kết án, chạy trốn, gia tài bị tịch thu... Và lần này, xui xẻo hơn nữa: tối đó, vì quá mệt, trời lại nóng bức, ông nằm ngủ bên mé tường, nên bị cứt chim từ mái nhà rớt xuống làm ông bị mù cả hai mắt. Chỉ mãi sau này, như ta đã biết, ông được cậu con là Tôbya lấy mật gan cá rịt cho ông, mắt ông mới sáng lại.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy Niệm Lời Chúa
Ông Tô-bi là con người đã thi hành trọn vẹn việc thương xác bảy mối. Có anh chị em nào thuộc lòng, xin đọc lên thử coi? [mời đọc...] [Hoan hô!].
Ông Tô-bi thương người đến lụy vào thân, vì sao ông không ngại? Thưa: vì ông là người công chính, đạo đức, tức là người vâng giữ luật Chúa truyền dạy. Ta cũng vậy, Chúa cũng dạy ta yêu người. Thương người có 14 mối, thương linh hồn 7 mối, thương xác 7 mối. Thực hành các điều đó mới xứng danh là đạo bác ái.
Bài sau, ta sẽ bàn về cách thực hành 7 mối thương xác. Kỳ này, ta hãy suy niệm các lý do tại sao ta phải thương và giúp đồng loại.
1-Trước hết, sự sống thật quí giá:
Khi ta nhìn một em bé mũm mĩm, đang chơi đùa, hồn nhiên, vô tư lự và vui sống, ta cảm thấy xúc động! Ta thầm nhủ: sự sống con người thật cao quí, thật đẹp đẽ, thật lạ lùng! Đó là mầu nhiệm sáng tạo: một con người vừa xuất hiện trên cõi đời, tươi mới, trẻ trung, mang theo nó bao hứa hẹn, bao khả năng tiềm tàng trong thân xác non nớt, nhỏ xíu đó. Và ta thử hỏi: Trẻ này mai sau sẽ thế nào? Một người tốt, một anh hùng, một vĩ nhân, một bậc thánh! Hay ngược lại, thành một tên côn đồ, một kẻ vô dụng, hại gia đình, phá xã hội, một kẻ dữ sa hỏa ngục đời đời?
Sẽ ra thế nào ư! Một phần không nhỏ là do những người xung quanh có quan tâm, săn sóc, giúp đỡ nó không: săn sóc khi còn nhỏ, giúp đỡ khi đã lớn và đã thành người.
2-Sự sống quí giá và là một ơn huệ của Chúa, nên ta tôn trọng mạng sống và thân xác ta thế nào - điều đó ta đã xem ở các bài trước - thì ta cũng phải tôn trọng, lo lắng, săn sóc, giúp đỡ người khác như thế. Bạn thử tưởng tượng đang ở trên xe đò, trước mặt bạn là một bà mẹ với đứa con thơ 3 tuổi. Xe sắp chuyển bánh. Tiếng người lơ xe hô bác tài: “Chạy!”. Và anh ta đang sắp đóng sầm cửa lại. Bỗng bạn thấy bàn tay em bé đang kẹt vào khe cửa. Bạn sẽ cảm thấy thế nào ? Nếu không phải là tim sẽ thắt lại? Bạn sẽ làm gì? Bạn có thể ngồi điềm nhiên nhìn bàn tay non nớt kia sẽ nát tan, máu chảy xối xả và em bé đau đớn khóc thét lên được không? Chỉ một giây mà cả đời em bé sẽ tàn phế, có khi phải cưa cụt đến cổ tay.
Không! Không thể như thế! Bạn không thể ngồi yên, nếu bạn còn có một con tim của loài người, bạn phải làm một cái gì đó để cứu nguy, và giả sử em nhỏ đó là chính bạn, chắc bạn sẽ mong được ai cứu giúp. Do đó, ta phải đến cứu giúp tha nhân, như Chúa đã dạy: “Điều gì các con muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7.12).
3-Hãy xem gương Thiên Chúa: Ngài thương và săn sóc mọi tạo vật Ngài đã dựng nên; cách riêng đối với loài người, Ngài tỏ ra nhân hậu, yêu thương biết bao, bất kể họ là ai. Chúa Giêsu nói: “Chúa ban mưa nắng cho kẻ lành cũng như kẻ dữ”. Thế nhưng, có điều này đáng lưu ý: theo lối quan phòng xếp đặt của Ngài, Ngài săn sóc, giúp đỡ ta qua trung gian của người khác, Chúa nhờ tay người này giúp đỡ người kia, cha mẹ giúp đỡ con cái, người khỏe giúp người yếu, người giàu giúp người nghèo, vv...
Thấy người khác nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau mà không giúp đỡ, đó không còn là con người nữa, mà là con vật, hoặc con người đó không có trái tim. Người ngoại đạo ngày xưa vì tin vào thuyết định mệnh, nên họ để mặc người khác nghèo khổ, đau đớn, vì nghĩ rằng đó là “số kiếp”, đó là “tiền oan nghiệp chướng”, “kiếp trước đã ăn ở thất nhân, thất đức”, ráng phải chịu vậy. Cùng lắm, họ chép miệng cảm thương rồi thôi, chẳng tích cực giúp đỡ gì, chưa kể có khi vì mê tín dị đoan, cái khổ của người khác còn gợi lên nơi họ một mối lo sợ bị lây xui xẻo, nên họ thường tránh xa, hay đốt hương, đốt vía xua đuổi. Nghe nói có chuyện này, chẳng biết đúng hay sai: Các người thuyền chài, thấy ai sắp chết đuối, họ kiêng không đến cứu vớt, vì sợ xui, sợ Hà bá!
4-Đạo Chúa dạy khác: Thiên Chúa là Cha nhân từ, thì đạo của Chúa chỉ có thể dạy lòng bác ái! Ngay trong Cựu Ước, Chúa phán: “Ta ưa chuộng tình thương hơn là các lễ vật” (Hs 6.6). Và Chúa dạy phải có những hành động thương yêu cụ thể. Cứ xem gương ông Tôbi trên kia đủ rõ. Rồi Ngài còn chúc phúc: “Phúc cho ai lưu tâm đến người nghèo khó và yếu đuối, ngày họ gặp hoạn nạn, Thiên Chúa sẽ gỡ thoát cho” (Tv 41.2).
5-Gương Chúa Giêsu: Đức Giêsu đã đến, Ngài mang tình thương Thiên Chúa xuống trần gian giá lạnh, ích kỷ và khổ đau này. Ngài đẩy tình thương người lên đến đỉnh cao chót vót, khi Ngài tuyên bố: “Điều răn lớn nhất và trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Điều ấy đã đành. Điều răn thứ hai cũng giống như thế, quan trọng ngang với điều thứ nhất: đó là yêu thương người ta như mình vậy”. Nói thật, đạo ta chỉ có hai điều răn ấy. Còn ngoài ra, các điều khác đều từ đó “phăng” ra, thế thôi. Nhưng nên nhớ, Đức Giêsu không chỉ nói, Ngài đã thi hành trước: Ngài động lòng thương người phung hủi, đưa tay đụng đến để chữa lành. Thấy bà góa thành Naim đang khóc lóc đi sau quan tài đứa con trai độc nhất, Ngài chạnh thương làm một phép lạ lớn cho cậu con trai sống lại và trao tận tay bà. Hàng ngàn kẻ đau ốm, tật nguyền, quỉ ám, động kinh, Ngài đều ra tay chữa lành, bất kể có đạo hay không có đạo, tốt hay xấu.
6-Lời Chúa Giêsu dạy: Làm trước, dạy sau. Đức Giêsu dạy môn đồ điều Ngài đã thi hành trước. Rồi Ngài dạy: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thày đã yêu mến các con”. Ngài còn nói đó là điều răn mới: “Thày ban cho các con một điều răn mới: là các con hãy yêu mến nhau...”. Mới ở chỗ nào? Xưa, Cựu Ước đã dạy phải yêu thương rồi cơ mà? Người đời cũng vẫn nói: thương người như thể thương thân! Cái mới thì ra ở chỗ này: Yêu thương người ta không chỉ như mình, mà còn như Thày đã yêu mến chúng con, yêu như cách Chúa yêu, yêu như lòng Chúa yêu, như mức độ Chúa yêu, vv... Cái mới còn ở điểm này nữa: khi ta thương và giúp đỡ người nào, thì ta làm cho chính bản thân Chúa: “Quả thật, Thày bảo các con, những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Thày, là các con đã làm cho chính mình Thày”.
Có người nghĩ rằng Chúa khuyên ta nên yêu mến nhau. Không yêu mến, giúp đỡ nhau cũng chẳng sao, miễn là mình cứ xưng tội, rước lễ, đọc kinh, lần hạt là đủ, vẫn được lên thiên đàng! Đừng nghĩ vậy! Sai lầm to! Chúa Giêsu đã coi đó là một lệnh truyền cơ mà: “Này là lệnh truyền của Thày: các con hãy yêu mến nhau...” (Ga 15.12; 12.17).
Vậy đây không phải chuyện đùa, thích thì làm, không thích thì thôi. Ai tử tế với ta, ta giúp đỡ, kẻ nào ta ghét, ta mặc kệ... Chúa Giêsu còn nói một cách khác để ta thấy rằng: không yêu thương, giúp đỡ người khác, ta chẳng còn là tín hữu Chúa, mà chỉ là một kẻ ngoại đạo : “Cứ dấu này mà người đời biết chúng con là môn đệ Thày: đó là chúng con yêu mến nhau”. Không làm như thế, chúng ta không phải là môn đệ Ngài nữa, mà là kẻ ngoại đạo rồi. Chúng ta ở đây, ai ai cũng đều biết các điều Chúa dạy, song khốn nỗi, trái tim ta thường lười biếng và ích kỷ, cứ luôn tránh né yêu thương, hoặc viện đủ lý lẽ để làm ngơ, giả điếc, không giúp đỡ anh em khác. Đã là lệnh truyền, đã là điều răn Chúa dạy, mà ta không thi hành, thì hình phạt Chúa chờ ta đó, ngày phán xét Chúa sẽ quở trách khủng khiếp: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta, mà vào lửa đời đời. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn, khát không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước, mình trần không cho mặc, Ta đau yếu và ở tù, các ngươi không thăm viếng. Quả thật, những gì các ngươi từ chối không làm cho kẻ nhỏ hèn nhất, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta”.
Gia đình chúng ta hãy tạ tội với Chúa và hứa từ nay sẽ tuân hành lệnh truyền của Chúa, như ông Tô-bi, hầu được phúc sống đời đời bên Chúa.

Tích truyện
Bác sĩ Lông-giê (Longet) là một bác sĩ người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây 30 năm, và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley, người Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, bất kể ngày đêm. Được hỏi vì sao ông quí bệnh nhân đến thế? vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân trên hết ? Ông đáp:
- Vì thấy Chúa Giêsu trong người bệnh.
Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi đều được ông chở trên xe. Mỗi chiều Chúa nhật, ông chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân công giáo. Vì là người Pháp, đang bập bẹ học tiếng Việt, ông chỉ thuộc mấy kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, đủ để lần hạt chung với họ. Ít lâu sau, trở về Pháp, ông dâng mình đi tu, vào chủng viện, rồi được phong linh mục. Ông tình nguyện sang Việt Nam lại và phục vụ những người nghèo khổ nhất ở địa phận Cần Thơ. Tiếc thay! Sau khi chịu chức linh mục, chưa kịp thực hiện nguyện ước, Cha Lông-giê bị bệnh và qua đời.
**************************
BÀI 29
THƯƠNG XÁC 7 MỐI (tiếp)
Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu, 25.31tt
Khi Con Người đến trong vinh quang của Ngài, cùng với các thiên thần, bấy giờ Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Các dân thiên hạ được thâu họp trước mặt Ngài hết thảy, và Ngài phân tách người ta ra khỏi nhau, giống như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Ngài đặt bên phải, dê thì ở bên trái. Bấy giờ, Vua cả trời đất sẽ nói với những người ở bên phải:
- Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Vương quốc đã dọn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa. Vì xưa
Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn,
Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống,
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước,
Ta mình trần, các ngươi đã cho Ta mặc,
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng,
Ta ở tù, các ngươi đã đến với Ta”.
Bấy giờ, kẻ lành đáp lại rằng:
- Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy Ngài đói mà đã cho ăn, khát mà đã cho uống, là khách lạ mà đã tiếp rước, mình trần mà đã cho mặc, đau yếu hay ở tù mà chúng tôi đã đến với Ngài?
Đáp lại, Vua Cả sẽ nói với họ:
- Quả thật, Ta bảo con người rõ: những gì các ngươi đã làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta”.
* Đó là Lời Chúa! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Suy Niệm Lời Chúa
Những hình thức thương và giúp đỡ thể xác người ta thì muôn hình vạn trạng. Chúa Giêsu tóm tắt tất cả trong một câu khuôn vàng thước ngọc này: “Mọi điều các con muốn người ta làm cho mình, thì các con cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7.12). Tôi đói và muốn người ta cho tôi ăn ư? thì tôi hãy cho kẻ khác đang đói được ăn như vậy.
Trong cảnh tả về phán xét chung, ta vừa nghe đọc trong Lời Chúa, Chúa Giêsu đã nêu ra những sự khốn cực chính của nhân loại cùng khổ: “đói khát” tức là thiếu ăn, thiếu uống, thiếu dinh dưỡng; “khách lạ” là những người mất quê hương, lang bạt xứ người, không nơi trú ngụ, không ai thân thiết giúp đỡ, thân cô thế cô, lạc loài, bơ vơ...; “mình trần” là rách rưới, mặc không đủ ấm; “đau yếu” là bị bệnh tật, không có tiền mua thuốc, phải đi bệnh viện điều trị, không đủ sức khỏe...; “ở tù”, nói rộng ra là mất tự do, bị đe dọa, theo dõi, mọi hình thức giam hãm...
Nói chung là những hình thức đau khổ phần xác của loài người. Trước khi bàn thực tế về các mối thương xác, ta hãy xây dựng cho con em ta có từ thuở bé một tâm hồn quen yêu thương và phục vụ ngay trong gia đình.
A/ Trong nhà: Các em nhỏ vốn là cái đích qui tụ mọi yêu thương và săn sóc của cha mẹ, anh chị. Tình thương của cha mẹ là thửa đất màu mỡ và ấm áp, làm trổ sinh nơi các em tình thương kẻ khác. Được yêu thương, các em sẽ dễ biết yêu thương. Đừng lầm với với sự cưng chiều quá lố và phi lý. Được yêu thương cách hợp lý và sáng suốt, các em sẽ hấp thụ được tình thương đối với kẻ khác. Cứ xem gia đình Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đủ rõ. Có những cha mẹ nóng nảy, cộc cằn, hay chửi bới, đánh đập con cái, vô tình đã dập tắt trong lòng con cái ngọn lửa thiêng của tình thương. Đến lượt chúng, chúng cũng sẽ ích kỷ, cộc cằn, nóng nảy, chửi rủa, đánh đập kẻ khác. Cha nào con nấy. Ngược lại, chúng sẽ bắt chước lối cư xử và ăn nói đầy tình thương của cha mẹ và của người lớn mà đối xử với những kẻ khác. Vậy ngay từ nhỏ, phụ huynh hãy tập cho chúng, để dần dần lớn lên, chúng sẽ biết hướng sự chú ý và lo lắng giúp đỡ các em út trong gia đình ; rồi những kẻ nhỏ bé, yếu đuối hơn chúng cũng sẽ biết lo cho kẻ khác.
Khoa tâm lý nhi đồng cho biết: các em tỏ ra rất sung sướng khi làm được một việc tốt cho kẻ khác. Hãy phát triển tâm tính đó thành một tập quán từ ở nhà, rồi sau này ở trường học, ngoài xã hội: nào là biết cảm thương, biết đại độ, biết chia sẻ, biết giúp việc các anh chị, biết đỡ tay cho cha mẹ; tỉ dụ: đứa lớn đút cơm cho em ăn, mặc áo cho em, giữ em, đưa em đi chơi... Đã đành, các điều này thường vẫn thấy cha mẹ bảo các em làm, nhưng điều cần nhấn mạnh là tập cho các em yêu thích làm các việc đó như những cử chỉ của tình thương, chứ không phải vì cha mẹ bắt buộc, hoặc bảo phải làm, và làm cách vùng vằng, tức tối. Ngược lại, phụ huynh sẽ ghi nhận tất cả các dấu hiệu bắt đầu ló ra nơi con em về sự vô tâm, vô tình, không biết cảm thương, lãnh đạm trước những thiếu thốn hay đau khổ của kẻ khác; phụ huynh sẽ cương quyết bài trừ và tiêu diệt các mầm mống xấu đó nơi các em, nhất là bài trừ ngay những phát hiện về tính ác độc, phá hoại, chơi xấu, những thích thú làm đau đớn kẻ khác, tính phá phách, chia rẽ, xúi giục đánh nhau, gây gỗ, vv...
Khoa thanh thiếu niên phạm pháp đã cho thấy bằng chứng với những con số thống kê hùng hồn điều này: một thiếu nhi hay thanh thiếu niên không được yêu thương trong gia đình, hoặc bất hạnh vì sống trong một gia đình lục đục, thiếu đoàn kết..., sự thiếu thốn ấy sẽ tạo nên một đời sống buông thả, đuổi theo khoái lạc, truy tìm các thỏa mãn tội lỗi và bệnh hoạn, như để bù đắp lại cái thiếu thốn tình yêu chúng phải chịu trước kia; tệ hơn nữa, đi đến cực đoan, chúng sẽ thành những kẻ phá hoại, dùng vũ khí cướp giật hay giết người...Nói như thế, thiết tưởng các phụ huynh đã lưu ý tầm quan trọng của điểm vừa nói đây.
B/ Ra đến ngoài đường: Ở đây, những hình thức yêu thương, giúp đỡ người khác thật muôn hình vạn trạng như đã nói. Ta cứ tạm lấy bản kinh thương xác 7 mối mà chính Đức Giêsu đã nêu ra trong bài Tin Mừng làm căn bản.
1/ Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống: Nhu cầu căn bản và cấp bách nhất của con người là ăn uống.
a/ Trong xã hội ta, vẫn còn nhiều người thiếu ăn, ăn không đủ no. Cảnh thường thấy nhất biểu lộ tình trạng đó là các người ăn xin nhan nhản trong phố xá, và đi qua cửa nhà ta. Ta hãy giúp đỡ họ: đồng tiền, bát gạo, miếng cơm, manh áo, tùy tiện! Đành rằng có nhiều người lười biếng, không chịu lao động, kiếm ăn bằng nghề ngửa tay đi xin. Nếu ta cứ nghĩ như vậy, ta sẽ không cho bất kỳ ai, rồi thành ra chẳng bao giờ cho ai cả. Trong số đó lại chẳng có những người thật nghèo đói ư? Cho nhiều, cho ít, ta cứ cho, để dành cho Chúa sự phán xét họ. Ta đã làm trọn luật Chúa, ta đã yêu thương và Chúa thấu việc ta làm là đủ. Ta có thể cho lầm, nhưng trước mặt Chúa không lầm, việc đó vẫn có giá trị là một việc yêu thương. Vả lại, người có lòng yêu thương dồi dào, đâu có xét nét, đắn đo quá như thế?
b/ Sau những người ăn xin, còn biết bao hạng người thiếu ăn khác nữa quanh ta, trong khu phố, ấp, phường ta ở. Đừng đợi họ tới xin, nếu ta có tình thương, ta sẽ có con mắt để thấy. Tình thương có mắt. Người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, sẽ không có mắt, không bao giờ thấy nhu cầu kẻ khác. Hãy nhớ bài dụ ngôn người giàu và Ladarô trong Lc 16.9tt: Ông nhà giàu ăn bận lụa là, gấm vóc, tiệc tùng lu bù, còn La-da-rô ăn xin bị vất ở cổng nhà, đói đến độ muốn được một miếng thừa liệng dưới gầm bàn mà không được, thế mà ngày này qua ngày khác, ông nhà giàu đâu có thấy. Khi ông nhà giàu chết, ông bị phạt sa hỏa ngục vì tội gì? Không thấy nói ông có tội gì khác, mà chỉ vì tội không để ý đến người nghèo, không chia sẻ cho họ đỡ cơn đói khát.
c/ Có những người nghèo ở gần, lại có những người nghèo đói ở xa ta hàng chục, hàng trăm cây số. Ta vẫn có thể giúp họ bằng cách gửi phần đóng góp của ta vào các tổ chức từ thiện, cứu tế...Nào nạn bão lụt, thiên tai mới đây ở phía Bắc tổ quốc, ở miền Trung...
Nhìn rộng ra quốc tế, có nhiều người nghèo và chết đói ở Á châu, ở Phi châu. Theo tài liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có mấy chục triệu người chết vì đói. Ta có thương những anh em xấu số đó không? Nếu thương, ta đã làm gì giúp họ? Nhiều khi xem ciné hay ti vi, sách báo, thấy những cảnh sống xa hoa, thừa thãi quá mức, nhất là ở Tây phương, ta dễ nảy ra lòng căm tức: nhà ở quá sức lớn rộng, không biết bao nhiêu phòng ốc, bàn ăn dư thừa, bỏ mứa, đầy tủ lạnh, đầy kho...đến nỗi con chó của họ ăn còn sướng hơn một người bình thường của nước nghèo. Chả trách biết bao chiến sĩ cách mạng vì nhiệt tình yêu thương đồng loại nghèo khổ, đã nổi lên tranh đấu đòi cơm no, áo ấm, đòi công bằng trong xã hội. Tranh đấu vì tình thương, đó là họ đang có đạo Chúa, đang sống và thực hành đạo Chúa dạy trong điều cốt cán nhất của đạo. Đang khi ta là người có đạo, lại chỉ biết đi nhà thờ, dự lễ mà không biết yêu thương. Thử hỏi, ai là người thật có đạo? Ai làm đúng ý Chúa?
Bài Tin Mừng ta vừa đọc trên cho biết: người nào yêu thương, người ấy có đạo, cho dù họ không biết Chúa Giêsu. Họ nói: “Có bao giờ chúng tôi thấy Ngài”, vì họ chưa biết Chúa. Thế thì họ thấy ai? Họ nói tiếp: “Chúng tôi chỉ thấy những người nghèo đói, mình trần, bị tù..., rồi chúng tôi giúp họ mà thôi”. Chúa vạch ra cho họ điều họ không ngờ, Chúa nói: “Ấy đó! Khi các ngươi giúp những người khốn khổ ấy, là các ngươi giúp chính mình Ta, dù các ngươi không biết đó là Ta. Hỡi các con! Vì thế, các con được Cha Ta chúc phúc. Các con đã yêu thương, vậy hãy vào hưởng hạnh phúc với Cha Ta, là Đấng vô cùng yêu thương mọi người”. Để hiểu cặn kẽ điều này, xin mời anh chị em đọc bài thuyết trình của Linh mục Brê Bét-tô (Frei Betto), trong cuốn “Phi-đen (Fidel) và tôn giáo”, tr.56-66, và tr.67-73.
Tín hữu VN ta, đa số, thường chỉ nghĩ đi đạo là đi nhà thờ, dự lễ, đọc kinh, đi xưng tội, chịu các phép Bí tích, giữ điều răn, vv..., toàn chuyện thiêng liêng và lo phần rỗi linh hồn mình. Những việc giúp về nhu cầu vật chất như nói trên, họ cho là những việc nhân đức, ai làm thì có công thêm, còn không làm, cứ đi dự lễ, đọc kinh... đủ lệ là rỗi linh hồn rồi! Nghĩ như thế là sai căn bản đạo Chúa! Không cần viện các chứng cớ khác trong Kinh Thánh nhiều vô số, chỉ cần nhắc lại bài Tin Mừng vừa đọc trên, và bài dụ ngôn Chúa dạy về người giàu và La-da-rô cũng đủ rồi. Ngày phán xét ấy, không thấy Chúa tra hỏi về đọc kinh, dự lễ..., mà chỉ hỏi: có yêu thương không, và yêu thương cụ thể bằng việc làm cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ trần trụi áo mặc... không?
Sợ rằng Lời Chúa giảng còn chưa làm ta xác tín, xin lấy một chứng về việc làm của Chúa trong Tin Mừng Mc 6.32tt: Hôm ấy, Chúa giảng xong, có hơn 5.000 người theo nghe. Giờ đã muộn, và nơi đó lại hoang vu, các Tông đồ xin Chúa giải tán đám đông, để họ đi đến các thôn quanh đó mà tự mua thức ăn. Theo ý các Tông đồ, Chúa chỉ lo giảng điều thiêng liêng, lo việc rỗi linh hồn, còn chuyện ăn uống là vật chất, mặc kệ người ta tự lo lấy. Ta có nghe Chúa đáp lại làm sao không? “Việc gì phải bắt họ đi, chính các con hãy cho họ ăn!” Trời đất! Thày dạy chi lạ vậy? Chúng tôi là Tông đồ mà đi lo việc ăn uống cho người ta sao ? Các Tông đồ nghĩ bụng như thế. Động trời hơn nữa là Thày lại bảo lo cho hàng ngàn người, thì lo sao được? Dĩ nhiên là các Tông đồ bó tay...Cho hơn 5.000 người ăn phải mấy xe vận tải lương thực cho đủ? Thấy thế, Chúa lại tiếp tục bảo: "Chưa chi các con đã buông xuôi, nản lòng", thì hãy đi kiếm coi có thu lượm được chiếc bánh nào không, cứ đem tới đây! Chúa có ý dạy đừng vội nản chí, cứ cố gắng làm phần mình, dù ít ỏi, thiếu bao nhiêu, Chúa sẽ liệu sau. Thu nhặt được 5 cái bánh và 2 con cá đưa đến, nhưng bấy nhiêu có thấm tháp vào đâu! Chúa nhận lấy cái ít ỏi đó và Ngài đã từ cái chút ít ấy hóa phép ra vô số bánh đủ cho đám đông ăn no. Khi hóa bánh, Chúa còn đưa bánh phép lạ ấy vào tay các tông đồ, để các ông phát cho dân chúng ăn, hầu dạy các tông đồ phải là những người không chỉ lo việc thiêng liêng, mà còn là những người “lo cho người ta ăn” nữa, như Chúa nói lúc đầu.
Kỳ sau sẽ tiếp về thương xác mối thứ ba. Khi suy niệm Lời Chúa trong giờ đền tạ này, rõ ràng gia đình ta còn thiếu sót nhiều trong việc thi hành đức thương người. Ta hãy xin Chúa thứ tha, và xin Chúa ban ơn giúp sức, để sau khi đã hiểu, ta đem ra thực hành cho trọn đạo Chúa.

Tích truyện
Câu chuyện sau đây có thật. Một bà kia, nhờ học Lời Chúa, đã hiểu bài Tin Mừng ta đọc ở trên: Chúa coi ai làm điều gì cho người nghèo là làm cho chính Chúa. Bà mới suy ra rằng: vậy Chúa ở trong người nghèo và đón tiếp người nghèo là đón tiếp Chúa. Một hôm, bà đang giữ cháu trong nhà, nghe có tiếng kêu xin của một người hành khất ngoài cửa. Bà nghĩ: mình bỏ cháu đi ra, nhỡ cháu ngã thì chết; song chợt nhớ Lời Chúa: “Ai thương cha mẹ, vợ con hơn Ta, thì không đáng làm môn đệ Ta!”. Chúa đến ngoài cửa, ta thương cháu hơn Chúa là không được. Nghĩ vậy, bà liền đặt cháu cẩn thận rồi bước ra. Gặp người ăn xin, bà rút túi 10 đồng (hồi trước 10 đồng ấy to lắm) và lấy cả hai tay cầm dâng lên cho ông ăn xin, như thể bà dâng lên cho Chúa vậy. Cầm lấy tiền, ông hành khất rưng rưng nước mắt nói:
- Từ khi tôi đi ăn xin, người ta cho tôi cũng nhiều, nhưng tôi chưa thấy ai cho tôi không những nhiều như bà, mà nhất là còn cho với một cử chỉ tôn trọng như vậy. Thật tôi hết sức cảm động.
*************************
BÀI 30
THƯƠNG XÁC BẢY MỐI (tiếp)
Trích Tin Mừng Thánh Luca 16.19tt
Hôm ấy, Chúa Giêsu nói ngụ ngôn này để cảnh cáo những ai ích kỷ, không thương người khốn khổ khác.
Xưa, có một ông nhà giàu, ăn mặc toàn hàng xịn, tơ lụa đắt tiền, ngày ngày cỗ bàn cao lương mỹ vị, ăn uống thỏa thuê. Lại có người ăn mày tên La-da-rô, người ta vất bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, bụng đói như cào, những mong lượm được miếng cơm thừa canh cặn ăn cho đỡ đói lòng, mà không ai cho...Chỉ có con chó hoang đến liếm mụn nhọt. Rồi một hôm, người ăn mày chết và được các thiên thần đem lên thiên đàng, dự tiệc cùng thánh Tổ phụ A-bra-ham. Ông phú hộ cũng chết, nhưng bị rơi xuống hỏa ngục. Giữa những cực hình, ông ngẩng mặt lên, thấy trên kia, La-da-rô đang hưởng phúc, liền kêu to:
- Lạy cha A-bra-ham! Xin thương xót tôi với! Xin sai La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ xuống lưỡi tôi cho mát chút xíu, vì tôi đang bị quằn quại, thiêu đốt trong ngọn lửa này.
Nhưng A-bra-ham nghiêm nghị đáp:
- Hỡi kẻ ích kỷ vô tâm! Suốt đời ngươi đã sung sướng, ăn uống no nê, quần là áo lượt, bao nhiêu cái ngon, cái đẹp, ngươi hưởng hết; còn La-da-rô thì đã chịu bao đau khổ, nào đói khát, nào bệnh tật, rách rưới...Lúc ấy, ngươi có nhớ lấy chút xíu bánh hay rượu mà thấm miệng La-da-rô cho đỡ đói, đỡ khát chăng? Vậy bây giờ, tình thế đảo ngược: La-da-rô được hạnh phúc, còn ngươi phải quằn quại đau đớn, âu cũng là lẽ công bằng. Vả lại, bây giờ giữa ngươi và chúng ta, không còn có thể qua lại, giúp đỡ nhau gì được nữa, vì có một vực thẳm ngăn cách hai bên. Có giúp đỡ nhau gì thì giúp ngay khi ở trần gian, chứ bây giờ thì vô phương.
Người ấy lại nói:
- Thôi, phận con đành vậy! Nhưng con có 5 anh em còn sống. Xin Cha sai La-da-rô đến nhà răn dạy chúng đừng sống như con mà phải họa đời đời.
A-bra-ham mới nói:
- Chúng đã có Lời Chúa, có sách Kinh Thánh, có Tin Mừng dạy, cứ việc nghe và thực hành!
- Thưa Cha A-bra-ham, không đâu! Chúng cứng lòng lắm! Họa may có ai từ cõi chết hiện về bảo chúng, chúng sẽ hối cải.
A-bra-ham lắc đầu:
- Ôi! Nếu chúng không nghe Lời của chính Chúa dạy, thì cho dẫu kẻ chết có hiện về bảo, chúng cũng chẳng nghe đâu!
* Đó là Lời Chúa! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

Suy niệm lời chúa
Chúng ta đây đang nghe Lời Chúa Giêsu kể ngụ ngôn này. Chúng ta có là những kẻ ích kỷ vô tâm, chỉ lo cho thân mình, không biết nghĩ thương đến kẻ khác chăng? Chúng ta có cứng lòng, nghe Lời Chúa dạy như thế mà vẫn không thay đổi lòng ích kỷ thành tình thương yêu chăng? Hay chúng ta chờ người chết hiện về bảo mới nghe?
Hôm nay, ta bàn tiếp các mối thương xác, để biết mà thực hành những Chúa dạy.
Mối thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc:
Đi giữa phố, thấy ai cũng quần là áo lượt, mốt nọ mốt kia, ta tưởng cảnh rách rưới, không còn nữa, hay chỉ nơi những người ăn xin, cố tình vá chằng vá đụp để gợi lòng thương của người khác. Thôi, đừng nhìn ngoài phố, hãy nhìn quanh khu xóm..., ta vẫn còn nghe có kẻ nói: “Chúa nhật, tôi không đi dự lễ vì không có áo!”; vẫn còn thấy mùa đông, có người mặc chưa đủ ấm; vẫn còn có gia đình không đủ chăn mền đắp, thiếu mùng màn tránh muỗi cho con nít, cách riêng để khỏi sốt rét, sốt xuất huyết, vv...Nói rộng nữa, vẫn có những người thiếu nhà, vẫn còn những người chui rúc các ổ chuột..., sống không ra con người.
Nhìn vào trong nhà, nếu để ý, ta sẽ thấy có quần áo, mùng mền... dư thừa, hoặc không dư, song có khả năng sắm cái mới và cho các đồ cũ. Hãy gom góp lại một chỗ sẵn, để có thể cho đi. Không để ý làm như thế, chợt lúc có ai xin, hay ta định cho, ta sẽ lúng túng và bỏ lỡ dịp. Có những người quá keo kiệt, không bao giờ nghĩ rằng có thể cho ai được manh áo cũ, vì áo quần cũ, họ vẫn cần để... lau nhà! Đó là cách xử sự của những người không có chút tình thương nào trong tim cả. Lại có nhiều người khác hoàn toàn không cho ai quần áo cũ, chỉ vì không có thói quen, không ý thức vấn đề, không để ý...
Dân chúng đến hỏi ông Gioan Tẩy Giả:
- Chúng tôi phải làm gì, sinh hoa quả việc lành phúc đức nào để xứng với lòng hối cải, hòng tránh khỏi cơn thịnh nộ của phán xét Thiên Chúa?
Ông Gioan đáp:
- Kẻ có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có miếng ăn, cũng hãy làm như vậy ! (Lc 3.10-11).
Nghĩa là cách sám hối, đền tội hay nhất là thắng ích kỷ, chỉ biết lo cho mình no đủ. Quả thực, như nhà chú giải Kinh Thánh kia nói: “Có việc đền tội nào tốt hơn sự tự bắt mình phải bớt chút của cải (ở đây là bớt quần áo, đồ cũ), mà thường chúng ta dính bén quá mức?” (Pirot). Từ xưa, các tiên tri đã dạy như thế: “Thiên Chúa phán: ăn chay, đền tội, hãm mình, phạt xác đâu chỉ là rắc tro trên đầu, mặc áo vải gai thô nhặm? Ăn chay, đền tội mà Ta mến chuộng là thế này: chia sẻ miếng cơm cho người đói, cho kẻ vô gia cư trú ngụ, thấy ai mình trần, rách rưới, ngươi cho áo che thân, ngươi không tránh né giúp đỡ cho đồng bào ruột thịt ngươi” (Ys 58.5-7).
Trước lòng chai dạ đá của người có của mà ích kỷ, Thánh Tông đồ Giacôbê nói những lời hăm dọa nghe mà toát mồ hôi lạnh: “Này! Những kẻ có của, hãy khóc đi! Rú lên vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi tích trữ (không đem ra bố thí), của cải đó đã ra mục nát. Áo quần các ngươi xếp trong tủ, trong rương (không chịu phân phát cho kẻ mình trần), áo quần đó đã để mọt gặm. Tiền bạc các ngươi cất kỹ trong két sắt hay chôn giấu dưới đất, tiền bạc ấy đã bị sét rỉ! Ấy đó, tất cả những mục nát, mọt gặm, sét rỉ ấy sẽ làm chứng tố cáo tội ích kỷ các ngươi, chúng sẽ ăn thấu xương thịt các ngươi, bởi vì tích trữ mà không biết chia sẻ, vô hình chung, các ngươi đã tích trữ lửa hỏa ngục để thiêu đốt các ngươi trong ngày phán xét” (Gc 5.1-3).
Mối thứ tư: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc:
Đây là những hạng người không có phương tiện để tự mưu sinh. Ốm đau nằm một chỗ, hoặc bị giam tù làm sao kiếm sống được? Vậy mối thương người này bảo ta phải viếng thăm họ. Không chỉ thăm suông, mà nếu có phương tiện, thăm và nuôi nữa. Trong những hoàn cảnh đau buồn ấy, họ rất cô đơn, cần sự an ủi, nâng đỡ, cả tinh thần lẫn vật chất. Có thể đem đến cho họ an ủi của Lời Chúa, của sách thiêng liêng. Ở những nước khác trên thế giới, có những thanh niên nam nữ, ngay cả thiếu nhi, tình nguyện hi sinh thời giờ vui chơi, làm ăn, kiếm tiền, để đến thăm viếng các bệnh viện, phục vụ bệnh nhân và đỡ tay cho y tá, mỗi tháng một lần, vì công việc của họ quá bề bộn, nặng nề. Còn ở đất nước mình, chừng nào có thể (tỉ dụ phải được phép của ban quản lý bệnh viện nếu đi đông và khá đều đặn), cũng nên cùng nhau đi thăm các trại cùi, bệnh viện, nhà tế bần... Biết bao việc có thể làm, dù nho nhỏ, song cụ thể: gội đầu, hớt tóc, xếp giường chiếu, rửa chén bát cho bệnh nhân, viết thư và gửi thư giùm, nhắn tin, biếu sách báo để giải trí hoặc để bồi bổ tinh thần, biếu những món quà nhỏ hoặc thuốc men, vv...
Đối với tù nhân, vấn đề cũng tương tự, song có phần phức tạp hơn nhiều. Trong những trường hợp tù oan, hoặc đang bị cầm giữ đợi ngày xét xử, nếu có cách giúp để được trả tự do, thật là quí! Ở đây, có thể bước sang mối phúc thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi. Ngày xưa, thời Trung Cổ, các hiệp sĩ có lý tưởng “thế thiên hành đạo” như các võ sĩ nghĩa hiệp của ta, họ giải thoát tù nhân hay con tin bị bọn thảo khấu bắt giữ..., can thiệp chống cường hào ác bá để giải phóng những kẻ thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng. Thánh Vinh Sơn Phaolô chuyên lo tìm cách chuộc kẻ làm tôi, có lần chính Ngài tự nguyện thế chân cho một tên nô lệ chèo đại chiến thuyền... Cha Kôn-bê (Kolbe) tự nguyện chết thay cho một tù nhân ở trại tập trung Đức Quốc Xã.
Mối thứ năm: Cho khách đỗ nhà:
Ngày nay, vấn đề này quả rất khó thực hành, không chỉ do vấn đề hộ khẩu, mà còn do kinh tế eo hẹp, nhất là do con người ngày nay quá dối gian, độc ác, nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để lường gạt. Cho nên người ta đâm sợ làm phúc thành mang họa vào thân, ngay cả đối với họ hàng hoặc quen thuộc cũng vậy.
Tuy thế, việc cho khách lạ trú ngụ thật là việc bác ái rất đáng cổ võ, nhất là trong dịp hoạn nạn như chiến tranh, cháy nhà, lụt lội. Nhưng ai vượt nổi mọi e sợ, cho trú ngụ với sự ân cần, niềm nở, chứ không cau có, với tình yêu thương, săn sóc, chứ không lãnh đạm, sống chết mặc bay: người ấy thi hành một việc thương người lớn lao. Họ đã làm cho chính mình Chúa vậy, như Chúa Giêsu đã dạy thế. Còn thánh Phêrô nói: “Đức mến phủ lấp, xóa sạch vô vàn tội lỗi” (1Pr 4.8). Thánh Phaolô thì bảo: “Có kẻ nhờ đó mà không ngờ đã tiếp đón thiên thần làm khách trọ” (Hr 13.2). Ý nhắc đến tích chuyện ông Abraham cho ba người thanh niên trú ngụ và đãi cơm, không ngờ đó là các thần sứ trên trời xuống chúc phúc cho ông được sinh con trai. Nới rộng ra hơn: mối thương người này còn nhằm giúp đỡ những người lạc đường, lạc lõng, bơ vơ, cô thân cô thế, giúp một người mới bước vào xí nghiệp, công xưởng, đơn vị mình, hoặc mới tập tễnh bước vào nghề., ân cần chỉ bảo, giúp phương thế cho họ thành công, thành tài... Đó cũng là những việc bác ái lớn.
Mối thứ bảy: Chôn xác kẻ chết:
Với một thi thể đã chết, mà cũng thi hành bác ái ư? Tại sao vậy? Thưa: vì tin vào sự sống lại của thân xác: xác sống lại ngày sau hết, hợp với hồn mà hưởng phúc với Chúa. Giáo Hội làm phép xác, dâng lễ cầu hồn và an táng cách tôn kính, cũng vì coi đó là xác thánh, chứ không phải là một thây ma vô hồn như xác trâu bò, chết là hết. Không ai không tôn trọng thi hài người đã chết, cho dù người vô tín ngưỡng, vô tôn giáo đến đâu cũng vậy. Cũng như người Do thái thời xưa, chết mà không được chôn cất tử tế nơi phần mộ gia đình là một ô nhục, bất hạnh. Giúp chôn cất xác vô thừa nhận như ông Tôbi làm ngày xưa là một việc nghĩa rất lớn. Chính Chúa tán dương người phụ nữ đập bình bạch ngọc, xức dầu thơm cho thân thể Chúa, vì Chúa cho rằng bà ấy linh cảm trước là Chúa sẽ bị chết như một phạm nhân, và không được phép chôn táng tử tế, nên bà ấy đã xức dầu để liệm táng xác Chúa trước đi (Mt 16.12).
Ngày nay, vấn đề chôn xác ấy ít xảy ra cho ta, nhưng ta có thể thực hành cách khác: chẳng hạn giúp kẻ sắp sinh thì: đến đọc sách dọn mình chết lành cho người già cả, ốm nặng, hấp hối; mời linh mục cho họ chịu các phép sau hết; hoặc trong phường xóm có ai qua đời, họp nhau đến cầu hồn, cầu lễ. Những giúp đỡ cách này, cách khác cho tang gia bối rối là rất quí khi giúp đỡ vô vị lợi. Nhiều nơi có thói tục rất ngoại đạo là mở ra ăn uống, nhậu nhẹt, trong cảnh ma chay ấy, gây ra những điều nghịch mắt, chướng tai: trong nhà thì đọc kinh và khóc lóc, ngoài sân thì nhậu nhẹt, cười nói, rượu vào lời ra. Nhiều người cho ta cảm tưởng là họ đi tìm miếng ăn nơi đám ma.
Cụ Phan Kế Bính có lần than rằng: “Than ôi! Việc tử biệt là cảnh rất đau buồn, còn người đến trợ giúp nhà tang là một nghĩa vụ xã hội. Khi người ta đau đớn, có thể giúp được việc gì thì giúp, còn tưởng gì đến sự ăn uống. Phần hiếu chủ thì đang lúc buồn bã, âu sầu, còn bụng dạ nào nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi, thì cái nghĩa vụ cứu giúp nhau ở đâu?” (trích “Việt Nam phong tục”, tr.185).
Một người ngoài đạo mà còn nói được như vậy! Nghĩ tình đời thật đen bạc: Lúc người ốm nằm hấp hối thì chẳng có ai, dĩ chí người trong gia đình cũng lơ là... Thế mà người ốm vừa thở hơi cuối cùng, thì cả một “kỹ nghệ khai thác xác chết” nổi dậy hoạt động tấp nập, ầm ĩ, nào đòn đám ma, nào phường kèn, nào mổ heo, mổ gà, nào ăn uống, vv...
Có những tục lệ ngoại đạo từ ngoại giáo du nhập vào lễ an táng của người công giáo, song không thể chấp nhận được. Có nhiều lắm, chỉ kể ra đây một hai điều. Như thấy ở nơi nọ thuê dàn kèn đám ma, con hát về khóc mướn theo tiếng kèn ò e, í e..., khóc sao có bài bản thật hay thì được thưởng tiền. Có người bắt chước ngoại giáo, đi đưa linh cửa mà lăn lộn ngất xỉu trên đường trước quan tài, hoặc lăn nhào xuống huyệt, như muốn chết theo; hoặc làm ma chay thật linh đình để lấy tiếng khen, khoe của, khoe công, mà ngờ đâu đạo hiếu của người ấy chỉ là che mắt thế gian, lúc người ốm còn sống thì đối xử tàn tệ, bạc đãi, đến nỗi có câu ca dao chế rằng:
“ Còn sống thì chẳng cho ăn. Chết đi cúng kiếng làm văn tế ruồi ”.
Những thói tục ấy chẳng lợi gì cho linh hồn người quá cố, mà còn biểu lộ một sự yếu kém đức tin trầm trọng về số phận của linh hồn người chết nơi thế giới bên kia. Cho nên, thánh Phaolô dạy: “Tôi không muốn để anh em không biết chút gì về số phận những người đã chết, ngõ hầu anh em đừng buồn phiền, sầu não như kẻ không có đức tin và không có niềm hi vọng vào sự sống lại. Đây tôi cho biết: những ai chết trong ơn nghĩa Chúa, Thiên Chúa sẽ cho họ ở làm một với Chúa Kitô. Rồi ngày sau lúc Chúa Tái Lâm, những kẻ đã chết sẽ sống lại, và chúng ta tất cả sẽ được lên ở với Chúa mãi muôn đời” (1Tx 4.13-17).

Tích truyện
Một câu chuyện vui cười về chôn xác kẻ chết: Ông già ốm nặng sắp chết, nằm thoi thóp. Ở phòng bên cạnh, các con ông bàn tán việc lo liệu ma chay. Anh nào cũng keo kiệt, không muốn bỏ tiền để làm ma cho ông. Kẻ thì bàn: mua cho ông chiếc hòm thật rẻ. Kẻ khác nói: không nên thuê xe tang có ngựa kéo, tự ta khiêng quan tài đi chôn cũng được. Nghe họ bàn vậy hoài, ông già gọi các con lại bảo:
- Thôi, để tao đi bộ ra nghĩa địa mà chết ngoài đó 
cho rồi!
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất, cho kẻ đói ăn.
Thứ hai, cho kẻ khát uống.
Thứ ba, cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm, cho khách đỗ nhà.
Thứ sáu, chuộc kẻ làm tôi.
Thứ bảy, chôn xác kẻ chết.

No comments:

Post a Comment